Chào bác sĩ, dạo gần đây tôi thường xuyên cảm thấy dạ dày nóng rát rất khó chịu. Không biết nóng dạ dày là bệnh gì? Cảm giác này thường xuất hiện sau khi uống vài cốc bia hay ăn đồ cay nóng. Cũng mong bác sĩ chỉ tôi một số biện pháp để khắc phục tình trạng trên. Rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ.
(Bạn Đoàn Ngọc Hải, 26 tuổi, Yến Bái)
Nóng dạ dày là triệu chứng thường gặp khi hệ tiêu hoá gặp trục trặc, tuy nhiên nguyên nhân do đâu thì không phải ai cũng nắm rõ. Để giải đáp thắc mắc nguyên nhân gây hiện tượng nóng dạ dày, cũng như biện pháp khắc phục tình trạng trên, giúp bạn tự biết cách chăm sóc bản thân mình, những thông tin dưới đây sẽ hữu ích đến bạn.
Nguyên nhân gây cảm giác nóng rát ở dạ dày
Nóng rát dạ dày là biểu hiện xuất hiện ở hầu hết mọi lứa tuổi và giới tính. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, chuyên khoa Tiêu hóa, bệnh viện Đại học Y dược TPHCM có 2 nguyên nhân chính gây tình trạng trên, đó là:
Nóng dạ dày không xuất phát từ bệnh lý
Do dị ứng hoặc không tiêu hóa được thức ăn: Nóng rát ở khu vực dạ dày có thể là phản ứng của cơ thể với những thực phẩm gây phản ứng dị ứng hoặc khó tiêu hóa được. Trường hợp này, người bệnh còn xuất hiện thêm một số triệu chứng như buồn nôn và nôn. Lúc này, bạn cần nhanh chóng khoanh vùng loại thực phẩm nào gây tình trạng trên để mà “né chúng ra.
Do ăn một số thực phẩm kích ứng dạ dày tiết nhiều axit: Dạ dày dư thừa axit là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng nóng dạ dày. Axit dạ dày bị dư thừa có thể đến từ thói quen ăn uống như: ăn nhiều đồ chua, đồ lên men, đồ ăn kích ứng dạ dày tăng tiết axit như rượu, bia, thuốc lá, socola, và phê…
Do căng thẳng: Nóng dạ dày cũng có thể bắt nguồn từ việc bạn bị căng thẳng, stress kéo dài. Căng thẳng có thể khiến cho cơ thể chậm tiêu hóa thức ăn và tăng dịch axit trong dạ dày, axit dư thừa gây nên tình trạng nóng dạ dày.
Do dùng thuốc: Việc dùng thuốc chữa bệnh như kháng sinh… có thể làm phá vỡ sự cân bằng trong dạ dày của bạn, làm giảm yếu tố bảo vệ (chất nhầy), đồng thời làm tăng tiết axit dạ dày gây nên cảm giác nóng dạ dày.
Nóng dạ dày xuất phát từ bệnh lý
Một số bệnh đường tiêu hóa có thể gây tình trạng nóng dạ dày là:
Trào ngược dạ dày thực quản:
Axit trong dạ dày nếu như bị tiết quá nhiều, cộng thêm sự suy yếu của cơ vòng thực quản sẽ gây nên tình trạng nóng dạ dày, cơn trào ngược dạ dày kèm theo axit sẽ gây một số biểu hiện nôn, ho, khàn tiếng, đau tức ngực, tình trạng trên tái diễn lâu ngày có thêt gây tổn thương niêm mạc thực quản.
Bệnh viêm loét dạ dày:
Viêm dạ dày, loét dạ dày được hình thành do dạ dày tiết nhiều axit, dịch vị hơn thông thường gây thương tổn trên niêm mạc, mô lót dạ dày, ruột non cùng một số khu vực khác. Viêm lóet dạ dày khiến người bệnh có cảm giác vùng dạ dày bị nóng “như thiêu như đốt” do axit dư thừa quá mức, kèm theo một số biểu hiện chán ăn, buồn nôn và nôn, thường xuyên ợ nóng, ợ chua, ợ hơi…
Cách khắc phục nhanh chứng nóng dạ dày
Chung qui lại, nóng dạ dày dù dưới bất kì hình thức gì thì đều do thủ phạm “axit dạ dày” gây nên”. Để nhanh chóng khắc phục tình trạng trên, biện pháp đầu tiên bạn cần thực hiện đó là làm mát dạ dày, kiểm soát lượng dịch vị tiết ra để tránh dạ dày bị “đốt cháy”.
# Uống nước mát: Uống nước mát là cách đơn giản nhất để “hạ nhiệt” cho dạ dày. Môt số thức uống được khuyến khích khi dạ dày bị nóng rát đó là uống nước dừa, nước ép hoa quả, sữa chua lạnh để làm mát dạ dày, trung hòa axit dạ dày, hỗ trợ hoạt động tiêu hóa của đường ruột.
# Ăn chuối: Khi chứng nóng dạ dày xuất hiện, bạn có thể ăn chuối để cải thiện tình trạng trên. Nguyên nhân bởi chuối có thể trung hòa axit dạ dày, giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi triệu chứng khó chịu. Bạn có thể ăn chuối chín hoặc ăn chuối nghiền sữa đều mang lại công dụng tương tự.
# Hạnh nhân: Ngâm hạnh nhân qua đêm và ăn qua đêm với sữa vào mỗi buổi sáng sẽ giúp cải thiện tình trạng nóng rát dạ dày.
# Sữa tươi: Khi bị nóng rát dạ dày, sữa tươi là cách tốt nhất giảm nhanh tình trạng trên.
# Nước ép bắp cải: Nhiều nghiên cứu cho thấy, nước ép bắp cải chứa nhiều vitamin U, vitamin K có khả năng làm lành vết loét ở niêm mạc dạ dày, trung hòa axit, từ đó cải thiện được tình trạng nóng rát ở dạ dày.
# Dưa chuột: Có đến 90% thành phần của dưa chuột là nước, ăn dưa chuột sẽ giúp dạ dày được làm mát một cách tự nhiên.
Trong sinh hoạt và điều trị bệnh hằng ngày, bạn cần chú ý đến một số điều sau:
- Hạn chế ăn thực phẩm chua cay, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ.
- Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia.
- Ăn nhiều rau xanh, thực phẩm bổ dưỡng.
- Ăn đúng giờ, đúng bữa.
Cảm giác nóng rát dạ dày nếu chỉ xuất phát từ chế độ ăn uống đơn thuần thì không đáng ngại. Tuy nhiên bạn cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày để chúng không làm ảnh hưởng sức khỏe. Trường hợp cảm giác nóng dạ dày do bệnh lý dạ dày gây nên, bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế thăm khám để được điều trị sớm.
Thanh Ngân
BẠN ĐỌC CÓ THỂ THAM KHẢO THÊM: