Blogs Blogs

Back

5 Cách Chữa Chàm Khô Dân Gian Đơn Giản - Hiệu Quả

Bên cạnh phương pháp y tế, cách chữa chàm khô bằng mẹo dân gian cũng được khá nhiều bệnh nhân lựa chọn. Hầu hết các mẹo dân gian đều tận dụng nguyên liệu tự nhiên nên có ưu điểm lành tính, an toàn và ít bị phụ thuộc khi áp dụng. 

chữa chàm khô dân gian
Cách chữa chàm khô bằng mẹo dân gian được khá nhiều bệnh nhân áp dụng

Có nên chữa chàm khô theo dân gian? Ưu điểm – Hạn chế

Chàm khô là tên gọi dân gian đề cập đến tổn thương da mãn tính, dai dẳng với các triệu chứng điển hình như da khô ráp, bong tróc, dày sừng, thâm nhiễm và ngứa ngáy. Theo y học hiện đại, tình trạng này được gọi là chàm (eczema) mãn tính.

Chàm khô là bệnh da liễu khá lành tính, chủ yếu gây viêm ở lớp thượng bì kèm theo hiện tượng dày sừng, nứt nẻ và ngứa ngáy. Bệnh hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và ít khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng da đỏ, thâm nhiễm ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ và ngoại hình. Hơn nữa, chàm khô gây ngứa ngáy dai dẳng, tác động tiêu cực đến giấc ngủ, sinh hoạt, hiệu suất học tập và lao động.

cách chữa chàm khô dân gian
Chàm khô là bệnh da liễu lành tính nhưng có đặc tính dễ tái phát, dai dẳng và tiến triển mãn tính

Hiện nay bên cạnh các phương pháp y tế, nhiều bệnh nhân lựa chọn chữa chàm khô bằng các mẹo dân gian. Các mẹo chữa này chủ yếu sử dụng nguyên liệu tự nhiên để giảm nhẹ một số triệu chứng của bệnh như ngứa, viêm đỏ, da nứt nẻ, dày sừng và khô ráp.

So với thuốc Tây, các mẹo chữa từ dân gian được đánh giá có độ an toàn cao, lành tính và hiếm khi xảy ra hiện tượng phụ thuộc khi áp dụng. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có những hạn chế nhất định. Để có thể lựa chọn hướng điều trị phù hợp, bệnh nhân nên cân nhắc giữa ưu điểm và hạn chế của phương pháp chữa chàm khô bằng mẹo dân gian.

Ưu điểm của cách trị bệnh chàm khô theo dân gian:

  • Chủ yếu sử dụng nguyên liệu tự nhiên nên có độ an toàn cao, lành tính và ít gây ra tác dụng phụ khi áp dụng
  • Có thể thực hiện trong thời gian dài mà không gây ra hiện tượng phụ thuộc như thuốc bôi chứa corticoid
  • Phù hợp với nhiều đối tượng, kể cả trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú

Hạn chế của phương pháp điều trị bệnh chàm khô theo dân gian:

  • Hiệu quả hạn chế và phụ thuộc khá nhiều vào cơ địa
  • Có thể không mang lại hiệu quả trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh
  • Mất nhiều thời gian mới có thể phát huy tác dụng tối đa

Có thể thấy, mặc dù có độ an toàn cao nhưng hầu hết các mẹo dân gian đều có hiệu quả chậm và tác dụng phụ thuộc nhiều vào cơ địa. Do đó, bệnh nhân chỉ nên áp dụng các phương pháp này trong giai đoạn bệnh ổn định, triệu chứng có mức độ nhẹ và phạm vi ảnh hưởng không quá rộng. Ngược lại trong trường hợp chàm khô gây nứt nẻ nặng, da chảy máu, đau nhức và ngứa ngáy dữ dội, nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

5 Cách chữa chàm khô theo dân gian đơn giản, an toàn

Dân gian lưu truyền nhiều cách chữa chàm khô bằng các nguyên liệu tự nhiên và lành tính. Tuy nhiên, mỗi cách chữa đều có đặc tính dược lý và tác dụng khác nhau. Vì vậy, nên lựa chọn mẹo chữa phù hợp với tình trạng da để đạt hiệu quả tối ưu.

Dưới đây là 5 cách trị bệnh chàm khô theo kinh nghiệm dân gian được áp dụng phổ biến nhất bao gồm:

1. Dùng lá chè xanh – Cách trị chàm khô đơn giản

Lá chè xanh là thảo dược quen thuộc đối với người Việt. Không chỉ được dùng để nấu nước hằng ngày, chè xanh còn được tận dụng để chữa các bệnh da liễu thường gặp như chàm khô, viêm da tiết bã nhờn, dị ứng thời tiết, nổi mề đay mẩn ngứa,… Theo kinh nghiệm dân gian, chè xanh có vị chát, đắng nhẹ, tính mát, tác dụng làm mát cơ thể, giải khát và thanh nhiệt. Dùng lá chè chườm đắp hoặc nấu nước tắm có thể giảm viêm đỏ da, cải thiện tình trạng ngứa ngáy và nóng rát rõ rệt.

Ngoài ra, hiệu quả giảm ngứa và phục hồi da của thảo dược này cũng đã được nghiên cứu trên cơ sở khoa học. Nghiên cứu cho thấy, các loại vitamin, khoáng chất và đặc biệt là chất chống oxy hóa EGCG trong lá chè có khả năng chống viêm, giảm ngứa và củng cố hàng rào bảo vệ da.

chữa chàm khô dân gian
Dùng lá chè xanh giã đắp và ngâm rửa có thể giảm nhẹ một số triệu chứng của bệnh chàm khô

Cách dùng lá chè xanh chữa bệnh chàm khô:

  • Chuẩn bị búp chè xanh tươi, đem rửa sạch và để ráo
  • Sau đó, giã nát búp chè và chườm đắp lên vùng da bị chàm khô
  • Dưỡng chất và hàm lượng nước trong búp chè có thể giảm ngứa, cải thiện tình trạng da khô ráp và nứt nẻ rõ rệt
  • Nếu chàm khô xảy ra ở nhiều vị trí trên cơ thể, nên dùng lá chè xanh rửa sạch, nấu nước tắm hằng ngày để giảm ngứa, tiêu viêm và kháng khuẩn

2. Trị chàm khô theo dân gian với dầu dừa

Trị bệnh chàm khô bằng dầu dừa là một trong những cách chữa theo kinh nghiệm dân gian. Khi y học chưa phát triển, nhân dân tận dụng đặc tính dưỡng ẩm tự nhiên của dầu dừa để giảm tình trạng da khô căng, nứt nẻ và tróc vảy do chàm khô gây ra. Chỉ sau khoảng vài phút thoa lên da, cảm giác ngứa ngáy và đau rát sẽ thuyên giảm đáng kể.

Hiện nay, dầu dừa đã được nghiên cứu và ứng dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Nguyên liệu này chứa hàm lượng axit béo dồi dào có khả năng dưỡng ẩm da sâu, ngăn ngừa tình trạng da mất nước và nứt nẻ. Ngoài ra, dầu dừa còn chứa axit lauric có đặc tính kháng nấm, virus và vi khuẩn. Với nhiều tác dụng đối với làn da, cách chữa chàm khô bằng dầu dừa có thể giảm nhẹ một số triệu chứng của bệnh và hạn chế phần nào nguy cơ viêm nhiễm ở vùng da tổn thương.

cách chữa chàm khô dân gian
Dầu dừa có tác dụng dưỡng ẩm sâu, đồng thời giúp củng cố hàng rào bảo vệ và ngăn ngừa bội nhiễm da

Hướng dẫn cách dùng dầu dừa trị chàm khô theo kinh nghiệm dân gian:

  • Làm sạch vùng da bị chàm khô bằng nước ấm (có thể ngâm với nước ấm trong 3 – 5 phút để giảm bớt tế bào chết ở lớp sừng của da)
  • Sau đó, sử dụng 1 ít dầu dừa thoa lên vùng da tổn thương
  • Massage nhẹ nhàng theo hình xoắn ốc để axit béo từ dầu dừa dễ dàng thẩm thấu vào da
  • Để trong khoảng 10 – 15 phút, sau đó dùng khăn giấy thấm bớt dầu và lưu lại một lớp dầu mỏng trên da
  • Áp dụng cách này thường xuyên (2 lần/ ngày) giúp hạn chế mức độ khô ráp đáng kể. Đồng thời hỗ trợ củng cố hàng rảo bảo vệ da và ngăn ngừa hiện tượng bội nhiễm nấm, vi khuẩn

3. Lá ổi chữa chàm khô theo kinh nghiệm dân gian

Lá ổi là vị thuốc nam quen thuộc có mặt trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Trên thực tế, các mẹo chữa từ lá ổi gần như chưa được chứng minh hiệu quả trên cơ sở khoa học. Các mẹo chữa từ thảo dược này chủ yếu được lưu truyền trong phạm vi nhân dân.

Tuy vậy, cách trị chàm khô bằng lá ổi vẫn được khá nhiều bệnh nhân áp dụng. Dựa trên kinh nghiệm thực tế, nhiều bệnh nhân nhận thấy da giảm ngứa, tróc vảy và viêm đỏ rõ rệt khi thực hiện mẹo chữa từ lá ổi thường xuyên.

chữa chàm khô dân gian
Dùng lá ổi chữa bệnh chàm khô là mẹo trị theo kinh nghiệm dân gian

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 1 nắm lá ổi tươi, đem ngâm rửa với nước muối pha loãng
  • Sau đó, vớt ra và để ráo nước
  • Đun sôi 1 – 1.5 lít nước và cho lá ổi vào đun thêm khoảng 3 – 5 phút thì tắt bếp
  • Để nước nguội bớt đến còn âm ấm thì dùng để ngâm rửa vùng da bị chàm khô. Với những vùng da không thể ngâm rửa, nên dùng khăn mềm thấm nước và chườm đắp lên da
  • Có thể tận dụng lá ổi non giã nát và đắp lên vùng da bị chàm để giảm ngứa, nứt nẻ và cải thiện tình trạng da khô căng

4. Ngâm rửa da với nước lá trầu không

Lá trầu không được dân gian sử dụng trong nhiều bài thuốc trị bệnh, trong đó phổ biến nhất là bệnh chàm khô, tổ đỉa, mề đay do dị ứng thời tiết, viêm da tiết bã nhờn,… Theo ghi chép từ y học cổ truyền, trầu không có vị cay nồng, mùi thơm đặc trưng và tính ấm. Thảo dược này có tác dụng làm săn da, chống ngứa và khu phong tán hàn. Vì vậy, không lạ khi lá trầu được dùng trong nhiều bài thuốc chữa các bệnh ngoài da.

Thực tế, một số công dụng của lá trầu cũng đã được công nhận trên phương diện khoa học. Cụ thể, tinh dầu chiết xuất từ trầu không có tác dụng kháng sinh rất mạnh, hiệu quả với hầu hết các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng da và mô mềm. Bên cạnh đó, Eugenol và Cineol trong lá trầu còn có đặc tính chống viêm và giảm ngứa.

chữa chàm khô dân gian
Dùng lá trầu không nấu nước ngâm rửa có thể giảm mức độ ngứa ngáy và phòng ngừa viêm nhiễm da đáng kể

Cách dùng lá trầu không trị chàm khô theo kinh nghiệm dân gian:

  • Rửa sạch 1 nắm lá trầu không tươi, sau đó để ráo
  • Đun sôi khoảng 1 lít nước rồi cho lá trầu vào, đun thêm 2 – 5 phút rồi tắt bếp
  • Hòa thêm nước mát vào để ngâm rửa vùng da tổn thương hoặc có thể nấu nước tắm nếu chàm khô ảnh hưởng đến nhiều vùng da trên cơ thể
  • Nên áp dụng cách chữa từ lá trầu đều đặn 1 lần/ ngày để giảm ngứa và ngăn ngừa viêm nhiễm

Lá trầu không có công năng và dược tính đa dạng. Tuy nhiên, thảo dược này hoàn toàn không có hiệu quả dưỡng ẩm da. Vì vậy bên cạnh mẹo chữa từ lá trầu, bệnh nhân nên kết hợp với một số nguyên liệu tự nhiên có khả năng dưỡng ẩm như dầu dừa, nha đam, dầu mù u,… để giảm hiện tượng da nứt nẻ, khô ráp.

5. Chữa chàm khô bằng nha đam theo kinh nghiệm dân gian

Đắp gel nha đam lên vùng da bị chàm khô có thể giảm nhanh tình trạng khô ráp, đau rát và ngứa ngáy. Nha đam chứa hàm lượng nước dồi dào cùng với các loại vitamin và khoáng chất tốt cho làn da. Áp dụng cách chữa chàm khô bằng nha đam thường xuyên không chỉ giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh mà còn hỗ trợ nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh và mịn màng.

chữa chàm khô dân gian
Dùng gel nha đam là mẹo chữa chàm khô theo kinh nghiệm dân gian được áp dụng khá phổ biến

Cách dùng nha đam chữa bệnh chàm khô:

  • Chuẩn bị khoảng 1 – 2 lá nha đam tươi, đem gọt bỏ và rửa sạch phần mủ bên trong
  • Sau đó, dùng thìa cạo phần gel trong suốt
  • Làm sạch vùng da cần điều trị và thoa phần gel nha đam lên da
  • Để trong 10 – 15 phút, sau đó dùng tay massage nhẹ để giảm vảy bong và loại bỏ tế bào chết ở lớp sừng của da
  • Cuối cùng, dùng khăn lau bớt gel nha đam, để lại trên da một lớp gel mỏng nhằm khóa ẩm và hạn chế tình trạng da mất nước

Lưu ý khi chữa bệnh chàm khô theo dân gian

Hầu hết các cách trị bệnh chàm khô theo dân gian đều sử dụng nguyên liệu tự nhiên nên khá lành tính, an toàn và ít khi gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên để quá trình điều trị mang lại hiệu quả tối ưu, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:

chữa chàm khô dân gian
Song song với các mẹo chữa chàm khô theo dân gian, nên sử dụng thuốc bôi/ uống trong trường hợp cần thiết
  • Chỉ nên áp dụng các cách trị bệnh chàm khô bằng mẹo dân gian trong trường hợp bệnh ổn định, tổn thương da không quá nghiêm trọng và chỉ gây ngứa ngáy nhẹ. Nếu chàm khô gây ngứa nhiều, da nứt nẻ và chảy máu nghiêm trọng, nên kết hợp với sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Các mẹo chữa từ dân gian chủ yếu tận dụng nguyên liệu tự nhiên nên ít khi gây kích ứng và dị ứng. Tuy nhiên trên thực tế, các nguyên liệu này vẫn có thể gây dị ứng với người có làn da nhạy cảm. Vì vậy trước khi áp dụng, nên thử một ít nguyên liệu lên vùng da nhỏ. Quan sát biểu hiện của da sau 15 – 20 phút trước khi áp dụng trên diện rộng.
  • Chú ý ngâm rửa sạch nguyên liệu trước khi dùng. Tránh sử dụng khi nguyên liệu chưa được làm sạch hoàn toàn.
  • Chàm khô là bệnh da liễu có tính chất dai dẳng và rất dễ tái phát. Bên cạnh các biện pháp điều trị, nên tránh các yếu tố có khả năng bùng phát bệnh như kích thích cơ học (ma sát, gãi cào), xà phòng, hóa chất, nhiệt độ lạnh, dị ứng thuốc, thực phẩm, dị ứng thời tiết,… Nếu không cách ly với các yếu tố kể trên, hiệu quả của mẹo chữa dân gian và các phương pháp y tế đều giảm đi đáng kể.
  • Nếu nhận thấy vùng da bị chàm khô có dấu hiệu nhiễm khuẩn (da sưng đỏ, chảy dịch, ứ mủ, đau nhức,…), tuyệt đối không áp dụng bất cứ mẹo dân gian nào. Trong trường hợp này, cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị.
  • Ngoài mẹo dân gian, bệnh nhân cũng có thể áp dụng cùng với các cách trị chàm tại nhà để giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế tần suất – thời gian sử dụng thuốc điều trị. Việc kết hợp nhiều phương pháp giúp giảm nguy cơ lạm dụng thuốc đáng kể – đặc biệt là thuốc bôi corticoid.

Các cách chữa chàm khô theo kinh nghiệm dân gian có thể giảm phần nào triệu chứng của bệnh và hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc điều trị. Tuy nhiên, hiệu quả của các mẹo dân gian tương đối hạn chế và phụ thuộc nhiều vào cơ địa. Do đó nếu không nhận thấy cải thiện khi áp dụng, nên đổi phương pháp điều trị để tránh ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh.


Nguồn bài viết: https://bvdkbl.vn/cach-chua-cham-kho-dan-gian-1273.html
Comments
No comments yet. Be the first.