Blogs Blogs

Back

Bị Đau Dạ Dày Uống Nước Trà Xanh Có Lợi Hay Có Hại?

Đau dạ dày có uống nước chè xanh (trà xanh) được không là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Thực tế, chất tannin và caffeine trong lá chè có thể kích thích dạ dày dẫn đến cảm giác cồn cào, khó chịu. Tuy nhiên nếu bổ sung đúng cách, chè xanh mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nói chung và dạ dày nói riêng.

đau dạ dày có nên uống trà xanh
Bị đau dạ dày có nên uống trà xanh không?

Bị đau dạ dày có nên uống trà xanh không?

Trà xanh (chè xanh) là thức uống quen thuộc đối với người Việt. Chè xanh thường được dùng hằng ngày để thanh nhiệt, giải độc và định thần. Với vị chát nhẹ, mùi thơm và dược tính đa dạng, trà xanh còn được nhân dân tận dụng để chữa một số chứng bệnh thường gặp như mề đay mẩn ngứa, rôm sảy, viêm da cơ địa, dị ứng thời tiết,…

Ngoài ra, y học hiện đại cũng đã công nhận trà xanh mang đến cho sức khỏe nhiều lợi ích như giảm hấp thu chất béo, cầm tiêu chảy, làm chậm quá trình lão hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bảo vệ tế bào gan,… Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bị đau dạ dày lo lắng về việc uống trà xanh có thể kích thích ổ viêm loét và làm bùng phát cơn đau.

Theo các chuyên gia, chè xanh chứa caffeine và tannin nên có thể gây ra cảm giác cồn cào, khó chịu và kích thích cơn đau bùng phát nếu uống khi bụng đói. Ngược lại nếu uống vào thời điểm thích hợp, trà xanh giúp kích thích hoạt động tiêu hóa, hạn chế tình trạng đầy hơi và chướng bụng. Bên cạnh đó, trà xanh còn cung cấp cho cơ thể nhiều khoáng chất, vitamin và hợp chất chống oxy hóa mạnh.

đau dạ dày có nên uống trà xanh
Trà xanh (chè xanh) chứa nhiều thành phần tốt cho cơ quan tiêu nói chung và dạ dày nói riêng

Trà xanh còn chứa một số chất tốt cho cơ quan tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng như:

  • Catechin: Catechin trong dạ dày là chất chống oxy hóa mạnh có trong trà xanh. Thành phần này đã được chứng minh có thể hạn chế sự phát triển của vi khuẩn Hp và hỗ trợ hiệu quả của thuốc kháng sinh, ngăn ngừa hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc.
  • Vitamin C: Vitamin C là loại vitamin thiết yếu đối với cơ thể. Trong đó phải kể đến tác dụng nâng cao sức khỏe và khả năng miễn dịch. Đồng thời làm chậm quá trình lão hóa, kháng viêm và đẩy nhanh tốc độ phục hồi tế bào biểu mô ở dạ dày.
  • Các chất chống oxy hóa khác : Trà xanh là một trong những nguồn cung cấp chất chống oxy hóa dồi dào cho cơ thể. Polyphenol và quercetin trong thảo dược này có khả năng loại trừ gốc tự do, chống viêm và góp phần đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét. Ngoài ra, chất chống oxy hóa trong trà xanh còn giúp kiểm soát hoạt động quá mức của hại khuẩn trong dạ dày và đường ruột.
  • Tannin : Tannin là chất có thể kích thích niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên nếu uống trà xanh vào thời điểm thích hợp, tannin có khả năng làm chậm nhu động ruột và hạn chế tình trạng đau bụng, tiêu chảy rõ rệt. Chính vì vậy, nước chè xanh thường được dùng để giảm nhẹ đau dạ dày cấp do ngộ độc thực phẩm và một số triệu chứng đi kèm.

Trà xanh là thức uống tốt cho sức khỏe nói chung và bệnh nhân đau dạ dày nói riêng. Tuy nhiên, cần bổ sung thức uống này đúng cách để hạn chế các tác dụng không mong muốn.

Cách dùng trà xanh cho người bị đau dạ dày

Chất tannin và caffeine trong trà xanh có thể kích thích lên niêm mạc dạ dày, dẫn đến cơn đau bùng phát ở vùng thượng vị kèm theo buồn nôn và nôn mửa. Do đó khi uống trà xanh, người bị đau dạ dày cần lưu ý một số vấn đề sau :

1. Kết hợp với một số nguyên liệu khác

Để giảm kích thích lên dạ dày, bệnh nhân có thể kết hợp trà xanh cùng với một số nguyên liệu tự nhiên khác. Thông thường, dân gian kết hợp trà xanh cùng với mật ong hoặc 1 ít đường phèn để làm giảm vị chát (do chất tannin). Nhờ vậy có thể giảm mức độ kích thích lên niêm mạc tiêu hóa và giảm cơn đau dạ dày đáng kể.

đau dạ dày có nên uống trà xanh
Nên kết hợp trà xanh với mật ong để gia tăng hương vị và giảm mức độ kích thích lên niêm mạc dạ dày

Ngoài ra, đường phèn và mật ong đều có khả năng trung hòa dịch vị, ngăn chặn sự xâm lấn của axit dạ dày lên ổ viêm loét. Vì vậy, việc kết hợp trà xanh cùng với một số nguyên liệu tự nhiên khác còn giúp tăng hiệu quả giảm đau dạ dày và các triệu chứng đi kèm khác.

2. Không nên dùng trà đặc

Mức độ kích thích lên niêm mạc dạ dày có thể tăng lên đáng kể nếu uống trà xanh sắc đặc. Trà đặc chứa nhiều tannin và caffeine hơn so với bình thường. Chính vì vậy ngay cả khi uống đúng thời điểm, dạ dày vẫn có thể bị cồn cào, đau rát và khó chịu.

Do đó, bệnh nhân nên dùng 1  nắm chè xanh tươi sắc với 1.5 – 2 lít nước và dùng uống nhiều lần trong ngày. Nếu vẫn có cảm giác khó chịu, nên giảm lượng trà xanh đến khi giảm hẳn cảm giác cồn cào, nóng rát sau khi sử dụng thức uống này.

3. Chú ý thời điểm uống chè xanh

Theo các chuyên gia, nên uống chè xanh sau bữa ăn sáng và trưa khoảng 2 giờ đồng hồ. Đây là thời điểm dạ dày không chứa quá nhiều axit và chất dinh dưỡng trong thức ăn đã được hấp thu hoàn toàn (chất tannin trong dạ dày làm giảm hấp thu sắt). Nên hạn chế uống chè xanh khi bụng đói và uống vào buổi tối vì có thể kích thích đau dạ dày bùng phát và gây mất ngủ.

đau dạ dày có nên uống trà xanh
Nên uống chè xanh sau bữa ăn sáng và trưa khoảng 2 giờ đồng hồ

Ở những người nhạy cảm, uống chè xanh khi đói còn gây cồn cào, hoa mắt và chóng mặt. Do đó, bệnh nhân cần lưu ý kỹ về thời điểm uống trà xanh để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, không nên dùng chè xanh nếu đang trong thời kỳ “đèn đỏ” và hạn chế dùng cùng lúc với thời điểm uống thuốc.

4. Một số lưu ý khác

Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên lưu ý một số vấn đề khi uống trà xanh như:

  • Không dùng chè xanh pha nhiều lần vì dưỡng chất trong chè bị hao hụt và thất thoát nhiều khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài.
  • Nên dùng nước trà xanh ấm, tránh dùng trà ướp lạnh.
  • Không sử dụng chè xanh để qua đêm vì đa phần các chất chống oxy hóa và vitamin đều bị phân hủy nếu để quá 24 giờ đồng hồ.
  • Tránh sử dụng trà xanh trong thời gian dài vì chất tannin trong trà xanh làm giảm hấp thu vitamin C và sắt, dẫn đến thiếu máu. Nếu yêu thích loại trà này, bệnh nhân nên tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin C và sắt. Đồng thời nên dùng trà xanh cách thời điểm ăn khoảng 2 giờ đồng hồ.
  • Chỉ sử dụng tối đa 4 – 5 tách trà xanh mỗi ngày. Tránh lạm dụng trà xanh và các loại trà thảo dược quá mức. Bên cạnh đó, nên chú ý uống nhiều nước để trung hòa dịch vị và giảm mức độ kích thích của chất tannin lên niêm mạc dạ dày.

Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Bị đau dạ dày có uống trà xanh được không?”. Đồng thời đề cập đến một số lưu ý khi bổ sung thức uống này vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Trong trường hợp bị đau dạ dày kèm theo một số bệnh lý khác, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.


Nguồn bài viết: https://bvdkbl.vn/bi-dau-da-day-uong-nuoc-tra-xanh-co-loi-hay-co-hai-2811.html
Comments
No comments yet. Be the first.