Vảy nến là bệnh da liễu dai dẳng, mãn tính nhưng hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm – kể cả khi tiếp xúc trực tiếp. Tuy nhiên, do căn nguyên có liên quan đến yếu tố gen/ nhiễm sắc thể nên bệnh có khả năng di truyền từ cha mẹ sang con cái.
Vảy nến (vẩy nến) là bệnh da liễu mãn tính gặp nhiều ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Bệnh có tổn thương điển hình là các mảng/ đốm đỏ nổi cộm, thâm nhiễm với bề mặt tích tụ nhiều vảy trắng như nến, dễ bong và khi cạo tạo thành lớp phấn mịn.
Mặc dù đã được nghiên cứu trong nhiều năm nhưng nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vảy nến vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các nghiên cứu đều cho thấy bệnh có liên quan đến yếu tố gen (di truyền) và hoạt động rối loạn miễn dịch của cơ thể. Gen gây bệnh bị kích hoạt dẫn đến bùng phát triệu chứng hoặc khiến các triệu chứng nặng nề hơn khi có những yếu tố như nhiễm trùng, stress, rối loạn nội tiết, chấn thương, sử dụng một số loại thuốc,…
Bệnh vảy nến có lây không? Di truyền không?
Dù là bệnh da liễu thường gặp và có tính chất lành tính nhưng chưa có phương án điều trị bệnh vảy nến hoàn toàn. Bệnh có tiến triển dai dẳng, tái phát nhiều lần và diễn tiến trong suốt cả cuộc đời. Chính vì vậy, rất nhiều người lo lắng về vấn đề “Bệnh vảy nến có lây không? Di truyền không”.
Theo các chuyên gia, vẩy nến là bệnh da liễu mãn tính không có khả năng lây nhiễm – ngay cả tiếp xúc trực tiếp với da, dịch mủ của người mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh có khả năng di truyền nếu cha hoặc mẹ mang gen gây bệnh (dù không biểu hiện ra kiểu hình).
Các nghiên cứu cho thấy, gen gây bệnh vảy nến nằm trên nhiễm sắc thể số 6 và có thể bị kích hoạt bởi một số yếu tố nội sinh hoặc ngoại sinh. Kết quả là hoạt hóa vai trò của tế bào lympho T (tế bào miễn dịch), làm tăng sản xuất nhóm trung gia hóa học, dẫn đến tăng sinh tế bào biểu bì và gây ra tổn thương điển hình của bệnh.
Cũng chính vì có liên quan đến gen nên điều trị bệnh còn gặp nhiều nan giải. Hiện nay, các phương pháp được áp dụng chỉ có thể kiểm soát triệu chứng lâm sàng trong một thời gian ngắn. Sau đó, triệu chứng tiếp tục tái phát và tiến triển dai dẳng. Mặc dù có xu hướng mãn tính nhưng đa phần các trường hợp bị vảy nến đều lành tính và ít khi đe dọa đến tính mạng.
Lời khuyên cho người bị vảy nến (vẩy nến)
Vẩy nến là bệnh da liễu mãn tính có cơ chế miễn dịch. Bệnh có đặc tính dai dẳng, dễ tái phát và chưa có hướng điều trị dứt điểm. Dù ít khi đe dọa đến sức khỏe nhưng các triệu chứng của bệnh ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình, thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống.
Vì vậy, để kiểm soát triệu chứng và giảm ảnh hưởng của bệnh đối với chất lượng cuộc sống, bệnh nhân nên:
- Chủ động thăm khám ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường. Tình trạng chủ quan có thể khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng tiêu cực và chuyển biến thành các thể nặng hơn.
- Không lạm dụng các phương pháp y tế như sử dụng thuốc bôi, thuốc uống và quang hóa trị liệu. Chỉ áp dụng các phương pháp này trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Bên cạnh các phương pháp y tế, bệnh nhân nên thực hiện một số cách chăm sóc như ngâm/ tắm nước ấm để loại bỏ bớt vảy bong. Hoặc có thể tận dụng một số thảo dược tự nhiên giúp giảm viêm đỏ, vảy bong và ngứa ngáy.
- Stress được xem là yếu tố khởi phát và làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh vảy nến. Do đó, bệnh nhân nên giữ tâm lý thoải mái, lạc quan, cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi, tránh căng thẳng và lo âu quá mức.
- Nên ngủ sớm và ngủ đủ giấc để nâng cao sức khỏe. Các nghiên cứu cho thấy, ngủ ít làm tăng mức độ nhạy cảm của hệ thần kinh trung ương và làm tăng tần suất – mức độ tái phát của bệnh đáng kể.
- Bệnh nhân nên dành 5 – 10 phút mỗi ngày để tắm nắng. Ánh nắng chứa tia UVA, UVB và vitamin D có khả năng điều biến miễn dịch và hạn chế các rối loạn trong quá trình chu chuyển tế bào thượng bì. Từ đó giúp giảm nhẹ tổn thương da và giảm nguy cơ bệnh tái phát.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp (đặc biệt là virus ARN và liên cầu khuẩn) là một trong những yếu tố kích thích triệu chứng của vảy nến bùng phát. Chính vì vậy, bệnh nhân nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa các bệnh lý này.
- Tránh một số yếu tố có khả năng khởi động gen gây bệnh như sử dụng thuốc, rối loạn nội tiết, chấn thương vật lý và tác động cơ học.
- Xây dựng chế độ ăn hợp lý, tránh các loại thực phẩm và đồ uống kích thích hệ thần kinh trung ương như cà phê, rượu bia và các loại đồ uống chứa cồn khác.
Hy vọng qua chia sẻ trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về vấn đề “Bệnh vẩy nến có lây không? Di truyền không?”. Dù không thể điều trị hoàn toàn nhưng bệnh có thể được kiểm soát thông qua các phương pháp y tế và chăm sóc đúng cách. Chính vì vậy, bệnh nhân nên chủ động thăm khám và xây dựng hướng xử lý phù hợp với tình trạng sức khỏe.