Chàm vi khuẩn xuất hiện khi các loại vi khuẩn hoặc nấm tấn công vào các vết thương hở, vết phồng rộp. Tình trạng này cần được điều trị kịp thời và hợp ly để tránh gây nhiễm trùng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Thông tin cần biết về bệnh chàm vi khuẩn
Bệnh chàm – Eczema là một thuật ngữ để mô tả các bệnh lý gây đỏ, ngứa và viêm da. Trong một số trường hợp, bệnh chàm có thể bị nhiễm trùng. Điều này thường có liên quan đến một số loại virus, vi khuẩn hoặc nấm khi xâm nhập vào các vết phồng rộp hoặc trầy xước ở khu vực bệnh chàm.
Ngoài ra, bệnh chàm vi khuẩn thường phổ biến ở những người có các bệnh lở loét hoặc tổn thương người da.
1. Nguyên nhân gây bệnh chàm vi khuẩn
Chàm vi khuẩn được gây ra bởi nhiều loại vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, một số loại vi khuẩn phổ biến hơn có thể dẫn đến tình trạng này bao gồm:
– Staphylococcus Aureus:
Là một loại vi khuẩn được tìm thấy trên da của hầu hết người bệnh chàm. Bên cạnh đó, loại vi khuẩn này cũng tồn tại trên da ở 20% dân số trưởng thành.
Loại vi khuẩn này có xu hướng phát triển mạnh khi da bị trầy xước hoặc tổn thương. Do đó, ở người bệnh chàm, vi khuẩn này có thể lây lan nhanh hơn và gây khó khăn cho việc điều trị.
– Nhiễm nấm:
Loại nấm phổ biến nhất có thể gây nhiễm trùng ở người bệnh chàm là nấm ăn Keratin hay còn được gọi là Dermatophytes. Đây là một loại nấm siêu nhỏ tồn tại trên bề mặt da trong nhiều tháng và có thể gây ra bệnh chàm đồng tiền.
Nhiễm nấm tương đối phổ biến ở người bệnh chàm và thường gây ảnh hưởng đến chân hoặc các ngón chân.
– Herpes Simplex Virus:
Virus Herpes Simplex cũng có thể gây nhiễm trùng ở người bệnh chàm, đặc biệt là ở người bệnh có các vết lở loét da.
Nhiễm trùng da thứ cấp do Herpes Simplex được gọi là Eczema Herpeticum. Nếu không chẩn đoán và điều trị phù hợp, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả mù lòa và tử vong.
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh chàm vi khuẩn thường xuất hiện ở những nơi có vết thương hở và các vùng da lân cận. Do đó, điều quan trọng là người bệnh không nên gãi hoặc làm trầy xước da.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh chàm vi khuẩn
Bệnh chàm nhiễm khuẩn là một tình trạng tương đối dễ nhận biết, bởi vì khu vực bệnh thường bị viêm sưng. Các dấu hiệu phổ biến thường bao gồm:
- Ngứa dữ dội
- Nóng rát da
- Rò rỉ dịch mủ
- Phồng rộp da
- Xuất hiện mủ trắng hoặc vàng
Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đau đầu
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể
Nếu nhận thấy các triệu chứng chàm nhiễm khuẩn, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Nhiễm trùng có thể lây lan đến các vùng da xung quanh và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Chàm vi khuẩn có lây không?
Bệnh chàm không phải là bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên trong trường hợp chàm vi khuẩn, nhiễm trùng có thể lây lan thông qua việc tiếp xúc gần, đặc biệt là trường hợp nhiễm virus Herpes Simplex.
Do đó, về cơ bản bệnh chàm không lây lan nhưng các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và nấm hoặc ký sinh trùng có thể lây lan cho người khác thông qua việc tiếp xúc gần.
Bệnh chàm vi khuẩn có nguy hiểm không?
Chàm vi khuẩn là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh chàm – Eczema. Bệnh có thể dẫn đến nhiều rủi ro và biến chứng như:
- Khiến các triệu chứng bệnh chàm kéo dài nếu không điều trị nhiễm trùng
- Gây ngứa nghiêm trọng và phồng rộp da
- Gây chậm phát triển hoặc rối loạn tăng trưởng ở trẻ em
- Các loại thuốc điều trị như Steroid có thể dẫn đến kháng thuốc và các biến chứng khác
- Gây thâm, sẹo và ảnh hưởng thẩm mỹ
Bên cạnh đó, nếu không được điều trị nhiễm trùng tụ cầu khuẩn nghiêm trọng có thể gây nhiễm trùng huyết và gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có nguy cơ biến chứng tương đối cao. Do đó, đưa bé đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các triệu chứng bệnh.
Biện pháp điều trị chàm vi khuẩn
Các biện pháp điều trị chàm vi khuẩn thường nhằm mục đích loại bỏ vi khuẩn để cải thiện các triệu chứng. Các phương pháp phổ biến thường bao gồm:
1. Thuốc điều trị
Việc điều trị thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Kháng sinh: Được chỉ định trong các trường hợp chàm vi khuẩn do nhiễm tụ cầu hoặc liên cầu khuẩn. Thuốc được sử dụng liên tục trong 7 – 14 ngày và theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
- Thuốc kháng nấm, kháng virus: Trong trường hợp chàm vi khuẩn do virus và nấm, người bệnh có thể được chỉ định các loại thuốc kháng nấm, kháng virus tại chỗ.
- Thuốc giảm đau: Được chỉ định để cải thiện tình trạng đau, ớn lạnh và sốt. Loại thuốc phổ biến nhất là Acetaminophen. Tuy nhiên cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho người suy gan.
- Thuốc mỡ có chứa Corticoid: Thuốc này thường được chỉ định cho các trường hợp tổn thương và nhiễm trùng đã được kiểm soát. Thuốc có tác dụng chống viêm, hạn chế ngứa và ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn. Tuy nhiên, Corticoid có thể gây mỏng da, giãn mao mạch, dày sừng nang lông, thay đổi màu da,… Do đó, không nên lạm dụng thuốc.
- Thuốc kháng Histamine H1: Thường được sử dụng bổ sung để chống ngứa.
2. Biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà
Các loại thuốc điều trị có thể dẫn đến một số tác dụng phụ lâu dài như mỏng da. Do đó, trong một số trường hợp người bệnh có thể tham khảo các biện pháp tự nhiên cải thiện tại nhà như:
- Dành thời gian nghỉ ngơi để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng.
- Tắm nước mát hoặc chườm lạnh lên vùng da tổn thương. Điều này có thể cải thiện tình trạng ngứa da, nóng rát, viêm và sưng.
- Uống nhiều nước, tăng cường bổ sung vitamin, rau xanh để tăng cường sức khỏe tổng thể và cải thiện các triệu chứng bệnh.
- Thêm một số loại tinh dầu như hoa anh thảo hoặc tinh dầu tràm trà vào nước tắm để khử trùng và cải thiện các triệu chứng bệnh.
- Tăng cường bổ sung men vi sinh để hỗ trợ kháng sinh từ đường tiêu hóa.
- Tránh sử dụng các loại xà phòng có chứa các loại hóa chất độc hại. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bột giặt hoặc các chất tẩy rửa khác để tránh dị ứng và khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.
- Khi các vết thương đã lành, người bệnh có thể sử dụng kem dưỡng ẩm, làm mềm để cải thiện tình trạng da.
Biện pháp phòng ngừa bệnh chàm vi khuẩn
Bệnh chàm thường có nguy cơ tái phát tương đối cao. Do đó, người bệnh cần có biện pháp điều trị và phòng ngừa phù hợp.
Một số lời khuyên phòng ngừa bệnh chàm vi khuẩn bao gồm:
- Tránh việc gãi ngứa làm trầy xước da và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Dưỡng ẩm làn da để tránh khô da và kích ứng.
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, bên cạnh đó không tự ý sử dụng thuốc điều trị các triệu chứng.
- Xác định và tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông thú cưng.
- Giữ vệ sinh cơ thể, tránh các hoạt động ra nhiều mồ hôi.
- Bổ sung vitamin C, khoáng chất và các thành phần lành mạnh khác để hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch.
- Đến bệnh viện nếu nhận thấy các dấu hiệu bệnh chàm, viêm da cơ địa hoặc các bệnh ngoài da khác.
Chàm vi khuẩn thường nghiêm trọng và khó điều trị hơn các loại bệnh chàm khác. Trong một số trường hợp nếu không được điều trị phù hợp bệnh có thể gây nhiễm trùng máu và một số biến chứng khác. Do đó, đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nhiễm bệnh, trao đổi với bác sĩ để có biện pháp khắc phục phù hợp nhất.