Theo kinh nghiệm dân gian, dùng tỏi có thể chữa đau dạ dày và giảm nhẹ các triệu chứng đi kèm như ợ hơi, ợ nóng, đầy hơi, chướng bụng,… Các mẹo chữa từ tỏi sử dụng hoàn toàn nguyên liệu tự nhiên và có cách thực hiện đơn giản nên được khá nhiều bệnh nhân áp dụng.
Có nên dùng tỏi chữa đau dạ dày?
Chữa đau dạ dày bằng tỏi là mẹo trị bệnh được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Theo quan niệm của y học cổ truyền, tỏi có vị cay nồng, tính ấm, tác dụng hành khí, sát trùng, giải độc và tiêu tích. Chính vì vậy, tỏi được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh, đặc biệt là các chứng bệnh về đường tiêu hóa như viêm tá tràng, đau dạ dày và rối loạn tiêu hóa.
Đau dạ dày (vị quản thống) là chứng bệnh thường gặp ở người trưởng thành. Với công năng hành khí và tiêu tích, tỏi có thể giảm đau dạ dày và các triệu chứng đi kèm như ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, ăn uống kém,… Đến nay, cách chữa đau dạ dày bằng tỏi vẫn được khá nhiều bệnh nhân áp dụng.
Tỏi là loại gia vị quen thuộc chứa hàm lượng khoáng chất và chất chống oxy hóa cao. Dù chưa được nghiên cứu về hiệu quả điều trị đau dạ dày nhưng các nghiên cứu sơ bộ cho thấy, tỏi chứa một số thành phần tốt cho đường tiêu hóa.
- Allicin: Chất chống oxy hóa có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm và tăng tuần hoàn máu. Cung cấp allicin hằng ngày cho cơ thể giúp tiêu trừ gốc tự do, hỗ trợ giảm hại khuẩn trong đường ruột và tăng tốc độ phục hồi, tái tạo niêm mạc bị tổn thương.
- Vitamin, khoáng chất: Tỏi là một trong những loại gia vị chứa hàm lượng khoáng chất và vitamin dồi dào. Các thành phần dinh dưỡng trong tỏi giúp cải thiện sức khỏe và tăng cường khả năng đề kháng. Qua đó gián tiếp phục hồi, tái tạo niêm mạc bị sung huyết và viêm loét.
Tuy nhiên, tỏi có vị cay, nồng, tính nóng có thể kích thích lên vết loét ở dạ dày. Vì vậy, bệnh nhân nên dùng tỏi đen hoặc tỏi đã được nấu chín để tránh gây nóng rát thượng vị, ợ hơi và ợ nóng.
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào chứng minh hiệu quả của tỏi đối với bệnh đau dạ dày. Do đó để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng. Đồng thời nên lưu ý, cách chữa bằng tỏi và các nguyên liệu tự nhiên chỉ có tác dụng hỗ trợ, hoàn toàn không thể thay thế cho các phương pháp y tế.
5 Cách chữa đau dạ dày bằng tỏi theo kinh nghiệm dân gian
Tỏi là loại gia vị quen thuộc có trong căn bếp. Vì vậy, bệnh nhân có thể tận dụng tỏi để thực hiện các công thức chữa đau dạ dày an toàn, đơn giản ngay tại nhà. Dưới đây là 5 cách chữa được nhiều bệnh nhân áp dụng:
1. Tỏi ngâm mật ong chữa đau dạ dày công hiệu
Tỏi ngâm mật ong là mẹo dân gian chữa đau dạ dày công hiệu. Đây cũng là mẹo chữa được nhiều bệnh nhân áp dụng nhất. Ngoài tác dụng kháng khuẩn của tỏi, công thức này còn tận dụng công năng và dược tính của mật ong để tăng hiệu quả chữa đau dạ dày.
Theo y học cổ truyền, mật ong có vị ngọt, tính bình, tác dụng sinh lực, bổ dưỡng tỳ vị và giải độc. Mật ong giúp tăng cường chức năng tiêu hóa và bồi bổ sức khỏe nên thường được dùng cho người bị suy nhược, sụt cân, xanh xao do đau dạ dày kéo dài. Ngoài ra, mật ong đã được chứng minh có tác dụng chống viêm, trung hòa dịch vị và hỗ trợ ức chế hoạt động của vi khuẩn Hp.
Tỏi ngâm mật ong có thể giảm nhẹ cơn đau ở vùng thượng vị, đồng thời ức chế vi khuẩn và tạo điều kiện cho niêm mạc dạ dày phục hồi. Ngoài ra, mật ong còn giúp trung hòa vị cay nồng của tỏi, tránh tình trạng ợ nóng khi dùng tỏi tươi.
Cách thực hiện tỏi ngâm mật ong chữa đau dạ dày:
- Chuẩn bị 100g tỏi và mật ong vừa đủ
- Bóc vỏ tỏi, cho vào bình và đổ mật ong vào cho ngập tỏi
- Sau đó, đậy kín nắp và ngâm trong 15 – 20 ngày là dùng được
- Mỗi lần ăn từ 1 – 2 thìa mật ong ngâm tỏi, ngày dùng 2 lần sau khi ăn khoảng 1 giờ đồng hồ
Để đạt hiệu quả cao, nên áp dụng cách chữa đau dạ dày bằng tỏi ngâm mật ong trong 2 – 3 tháng.
2. Cách chữa đau dạ dày bằng tỏi đen
Tỏi đen là kết quả của quá trình lên men của tỏi trắng trong điều kiện độ ẩm và nhiệt độ lý tưởng. So với tỏi tự nhiên, tỏi đen mang đến nhiều công dụng và lợi ích hơn nhờ vào thành phần dinh dưỡng dồi dào.
Các nghiên cứu cho thấy, hiệu quả kháng virus, kháng nấm và vi khuẩn của tỏi đen cao hơn nhiều lần so với tỏi trắng. Hơn nữa, các chất được sinh ra trong quá trình lên men như S-allyl L-cysteine còn có khả năng “thu dọn” gốc tự do, chống oxy hóa và giảm viêm.
Do đó, sử dụng tỏi đen hằng ngày có thể giảm phần nào tình trạng đau dạ dày, giảm mức độ sung huyết và đẩy nhanh tốc độ làm lành ổ viêm, loét. Đồng thời hỗ trợ phục hồi sức khỏe và nâng cao chức năng đề kháng. Ngay cả khi đau dạ dày được kiểm soát, bệnh nhân cũng có thể dùng duy trì 3 – 6g tỏi đen hằng ngày để bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Hướng dẫn cách dùng tỏi đen chữa đau dạ dày:
- Ăn trực tiếp 1 – 3 củ tỏi đen/ ngày
- Nên ăn đều đặn trong thời gian dài để nhận thấy cải thiện rõ rệt
3. Ngâm tỏi đen với mật ong giảm đau dạ dày
Tỏi đen chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe nói chung và bệnh đau dạ dày nói riêng. Để tăng hiệu quả giảm đau, bệnh nhân có thể dùng tỏi đen ngâm với mật ong. Cả hai nguyên liệu này đều có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và chống oxy hóa. Nếu dùng đều đặn, tình trạng đau dạ dày, ợ hơi, ợ nóng,… có thể giảm đi đáng kể.
Bên cạnh đó, tỏi đen ngâm mật ong còn mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe như nâng cao sức đề kháng, giảm suy nhược, phòng ngừa cao huyết áp và các vấn đề tim mạch thường gặp khác.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị khoảng 150g tỏi đen và 200ml mật ong
- Bóc vỏ tỏi đen rồi cho tất cả vào bình thủy tinh
- Đổ mật ong vào và dùng nắp đậy kín trong 15 – 20 ngày là dùng được
- Mỗi lần ăn 2 – 3 thìa mật ong cùng với 2 – 3 tép tỏi, ngày dùng đều đặn 2 lần
- Có thể dùng khi cơn đau bùng phát hoặc dùng sau khi ăn 2 giờ đồng hồ
4. Rượu tỏi – Cách chữa đau dạ dày theo kinh nghiệm dân gian
Ngâm rượu là phương thức chế biến quen thuộc trong dân gian. Theo y học cổ truyền, ngâm rượu giúp tối ưu dược tính của thảo dược, đồng thời giúp thảo dược được bảo quản tốt, tránh bị hư hại và nấm mốc. Dân gian lưu truyền khá nhiều bài thuốc ngâm rượu chữa đau dạ dày, trong đó rượu tỏi là bài thuốc được áp dụng phổ biến nhất.
Theo kinh nghiệm dân gian, cả tỏi và rượu đều có đặc tính kháng khuẩn. Kết hợp với nhau có thể tăng hiệu quả giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại trong dạ dày và đường ruột. Tuy nhiên trên thực tế, mẹo chữa này chưa được chứng minh về hiệu quả cũng như cải thiện lâm sàng.
Ngược lại, cồn và độc tố trong rượu còn phá vỡ chất nhầy bảo vệ dạ dày khiến dịch vị tấn công và phá hủy niêm mạc. Kết quả là làm tăng mức độ viêm, loét và tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày. Vì vậy, bệnh nhân cần thận trọng khi áp dụng mẹo chữa bằng rượu tỏi.
Hướng dẫn cách chữa đau dạ dày bằng rượu tỏi:
- Chuẩn bị khoảng 100ml rượu trắng (40 độ) và 50g tỏi
- Bóc vỏ tỏi và cho vào bình thủy tinh
- Sau đó, đổ rượu trắng vào, đậy kín và ngâm trong 15 – 20 ngày là dùng được
- Mỗi lần uống 1 chén nhỏ, ngày dùng 2 lần sau bữa ăn
Lưu ý: Để đảm bảo an toàn, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng cách chữa đau dạ dày bằng rượu tỏi.
5. Bổ sung tỏi vào chế độ dinh dưỡng
Tỏi là loại gia vị có mùi hăng, nồng đặc trưng. Không chỉ giúp tăng hương vị cho món ăn, tỏi còn cung cấp cho cơ thể nhiều khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa. Vì vậy ngoài các mẹo chữa trên, bệnh nhân nên thêm món ăn từ loại gia vị này vào chế độ ăn để hỗ trợ quá trình điều trị.
Tuy nhiên tỏi có vị cay nồng, dễ gây nóng rát thượng vị và trào ngược dạ dày. Do đó khi chế biến, chỉ nên dùng một lượng tỏi nhất định. Ngoài ra, nên chú ý nêm ít gia vị, dầu mỡ và kết hợp cùng với các nhóm thực phẩm lành mạnh để tránh kích thích lên niêm mạc bị sung huyết, viêm, loét.
Một số món ăn từ tỏi bệnh nhân đau dạ dày có thể bổ sung:
- Tôm rim tỏi
- Tôm hấp tỏi phi
- Gà nấu tỏi
- Rau muống xào tỏi
Lưu ý khi dùng tỏi chữa đau dạ dày
Dùng tỏi chữa đau dạ dày là mẹo dân gian được áp dụng khá phổ biến. Dù chưa được nghiên cứu trên cơ sở khoa học nhưng cách chữa này vẫn được nhiều bệnh nhân thực hiện. Vì sử dụng chủ yếu là nguyên liệu tự nhiên nên các cách chữa từ tỏi được đánh giá có độ an toàn, lành tính và không tác dụng phụ. Tuy nhiên trên thực tế, các mẹo chữa dân gian vẫn có thể gây ra tác dụng ngoại ý nếu áp dụng không đúng cách.
Để hạn chế rủi ro phát sinh trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề khi áp dụng mẹo chữa đau dạ dày bằng tỏi:
- Các cách chữa đau dạ dày bằng tỏi chỉ được lưu truyền trong dân gian và hầu như chưa được chứng minh trên cơ sở khoa học. Vì vậy trước khi áp dụng, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
- Người bị đau dạ dày do nhiệt (do ăn thức ăn cay nóng, uống nhiều rượu bia, stress kéo dài,…) không nên áp dụng các mẹo chữa từ tỏi. Tỏi có vị cay nồng, tính nóng, có thể khiến triệu chứng đau dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn.
- Không áp dụng các mẹo chữa từ tỏi khi bụng đói. Thời điểm sử dụng thích hợp nhất là sau khi ăn khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ.
- Tỏi có đặc tính chống đông máu và hạ huyết áp. Người có vấn đề về rối loạn đông máu, đang sử dụng thuốc chống đông, Aspirin hoặc huyết áp thấp không nên áp dụng các mẹo chữa từ thảo dược này.
- Tương tự như các cây thuốc nam chữa đau dạ dày khác, tỏi có dược tính kém hơn so với thuốc tây và hiệu quả chậm. Vì vậy, bệnh nhân cần áp dụng thường xuyên để nhận thấy hiệu quả. Ngoài ra, nên kết hợp với sử dụng thuốc để kiểm soát hoàn toàn đau dạ dày và các triệu chứng đi kèm.
- Thực tế, các thành phần có trong tỏi dễ kích thích lên niêm mạc bị viêm, loét. Bệnh nhân có thể cân nhắc về một số mẹo chữa tự nhiên khác như mật ong, nghệ, nha đam,… để hạn chế rủi ro và tác dụng phụ khi áp dụng các công thức từ tỏi.
- Chế độ ăn uống được xem là yếu tố quan trọng, quyết định kết quả của quá trình điều trị bệnh đau dạ dày. Do đó bên cạnh các phương pháp điều trị, nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học để hỗ trợ quá trình điều trị.
- Ngưng áp dụng mẹo chữa từ tỏi nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường.
Bài viết đã hướng dẫn chi tiết 5 mẹo chữa đau dạ dày bằng tỏi được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Tuy nhiên, hầu hết các mẹo chữa này đều chưa được kiểm chứng về độ an toàn và tính hiệu quả. Vì vậy, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng để tránh các rủi ro và tác dụng không mong muốn.