Bệnh viêm amidan là một dạng bệnh nhiễm trùng tai mũi họng thường gặp ở trẻ em. Căn bệnh này không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của cơ thể mà còn khiến người bệnh gặp nhiều dấu hiệu khó chịu như đau rát cổ họng, sốt, khó nuốt hoặc nghiêm trọng hơn là ngưng thở khi ngủ. Việc tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn có phương pháp dự phòng và điều trị viêm amidan hiệu quả.
Bệnh viêm amidan là gì?
Amidan là bộ phận quan trọng của hệ miễn dịch. Nó được ví như tuyến phòng vệ đầu tiên của cơ thể với chức năng tiêu diệt virus, vi khuẩn khi chúng xâm nhập vào cơ thể theo đường miệng.
Theo cấu tạo của cơ thể, amidan là các khối lympho có vị trí nằm vây quanh cửa hầu tạo thành một vòng kín. Cơ quan này được chia thành các loại gồm amidan lưỡi, amidan khẩu cái, amidan vòm hay amidan vòi. Do hàng ngày phải tiếp xúc với không khí, thức ăn và mọi thứ đưa vào cơ thể mà amidan rất dễ bị tổn thương, viêm nhiễm. Đặc biệt, khả năng miễn dịch của amidan có khuynh hướng giảm dần sau độ tuổi dậy thì khiến cho amidan có nguy cơ bị viêm và nhiễm trùng cao hơn.
Bệnh viêm amidan là tình trạng sưng đỏ amidan xảy ra chủ yếu do bị virus hoặc vi khuẩn tấn công một cách ồ ạt, vượt quá khả năng tự vệ tự nhiên của cơ quan này. Bệnh thường gặp ở trẻ em, người lớn cũng có thể bị nhưng ít hơn. Ngoài tình trạng đau rát cổ họng, nuốt vướng, khó thở, người mắc bệnh viêm amidan còn phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm khi không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây viêm amidan
Nhiễm virus, vi khuẩn chính là những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm amidan. Chúng có thể tấn công vào cơ thể thông qua đường mũi hoặc miệng do ăn uống kém vệ sinh, không rửa tay sạch sẽ trước khi ăn hay vệ sinh mũi họng không đúng cách…
Nhiễm trùng amidan do virus
Bao gồm các loại virus thường gặp như:
- Adenovirus: Đây là loại virus có thể gây ra chứng cảm lạnh thông thường và cũng là thủ phạm gây bệnh viêm họng, viêm phế quản.
- Epstein-Barr (EBV): Loại virus này có thể dẫn đến bệnh tăng bạch cầu đơn nhân. Nó có khả năng lây quan khi người khỏe mạnh tiếp xúc với nước bọt của người bệnh trong lúc hôn hay dùng chung bàn chải đánh răng, ống hút hay đũa, thìa…
- Virus herpes simplex 1 (HSV-1): Chúng còn được biết đến với tên gọi khác là herpes miệng. Khi tấn công vào amidan, chúng có thể tạo ra nhiều mụn nước trên bề mặt amidan.
- Cytomegalovirus (CMV, HHV-5): Đây là một dạng virus herpes ít khi hoạt động trong cơ thể. Tuy nhiên nó có thể xuất hiện ở một số trường hợp mang thai hoặc có hệ miễn dịch suy giảm.
- Virus sởi (rubeola): Loại virus này cũng có thể ảnh hưởng đến amidan thông qua nước bọt hay chất nhầy bị nhiễm mầm bệnh.
Nguyên nhân viêm amidan do vi khuẩn
Trong một số trường hợp, viêm amidan có thể do vi khuẩn gây ra, tỷ lệ chiếm khoảng 15 – 30%. Trong đó, thủ phạm gây bệnh phổ biến nhất là liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus pyogenes).
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm amidan
Bên cạnh các nguyên nhân trên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm amidan như:
- Trẻ tuổi: Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 15 tuổi.
- Sinh hoạt trong môi trường đông đúc: Chẳng hạn như trẻ đi học mẫu giáo thường xuyên gần gũi với bạn nên dễ tiếp xúc với virus, vi khuẩn.
- Thay đổi thời tiết
- Không rửa tay với xà phòng diệt khuẩn khi chế biến thức ăn hoặc trước khi ăn
- Vệ sinh tai, mũi, họng kém hoặc không đúng cách
- Môi trường sống bị ô nhiễm
- Sống ở nơi có khí hậu lạnh
- Hệ miễn dịch suy giảm
- Uống nước lạnh hoặc ăn đồ cay thường xuyên
- Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động
Các triệu chứng của bệnh viêm amidan
Các dấu hiệu có thể gặp khi bị viêm amidan bao gồm:
- Sưng đỏ amidan
- Trên bề mặt amidan xuất hiện lớp màng mỏng hoặc mảng trắng hay vàng
- Cổ họng đau
- Khó khăn khi nuốt thức ăn hoặc nuốt nước. Cơn đau họng tăng nặng khi nhai nuốt hoặc khi nói chuyện
- Sốt
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Giọng nóng thay đổi, khàn tiếng
- Đau hai bên cổ
- Ngứa cổ họng
- Có cảm giác vướng víu, bị bóp nghẹt ở cổ họng
- Miệng có mùi hôi
- Nhức đầu
- Cứng cổ
- Ngứa cổ họng
Trường hợp xảy ra ở trẻ nhỏ, viêm amidan có thể gây ra một số dấu hiệu khác như:
- Trẻ chảy nhiều nước dãi
- Biếng ăn
- Hay quấy khóc bất thường
- Khó ngủ
Các triệu chứng trên có nhiều điểm tương đồng với một số vấn đề khác ở đường hô hấp như viêm họng hạt, viêm thanh quản… Ngoài ra, tùy theo loại amidan mắc phải mà bệnh còn có những đặc điểm khác. Cần lưu ý nhận diện chính xác bệnh để điều trị cho đúng.
Các loại viêm amidan
Căn cứ vào thời gian mắc bệnh mà bệnh viêm amidan được chia thành các loại sau:
1. Viêm amidan cấp tính:
Bệnh có tính chất đột ngột và diễn ra trong thời gian ngắn sau một đợt nhiễm virus, vi khuẩn, chủ yếu ảnh hưởng đến amidan khẩu cái. Ở trẻ em, nhiễm trùng amidan thường gây sốt và khiến cổ họng bị sưng đau. Quan sát cổ họng của trẻ có thể thấy trên bề mặt amidan có phủ một lớp màng màu xám hay trắng. Cổ và hàm nổi hạch bạch huyết. Các triệu chứng trên thường dễ nhầm lẫn với bệnh sốt siêu vi, cảm lạnh, cảm cúm hay viêm họng.
Ở người lớn, nhiễm trùng amidan cấp tính thường xuất hiện trên nền của viêm amidan mãn tính. Các đợt cấp của bệnh có thể tái phát nhiều đợt trong năm gây ra các dấu hiệu khó chịu và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tâm lý và sinh hoạt của người bệnh.
Trong một vài trường hợp bị viêm amidan cấp nặng, khu vực bị bệnh có thể làm mủ ( còn gọi là viêm amidan hốc mủ). Lúc này, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, khó thở, thở khò khè, buồn nôn hoặc nôn ói…
2. Viêm amidan mãn tính
Do không được điều trị tốt ở giai đoạn cấp, bệnh viêm amidan có thể tiến triển thành mãn tính. Bệnh tái đi tái lại nhiều lần khiến cho amidan phình to và xuất nhiều dịch tiết gây vướng víu, ngứa ngáy cổ họng và phải thường xuyên khạc nhổ.
Bệnh viêm amidan mãn tính được chia thành các thể nhỏ sau:
- Viêm Amidan quá phát: Khi amidan ở hai bên sưng to, nó thu hẹp diện tích cổ họng và có thể chạm vào nhau dẫn đến khó thở, khó nuốt, ngáy to hoặc ngưng thở trong lúc ngủ.
- Viêm Amidan xơ teo: Với dạng bệnh này, amidan ngày càng teo nhỏ sau mỗi lần viêm nhiễm khiến cho bề mặt của nó bị xơ. Đôi khi amidan có thể xuất hiện nhiều mủ có hình dáng tương tự như bã đậu.
- Viêm Amidan hốc mủ: Amidan tích tụ nhiều mủ gây đau rát cổ họng, hơi thở có mùi hôi, có thể thấy một ít mủ bắn ra ngoài khi nói chuyện hay trong lúc ho, hắt hơi.
Biến chứng của bệnh viêm amidan
Bệnh viêm amidan có nguy hiểm không? Đây chính là thắc mắc được rất nhiều bệnh nhân quan tâm khi được chẩn đoán mắc căn bệnh này. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh viêm amidan có thể gây ra một số biến chứng như:
- Ngưng thở khi ngủ: Amidan sưng to gây bít kín cổ họng có thể gây khó thở hoặc dẫn đến hội chứng ngưng thở tạm thời trong lúc ngủ.
- Viêm mô tế bào amidan: Một tình trạng xảy ra khi nhiễm trùng ăn sâu vào trong và ảnh hưởng đến các mô xung quanh.
- Áp xe phúc mạc: Bệnh lý xảy ra khi bị nhiễm trùng nặng và tụ mủ sau amidan
- Viêm tai giữa
- Viêm xoang
Bạn sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng trên cao hơn nếu để bệnh viêm amidan tiến triển thành mãn tính và tái đi tái lại nhiều lần hoặc điều trị bệnh không đúng cách. Chính vì vậy, hãy chủ động thăm khám để được bác sĩ chỉ định phương pháp chữa trị phù hợp nhằm loại bỏ dứt điểm bệnh ngay từ giai đoạn cấp tính.
Viêm amidan có lây không?
Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở amidan đều do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Chính vì điều này khiến cho nhiều người hoang mang lo lắng rằng bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc với người khỏe mạnh.
Thực tế, bệnh viêm amidan có lây hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Đối với các trường hợp bị bệnh do virus, nhiễm trùng thường dễ lây lan, đặc biệt là khi bị nhiễm bạch cầu đơn nhân. Nguy cơ lây nhiễm virus cao hơn ở những người mới tiếp xúc với virus lần đầu, nhất là trẻ em và thanh thiếu niên.
Nếu viêm amidan xảy ra do các bệnh lý mãn tính như viêm xoang hay viêm mũi dị ứng, bệnh thường không có khả năng lây nhiễm.
Chẩn đoán viêm amidan
Việc chẩn đoán viêm amidan được thực hiện nhằm mục đích kiểm tra mức độ nhiễm trùng trong amidan, nguyên nhân gây viêm, từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Tại phòng khám, bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về tiền sử mắc bệnh, lý do đi khám cùng các dấu hiệu đang gặp phải. Tiếp theo, nhân viên y tế tiến hành thăm khám thực thể bằng cách sử dụng đèn để kiểm tra amidan cũng như vùng mũi, miệng hoặc tai để tìm kiếm các dấu hiệu bệnh tại chỗ.
Một số kỹ thuật y tế khác cũng được thực hiện để chẩn đoán bệnh viêm amidan như:
- Đo nhiệt độ cơ thể: Sốt là triệu chứng ban đầu của viêm amidan gặp ở hầu hết các trường hợp mắc bệnh. Bạn sẽ được nhân viên y tế sử dụng nhiệt kế điện tử hoặc nhiệt kế thủy ngân để đo thân nhiệt. Thông thường, nhiệt độ cơ thể ở trạng thái khỏe mạnh dao động từ 36,1 – 37,2 nhưng nếu vượt quá mức này tức là bạn đang có dấu hiệu bị sốt.
- Xét nghiệm tế bào trong cổ họng: Bác sĩ dùng một cây tăm bông hay miếng gạc vô trùng chà xát vào trong cổ họng để lấy mẫu tế bào. Mẫu xét nghiệm sẽ được đem vào phòng thí nghiệm để kiểm tra kháng nguyên, giúp phát hiện ra sự hiện diện của liên cầu khuẩn nhanh chóng.
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ ( CBC): Phương pháp này được thực hiện khi xét nghiệm mẫu tế bào trong cổ họng cho kết quả âm tính. Nó cho phép bác sĩ xác định được số lượng của mỗi loại tế bào có trong máu, giúp phát hiện ra sự thay đổi bất thường của chúng. Điều này có thể giúp chẩn đoán xác định nguyên nhân gây viêm amidan bắt nguồn từ virus hay vi khuẩn.
- Các xét nghiệm khác: Xét nghiệm monospot, xét nghiệm heterophil cho các trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng bạch cầu đơn nhân. Xét nghiệm kháng thể EBV đối với các trường hợp nhiễm mono lâu dài.
Cách điều trị viêm amidan
Việc điều trị không nhất thiết phải được tiến hành ở các trường hợp bị viêm amidan nhẹ, đặc biệt là khi nguyên nhân gây bệnh là do virus. Người bệnh có thể áp dụng một số mẹo tự nhiên để khắc phục các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra tại nhà.
Các phương pháp được lựa chọn để chữa viêm amidan cho các trường hợp bị nặng hơn có thể bao gồm dùng thuốc hoặc phẫu thuật cắt amidan.
1. Dùng thuốc trị viêm amidan
Thuốc chữa amidan thường được bác sĩ kê đơn phổ biến nhất là các thuốc kháng sinh và một số loại thuốc để điều trị triệu chứng bệnh.
– Thuốc kháng sinh:
Bệnh nhân bị viêm amidan do nhiễm vi khuẩn có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và khắc phục tình trạng nhiễm trùng. Mặc dù thuốc kháng sinh có thể giúp đẩy lùi tình trạng sưng viêm trong amidan nhanh hơn nhưng bệnh nhân lại phải đối mặt với nguy cơ bị kháng thuốc kháng sinh và gặp một số tác dụng phụ như tiêu chảy, táo bón…
Thuốc Penicilin thường được chỉ định cho các trường hợp bị viêm amidan do liên cầu khuẩn A Streptococcus. Một số thuốc kháng sinh nhóm khác có thể được chỉ định để thay thế nếu người bệnh bị dị ứng với Penicillin, chẳng hạn như Cephalexine, Augmentine, Clamoxyl…
Dù được điều trị viêm amidan bằng bất cứ loại kháng sinh nào thì bệnh nhân cũng cần tuân thủ về liều lượng được khuyến cáo, cách sử dụng thuốc, đồng thời hoàn tất liệu trình dùng thuốc. Điều này có thể giúp tránh được nguy cơ bị lờn thuốc và giảm thiểu phát sinh các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
– Các loại thuốc khác có thể được chỉ định:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol, Aspirin, Hapacol…
- Thuốc kháng viêm: Alphachymotrypsin, Examethason, Prednisolon,…
- Thuốc giảm sung huyết, phù nề: Amitase, thuốc chứa Serratiopeptidase
- Thuốc xông họng: Gentamycin 80mg, Dexamethasone
2. Cách chữa viêm amidan bằng phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ amidan được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Bị viêm amidan mãn tính, tái phát 5 – 6 lần trong một năm gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
- Amidan sưng quá to gây khó khăn khi ăn uống, ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ
- Viêm amidan gây biến chứng hoặc các triệu chứng bệnh không thuyên giảm sai khi điều trị bằng thuốc
- Nhiễm trùng amidan có nhiều ngóc ngách chứa dịch tiết gây vướng víu khi nuốt thức ăn, hôi miệng hoặc nghi ngờ bệnh ác tính.
Việc phẫu thuật có thể giúp giải quyết tình trạng khó nuốt và các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp. Mặc dù vậy, do hệ thống tự vệ của cơ thể bị cắt bỏ nên bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm và các bệnh lý ở đường hô hấp cao hơn sau này.
Các phương pháp cắt amidan đang được áp dụng phổ biến hiện nay bao gồm:
- Cắt amidan bằng laser: Phương pháp này ít gây đau và chảy máu, thời gian thực hiện nhanh nhưng có thể gây tổn thương lớn và để lại sẹo vĩnh viễn. Tia laser cũng có thể gây tổn thương cho thanh quản, từ đó ảnh hưởng đến giọng nói.
- Phương pháp Sluder: Kỹ thuật này thường được áp dụng để cắt amidan cho trẻ em khi amidan sưng to, chân có cuống, di động và được bóc tách dễ dàng. Sau khi bệnh nhân được gây mê, bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ cắt ngay cuống amidan và đem ra ngoài.
- Phẫu thuật cắt amidan bằng coblator: Kỹ thuật này sử dụng sóng điện từ có tần số cao để cắt và phá hủy các mô nhiễm trùng. Nó không gây đau và chảy máu, đồng thời giảm thiểu tố đa tổn thương cho các mô lành xung quanh.
- Cắt amidan bằng plasma: Phương pháp plasma sử dụng nguồn nhiệt thấp dao động từ 65 – 90 độ C để cắt amidan. Bệnh nhân ít bị đau và có thể phục hồi nhanh chóng sau mổ.
- Bóc tách và thòng lọng (Anse): Kỹ thuật mổ này thường được chỉ định cho người trưởng thành bị viêm amidan mãn tính chứa nhiều tổ chức xơ dính hoặc bị amidan xơ teo.
Tùy theo phương pháp phẫu thuật được thực hiện mà chi phí cắt amidan có thể khác nhau. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần duy trì chế độ ăn mềm, lỏng một thời gian để tránh bị đau họng, chảy máu.
3. Mẹo hỗ trợ chữa viêm amidan tại nhà
Trường hợp bị viêm amidan do virus, dùng thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng và cơ thể cần có thời gian để tự chống lại nhiễm trùng cũng như sửa chữa tổn thương ở các mô. Người bệnh có thể thử một số mẹo tự nhiên dưới đây để giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu:
- Uống nhiều nước ấm để loại bỏ dịch tiết, làm dịu cổ họng
- Sử dụng các thức ăn ít dầu mỡ, được xay nhuyễn hoặc nấu chín nhừ để dễ nuốt
- Lắp đặt máy phun sương để làm ẩm không khí trong phòng, giúp giảm hiện tượng đau rát, kích ứng trong cổ họng.
- Súc miệng bằng nước muối pha loãng mỗi ngày
- Sử dụng siro thảo dược hoặc các loại viên ngậm chứa thành phần benzocaine giúp gây tê tạm thời và giảm đau cổ họng.
- Sử dụng các bài thuốc dân gian có tác dụng kháng viêm, giảm đau họng tự nhiên như tắc chưng mật ong, sữa nghệ, trà gừng, tỏi ngâm mật ong…
Cách phòng ngừa viêm amidan
Việc duy trì các thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ bị viêm amidan. Để phòng ngừa bệnh, bạn cần lưu ý:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là sau mỗi lần đi vệ sinh, khi chế biến thức ăn hoặc trước các bữa ăn.
- Tránh ăn bốc băng tay
- Không dùng chung chai nước, ly nước hay một số đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng với người mắc bệnh.
- Hạn chế sử dụng thức ăn cay nóng hoặc uống đồ lạnh
- Giữ ấm cơ thể và vùng mũi họng trong những ngày trời lạnh
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin C để cải thiện khả năng miễn dịch, giúp cơ thể có khả năng chống lại vi khuẩn, virus gây viêm amidan.