Rò ở hậu môn là bệnh lý xuất hiện ở vùng hậu môn trực tràng phổ biến sau bệnh trĩ. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng lại gây nhiều phiền toái trong cuộc sống. Vậy nguyên nhân dẫn đến rò hậu môn là gì? Triệu chứng của bệnh được biểu hiện ra sao? Cách điều trị bệnh như thế nào?
1. Rò ở hậu môn là gì?
Rò hậu môn là một dạng nhiễm khuẩn mãn tính ở hậu môn trực tràng. Đường rò giống như như một đường hầm. Nó phát triển khi các tuyến bã trong hậu môn bị nhiễm trùng do quá trình viêm nhiễm gây ra. Một thời gian sau, đường rò này phá hủy và nối thông với lớp da bên ngoài hậu môn.
Ngoài ra, rò hậu môn hình thành do các đám áp – xe quanh hậu môn trực tràng không được điều trị vỡ ra tạo thành đường rò. Như vậy có thể nói, áp – xe là giai đoạn cấp tính, rò hậu môn là giai đoạn mạn tính. Hai giai đoạn này được gọi là một quá trình bệnh lý.
Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 30 đến 50 có tỉ lệ cao mắc phải căn bệnh này. Tùy theo mỗi đặc điểm mà được phân loại như sau:
– Rò hậu môn hoàn toàn: lỗ rò có hai đầu thông từ trong lòng hậu môn ra ngoài bề mặt da nằm gần hậu môn.
– Rò hậu môn đơn giản: đường rò phát triển theo một đường thẳng, thường không có nhiều ngóc ngách.
– Rò hậu môn phức tạp: trường hợp này có lỗ rò ngoằn ngoèo, hình thành nhiều nhánh thông ra ngoài bề mặt da.
– Rò trong cơ thắt là hậu quả của áp – xe dưới da cạnh hậu môn. Đây là một lỗ rò nông phát triển ngay dưới da bên cạnh hậu môn.
Rò ở hậu môn là một dạng nhiễm khuẩn mãn tính ở hậu môn trực tràng rất phổ biến hiện nay
– Rò hậu môn qua cơ thắt: đường rò nằm cắt ngang cơ co thắt hậu môn và là hậu quả của ổ áp – xe vùng hố ngồi trực tràng.
2. Nguyên nhân gây rò ở hậu môn
Các lỗ rò đều được hình thành do các tuyến bã trong hậu môn tích tụ bị tắc nghẽn, nhiễm trùng và tạo thành các khối áp – xe. Các khối áp – xe này do không thể lành lại sẽ phát triển và hình thành lỗ rò mặc dù đã được dẫn lưu mủ.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
– Táo bón trong một thời gian dài
– Hậu môn không được vệ sinh đúng cách, tồn tại nhiều vi khuẩn
– Nhiễm khuẩn đường ruột E.Coli, nhiễm trực khuẩn mủ xanh, vi khuẩn lao, tụ cầu,…
– Nhiễm HIV làm tăng nguy cơ mắc các bệnh cơ hội.
– Mắc các bệnh đường tiêu hóa như viêm túi thừa, bệnh Crohn hoặc đã có tiền sử phẫu thuật hậu môn.
3. Triệu chứng gây bệnh rò ở hậu môn
Bệnh rò hậu môn có biểu hiện triệu chứng khá đa dạng. Một vài triệu chứng hay gặp phải như:
– Căng tức ở vùng hậu môn: Triệu chứng này khiến cho người bệnh không thể đi nhanh, đứng thẳng, ngồi lâu được. Người bệnh sẽ có thói quen ngồi nghiêng về phía bên không đau. Thậm chí một vài người còn có dấu hiệu bị sốt. Để xác định đường rò của giai đoạn này, bạn cần được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán.
– Hậu môn bị sưng và có cảm giác đau rát: Xung quanh hậu môn xuất hiện những khối sưng đỏ, khi ấn tay vào cảm giác đau rát. Nó có thể xuất hiện ngay ở các đường rò.
– Các khối áp – xe ở hậu môn hình thành: Khi các dấu hiệu căng tức nặng hơn, bệnh nhân sốt cũng cao hơn thì đó là lúc mà các khối áp – xe hình thành nhưng chưa bị vỡ. Người bệnh cảm nhận một khối căng phồng ở cạnh hậu môn, khi đè vào có cảm giác rất đau. Khi các khối áp – xe đó vỡ ra sẽ tạo thành các lỗ rò hậu môn.
– Chảy dịch và mủ: Dấu hiệu này thường xuất hiện thành từng đợt không thường xuyên. Một thời gian, các lỗ rò bị ra dịch và mủ có thể sẽ bị khô lại sau đó mới tiếp tục đợt mới. Cũng vì lý do đó mà bệnh nhân có tâm lý chủ quan không đi khám. Đến khi mủ và dịch chảy nhiều liên tục mới lo lắng chạy chữa.
4. Bệnh rò ở hậu môn gây ra những nguy hiểm gì?
Bệnh rò ở hậu môn nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt. Hơn thế, rò ở hậu môn có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm nếu không được điều trị nhanh chóng. Các biến chứng cụ thể như:
– Mủ và chất dịch tiết ra từ lỗ rò có thể khiến khu vực da xung quanh hậu môn bị sưng tấy. Hơn thế, nó còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và chảy mủ ở hậu môn thậm chí là lở loét.
– Bệnh kéo dài càng lâu sẽ là điều kiện để phát sinh hình thành các lỗ rò mới ở các bộ phận khác như trực tràng, niệu đạo, âm đạo.
Vi khuẩn E.Coli cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý rò ở hậu môn
– Các triệu chứng của rò hậu môn khiến cho người bệnh có tâm lý hoang mang, lo lắng, bất an, tự ti làm cho chất lượng cuộc sống bị giảm sút.
Chính vì các biến chứng nêu trên, việc phát hiện và điều trị bệnh sớm là vô cùng cần thiết. Hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị dứt điểm bệnh.
5. Điều trị rò ở hậu môn
Bệnh rò hậu môn không thể dùng thuốc để chữa khỏi. Phương pháp duy nhất điều trị cho căn bệnh này là phẫu thuật. Tuy nhiên, để bệnh được điều trị dứt điểm cũng cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc sau:
– Lựa chọn phương pháp mổ phù hợp cho từng bệnh nhân
– Xác định chính xác vị trí của đường rò nằm trong ống hậu môn, phá bỏ các ngóc ngách và cắt hết các tổ chức xơ
– Tránh gây tổn thương các cơ co thắt trong hậu môn.
Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị rò hậu môn, có thể kể đến như:
5.1 Phẫu thuật cắt đường rò
Phẫu thuật cắt đường rò sẽ được chỉ định đối với trường hợp bệnh nhân có lỗ rò đơn giản không quá gần hậu môn. Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc xổ để làm rỗng ruột sau đó là gây mê toàn thân.
Phẫu thuật này là phương pháp điều trị đơn giản và đem lại hiệu quả cao. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt da và cơ bao quanh đường hầm, biến nó thành rãnh mở để lấy hết mủ từ trong ra ngoài.
5.2 Đặt seton để điều trị rò ở hậu môn
Phương pháp đặt seton thích hợp đối với những ca bệnh có đường rò phức tạp, rò trên cơ thắt hoặc rò xuyên cơ thắt.
Đặt seton có tác dụng dẫn lưu chất lỏng bị nhiễm trùng trước khi phẫu thuật. Quá trình này mất khoảng 6 tuần hoặc lâu hơn.
5.3 Một vài phương pháp điều trị khác
– Loại bỏ đường rò và khâu lại cơ thắt bị đứt
– Che lỗ trong đường rò bằng cách chuyển vạt niêm mạc
– Lấp đầy lỗ rò bằng một loại keo chuyên dụng. Một thời gian sau, các mô tự lành và thay thế loại keo lấp trước đó.
5.4 Một số biến chứng có thể xảy ra khi phẫu thuật chữa rò ở hậu môn
Đau là cảm giác không thể tránh khỏi sau khi thực hiện xong phẫu thuật. Nặng hơn, bệnh nhân sẽ bị chảy máu vết mổ, nhiễm trùng vết mổ, để lại vết sẹo mất thẩm mỹ. Ngoài ra, người bệnh còn bị khó tiểu, bí tiểu, đại tiện mất tự chủ do tổn thương cơ hậu môn. Do đó nên lựa chọn điều trị tại các cơ sở y tế uy tín để hạn chế tối đa các rủi ro. Đồng thời sau phẫu thuật, phải luôn theo dõi tình trạng vết mổ và tình trạng sức khỏe. Nếu thấy dấu hiệu bất thường phải báo ngay với nhân viên y tế để có hướng xử trí kịp thời.
6. Người bệnh bị rò ở hậu môn nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt ra sao?
Để ngăn chặn bệnh rò hậu môn hình thành hoặc tái phát sau mổ, cần lưu ý những vấn đề sau:
– Không ăn đồ cay nóng hoặc các thực phẩm chứa chất kích thích. Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất xơ, các loại rau xanh, trái cây. Chất xơ giúp làm mềm phân, ngăn ngừa tình trạng táo bón mỗi khi đi đại tiện. Hơn thế, những thực phẩm này chứa nhiều vitamin, chất khoáng làm đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào mới nhằm chữa lành các tổn thương.
Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả.
– Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày vì chỉ khi cơ thể được cung cấp đủ lượng nước thì quá trình tiêu hóa mới không gặp vấn đề.
– Nếu bị táo bón kéo dài mặc dù đã thay đổi chế độ ăn uống nhưng không thể cải thiện bạn nên sử dụng thuốc nhuận tràng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
– Vệ sinh vùng da xung quanh hậu môn thường xuyên, luôn giữ khô ráo và sạch sẽ.
– Tránh mặc quần quá bó hoặc quá chật hay sử dụng những chất liệu quá cứng gây cọ sát vào lỗ rò ngoài làm đau và nhiễm trùng nặng hơn. Khi lỗ rò hậu môn có biểu hiện tiết dịch hãy mặc quần rộng rãi và thay thường xuyên.
Lời kết
Bệnh rò hậu môn là một bệnh lý gây ra những bất tiện rất lớn cho bệnh nhân. Bệnh phát hiện càng sớm, điều trị càng dễ và ít để lại biến chứng nặng nề. Do đó, khi có những dấu hiệu bất thường nghi ngờ rò hậu môn bạn cần đi khám ngay để bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Phương pháp phẫu thuật là phương pháp tối ưu nhất để giải quyết dứt điểm căn bệnh này. Bài viết trên đã đề cập tới bệnh rò ở hậu môn, nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị. Hy vọng các bạn đã bỏ túi được nhiều thông tin bổ ích để ngăn ngừa và điều trị bệnh cho bản thân và gia đình.