Chè vằng có tác dụng thanh nhiệt, hỗ trợ hoạt động của gan và giảm cân khi dùng thường xuyên. Bên cạnh đó, nó còn được ứng dụng chữa một số bệnh lý ở phụ nữ sau sinh, tình trạng cao huyết áp, xơ vữa động mạch và các bệnh về răng miệng.
Tên khoa học: Jasminum subtriplinerve
Tên gọi khác: Vằng, chè cước man, cẩm văn, cẩm vân, dây vắng, lài ba gân.
Họ: Oleaceae (họ Oliu)
Điều thú vị về tên gọi lá vằng
Lá vằng được đọc trại đi từ địa danh La Vang (Quảng Trị). Đây là một thánh địa hành hương quan trọng của người đạo Công Giáo. Dân gian truyền tai nhau rằng trước kia không ai biết về công dụng của lá vằng cho đến khi Đức mẹ Maria hiển linh tại đây. Người đã hướng dẫn cách sử dụng loại cây này để chữa dịch bệnh đang hoành hành lúc bấy giờ.
I. Mô tả đặc điểm cây vằng
Hình dáng bên ngoài cây vằng
Chè vằng thuộc loại cây bụi, đường kính thân cây không quá 6mm. Cây gồm nhiều đốt nối tiếp nhau và có thể dài đến hàng chục mét. Thân cứng và phân thành nhiều nhánh. Vỏ cây có màu xanh lục. Ngoài ra, thân cây rất day nên được ứng dụng để đánh dây thừng.
Lá mọc đối xứng. Hình dạng lá tương tự như cái mác. Cuốn lá tròn và mũi nhọn. Trên mặt lá nổi rõ 3 gân chính (gồm 2 gân uốn cong theo mép lá và 1 gân chạy thẳng ở giữa). Mép lá nguyên, không gân cưa. Lá ở càng gần gốc thì càng lớn.
Hoa vằng màu trắng, mọc thành cụm ở đầu cành. Mỗi hoa có 10 cánh. Quả hình cầu. Khi chín nó có màu vàng. Hạt rắn chắc và có kích cỡ như hạt ngô.
Các loại vằng
Hay còn gọi là vằng sẻ. Loại này được đánh giá là có chất lượng dược liệu tốt nhất. Lá cây nhỏ và mỏng. Khi phơi khô vẫn còn màu xanh nhạt. Khi dùng làm nước uống, nước lá có màu xanh nhạt và có mùi thơm.
Còn gọi là vằng trâu. Loại này vẫn được dùng làm dược liệu. Tuy nhiên, giá trị của nó thấp hơn so với vằng sẻ. Đặc điểm lá và thân của vằng trâu to hơn vằng sẻ. Đồng thời, khi phơi khô, lá chuyển sang màu nâu. Đun nước uống, nước vẫn sẽ có màu này và không có mùi.
Loại vằng này không được sử dụng làm dược liệu.
Môi trường sống của cây vằng
Cây vằng được tìm thấy nhiều vùng rừng núi và trung du. Nó có thể mọc hoang một cách độc lập hoặc bám vào thân cây khác. Ở nước ta, các tỉnh thường có sự xuất hiện của loại cây này là Thái Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Nghệ An. Trên phạm vi toàn thế giới, cây vằng tập trung nhiều ở các nước Đông Nam Á và Nam Á.
Bộ phận dùng, thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Cành và lá. Thu hái quanh năm.
Cách chế biến:
- Dùng ở dạng tươi;
- Sấy khô;
- Chế biến dạng cao (Nấu nước từ các bộ phận của cây ở dạng tươi trong một thời gian dài);
- Viên nén (Dựa trên những kỹ thuật tinh chế hiện đại).
Đừng nhầm lẫn chè vằng và lá ngón
Đặc điểm về hình dạng bên ngoài của cây vằng dễ khiến người ta nhầm lẫn với cây lá ngón. Đây là một loài thực vật có độc thuộc nhóm bảng A. Cách phân biệt hai loại cây này dựa vào đặc điểm của lá, hoa và quả.
Cụ thể, lá ngón không có 3 gân nổi đặc trưng như lá cây vằng. Hoa của lá ngón màu vàng trong khi hoa vằng màu trắng. Quả cây lá ngón hình elip; hạt có kích thước khoảng 0,5cm và màu nâu nhạt.
II. Công dụng của chè vằng
Tính vị
Theo ghi chép của Đông y, các bộ phần dùng làm dược liệu của cây vằng có tính mát và vị đắng.
Theo Đông y, chè vằng có tính mát và vị đắng
Thành phần hóa học
Có 3 hoạt chất chính trong thành phần của cây vằng:
- Flavonoid: Chống độc và hỗ trợ hoạt động cho gan và thận. Ngoài ra, đây còn là chất chống oxy hóa; tham gia điều hòa các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Đồng thời, Flavonoid còn làm bền mạch máu và giảm lượng cholesterol xấu.
- Glycozit: Tạo ra vị đắng đặc trưng của cây vằng. Chất này làm tăng sức co bóp của tim và làm tăng trương lực cơ tim (làm ngắn chiều dài của các sợi cơ tim bị giãn, giảm thể tích và kích thước tim);
- Alcaloit: Đây cũng là một chất góp phần vào vị đắng của cây vằng. Nó có tác dụng ức chế hoặc kích thích hệ thần kinh trung ương, thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Ngoài ra, chất này còn được ứng dụng gây tê, hạ huyết áp, chống ung thư và tiêu diệt ký sinh trùng.
Liều dùng
- Uống ở dạng khô: 20 – 30g. Có thể dùng gấp đôi lượng này nếu ở dạng tươi. Tốt nhất nên uống khi nước còn ấm.
- Dùng dạng cao: Mỗi ngày 10g, pha với 2 lít nước nóng khoảng 80 độ C. Đợi nước bớt nóng thì uống.
- Dùng ngoài da: Không quan trọng liều lượng.
Công dụng chữa bệnh của chè vằng
Dựa trên ghi chép của Đông y và y học hiện đại, tác dụng của chè vằng gồm:
-
Chữa nhiều bệnh lý cho phụ nữ sau sinh
Tiêu biểu là tình trạng nhiễm khuẩn sau sinh. Ngoài ra, cây vằng còn được ứng dụng chữa các tình trạng viêm nhiễm khác như: hạch bạch huyết, tử cung và tuyến sữa. Bên cạnh đó, nó còn chữa tình trạng bế kinh, khí hư và đau nhức xương khớp.
Có 2 cách dùng phổ biến: Nấu lấy nước uống hoặc hãm với nước sôi
Nấu lấy nước uống
Dùng khoảng 30g lá và thân cây vằng ở dạng khô. Rửa qua nước 1 lần để loại bỏ bụi bẩn và nấm mốc. Cho nguyên liệu vào nồi hoặc ấm và đổ vào đó khoảng 2 lít nước. Đun với lửa lớn. Khi nước sôi thì nấu thêm 10 phút nữa. Chia lượng nước nấu được thành nhiều lần uống trong ngày. Nên uống khi nước còn ấm. Nếu nguội có thể đun lại.
Hãm với nước sôi
Khối lượng nguyên liệu cần chuẩn bị như cách thứ nhất. Tuy nhiên, ở cách dùng này, bạn chia lượng chè ra thành 2 phần cho 2 lần hãm nước sôi uống trong ngày. Cho chè vào ấm, đổ nước sôi vào chắt bỏ nước. Tiếp tục cho nước sôi vào lần 2. Lần này dùng khoảng 1 lít nước. Ủ giữ nhiệt bình trà trong khoảng 30 phút là có thể dùng.
Tác dụng này đã được bệnh viện Thái Bình ứng dụng. Các bác sĩ dùng lá vằng ở dạng tươi. Sau khi rửa sạch thì giã nát. Dùng phần bã và nước đắp vào vú bị áp xe. Trong lúc giã nát, có thể cho vào đó một ít cồn 50 độ. Mỗi ngày đắp 3 lần (vào ban đêm đắp 2 lần). Kiên trì thực hiện cách này trong khoảng 1 tuần sẽ hết hoàn toàn áp xe vú. Thông thường, với những trường hợp nhẹ thì chỉ cần sử dụng trong 2 ngày.
-
Chữa cao huyết áp, xơ vữa động mạch
Các hoạt chất từ cây vằng giảm áp lực máu và thành mạch. Nhờ đó, huyết áp sẽ được hạ xuống. Đồng thời, nhờ khả năng chống oxy hóa của Flavonoid, loại cây này có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị tình trạng xơ vữa động mạch, nhất là ở người già. Người bệnh có thể dùng lá và thân cây nấu lấy nước uống hoặc hãm với nước sôi.
-
Chữa kinh nguyệt không đều
Lá và thân cây vằng phơi khô chế biến dạng nấu nước uống hoặc hãm với nước sôi giúp phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc đang trong độ tuổi dậy thì điều hòa kinh nguyệt. Bên cạnh đó, loại dược liệu này còn giúp chị em phòng tránh được một số bệnh viêm nhiễm phụ khoa.
Ngoài cách dùng đơn lẻ, bạn có thể kết hợp 20g chè vằng khô với một số vị thuốc Đông y. Tiêu biểu là ích mẫu, hy thiêm (mỗi loại 16g) và 8g ngải cứu. Tất cả đều dùng ở dạng khô. Sau khi rửa sạch thì sắc lấy nước, uống hết trong ngày. Kiên trì dùng bài thuốc này một thời gian ngắn thì kinh nguyệt sẽ được điều hòa.
Bạn dùng một vài lá vằng ở dạng tươi. Sau khi rửa sạch thì nhai và ngậm trong khoảng 30 phút. Khả năng sát khuẩn từ các thành phần trong lá loại cây này sẽ giúp cơn đau nhanh chóng được dịu bớt.
Tác dụng chữa bệnh của cây vằng theo kinh nghiệm dân gian
Ngoài những tác dụng được ghi chép cụ thể trong Đông y và được minh chứng bằng các nghiên cứu y học hiện đại, cây vằng còn được dân gian ứng dụng chữa một số tình trạng như:
Giảm sưng vú; ngăn độc và làm lành vết thương do rắn hoặc côn trùng: Nấu nước lá ở dạng khô dùng để uống. Liều lượng mỗi ngày khoảng 30g;
Chữa ung nhọt đã nung mủ: Mài rễ cây vằng với dấm thanh (giấm gạo, giấm táo hoặc chuối). Dùng nước này thoa lên nốt mụn;
Lở chốc: Lá vằng ở dạng tươi. Sau khi rửa sạch thì nấu với nước. Dùng nước này tắm vài lần sẽ chữa được tình trạng lở chốc.
Những lợi ích đối với sức khỏe khi dùng chè vằng
Cây vằng được xem là một vị thuốc Đông y. Nhiều địa phương ở miền trung nước ta dùng loại cây này nấu nước uống hằng ngày. Việc sử dụng thường xuyên chẳng những không gây hại mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cụ thể là:
- Thanh nhiệt cơ thể vào mùa hè;
- Giảm cân: Nó tạo cho người uống cảm giác no bụng và đốt cháy phần nào lượng mỡ thừa. Tác dụng này còn giúp người uống phòng được bệnh tiểu đường, gan hoặc máu nhiễm mỡ;
- Chữa mất ngủ;
- Giúp phụ nữ sau sinh phục hồi thể trạng nhanh hơn thông qua việc kích thích tử cung co tống đẩy máu hậu sản ra ngoài. Ngoài ra, nước từ cây vằng còn có tác dụng lợi sữa;
- Bảo vệ hoạt động của gan và phòng chống bệnh ung thư: Các thành phần trong cây vằng sẽ hỗ trợ quá trình giải độc gan, giúp cơ quan này không bị nhiễm độc. Đồng thời, nó ngăn chặn lại quá trình oxy hóa của tế bào gây ra bởi các gốc tự do.
Những lưu ý quan trọng khi sử dụng cây vằng
Chè vằng có nhiều công dụng cho sức khỏe và chữa được nhiều bệnh. Đây là loại thảo dược thiên nhiên lành tính nên có thể dùng cho phụ nữ sau sinh. Tuy nhiên, nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì bạn không nên sử dụng dược liệu từ cây vằng:
- Phụ nữ đang mang thai: Các thành phần của cây tạo nên những cơn co bóp mạnh ở tử cung có thể gây sinh non hoặc sảy thai;
- Phụ nữ sau sinh không nên lạm dụng nước lá vằng: Không dùng quá đặc hoặc uống quá nhiều nếu không rất dễ dẫn đến tình trạng mất sữa;
- Người huyết áp thấp: Có thể bị ngất xỉu bởi các dược tính của cây làm hạ huyết áp;
- Trẻ dưới 2 tuổi: Có thể phản tác dụng hoặc dẫn đến một số rủi ro khác vì cấu tạo hệ tiêu hóa và miễn dịch của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện;
Tóm lại, dù chè vằng là loại thảo dược được đánh giá cao về độ an toàn, tuy nhiên khi dùng nó để chữa bệnh, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Mục đích là xác định xem nó có phù hợp với cơ địa và tình trạng bệnh hiện tại hay không. Đồng thời, việc tham khảo này còn giúp bạn tránh được nguy cơ tương tác không đáng có với thuốc tân dược.