Bị vảy nến có nên tắm biển không là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Theo các chuyên gia, tắm biển là giải pháp hỗ trợ điều trị vảy nến và một số bệnh da liễu thường gặp khá hiệu quả. Vì vậy, bệnh nhân có thể tắm biển từ 15 – 20 phút mỗi ngày để giảm nhẹ một số triệu chứng trên da.
Bị vảy nến có nên tắm biển không? Lợi ích mang lại
Vảy nến là bệnh da liễu mãn tính ảnh hưởng đến khoảng 1.5 – 2% dân số thế giới. Theo ước tính, có khoảng 2 triệu người ở nước ta mắc căn bệnh này. Vảy nến là một dạng viêm da mãn tính, dai dẳng, tiến triển theo từng đợt và có xu hướng tái phát thường xuyên.
Bệnh đặc trưng bởi tình trạng da xuất hiện các mảng hoặc đốm tròn có màu đỏ, bề mặt được phủ nhiều vảy trắng như nến, vảy mỏng nhẹ và dễ bong, khi cạo tạo thành lớp bột màu trắng. Tổn thương da có thể gây ngứa ngáy hoặc không tùy theo thể lâm sàng và cơ địa của từng bệnh nhân.
Mặc dù có tiến triển dai dẳng và chưa thể điều trị hoàn toàn nhưng vảy nến là bệnh lành tính, ít khi đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe – trừ một số thể đặc biệt. Tuy nhiên, triệu chứng của vảy nến tác động nhiều đến thẩm mỹ, ngoại hình và chất lượng cuộc sống. Do đó, bệnh nhân bị vảy nến thường phải kiêng cử một số hoạt động, thói quen, thực phẩm và đồ uống để hạn chế nguy cơ bệnh tái phát.
Trong đó, “Bị vảy nến có nên tắm biển không?” là thắc mắc của nhiều bệnh nhân. Theo quan niệm dân gian, nước biển có đặc tính sát trùng và chống ngứa tự nhiên. Do đó, tắm biển có thể giảm một số bệnh da liễu như ghẻ ngứa, mề đay mẩn ngứa và vảy nến.
Theo y học hiện đại, tắm biển có thể hỗ trợ giảm mức độ viêm và vảy bong ở bệnh nhân bị vảy nến nhờ vào đặc tính sát trùng tự nhiên của muối. Ngoài ra, nước biển còn chứa nhiều khoáng chất như canxi, magie, iot, lưu huỳnh, kali, selen,… Các chất khoáng có trong nước biển có thể phục hồi vùng da tổn thương và ngăn ngừa viêm nhiễm đáng kể. Nước biển còn chứa kẽm và hợp chất bromua có khả năng sát trùng và làm dịu da, nhờ vậy có thể giảm mức độ ngứa ngáy và cảm giác khó chịu.
Khi tắm biển, toàn bộ vùng da trên cơ thể sẽ tiếp xúc với ánh nắng. Dưới tác động của tia UV, tình trạng rối loạn tăng sinh tế bào thượng bì của cũng cải thiện đáng kể. Vì vậy, tắm biển đúng cách có thể đẩy lùi triệu chứng và phòng ngừa vảy nến tái phát hiệu quả.
Như vậy có thể thấy, bệnh nhân vảy nến hoàn toàn có thể tắm biển và tham gia các hoạt động vui chơi trên biển. Không chỉ là hoạt động giải trí thông thường, tắm biển còn góp phần đẩy lùi sang thương do vảy nến gây ra, đồng thời phục hồi các mô hư tổn và phục hồi hàng rào bảo vệ tự nhiên của da.
Người bị vảy nến cần lưu ý gì khi tắm biển?
Tắm biển không chỉ là hoạt động vui chơi mà còn hỗ trợ điều trị vảy nến và một số bệnh da liễu thường gặp. Tuy nhiên nếu tắm biển không đúng cách, da có thể bị khô ráp, cháy nắng và bong tróc mạnh. Vì vậy, bệnh nhân bị vảy nến cần lưu ý một số vấn đề khi tắm biển:
1. Hạn chế tắm biển quá lâu
Hạn chế tắm biển quá lâu là vấn đề đầu tiên bệnh nhân bị vảy nến cần lưu ý. Nước biển chứa hàm lượng natri và khoáng chất cao nên rất dễ gây khô da hoặc thậm chí là kích ứng nếu tiếp xúc trong thời gian dài. Hơn nữa so người khỏe mạnh, người bị vảy nến có làn da nhạy cảm và dễ tổn thương hơn.
Tắm nước biển quá lâu khiến vùng da bị tổn thương bị khô ráp, cháy nắng, tăng sinh sắc tố da và thâm sạm. Ngoài ra, da còn có thể bị đỏ rát và ngứa ngáy do tắm nước biển quá lâu. Theo các chuyên gia, bệnh nhân vảy nến chỉ nên tắm biển từ 15 – 20 phút mỗi ngày. Có thể tắm hằng ngày hoặc cách ngày liên tục trong vòng 6 tuần. Qua thời gian này, tổn thương da sẽ giảm đi đáng kể cả về mức độ và phạm vi ảnh hưởng.
2. Sử dụng kem chống nắng khi tắm biển
Nước biển có nồng độ muối khoáng cao nên có thể khiến da trở nên bắt nắng hơn so với bình thường. Vì vậy khi tắm biển, cần sử dụng kem chống nắng trước khoảng 15 – 30 phút. Nên lựa chọn các sản phẩm có khả năng chống nước để tránh tình trạng kem bị rửa trôi trong quá trình tắm biển.
Sử dụng kem chống nắng giúp hạn chế tình trạng da sậm màu, khô ráp, cháy nắng và kích ứng hiệu quả. Tuy nhiên, cần thận trọng khi lựa chọn sản phẩm. Bởi một số người có thể bị dị ứng với hương liệu, chất bảo quản và hoạt chất trong các sản phẩm chống nắng.
3. Không tắm biển vào giữa trưa
Giữa trưa là thời điểm ánh nắng có cường độ mạnh. Tắm biển trong thời gian dài khiến da đen sạm, nhanh lão hóa, dễ bong tróc và cháy nắng – ngay cả khi đã sử dụng kem chống nắng. Ngoài ra, tia UV cường độ mạnh còn khiến vùng da bị vảy nến tăng sinh hắc tố và dần trở nên đen sạm, ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ và ngoại hình.
4. Làm sạch da bằng nước ngọt
Sau khi tắm biển, bệnh nhân cần làm sạch da bằng nước ngọt để rửa trôi muối khoáng và đất cát. Tuy nhiên, nên làm sạch da ngay sau khi lên bờ, tránh tình trạng để nước biển tiếp xúc với da quá lâu.
5. Dùng kem dưỡng sau khi tắm biển
Muối khoáng có trong nước biển khiến da trở nên khô ráp và bong tróc do mất độ ẩm tự nhiên. Vì vậy sau khi tắm lại bằng nước ngọt, bệnh nhân nên thoa kem dưỡng để làm dịu da và bù độ ẩm. Ngoài ra, thành phần trong kem dưỡng còn giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tái tạo các tế bào hư tổn. Đồng thời giảm mức độ ngứa ngáy và điều hòa hoạt động tăng sinh tế bào thượng bì.
Tắm biển được xem là giải pháp hỗ trợ điều trị vảy nến và một số bệnh da liễu thường gặp khác. Tuy nhiên, bệnh nhân cần chú ý tắm biển đúng cách để đảm bảo hiệu quả điều trị và phòng ngừa các tác dụng không mong muốn như khô ráp, đỏ, bong tróc và kích ứng da.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Người bị vảy nến có nên tắm biển không?” và đề cập đến những vấn đề cần lưu ý khi tắm biển. Nếu có ý định áp dụng phương pháp này để cải thiện bệnh, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.