Tại Hội thảo, Bà Dina Umali-Deininger, Giám đốc thực hành nhóm nông nghiệp và thực phẩm của Ngân hàng Thế giới WB chúc mừng Việt Nam thực hiện thành công Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT). VnSAT giúp nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi theo hướng bền vững, đồng thời định hướng và giúp người dân thực hành nhiều tiến bộ kỹ thuật, vừa giúp tăng năng suất lúa gạo vượt trội, vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam đã có Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Việc giảm phát thải khí nhà kính sẽ giúp Việt Nam duy trì năng lực canh tranh xuất khẩu vì thị trường EU yêu cầu các sản phẩm sạch và xanh. Người tiêu dùng EU sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm nông nghiệp bền vững. Theo Bà Dina Umali-Deininger, từng tỉnh có thể xây dựng chương trình riêng phù hợp nhằm đạt mục tiêu chung là giảm 9 triệu tấn khí nhà kính trong nông nghiệp.
Theo Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp, xuất phát từ kết quả dự án VNSAT thực hiện ở ĐBSCL và Tây Nguyên và xuất phát từ yêu cầu mới của Việt Nam và WB, ngày 31/3/2022, Lãnh đạo WB đã họp với Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT để thảo luận nội dung và cách thức xây dựng “Dự án Phát triển nông nghiệp các bon thấp và tăng trưởng xanh”. Với ý tưởng “Việt Nam đề xuất chương trình giảm 9 triệu tấn khí thải nhà kính (KNK) trong ngành nông nghiệp” nhằm đảm bảo cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phù hợp với Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu COP26. Mục tiêu của dự án, là thúc đẩy chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp xanh, các bon thấp bền vững trong các khu vực dự án.
Để giảm 9 triệu tấn KNK, cây trồng được lựa chọn ưu tiên số 1 là lúa thông qua các giải pháp như: Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang hệ thống canh tác các-bon thấp, áp dụng các biện pháp kỹ thuật một phải năm giảm; Quản lý rơm rạ tốt hơn, giảm tổn thất thu hoạch/sau thu hoạch. Cùng với lúa, cây ăn quả cũng được lựa chon là ưu tiên thứ hai. Một mặt, cây ăn quả tương tư như cây rừng hấp thụ các bon, mặt khác đây là cây trồng đang có tiềm năng tăng trưởng xanh, và có thể thay thế cho vùng lúa kém hiệu quả. Trong một số trường hợp đặc biệt có thể chuyển lúa sang lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Đối với các tỉnh đã tham gia dự án VnSAT, tiếp tục ưu tiên nhân rộng các mô hình, biện pháp kỹ thuật đã được kiểm chứng tại dự án VnSAT. Số lượng tỉnh được WB dự kiến lựa chọn xây dựng đề xuất dự án Giai đoạn 1 là 8-10 tỉnh (các tỉnh thuộc vùng sinh thái ưu tiên là ĐBSCL và ĐBSH, nơi có tiềm năng đóng góp vào giảm khí thải nhà kính, tăng trưởng xanh).
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh bày tỏ sự cảm ơn đối với WB đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công Dự án VnSAT. Thứ trưởng tin tưởng dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp các bon thấp hợp tác với Ngân hàng thế giới sẽ kế thừa nhiều giá trị của VnSAT. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn WB sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để có được ngành nông nghiệp phát thải các bon thấp trong tương lai.