Viêm amidan hốc mủ là một bệnh lý tai mũi họng phổ biến, nó là sự tổn thương viêm nhiễm cấp hoặc mạn tính tuyến amidan, chủ yếu là do virus, vi khuẩn gây ra. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm thận, viêm khớp, viêm xoang, áp xe amidan…
Viêm amidan hốc mủ là gì?
Như chúng ta đã biết, amidan là bộ phận có có chức năng sản sinh ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập và tác động của virus, vi khuẩn thông qua đường thở hoặc đường ăn. Bên cạnh đó, do cấu trúc của amidan có nhiều khe hốc khuất nên vi khuẩn và thức ăn thừa dễ tồn đọng và trú ngụ ở đó tạo thành các ổ viêm nhiễm
Đây chính là nguyên nhân cũng như cơ chế gây ra bệnh viêm amidan. Lúc này, khi vi khuẩn gây bệnh đã xâm nhập vào trong cơ thể và tồn tại ở đó một khoảng thời gian dài sẽ tạo thành các khối dịch mủ, vón cục như bã đậu. Cùng với đó là sự hoạt động của cơ họng trong quá trình nhai nuốt cùng với việc cọ xát giữa thức ăn và thành họng nên hình thành ngày càng nhiều kén mủ trong hốc amidan.
Chúng có một vài đặc điểm nhận biết là những hạt lấm tấm màu trắng xanh, có chứa dịch mủ và mùi hôi khó chịu. Đây chính là tình trạng viêm amidan hốc mủ phổ biến. Ngoài ra, khi bị viêm amidan hốc mủ ngườ bệnh sẽ phải đối mặt với một số triệu chứng điển hình sau:
- Bên trong cổ họng lúc nào cũng bị đau rát, có cảm giác hơi vướng, nghẹn và khó chịu.
- Khối amidan quá phát, phình to ra, có màu đỏ tươi, căng bóng kèm theo dịch mủ bám xung quanh trên bề mặt.
- Miệng lưỡi môi khô hốc, hơi thở có mùi hôi khó chịu do bên trong cổ họng chứa nhiều dịch mủ, chúng ứ đọng lâu ngày và gây ra hôi thối.
- Người bệnh bị ho kéo dài, ho có đờm, khạc nhổ ra dịch đờm kèm mủ có màu trắng xanh.
- Sốt cao kéo dài không khỏi, tái đi tái lại nhiều lần, kiệt sức, mệt mỏi, toàn thân đau nhức.
Viêm amidan hốc mủ có nguy hiểm không? Có lây không?
Viêm amidan hốc mủ là một trong những bệnh lý được xếp vào nhóm nguy hiểm và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cùng các biến chứng khó lường nếu bệnh không được điều trị kịp thời, đúng cách và dứt điểm. Người mắc bệnh viêm amidan hốc mủ bị suy giảm sức khỏe, tinh thần xuống dốc và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề.
Xét về mặt bệnh lý, viêm amidan hốc mủ được xem là căn bệnh rất nguy hiểm nếu không tích cực điều trị. Có thể kể đến một số biến chứng thường gặp như:
Các biến chứng gần
Viêm amidan đợt cấp là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh viêm amidan hốc mủ. Khi gặp phải biến chứng này người bệnh sẽ bị đau rát cổ họng dữ dội dẫn đến nuốt đau, sốt cao 39 – 40 độ, gây ra khản tiếng, lạc giọng.
Kết quả thăm khám cho thấy amidan trong hầu họng bị sưng to, đỏ tấy, các khe hốc amidan tiết ra dịch mủ nhầy nhớt. Kèm theo đó là bề mặt amidan có nhiều lớp giả mạc trắng dày.
Đây cũng là một trong những biến chứng rất dễ xảy ra của bệnh viêm amidan hốc mủ. Lúc này vi khuẩn sẽ tạo ra các ổ mủ dày đặc bao quanh amidan và gây ra tình trạng áp xe. Một vài các triệu chứng phổ biến của trường hợp này như sốt cao, đau họng, ho khan hoặc ho có đờm, lượng bạch cầu trong máu tăng cao…
Đến thời điểm này nếu không được tích cực điều trị sẽ càng khiến cho khối áp xe trở nên viêm nặng, dẫn lưu mủ dẫn đến vỡ mủ vào bên trong phổi gây ra những hậu quả khó lường như áp xe phổi, viêm phổi, nhiễm trung huyết và thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Một số biến chứng về phổi như viêm phổi, viêm phế quản cũng có thể xảy ra nếu viêm amidan hốc mủ không được chữa trị. Nguyên nhân là do mủ chảy từ amidan xuống cổ họng, đi vào phổi và gây ra những triệu chứng bất thường tại đây. Biến chứng này thường xuất hiện phổ biến ở người lớn tuổi, trẻ em hay những người có sức đề kháng kém.
- Gây một số bệnh lý về tại các cơ quan khác
Các loại vi khuẩn, virus, nấm… tồn tại trong các ổ viêm amidan không chỉ gây nhiễm trùng tại đó mà nó còn có khả năng lây lan sang những vị trí khác trong cơ thể và gây ra một số bệnh lý như bệnh răng miệng, viêm tai giữa, viêm xoang, … Kèm theo đó là tình trạng hôi miệng nặng khiến người bệnh bị mất đi sự tự tin trong giao tiếp.
Khi khối amidan bị viêm và phì đại gây bít tắc đường thở dẫn đến rối loạn nhịp thở. Nếu người bệnh còn mắc đồng thời bệnh viêm VA phì đại thì càng làm tăng nặng tình trạng ngủ ngáy, nghiêm trọng hơn gây ra khó ngủ hoặc thở khò khè, thậm chí là mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Các biến chứng xa
Có rất nhiều bệnh do các biến chứng của viêm amidan gây ra như viêm khớp, viêm thận, suy tim, nhiễm khuẩn huyết, phù mặt, phù chi, viêm tim… Trong số đó, có một vài trường hợp gặp phải các biến chứng đặc biệt như:
- Biến chứng viêm van tim, viêm khớp
Viêm amidan hốc mủ gây ra viêm họng và một trong những biến chứng của viêm họng chính là gây nhức mỏi khớp gối, khớp tay, khớp cổ tay, người bệnh mệt mỏi, kiệt sức do các cơn đau nhức gây ra.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cấu tạo của vi khuẩn gây bệnh viêm amidan tương đồng cấu trúc của van tim. Do đó, cứ mỗi đợt viêm cơ thể lại tạo ra một lượng lớn kháng thể để chống lại sự tấn công của vi khuẩn gây viêm amidan. Chính điều này cũng tạo điều kiện để kháng thể cũng tác động đến niêm mạc van tim và cấu trúc khớp, hậu quả là gây biến đổi van tim và thoái hóa khớp.
Các ổ khuẩn, độc tố gây bệnh viêm họng khi lây lan sang thận nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm tổn thương đến chức năng thận. Đây cũng là lý do lý giải nguyên nhân vì sao khi bị viêm amidan lại thường gây ra biến chứng viêm thận nguy hiểm.
Biến chứng này thường diễn tiến một cách âm thầm, âm ỉ và dai dẳng trong một thời gian dài nên có rất ít người quan tâm và tiến hành điều trị. Đến khi bệnh bộc phát ra thì đã quá trễ nên dẫn đến suy thận là điều tất yếu.
Bên cạnh các biến chứng nguy hiểm thì nhiều người bệnh cũng băn khoăn tự hỏi không biết viêm amidan hốc mủ có lây hay không. Câu trả lời từ các chuyên gia là KHÔNG. Mặc dù viêm amidan hốc mủ là bệnh do virus hoặc vi khuẩn nhưng nó hoàn toàn không có khả năng lây lan như mọi người vẫn nghĩ. Vì vậy, người bệnh không cần phải quá lo sợ sẽ lây bệnh cho người khác khi lỡ tiếp xúc.
Viêm amidan hốc mủ có cần cắt không? Khi nào nên cắt
Đã có không ít trường hợp bị viêm amidan hốc mủ vài lần là người bệnh đã nghĩ ngay đến việc cắt bỏ để phòng ngừa tình trạng viêm. Tuy nhiên, quan điểm này hoàn toàn sai lầm, vì không phải cứ bị viêm amidan là phải cắt
Trên thực tế, việc chỉ định thực hiện cắt amidan ngày nay khá hạn chế vì bác sĩ biết rằng amidan đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể con người, đặc biệt là đối với trẻ em. Nếu trẻ bị viêm amidan mức độ nhẹ thì có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa chứ không nhất thiết phải cắt. Chỉ khi khối amidan viêm nhiễm nặng và không còn lợi ích nữa mới phải cắt bỏ.
Một vài trường hợp cụ thể được chỉ định thực hiện cắt viêm amidan hốc mủ như sau:
- Người bệnh bị viêm amidan nhiều lần, tái đi tái lại thường xuyên, khoảng 5 – 6 lần trong một năm.
- Mắc bệnh viêm amidan hốc mủ kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm xoang, viêm tai giữa, nặng hơn là viêm cầu thận, viêm khớp, suy tim… đe dọa đến sức khỏe tổng thể lẫn tính mạng của người bệnh.
- Khối amidan sưng to, càng ngày càng phì đại không có dấu hiệu dừng lại gây tắc nghẽn đường thở, cản trở việc nhai nuốt thức ăn, trẻ ngủ ngáy, khó thở hoặc ngưng thở trong lúc ngủ… làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đảo lộn sinh hoạt thì nên cắt.
- Bên cạnh đó, cắt bỏ amidan cũng được chỉ định trong những trường hợp khi cấu trúc amidan có quá nhiều khe hốc, ngóc ngách chứa nhiều dịch nhầy hôi thối, gây cảm giác vướng khó chịu ở hầu họng hoặc nghi ngờ có khối u ác tính thì cần cắt bỏ ngay.
Lưu ý:
- Việc cắt bỏ amidan là một cuộc phẫu thuật nên nguy cơ gây ra biến chứng cùng các rủi ro là có thể xảy ra. Thậm chí là gây ra tử vong do quá trình gây mê, cắt khối amidan không đúng cách dẫn đến cắt chạm mạch máu khiến máu chảy ồ ạt không cầm lại được. Vì vậy, trước khi quyết định phẫu thuật cắt amidan, người bệnh cần phải tiến hành thăm khám, xem xét kỹ lưỡng tại bệnh viện để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
- Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt amidan, người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ chăm sóc, kiêng cữ về ăn uống cũng như vệ sinh răng miệng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Nếu sau khi cắt amidan từ 7 – 10 ngày nhưng vẫn còn tình trạng chảy máu thì nên nhanh chóng thông báo cho bác sĩ để xử lý kịp thời.
- Đối với trẻ dưới 5 tuổi nếu cắt bỏ amidan có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Còn những người trên 45 tuổi cắt amidan có nguy cơ bị chảy máu do amidan xơ dính hoặc do các bệnh lý khác, thậm chí làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch…
Cần phải làm gì khi bị viêm amidan hốc mủ?
Hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại thì việc chữa trị viêm amidan hốc mủ hoàn toàn, dứt điểm và ngăn ngừa biến chứng không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa. Tuy nhiên, chọn lựa phương pháp nào hiệu quả và phù hợp với tình trạng bệnh của bản thân lại không hề đơn giản, vì vậy người bệnh phải thăm khám và điều trị dựa theo phác đồ của bác sĩ.
Ngoài biện pháp phẫu thuật cắt amidan ở trên dành cho những trường hợp mắc bệnh nặng, có biến chứng thì đối với những trường hợp bệnh viêm amidan hốc mủ giai đoạn nhẹ có thể được điều trị khỏi hoàn toàn nhờ những biện pháp sau đây:
- Sử dụng thuốc Tây hay còn được gọi là phương pháp điều trị nội khoa. Bác sĩ sẽ thăm khám kỹ lưỡng, xem xét triệu chứng và kê đơn thuốc phù hợp để diệt sạch hoàn toàn các ổ khuẩn, tiêu viêm, giảm sưng, giảm đau, làm tiêu mủ, làm loãng dịch đờm… Tuy nhiên cần lưu ý tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng mà bác sĩ quy định để tránh tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Giữ gìn sức khỏe răng miệng bằng cách vệ sinh, đánh răng mỗi ngày, súc miệng bằng nước muối loãng hoặc nước muối sinh lý ngay cả khi không mắc bệnh để làm sạch khoang miệng, cổ họng.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng theo tỷ lệ cân đối. Đối với người bệnh viêm amidan hốc mủ nên ưu tiên những món ăn mềm, loãng như cháo, súp… để tránh gây tổn thương thêm cho niêm mạc họng.
- Tránh xa các chất kích thích như rượu bia, hút thuốc lá… Thay vào đó nên tạo một thói quen sống lành mạnh, tránh thức khuya dậy sớm, vận động thường xuyên để nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức mạnh của hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh.
- Uống nhiều nước mỗi ngày, nước sẽ làm dịu cổ họng, giảm bớt cơn đau rát của amidan. Nên tránh sử dụng nước đá, tránh ở trong môi trường có nhiệt độ máy lạnh quá lạnh.
- Mỗi khi ra ngoài nên sử dụng khẩu trang để tránh hít phải bụi bẩn, hóa chất hay giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh từ những người khác.
- Điều trị bệnh dứt điểm theo phác đồ của bác sĩ để sớm đẩy lùi bệnh, tránh để bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính nguy hiểm, phức tạp và khó chữa.
- Tái khám định kỳ theo lịch hẹn trước đó để theo dõi sát sao tình trạng bệnh.
Trên đây là những thông tin xoay quanh về bệnh viêm amidan hốc mủ cũng như đã giải đáp vấn đề “Viêm amidan hốc mủ có nguy hiểm không?” cho quý bạn đọc. Hãy chủ động thăm khám và tiếp nhận điều trị càng sớm càng tốt để thoát khỏi bệnh tật cũng như tích cực chăm sóc, bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân gây bệnh.