Viêm khớp vảy nến (Psoriatic arthritis) là một trong những thể lâm sàng của bệnh vảy nến. Đây là thể bệnh ít gặp, mức độ nặng, có thể gây biến dạng khớp, tàn phế hoặc thậm chí là tử vong do biến chứng nội tạng. Vì chưa thể chữa trị hoàn toàn nên điều trị bệnh được thực hiện với mục đích là kiểm soát triệu chứng, làm chậm tiến triển và duy trì chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Viêm khớp vảy nến là bệnh gì?
Viêm khớp vảy nến/ vảy nến thể khớp/ thấp khớp vảy nến (Psoriatic arthritis) là một trong những thể lâm sàng của bệnh vảy nến/ vẩy nến. Đây là thể bệnh có mức độ nặng và ít gặp hơn so với thể lành tính như vảy nến thể mảng, vảy nến thể chấm giọt, vảy nến đồng tiền,… Các triệu chứng của viêm khớp vảy nến có nhiều nét tương đồng với bệnh viêm khớp dạng thấp – một dạng viêm khớp mãn tính do tự miễn.
Thống kê cho thấy, có từ 10 – 30% bệnh nhân vảy nến có tổn thương khớp. Viêm khớp thường xuất hiện sau khi bùng phát tổn thương da (chiếm hơn 80%). Trong đó, chỉ có khoảng 15% trường hợp xuất hiện tổn thương da, khớp cùng lúc và 10% xuất hiện viêm khớp trước khi bùng phát triệu chứng ngoài da.
Viêm khớp vảy nến là thể bệnh nặng có thể gây biến dạng khớp, tổn thương nội tạng và tàn phế. Tương tự như các thể lâm sàng khác, chưa có phương án điều trị viêm khớp vảy nến dứt điểm. Chính vì vậy, bệnh nhân cần tích cực trong chăm sóc và điều trị để kiểm soát triệu chứng, tiến triển. Qua đó làm giảm ảnh hưởng của bệnh lên sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Triệu chứng của bệnh viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến không chỉ gây triệu chứng trên da mà còn có các biểu hiện ở khớp. Mức độ triệu chứng có sự khác biệt ở từng bệnh nhân và từng giai đoạn phát triển của bệnh. Nếu không chú ý đến tổn thương da, các triệu chứng ở khớp của bệnh lý này rất dễ bị nhầm lẫn với viêm khớp dạng thấp.
1. Triệu chứng trên da
Vảy nến thể khớp thường xuất hiện tổn thương da trước khi bùng phát các triệu chứng ở khớp. Tổn thương da của thể bệnh này tương đối đa dạng, thường gặp nhất là các thể lâm sàng như:
- Vảy nến thể mảng: Vảy nến thể mảng là thể bệnh có đặc tính dai dẳng và cố thủ. Thể bệnh này xuất hiện tổn thương da chủ yếu ở những vùng tỳ đè như mặt trước cẳng chân, đầu gối, khuỷu tay, xương cùng, lưng, ngực,… Triệu chứng điển hình là các mảng lớn có đường kính từ 5 – 10cm hoặc hơn, màu đỏ sẫm, gồ cao, bề mặt bong nhiều vảy trắng và có ranh giới rõ so với những vùng da xung quanh.
- Vảy nến thể chấm giọt: Vảy nến thể chấm giọt đặc trưng là các tổn thương dạng chấm, kích thước từ 1 – 2mm, màu đỏ, bề mặt có vảy bong, gồ cao, mọc rải rác và có ranh giới rõ so với những vùng da lành. Tổn thương da do thể bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến vùng da đầu, tay và nửa phần thân trên.
- Vảy nến thể mủ: Vảy nến thể mủ (vảy nến mụn mủ) là một trong những thể nặng, ít gặp. Thể bệnh này đặc trưng bởi sự xuất hiện của các mụn mủ vô khuẩn với đường kính từ 1 – 2mm, mọc khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc xuất hiện lan tỏa khắp cả cơ thể. Thống kê cho thấy, vảy nến mụn mủ toàn thân gặp ở 20 – 40% bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến.
- Vảy nến thể đỏ da toàn thân: Tương tự như vảy nến thể mủ, vảy nến đỏ da toàn thân là thể bệnh nặng, ít gặp. Thể bệnh này ảnh hưởng đến toàn bộ vùng da của cơ thể, da đỏ tươi, phù nề, rớm dịch và phủ có vảy da ẩm ướt, ngứa dữ dội và đau rát – đặc biệt là ở những nếp kẽ. Ngoài tổn thương da, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số triệu chứng toàn thân như rối loạn tiêu hóa, rét run và sốt cao.
2. Biểu hiện ở khớp
Biểu hiện ở khớp do viêm khớp vảy nến thường bùng phát sau khi xuất hiện tổn thương da. Viêm khớp vảy nến có triệu chứng tương đối đa dạng và diễn tiến theo từng đợt. Đặc biệt, các triệu chứng lâm sàng thường không cố định mà có thể thay đổi tùy theo từng đợt bùng phát.
Các triệu chứng nhận biết viêm khớp vảy nến:
- Sưng đau khớp là triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm khớp vảy nến
- Sau một thời gian, khớp bị biến dạng đẫn đến hạn chế cử động
- Nếu tổn thương xuất hiện ở các ngón tay, ngón chân, ngón thường có hiện tượng biến dạng, co rút như các nhánh gừng
- Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị tàn phế, tổn thương nội tạng và tử vong
Theo thống kê, viêm khớp do vảy nến thường gây tổn thương các khớp sau:
- Khớp lớn (chiếm 80%): Thường có mức độ nhẹ, ít gây biến dạng và tàn phế khớp.
- Khớp cùng chậu, vảy nến cột sống (chiếm 10%)
- Khớp ngoại biên: Chủ yếu ở khớp háng, khớp gối, đặc điểm đối xứng và có nguy cơ biến dạng nặng dẫn đến bất động và tàn phế
- Khớp liên đốt xa (khớp gần đầu ngón tay) chiếm 10%
Các triệu chứng viêm khớp do vảy nến có tiến triển mãn tính, dai dẳng tương tự như viêm khớp dạng thấp.
3. Một số triệu chứng khác
Ngoài tổn thương da và khớp, viêm khớp vảy nến còn gây ra một số triệu chứng khác như:
- Viêm gân gót
- Viêm gân bám
- Viêm kết mạch
- Tổn thương móng (móng bị tách ra khỏi cấu trúc da, có hiện tượng dày sừng, đổi màu, bị ăn mòn và phá hủy)
- Bệnh van tim
- Viêm màng bồ đào
Nguyên nhân gây viêm khớp vảy nến
Tương tự như các thể vảy nến khác, nguyên nhân chính xác gây ra vảy nến thể khớp vẫn chưa xác định. Tuy nhiên, cơ chế bệnh sinh được xác định là có liên quan mật thiết đến rối loạn hoạt động miễn dịch.
1. Cơ chế bệnh sinh
Ở bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến, quá trình chu chuyển tế bào sừng bị rối loạn dẫn đến hiện tượng sừng hóa móng và da. Rối loạn trong quá trình chu chuyển của da thường bị kích hoạt bởi gen gây bệnh nằm trên nhiễm sắc thể số 6. Kết quả là hoạt hóa tế bào lympho T, tăng sản xuất các yếu tố gây viêm (cytokine), tăng gián phân và hệ quả là tốc độ chu chuyển tế bào thượng bì bị rút ngắn chỉ còn 2 – 4 ngày. Trong khi đó ở người bình thường, quá trình này mất từ 20 – 27 ngày.
Đối với vảy nến thể khớp, các yếu tố miễn dịch bất thường ảnh hưởng đến cả mạch máu, khớp và các điểm bám tận. Dẫn đến sự xuất hiện của các triệu chứng ở khớp sau khi tổn thương da bùng phát.
2. Nguyên nhân + yếu tố bùng phát bệnh
Mặc dù chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng cơ chế bệnh sinh của vảy nến nói chung và vảy nến thể khớp nói riêng có mối liên hệ chặt chẽ với 3 yếu tố là miễn dịch, di truyền và tác động từ môi trường. Cụ thể như sau:
- Di truyền: Nguy cơ bị viêm khớp vảy nến tăng lên đáng kể nếu những người cận huyết thống có tiền sử dị vảy nến thể khớp và các thể thông thường. Nguyên nhân là do bệnh có khả năng di truyền cao. Nghiên cứu cho thấy, các gen gây bệnh nằm trên nhiễm sắc thể số 6. Do đó, các gen này có thể di truyền cho thế hệ sau và dẫn đến tăng nguy cơ bị vảy nến.
- Miễn dịch: Vảy nến thể khớp là bệnh lý có liên quan đến rối loạn miễn dịch. Cụ thể, các chuyên gia nhận thấy người mắc bệnh lý này có sự gia tăng của tế bào đơn nhân, tế bào lympho T, đại thực bào, tăng hoạt động của các bổ thể và tăng sản xuất các yếu tố gây viêm/ cytokines (TNF alpha, IL 1 beta, IL 6, kháng thể kháng keratin,… Sự bất thường của hệ miễn dịch chính là yếu tố gây ra các bệnh tự miễn nói chung và viêm khớp vảy nến nói riêng.
- Môi trường: Các triệu chứng của vảy nến thể khớp chỉ bùng phát khi có những tác động từ môi trường như chấn thương, nhiễm virus HIV, vi khuẩn Streptococcus,…
Viêm khớp vảy nến có nguy hiểm không?
Viêm khớp vảy nến là thể lâm sàng ít gặp và có mức độ nặng. Chính vì vậy, bệnh nhân cần phải chủ động thăm khám và điều trị để được theo dõi chặt chẽ. Không giống với các thể lâm sàng khác, vảy nến thể khớp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, ngoại hình, tâm lý và chất lượng cuộc sống.
Một số biến chứng thường gặp của bệnh viêm khớp vảy nến:
- Giảm chất lượng cuộc sống: Có thể thấy, các triệu chứng ở da và khớp do bệnh lý này gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Thực tế cho thấy, bệnh nhân mắc bệnh lý này thường rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu, luôn tự ti về ngoại hình, hiệu suất học tập và lao động đi xuống do khớp sưng đỏ, đau nhức gây hạn chế khả năng vận động.
- Dính khớp: Nếu không điều trị đúng cách, bệnh nhân có thể bị dính khớp và tàn phế ngay từ khi còn trẻ – đặc biệt là khớp ngón, khớp gối và khớp háng. Mặc dù không thể ngăn chặn hoàn toàn nhưng điều trị theo đúng hướng dẫn có thể làm chậm quá trình tổn thương khớp, từ đó bảo toàn chức năng vận động và duy trì chất lượng cuộc sống.
- Tổn thương nội tạng: Các yếu tố miễn dịch bất thường ở bệnh nhân vảy nến thể khớp còn có thể tấn công và phá hủy cơ quan nội tạng. Đối với bệnh nhân đã gặp phải biến chứng nội tạng, tiên lượng bệnh thường rất xấu, nguy cơ tử vong cao.
Có thể thấy, viêm khớp vảy nến là bệnh có mức độ nặng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân – đặc biệt là khi bệnh khởi phát từ khi còn trẻ. Do đó, bệnh nhân cần chủ động thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán, đưa ra kế hoạch chăm sóc và điều trị phù hợp.
Chẩn đoán bệnh viêm khớp vảy nến
Chẩn đoán viêm khớp vảy nến là bước quan trọng trước khi can thiệp các phương pháp điều trị. Qua chẩn đoán, bác sĩ có thể xác định được bệnh, đồng thời đánh giá mức độ tổn thương da và khớp, từ đó lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp bao gồm thăm khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu:
- Thăm khám lâm sàng: Thăm khám lâm sàng là bước đầu tiên trong chẩn đoán viêm khớp vảy nến. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ quan sát tổn thương ngoài da, thu thập triệu chứng khớp mà bệnh nhân gặp phải, khai thác tiền sử cá nhân và gia đình.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu ở vai trò quan trọng trong chẩn đoán và đánh giá mức độ của viêm khớp vảy nến. Ở bệnh nhân mắc bệnh lý này, xét nghiệm cho thấy tốc độ lắng máu cao, tăng CRP trong giai đoạn viêm khớp, có thể tăng axit uric, anti CCP (-) và RF (-). Ngoài ra ở những trường hợp tổn thương khớp nặng, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để phát hiện sự hiện diện của virus HIV.
- Chẩn đoán hình ảnh: Bao gồm MRI khung chậu/ khớp và chụp X-Quang bị khớp bị tổn thương. Hình ảnh từ các xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định bệnh, đồng thời đánh giá mức độ tổn thương khớp ở bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến.
Chẩn đoán xác định bệnh viêm khớp vảy nến được dựa vào tiêu chuẩn CASPAR. Bệnh được chẩn đoán khi bệnh nhân có từ 3 điểm trở lên.
Bảng tiêu chuẩn CASPAR chẩn đoán viêm khớp vảy nến:
- Vảy nến đang hoạt động (2 điểm)
- Tiền sử gia đình bị vảy nến (1 điểm)
- Tiền sử vảy nến (1 điểm)
- Viêm ngón tay, ngón chân (1 điểm)
- Tổn thương móng (1 điểm)
- Tiền sử viêm ngón tay, ngón chân (1 điểm)
- RF (-) (1 điểm)
- Gai xương quanh khớp trên X-Quang (1 điểm)
Tiêu chuẩn CASPAR có độ nhạy lên đến 98.7% nên được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán xác định bệnh vảy nến thể khớp.
Các phương pháp điều trị viêm khớp vảy nến
Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị viêm khớp vảy nến dứt điểm. Tuy nhiên, các biện pháp y tế và hỗ trợ có thể làm giảm tổn thương ở da, khớp và một số cơ quan khác. Với mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ cân nhắc về biểu hiện lâm sàng, mức độ triệu chứng và khả năng đáp ứng để chỉ định phương pháp phù hợp và ít rủi ro nhất.
1. Điều trị tổn thương da do vảy nến
Tổn thương da là triệu chứng gặp ở hầu hết bệnh nhân bị vảy nến thể khớp. Để điều trị triệu chứng này, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc cho thể khu trú và quang hóa trị liệu cho thể lan tỏa.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị tổn thương da ở bệnh nhân vảy nến thể khớp:
- Retinoids: Thường dùng là Isotretinoin và Acitretin. Nhóm thuốc này được sử dụng phổ biến khi điều trị vảy nến thể khớp, thể đỏ da toàn thân và thể mụn mủ. Thuốc có tác dụng kháng tân tạo và kháng nhiễm sừng, từ đó biệt hóa tế bào và điều hòa tăng trưởng tế bào thượng bì. Retinoids có thể làm giảm tổn thương da và chống thâm nhiễm do vảy nến hiệu quả.
- Corticoid dạng bôi: Corticoid có tác dụng ức chế miễn dịch tại chỗ, từ đó giúp chống viêm, chống gián phân và giảm tổn thương da đáng kể. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng cải thiện các triệu chứng cơ năng của bệnh như ngứa, châm chích,… Tuy nhiên, corticoid không được dùng dài ngày mà chủ yếu sử dụng theo từng đợt, mỗi đợt từ 20 – 30 ngày.
- Calcipotriene: Calcipotriene được sử dụng ở dạng bôi với tác dụng kích thích quá trình biệt hóa tế bào sừng và ức chế tăng sinh tế bào thượng bì quá mức. Thuốc mang lại hiệu quả cao trong điều trị tổn thương da ở bệnh nhân vảy nến thể khớp nhưng chỉ được dùng khu trú và cần tránh sử dụng lên vùng da mặt.
Đối với thể lan tỏa, điều trị chủ yếu là áp dụng quang hóa trị liệu (UVB, PUVA). Phương pháp này có tác dụng điều biến miễn dịch, chống hoạt động của tế bào lympho T. Qua đó làm giảm sản xuất các chất trung gian và cải thiện tổn thương da rõ rệt.
2. Điều trị viêm khớp do vảy nến
Tổn thương khớp do bệnh vảy nến thể khớp tương đối đa dạng nhưng gặp nhiều hơn ở khớp ngoại biên và khớp trục (cột sống, xương cùng). Hiện nay, điều trị viêm khớp chủ yếu là dùng thuốc và vật lý trị liệu.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm khớp do vảy nến:
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): NSAID được sử dụng trong trường hợp có viêm khớp nhằm giảm đau và chống viêm. Loại thuốc thường được sử dụng bao gồm Piroxicam, Naproxen, Celecoxib và Diclofenac. Đây là nhóm thuốc gây hại dạ dày và làm tăng biến cố tim mạch nên chủ yếu được dùng trong thời gian ngắn.
- Corticoid tại chỗ: Corticoid tại chỗ (tiêm các điểm bám tận, tiêm nội khớp) được áp dụng khi NSAID không mang lại hiệu quả, khớp sưng viêm và đau nhức nhiều. Tuy nhiên, corticoid tại chỗ gây ra nhiều biến chứng và rủi ro nên chỉ được thực hiện khi cần thiết.
- Thuốc chống thấp khớp (DMARDs): Thuốc chống thấp khớp (DMARDs) là thuốc đặc hiệu trong điều trị viêm khớp vảy nến và các bệnh có cơ chế tự miễn. Nhóm thuốc này có tác dụng chậm nên thường được phối hợp với NSAID và corticoid trong giai đoạn đầu. Các DMARDs được sử dụng phổ biến, bao gồm Cyclosporin, Leflunomide, Sulfasalazine và Methotrexate.
- Thuốc sinh học: Khi điều trị bằng thuốc chống thấp khớp thất bại, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc sinh học. Thuốc có tác dụng kháng TNF, điều hòa miễn dịch, từ đó cải thiện triệu chứng và kiểm soát tiến triển của viêm khớp vảy nến. Thuốc sinh học được sử dụng trong điều trị bệnh lý này thường là Infliximab và Etanercept.
Một số lưu ý khi dùng thuốc trong điều trị viêm khớp vảy nến:
- Không dùng corticoid toàn thân vì có thể làm bùng phát tổn thương da do vảy nến hoặc thậm chí gây vảy nến thể đỏ da toàn thân.
- Viêm khớp vảy nến gây tổn thương khớp trục (cột sống, khớp cùng chậu) thường đáp ứng kém thuốc chống thấp khớp nên được điều trị bằng thuốc sinh học sớm hơn so với tổn thương khớp ngoại biên.
- Bệnh nhân cần được đánh giá chức năng gan, thận, tầm soát lao,… trước khi dùng thuốc sinh học.
Ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu để bảo tồn chức năng và hạn chế biến dạng khớp. Phương pháp này thường được chỉ định cho bệnh nhân bị viêm khớp trục (cột sống, xương cùng).
3. Các biện pháp hỗ trợ
Viêm khớp vảy nến là thể lâm sàng có mức độ nặng, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Hiện nay, các phương pháp y tế được áp dụng chỉ có thể giảm triệu chứng và kiểm soát tiến triển của bệnh. Do đó song song với điều trị y tế, bệnh nhân nên kết hợp với các biện pháp hỗ trợ như:
- Tập yoga: Yoga là bộ môn luyện tập tác động toàn diện đến thể chất và tinh chất. Bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến nên dành 30 phút mỗi ngày để tập yoga nhằm cải thiện độ dẻo dai của cột sống, các khớp, đồng thời giải phóng căng thẳng và lo âu. Thực tế cho thấy, tập yoga thường xuyên có thể làm chậm hiện tượng dính khớp – đặc biệt là khớp cùng chậu.
- Tắm nắng: Tắm nắng là biện pháp hỗ trợ điều trị vảy nến đã được chứng minh về hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy, tắm nắng từ 5 – 10 phút mỗi ngày trong khung giờ từ 7:00 – 10:00 có thể giảm tổn thương da do vảy nến đáng kể. Nguyên nhân là do tia UV và vitamin D trong ánh nắng có khả năng điều biến miễn dịch, giảm hoạt động của lympho T và hạn chế các bất thường trong tăng sinh tế bào sừng.
- Sinh hoạt, ăn uống điều độ: Bệnh nhân vảy nến nói chung và viêm khớp vảy nến nói riêng cần duy trì thói quen ăn uống, sinh hoạt điều độ để duy trì thể trạng và hệ miễn dịch. Thể trạng tốt giúp làm chậm quá trình phá hủy khớp và giảm các bất thường của yếu tố miễn dịch.
Lối sống, cách chăm sóc cho người bị viêm khớp vảy nến
Ngoài các phương pháp điều trị, bệnh nhân viêm khớp vảy nến cần xây dựng chế độ chăm sóc và lối sống khoa học để hỗ trợ kiểm soát bệnh:
- Tập thể dục 30 phút mỗi ngày để cải thiện độ dẻo dai và duy trì chức năng của các khớp. Tuy nhiên, nên tập các bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, yoga và hạn chế các bộ môn có cường độ mạnh.
- Tránh các yếu tố có khả năng bùng phát mạnh như chấn thương, nhiễm trùng, căng thẳng thần kinh quá mức, suy nhược,…
- Bệnh nhân không nên sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê và chất kích thích. Bởi đa phần người bị vảy nến đều có hệ thần kinh nhạy cảm và dễ bùng phát bệnh khi sử dụng các chất kích thích kể trên.
- Vệ sinh cơ thể và dưỡng ẩm thường xuyên để duy trì tính toàn vẹn của da.
- Giữ tâm lý lạc quan, tránh lo âu và căng thẳng quá mức.
- Kiểm tra sức khỏe và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời phát hiện và xử lý khi có các dấu hiệu bất thường.
- Duy trì cân nặng vừa phải nhằm giảm áp lực lên các khớp xương như khớp gối, khớp háng, cột sống và xương cùng. Biện pháp này có thể cải thiện mức độ của các triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh đáng kể.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học nhằm nâng đỡ thể trạng, qua đó duy trì chất lượng cuộc sống và giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh.
Viêm khớp vảy nến là thể lâm sàng ít gặp và có mức độ nặng. Vì chưa có phương pháp điều trị dứt điểm nên bệnh nhân cần tích cực chăm sóc và chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Tình trạng chủ quan có thể khiến bệnh tiến triển nặng dẫn đến thể đỏ da toàn thân, biến dạng khớp, tàn phế và tử vong do biến chứng nội tạng.