Blogs Blogs

Back

Chữa Chàm Sữa Bằng Lá Trầu Không Có Hiệu Quả?

Mẹo chữa chàm sữa bằng lá trầu không được lưu truyền và áp dụng khá rộng rãi. Theo ghi chép từ y học cổ truyền, cách chữa này có tác dụng tiêu viêm, giảm sưng, cải thiện ngứa ngáy và hạn chế nhiễm khuẩn. Tuy nhiên lá trầu có dược tính yếu hơn so với thuốc Tây và không đem lại hiệu quả rõ rệt ở một số trường hợp.

Chữa chàm sữa bằng lá trầu không
Chữa chàm sữa bằng lá trầu không có thật sự hiệu quả?

Tác dụng trị chàm sữa của lá trầu không

Lá trầu không là thảo dược quen thuộc với người Việt, có vị cay nồng, mùi thơm, công dụng sát trùng và giảm ngứa. Từ lâu, thảo dược này đã được nhân dân tận dụng để điều trị các bệnh ngoài da thường gặp như viêm da cơ địa, nổi mề đay mẩn ngứa, viêm nang lông, mụn nhọt,… Trong đó mẹo dùng lá trầu không trị chàm sữa được khá nhiều người áp dụng.

Chàm sữa là bệnh da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ, điển hình bởi tình trạng da khô, đỏ, ngứa và bong tróc. Do đặc tính ngứa nhiều và dai dẳng nên trẻ thường có xu hướng chà xát lên vùng da tổn thương, tăng nguy cơ bội nhiễm và dày sừng.

trị chàm sữa bằng lá trầu không
Lá trầu có tác dụng giảm ngứa, tiêu viêm, ức chế các virus, nấm men và vi khuẩn có hại

Để cải thiện triệu chứng cơ năng và ngăn ngừa bội nhiễm da, nhân dân thường cho trẻ tắm/ đắp lá trầu không. Theo ghi chép từ dân gian, mẹo chữa chàm sữa bằng lá trầu có tác dụng giảm ngứa ngáy, tiêu viêm, ức chế các virus, nấm và vi khuẩn có hại. Hơn nữa mẹo chữa này có nguồn gốc từ thiên nhiên nên ít gây ra tác dụng phụ và rủi ro khi áp dụng.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy, thành phần trong tinh dầu từ lá trầu (eugenol, polyphenol, tannin) có tác dụng giảm viêm, ngứa ngáy và hỗ trợ chữa lành thương tổn da.

Dùng lá trầu không trị chàm sữa bằng cách nào?

Trẻ nhỏ thường có làn da mỏng, dễ kích ứng và nhạy cảm. Vì vậy khi dùng lá trầu không chữa chàm sữa, cần thực hiện đúng cách để được hiệu quả cao và giảm thiểu rủi ro phát sinh. Dưới đây là một số cách chữa chàm sữa bằng lá trầu không được lưu truyền rộng rãi trong dân gian:

1. Dùng dịch ép từ lá trầu chữa bệnh chàm sữa

Nếu chàm sữa chỉ xảy ra ở phạm vi nhỏ, bạn có thể dùng dịch ép từ lá trầu để giảm viêm và ngứa cho trẻ. Ngoài ra tinh dầu từ thảo dược này còn giúp thúc đẩy tốc độ phục hồi da, giảm sưng đỏ và làm dịu hiện tượng kích ứng. Áp dụng mẹo chữa này thường xuyên còn ngăn ngừa hiện tượng bội nhiễm da do virus, nấm men và vi khuẩn.

trị chàm sữa bằng lá trầu không
Dùng dịch ép từ lá trầu thoa lên da giúp tiêu viêm, giảm sưng và cải thiện mức độ ngứa ngáy

Cách thực hiện:

  • Ngâm rửa 2 lá trầu không tươi với nước muối
  • Sau đó vớt ra, rửa lại với nước sạch và để ráo
  • Giã nát lá trầu và vắt lấy nước
  • Dùng dịch ép trộn với nước cất theo tỷ lệ 1:1 hoặc 1:2 nếu trẻ có làn da nhạy cảm
  • Vệ sinh da của trẻ và lau khô với khăn sạch
  • Thoa hỗn dịch lên da và để trong khoảng 5 phút
  • Sau đó dùng khăn ướt lau sạch cho trẻ
  • Áp dụng mẹo chữa này từ 1 – 2 lần/ ngày

Lá trầu có vị cay nồng nên tránh dùng dịch ép trực tiếp hoặc sử dụng lên vùng da có vết thương hở.

2. Chữa chàm sữa cho bé bằng cách tắm lá trầu không

Tắm lá trầu không thích hợp với những trẻ có tổn thương da xảy ra trên phạm vi rộng như thân mình, mặt, tay và chân. Mẹo chữa này giúp giảm ngứa ngáy, tiêu viêm và hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn da.

Bên cạnh đó, tắm nước lá trầu không còn có tác dụng làm sạch da và ngăn ngừa các bệnh da liễu thường gặp ở trẻ như rôm sảy và hăm tã.

cách chữa chàm sữa bằng lá trầu không
Nên áp dụng mẹo tắm lá trầu không đối với trẻ có tổn thương da xảy ra trên diện rộng

Hướng dẫn thực hiện:

  • Rửa sạch 4 – 5 lá trầu không và vò xát nhẹ
  • Đun sôi 2 lít nước, sau đó cho lá trầu vào
  • Đun thêm 5 phút thì tắt bếp và đổ ra thau
  • Hòa thêm nước mát vào và dùng để tắm cho trẻ
  • Nên áp dụng đều đặn 1 lần/ ngày trong thời gian dài

Với những trường hợp gây ngứa nhiều, nhân dân thường phối hợp trầu không với một số thảo dược khác như sài đất, lá khế hoặc kinh giới.

3. Ngâm nước sắc trầu không với muối

Nếu chàm sữa xảy ra ở chân/ tay, có thể áp dụng biện pháp ngâm nước sắc trầu không với muối. Biện pháp này không chỉ giảm ngứa, tiêu viêm mà còn làm mềm vùng da thương tổn, cải thiện tình trạng khô ráp và bong tróc.

Ngoài tác dụng của lá trầu, muối biển còn giúp sát trùng da, ngăn ngừa viêm nhiễm và hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn, nấm men có hại.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Rửa sạch 3 lá trầu không tươi
  • Sau đó đun sôi 1 lít nước và cho lá trầu vào
  • Để khoảng 5 phút rồi tắt bếp và đổ ra thau
  • Hòa thêm nước lạnh vào đến khi nước có nhiệt độ ấm vừa phải
  • Thêm 1 thìa cà phê muối biển vào và khuấy đều
  • Cho trẻ ngâm chân/ tay đến khi nước nguội hoàn toàn
  • Nên áp dụng từ 1 – 2 lần/ ngày

Nếu trẻ thường xuyên bị ngứa ngáy vào ban đêm (do nhiệt độ giảm mạnh), phụ huynh nên áp dụng mẹo chữa này trước khi ngủ để hạn chế tình trạng ngứa bùng phát.

Chữa chàm sữa bằng lá trầu có hiệu quả không?

Mẹo chữa chàm sữa bằng lá trầu là phương pháp điều trị từ dân gian. Trên thực tế, các công dụng chữa bệnh của lá trầu đã được chứng minh trên cơ sở khoa học. Vì vậy dùng thảo dược này chữa bệnh chàm có thể cải thiện ngứa ngáy và giảm nhẹ thương tổn da.

Tuy nhiên lá trầu là thảo dược tự nhiên nên có tác dụng chậm và không đặc hiệu. Vì vậy chỉ nên áp dụng mẹo chữa này khi bệnh có mức độ nhẹ, không gây sưng đỏ, phù nề và ngứa ngáy nhiều.

Với những trường hợp bệnh có mức độ trung bình đến nặng, phụ huynh nên đưa con trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và đề xuất các biện pháp điều trị phù hợp.

Một số điều cần lưu ý khi áp dụng

Chữa chàm sữa bằng lá trầu không là mẹo chữa đơn giản và dễ thực hiện. Hơn nữa mẹo chữa này chủ yếu sử dụng thảo dược tự nhiên, có độ an toàn cao, ít gây kích ứng và mẫn cảm.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, một số trẻ có thể bị kích ứng da do các sai lầm khi thực hiện như không vô trùng nguyên liệu, áp dụng lên vùng da có vết thương hở, lạm dụng trong thời gian dài,… Do đó khi thực hiện mẹo chữa chàm sữa bằng lá trầu không, bạn nên lưu ý những điều sau:

cách chữa chàm sữa bằng lá trầu không
Nên kết hợp với các biện pháp chăm sóc và dưỡng ẩm cho trẻ đều đặn
  • Phải ngâm rửa lá trầu với nước muối và nước sạch để loại bỏ bụi, nấm mốc và xác động vật.
  • Vệ sinh da của trẻ trước khi dùng bài thuốc ngâm hoặc bôi ngoài để hạn chế tình trạng kích ứng và nhiễm khuẩn.
  • Lá trầu chứa tinh dầu có vị cay nồng, có thể gây mẫn cảm và kích ứng da. Vì vậy nên áp dụng lên vùng nhỏ và quan sát biểu hiện trước khi áp dụng trên diện rộng.
  • Lá trầu không chứa phenolic compounds có khả năng ức chế melanin, gây giảm sắc tố và lột da. Vì vậy cần phải pha loãng dịch ép trước khi dùng lên da.
  • Tác dụng chữa bệnh của lá trầu đã được y học hiện đại công nhận. Tuy nhiên hầu hết các mẹo chữa từ nguyên liệu này đều xuất phát từ dân gian và được chứng minh về cải thiện lâm sàng. Vì vậy bạn nên tham vấn y khoa trước khi áp dụng cho trẻ nhỏ.
  • Nên sử dụng kem dưỡng ẩm, cho trẻ uống nhiều nước và bổ sung các thực phẩm lành mạnh nhằm giảm thương tổn da và cải thiện các triệu chứng của bệnh.
  • Phụ huynh nên cắt móng tay và đeo bao tay để hạn chế tình trạng trẻ cào cấu và chà xát lên vùng da ảnh hưởng.
  • Trong trường hợp có bội nhiễm (da sưng nóng, tụ mủ và đau nhức nặng nề), tuyệt đối không áp dụng mẹo chữa dân gian. Thay vào đó, nên đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.

Mẹo chữa chàm sữa bằng lá trầu không có thể làm giảm một số triệu chứng như ngứa ngáy, viêm sưng, đỏ da,… Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, nên chủ động tham vấn y khoa trước khi áp dụng cho con trẻ.

Tham khảo thêm: 11 cách trị bệnh chàm tại nhà theo dân gian cực hay


Nguồn bài viết: https://bvdkbl.vn/chua-cham-sua-bang-la-trau-khong-715.html
Comments
No comments yet. Be the first.