Bệnh chàm – Eczema thường gây ra các vùng da bị viêm, ngứa và đỏ. Có một số loại bệnh chàm khác nhau với các dấu hiệu và yếu tố kích ứng riêng. Do đó, tìm hiểu các loại bệnh chàm là cách tốt nhất để điều trị và phòng ngừa bệnh.
Các loại bệnh chàm phổ biến
Bệnh chàm là một tình trạng da phổ biến gây ngứa và đỏ theo thời gian. Tình trạng da này phổ biến ở trẻ em nhưng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.
Có nhiều loại bệnh chàm khác nhau với dấu hiệu nhận biết và các yếu tố kích thích riêng. Các loại chàm da thường gặp bao gồm:
1. Viêm da cơ địa
Viêm da cơ hay chàm thể tạng là dạng phổ biến nhất của bệnh chàm – Eczema. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em và thường được cải thiện khi trẻ trưởng thành. Ngoài ra, viêm da cơ địa thường đi kèm với tình trạng hen suyễn và dị ứng phấn hoa. Một số trường hợp bị viêm da cơ địa có thể mắc cả hai bệnh còn lại.
Dấu hiệu nhận biết viêm da cơ địa:
- Phát ban ở các khu vực nếp gấp da như khuỷu tay hoặc đầu gối
- Vùng da bệnh có thể sáng màu hoặc tối màu và dày hơn khu vực da lân cận
- Xuất hiện các vết sưng nhỏ và rò rỉ chất lỏng khi người bệnh gãi vùng da bệnh
- Ở trẻ em, viêm da cơ địa thường ảnh hưởng đến da đầu và má
- Có thể xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng nếu gãi gây tổn thương da
2. Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc hay chàm tiếp xúc là tình trạng da bị đỏ, kích ứng khi chạm vào các chất kích ứng da. Viêm da tiếp xúc có hai loại cơ bản bao gồm:
- Viêm da tiếp xúc dị ứng: Là tình trạng hệ thống miễn dịch phản ứng khi da tiếp xúc với các chất kích ứng, chẳng hạn như Latex hoặc kim loại.
- Viêm da tiếp xúc kích ứng: Là kết quả của việc da tiếp xúc nhiều lần với một chất gây kích ứng da. Các chất kích ứng phổ biến bao gồm Axit, chất kiềm, dung môi, thuốc nhuộm, các chất tẩy rửa mạnh,…
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết tình trạng viêm da tiếp xúc:
- Ngứa, đỏ, có cảm giác bỏng rát
- Nổi mề đay mẩn ngứa tại vị trí tiếp xúc
- Xuất hiện các nốt mụn nước chứa đầy chất lỏng
- Theo thời gian da có thể dày lên, đóng vảy và sạm
3. Bệnh tổ đỉa
Bệnh tổ đỉa hay chàm tổ đỉa là việc hình thành các nốt mụn nước nhỏ trên bàn và bàn chân. Bệnh thường phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.
Trong một số trường hợp, mụn nước có thể phát triển với kích thước lớn, chảy nước. Đôi khi mụn nước có thể bị nhiễm trùng gây đau đớn, sưng và tiết ra mủ. Các mụn nước thường có xu hướng khỏi trong vài tuần. Sau đó, da trở nên khô, nứt nẻ và có thể dẫn đến những vết nứt da đau đớn.
4. Chàm đồng tiền
Chàm đồng tiền, chàm thể đồng tiền hay lác đồng tiền là tình trạng hình thành các đốm tròn, hình đồng xu hoặc oval trên da của người bệnh. Chàm đồng tiền thường dễ nhận biết và ngứa dữ dội so với các loại chàm da khác.
Các triệu chứng nhận biết bệnh chàm đồng tiền phổ biến bao gồm:
- Xuất hiện nhiều đốm tròn, hình đồng xu trên da
- Các đốm này có thể ngứa hoặc kết vảy
5. Viêm da ứ máu
Viêm da ứ máu hay bệnh chàm tĩnh mạch thường phổ biến ở người lớn tuổi và bị giãn tĩnh mạch. Khi cơ thể già đi và ít vận động khiến các tĩnh mạch ở chân suy yếu. Điều này dẫn đến giãn tĩnh mạch và các dấu hiệu chàm da.
Bệnh chàm tĩnh mạch thường có các dấu hiệu nhận biết phổ biến bao gồm:
- Nóng rát, ngứa hoặc nổi mụn nước ở chân
- Da khô và bong tróc vảy
- Rạn da
- Rò rỉ dịch hoặc các chất lỏng
6. Viêm da thần kinh
Viêm da thần kinh là tình trạng tương tự như viêm da cơ địa. Bệnh gây ra các mảng da dày, có vảy và nổi bật trên da của người bệnh.
Các dấu hiệu nhận biết phổ biến thường bao gồm:
- Hình thành các mảng da dày, có vảy xuất hiện ở cánh tay, chân, gáy, da đầu, bàn chân, mu bàn tay hoặc cả bộ phận sinh dục
- Vùng da bệnh thường rất ngứa, đặc biệt là khi người bệnh thư giãn hoặc ngủ
- Nếu gãi, vùng da bệnh có thể bị tổn thương, chảy máu và nhiễm trùng
- Viêm da thần kinh thường xuất hiện ở những người mắc các bệnh chàm khác hoặc bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định.
7. Bệnh chàm vi khuẩn
Chàm vi khuẩn là tình trạng viêm da xuất hiện khi cơ thể dị ứng với độc tố của vi khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu hoặc các loại nấm nhữ Epidermophyton và Trichophyton. Chàm do vi khuẩn thường xuất hiện trên các vết xây xát da, nhiễm khuẩn, côn trùng đốt, vết bỏng ra, các lỗ rò sau áp xe hoặc các vết mổ.
Các tổn thường do chàm vi khuẩn gây ra thương rõ ràng, có mủ (hoặc chất dịch), bên trên có đóng vảy và giới hạn tương đối rõ ràng với khu vực xung quanh.
8. Viêm da dầu
Viêm da dầu hay viêm da tiết bã, Eczema da dầu là tình trạng da mạn tính phổ biến. Bệnh thường xuất hiện ở những nơi có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh như đầu, lông mày, xung quanh mắt, các nếp gấp mũi má, phía sau tai. Bên cạnh đó, đôi khi bệnh có thể xuất hiện ở nách, bên dưới vú và bộ phận sinh dục.
Hầu hết những người bệnh chàm da dầu thường ở độ tuổi 20 – 50. Tuy nhiên bệnh cũng phổ biến ở trẻ sơ sinh (thường gọi là bệnh cứt trâu trên da đầu), trẻ em và thanh thiếu niên. Ngoài ra, nam giới thường dễ bị viêm da dầu hơn phụ nữ.
Viêm da dầu gây ra các mảng da bong tróc vảy, đỏ và gàu trên da đầu. Thông thường tình trạng này có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Chẩn đoán và điều trị các loại bệnh chàm
Bất cứ ai gặp phải các triệu chứng của các loại chàm da, nên đến bệnh viện để gặp bác sĩ da liễu. Đôi khi các dấu hiệu này có thể liên quan đến tình trạng dị ứng, do đó điều quan trọng là xác định các loại chàm để có cách điều trị phù hợp.
1. Chẩn đoán bệnh chàm
Hiện tại không có xét nghiệm cụ thể nào có thể chẩn đoán hầu hết các loại bệnh chàm. Do đó, bác sĩ có thể kiểm tra về lịch sử bệnh án cá nhân và gia đình của người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện một số xét nghiệm dị ứng da để tìm ra các tác nhân gây bệnh.
Bệnh cạnh đó, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết da để loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng, như ung thư da.
2. Cách điều trị các loại chàm da
Hiện tại không có cách điều trị dứt điểm bệnh chàm. Do đó, các biện pháp điều trị đều nhằm mục đích cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng bệnh tái phát.
Một số loại thuốc và liệu pháp điều trị bệnh chàm – Eczema phổ biến bao gồm:
- Thuốc kháng Histamine chẳng hạn như Diphenhydramine có thể kiểm soát cơn ngứa.
- Kem hoặc thuốc mỡ Corticosteroid có thể làm giảm ngứa và viêm.
- Thuốc Steroid đường uống để kiểm soát tình trạng viêm, sưng ở các loại chàm da nghiêm trọng.
- Các chất ức chế Calcineurin như Tacrolimus và Pimecrolimus có thể làm giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch gây đỏ da, ngứa.
- Thuốc kháng sinh cho các trường hợp nhiễm trùng da.
- Liệu pháp ánh sáng mang lại hiệu quả điều trị bệnh chàm tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, liệu pháp này có thể làm tăng nguy cơ ung thư da.
Việc sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh chàm – Eczema cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Việc lạm dụng thuốc có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng khác.
Biện pháp phòng ngừa các bệnh chàm da
Một số lời khuyên và lưu ý có thể ngăn ngừa bệnh chàm da tái phát và kiểm soát các triệu chứng bao gồm:
- Giữ ẩm cho làn da của bạn hàng ngày với một loại kem hoặc các sản phẩm có tác dụng bảo vệ da và chống lại các tác nhân gây hại. Thoa sản phẩm dưỡng ẩm ngay sau khi tắm để đạt hiệu quả dưỡng ẩm tốt nhất.
- Sau khi tắm, lau da nhẹ nhàng bằng khăn mềm. Tránh việc chà xát gây tổn thương và ảnh hưởng đến làn da.
- Không nên gãi, điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Sử dụng các chất tẩy rửa, vệ sinh không mùi và không chứa các hóa chất gây kích ứng da.
- Mang găng tay và quần áo bảo vệ khi cần tiếp xúc với các loại hóa chất, thuốc trừ sâu.
- Mặc quần áo rộng rãi và làm bằng các chất liệu như sợi mềm, bông và các chất liệu tự nhiên khác.
Trong hầu hết trường hợp, bệnh chàm không nghiêm trọng và có thể cải thiện theo thời gian. Các loại bệnh chàm là bệnh mãn tính, không có cách điều trị và người bệnh có thể cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa cả đời. Do đó, trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể.