Áp dụng một số cách chữa đau dạ dày tại nhà có thể giảm nhẹ cơn đau và đẩy lùi các triệu chứng đi kèm. Hầu hết các mẹo chữa này đều tận dụng thảo dược tự nhiên nên có độ an toàn cao, lành tính và dễ thực hiện.
10 Cách chữa đau dạ dày tại nhà hiệu quả, an toàn
Đau dạ dày là triệu chứng khá phổ biến, xảy ra chủ yếu khi bụng đói hoặc sau khi ăn no. Triệu chứng này đặc trưng bởi tình trạng cơn đau xuất hiện ở vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn, dưới xương ức), sau đó cơn đau có thể lan dần ra hai bên và bụng dưới.
Đau dạ dày còn có thể đi kèm với một số triệu chứng khác như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn mửa. Các triệu chứng này đều bắt nguồn từ thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học, tác dụng phụ do sử dụng thuốc,… Dù ít khi đe dọa đến sức khỏe nhưng đau dạ dày có thể ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, hiệu suất học tập và lao động – nhất là khi bùng phát thường xuyên và kéo dài.
Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số cách chữa đau dạ dày tại nhà sau đây:
1. Uống nước ấm – Cách chữa đau dạ dày tại nhà đơn giản
Uống nước ấm là cách chữa đau dạ dày tại nhà đơn giản nhất. Nước ấm giúp làm dịu niêm mạc, trung hòa dịch vị và cải thiện tình trạng dạ dày co bóp quá mức. Từ đó có thể giảm nhanh cơn đau và một số triệu chứng đi kèm như buồn nôn, ợ hơi, ợ nóng,…
Vì vậy nếu không có sẵn thuốc trong nhà, bạn có thể kiểm soát cơn đau dạ dày bằng cách uống 1 ly nước ấm (khoảng 150 – 300ml). Khi uống, nên nhấp từng ngụm nhỏ để làm dịu cảm giác buồn nôn và giảm mức độ đau dạ dày. Biện pháp này hiệu quả nhất với trường hợp đau dạ dày do dùng thực phẩm, đồ uống chứa nhiều axit hoặc đau dạ dày khi bụng đói (do dạ dày tiết quá nhiều dịch vị).
2. Dùng trà mật ong ấm
Ngoài ra, bạn cũng có thể giảm đau dạ dày bằng cách uống trà mật ong ấm. Mật ong cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào cùng với khoáng chất và axit amin đa dạng. Uống trà mật ong giúp giảm cảm giác đói, trung hòa axit dư thừa và cải thiện tình trạng đau dạ dày rõ rệt.
Hơn nữa, mật ong còn chứa chất hydrogen peroxide tự nhiên có khả năng chống viêm, phục hồi niêm mạc bị tổn thương và ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây hại. Một số nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Y học Amsterdam của Hà Lan cũng nhận thấy, mật ong chứa một loại protid có tên defensin-1. Thành phần này có tác dụng tương tự như một loại kháng sinh tự nhiên. Nghiên cứu cho thấy, defensin-1 giúp loại trừ và kiểm soát sự phát triển của các loại vi khuẩn thường gây viêm nhiễm ở người.
Do đó, uống trà mật ong không chỉ giúp giảm đau dạ dày tạm thời mà còn hỗ trợ phục hồi niêm mạc bị viêm loét và cải thiện sức khỏe tổng thể. Hơn nữa, các thành phần dinh dưỡng trong mật ong rất dễ hấp thu, ít khi xảy ra tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
Cách pha trà mật ong ấm chữa đau dạ dày tại nhà:
- Chuẩn bị khoảng 300ml nước ấm và 1 ít mật ong
- Khuấy đều mật ong vào nước ấm, sau đó cho thêm vài lát gừng hoặc chanh tươi
- Uống trà khi còn ấm, nên nhấp từng ngụm nhỏ để mật ong thẩm thấu vào niêm mạc thực quản, dạ dày
Nếu thường xuyên bị đau dạ dày, bạn nên uống trà mật ong giữa các bữa ăn. Mật ong cung cấp dinh dưỡng giúp cơ thể có thêm năng lượng để học tập và lao động. Đồng thời trung hòa lượng axit dư thừa và ngăn cơn đau dạ dày bùng phát.
3. Làm dịu đau dạ dày với trà hoa cúc
Sử dụng trà hoa cúc giảm đau dạ dày là biện pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả khá rõ rệt. Khác với các trà thông thường, trà hoa cúc hoàn toàn không chứa caffeine. Ngược lại, loại trà này cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin và chất chống oxy hóa có lợi.
Trong đó phải kể đến apigenin – chất chống oxy hóa có khả năng giảm căng thẳng và mệt mỏi. Như đã biết, căng thẳng là một trong những yếu tố khiến dạ dày bài tiết nhiều dịch vị, co bóp bất thường và giảm chức năng tiêu hóa. Vì vậy, uống trà hoa cúc thường xuyên có thể làm dịu thần kinh và giảm tần suất đau dạ dày bùng phát.
Một số nghiên cứu khoa học gần đây còn cho thấy, các chất chống oxy hóa tự nhiên trong hoa cúc có khả năng giảm độ axit trong dịch vị, chống viêm và phục hồi vết loét ở niêm mạc dạ dày rõ rệt. Hơn nữa với mùi thơm nhẹ nhàng, trà hoa cúc còn giúp giảm cảm giác buồn nôn và hạn chế nôn mửa sau khi ăn.
Hướng dẫn pha trà hoa cúc trị đau dạ dày tại nhà:
- Sử dụng khoảng 10 – 15g hoa cúc phơi khô cho vào tách
- Đổ khoảng 300ml nước sôi vào và đậy kín
- Hãm trong 10 – 15 phút rồi khuấy đều, cho thêm 1 ít mật ong vào để tạo vị ngọt và dùng uống khi trà còn ấm
- Nên nhấp từng ngụm nhỏ để tinh chất từ hoa cúc thẩm thấu vào niêm mạc bị tổn thương
Ngoài ra, bạn cũng có thể uống trà hoa cúc vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ để cải thiện chất lượng giấc ngủ và ngăn tình trạng trào ngược dạ dày.
4. Chườm ấm – Mẹo giảm đau dạ dày hiệu quả
Chườm ấm là mẹo giảm đau dạ dày đơn giản, an toàn và có thể thực hiện ngay tại nhà. Nhiệt độ ấm từ túi chườm giúp làm giãn mạch, tăng lưu thông tuần hoàn máu và làm dịu tình trạng dạ dày co bóp quá mức. Chỉ sau khoảng 10 – 15 phút chườm ấm, cơn đau dạ dày và các triệu chứng đi kèm sẽ thuyên giảm đáng kể.
Ngoài ra, chườm ấm còn hỗ trợ điều hòa hoạt động tiêu hóa, cải thiện tình trạng đầy hơi, chướng bụng và ăn uống kém. Vì vậy khi cơn đau bùng phát, bạn có thể áp dụng biện pháp này để giảm đau dạ dày và cải thiện các triệu chứng đi kèm. Chườm ấm là biện pháp an toàn, không tác dụng phụ nên có thể áp dụng thường xuyên và lâu dài.
Hướng dẫn chườm ấm giảm đau dạ dày ngay tại nhà:
- Chuẩn bị túi chườm nóng bằng cao su hoặc có thể thay thế bằng chai nhựa
- Dùng nước ấm có nhiệt độ từ 50 – 60 độ C cho vào bình hoặc túi chườm
- Sau đó, chườm trực tiếp lên vùng thượng vị trong 10 – 15 phút
- Để tránh bị bỏng và kích ứng da, có thể dùng khăn vải quần quanh bình nước
5. Giảm đau dạ dày tại nhà bằng cách massage bụng
Massage bụng là một trong những cách giảm đau dạ dày tại nhà được áp dụng phổ biến. Phương pháp này sử dụng tác động vật lý của tay nhằm tăng tuần hoàn máu và làm dịu hoạt động co bóp quá mức của dạ dày. Từ đó hỗ trợ giảm đau vùng thượng vị, cải thiện tình trạng buồn nôn, nôn mửa và một số triệu chứng đi kèm khác.
Ngoài ra, massage bụng còn thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, hỗ trợ điều hòa nhu động ruột và tăng cường khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể. Vì vậy nếu đau dạ dày đi kèm với ăn uống kém, đầy hơi, chướng bụng, bạn có thể áp dụng biện pháp đơn giản này để cải thiện.
Hướng dẫn cách chữa đau dạ dày tại nhà bằng massage bụng:
- Bước 1: Thoa dầu vào tay và xoa hai lòng bàn tay vào nhau để dầu nóng lên. Sau đó, dùng hai bàn tay đặt chồng lên nhau và tiến hành xoa bụng theo hướng chiều kim đồng hồ. Khi xoa, nên điều chỉnh lực vừa phải để thúc đẩy tuần hoàn ở máu ở khu vực thượng vị. Thực hiện thao tác này từ 3 – 5 phút.
- Bước 2: Sau đó, tiến hành day ấn huyệt Trung quản (huyệt nằm ở trung điểm đường nối từ rốn đến mỏ ác). Khi ấn, nên sử dụng ngón tay bấm vuông góc vào huyệt với một lực vừa phải. Tác động vào huyệt Trung quản từ 30 – 60 giây và lặp lại từ 2 – 3 lần.
- Bước 3: Sau khi bấm huyệt Trung quản, thực hiện tương tự với huyệt Túc tam lý (nằm ở mặt ngoài của đầu gối, dưới mỏm gai đầu gối 3 thốn tương đương khoảng 5.4cm). Huyệt vị này có tác dụng giảm đau dạ dày do co thắt quá mức và hỗ trợ điều hòa chức năng của các cơ quan tiêu hóa.
- Bước 4: Khi day ấn huyệt Túc tam lý, nên tiến hành bấm huyệt Nội quan (huyệt nằm trên đường lằn chỉ cổ tay 2 thốn). Sử dụng ngón tay cái ấn vào huyệt với lực vừa phải đến khi có cảm giác ê tức thì dừng lại và duy trì trong 2 phút. Tác động vào huyệt Nội quan có tác dụng điều trung khí và giảm nhẹ cơn đau dạ dày.
- Bước 5: Cuối cùng, day ấn huyệt Thái xung (huyệt nằm ở giữa ngón chân trỏ và ngón chân cái đo xuống khoảng 2cm). Tương tự như huyệt Túc tam lý, dùng ngón tay cái bấm thẳng vào huyệt đến khi có cảm giác ê tức và duy trì trong khoảng 2 phút.
Massage bụng có thể giảm nhẹ cơn đau dạ dày và các triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên, biện pháp này yêu cầu phải xác định đúng huyệt vị mới mang lại hiệu quả rõ rệt. Nếu không xác định được huyệt vị, bạn nên xoa bụng theo chiều kim đồng hồ liên tục từ 5 – 10 phút. Dù không tác động sâu như day bấm huyệt nhưng động tác này có thể giảm mức độ đau dạ dày đáng kể.
6. Tắm nước nóng
Sau khi chườm nóng và massage bụng, bạn có thể ngâm mình trong nước ấm để làm dịu cảm giác đau dạ dày hoàn toàn. Biện pháp này giúp tăng cường tuần hoàn máu của cơ thể, thư giãn cơ và giảm đau dạ dày do co thắt quá mức. Ngoài ra, tắm nước ấm còn có tác dụng giảm căng thẳng, mệt mỏi và hỗ trợ điều hòa hoạt động bài tiết dịch vị.
Để đạt được hiệu quả tốt, nên ngâm mình trong bồn nước ấm từ 15 – 20 phút. Biện pháp này mang lại hiệu quả rõ rệt nhất với những người bị đau dạ dày do căng thẳng quá mức.
7. Uống trà bạc hà giảm buồn nôn, đau dạ dày
Để giảm nhanh cảm giác buồn nôn và đau dạ dày, bạn có thể dùng một tách trà bạc hà ấm. Hoạt chất menthol trong lá bạc hà được chứng minh có thể thư giãn cơ, làm dịu và gây tê tại chỗ. Sau khi uống trà bạc hà, cảm giác đau và nóng rát ở vùng thượng vị có thể thuyên giảm đáng kể. Ngoài ra, mùi thơm đặc trưng của thảo dược này cũng góp phần đẩy lùi cảm giác buồn nôn và khó chịu.
Ngoài ra, bạc hà còn chứa nhiều thành phần có khả năng kháng virus và vi khuẩn. Do đó, thường xuyên dùng loại trà này có thể ngăn ngừa một số vấn đề ở dạ dày và đường ruột do các tác nhân nhiễm trùng. Hiện nay, bạc hà đã được nghiên cứu và ứng dụng để sản xuất các loại sản phẩm hỗ trợ điều trị đau dạ dày, trào ngược thực quản và hội chứng ruột kích thích (IBS).
Cách pha trà bạc hà giảm đau dạ dày tại nhà:
- Sử dụng khoảng 10g lá bạc hà khô cho vào ly/ tách
- Đổ vào 200 – 300ml nước sôi và đậy kín
- Sau đó, cho vào 1 ít đường phèn, khuấy đều và dùng uống khi còn ấm
- Uống từng ngụm nhỏ để các thành phần trong dạ dày có thể thẩm thấu sâu vào niêm mạc thực quản, dạ dày
Nếu cảm giác buồn nôn xảy ra đột ngột, có thể dùng vài lá bạc hà tươi nhai và nuốt nước. Hoạt chất menthol trong thảo dược này giúp giảm buồn nôn và nôn mửa nhanh chóng, hiệu quả.
8. Trà cam thảo chữa đau dạ dày tại nhà
Cam thảo là cây thuốc nam chữa đau dạ dày công hiệu. Theo y học cổ truyền, thảo dược này có vị ngọt, tính bình, tác dụng thông kinh mạch, giải độc, lợi khí huyết và dưỡng khí, có thể giảm chứng quản vị thống (đau dạ dày). Một số nghiên cứu cũng cho thấy, chiết xuất từ cam thảo có khả năng ức chế histamine ở tế bào viền của dạ dày. Từ đó giảm tiết dịch vị, ngăn ngừa loét dạ dày và thúc đẩy tốc độ phục hồi niêm mạc bị tổn thương.
Ngoài ra, cam thảo còn có đặc tính kháng khuẩn và chống co thắt cơ trơn đường tiêu hóa. Như đã biết, đau dạ dày không chỉ khởi phát do dạ dày tăng tiết nhiều dịch vị mà còn do hoạt động co thắt cơ trơn quá mức. Có thể thấy, cam thảo tác động đến toàn bộ các yếu tố dẫn đến đau dạ dày (viêm nhiễm, tăng tiết dịch vị, co thắt quá mức). Vì vậy, bạn có thể uống trà cam thảo để đẩy lùi cơn đau ở vùng thượng vị và các triệu chứng đi kèm.
Hướng dẫn thực hiện:
- Dùng khoảng 8 – 10g cam thảo khô cho vào bình
- Sau đó, thêm vào 200 – 300ml nước sôi từ 90 độ C trở lên
- Hãm trà trong 10 – 15 phút
- Khi uống, có thể thêm mật ong vào để tạo vị ngọt và dùng khi trà còn ấm
Nếu không có nhiều thời gian, có thể dùng rễ cam thảo khô nhai trực tiếp và nuốt nước để kiểm soát nhanh cơn đau dạ dày.
9. Dùng các món ăn nhẹ
Thực tế, đau dạ dày thường bùng phát sau bữa ăn hoặc khi bụng đói. Nếu cơn đau xuất hiện khi bụng đói, bạn có thể cải thiện bằng cách dùng các món ăn nhẹ như vài lát bánh mì mềm, súp, cháo lỏng, canh rau củ, sinh tố bơ,… Nguyên nhân gây đau dạ dày trong trường hợp này là do dịch vị được bài tiết quá mức kích thích vào vùng niêm mạc bị viêm, loét.
Khi dùng các món ăn nhẹ, thức ăn sẽ hấp thu dịch vị dư thừa và giảm mức độ kích thích lên ổ viêm, loét. Từ đó có thể giảm nhẹ cơn đau và một số triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên, nên tránh ăn quá no hoặc dùng các loại thực phẩm/ đồ uống dễ gây kích thích niêm mạc dạ dày như món ăn chứa chất béo bão hòa, gia vị cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều axit,…
10. Sử dụng thuốc không kê toa
Nếu các biện pháp trên không mang lại hiệu quả, bạn có thể dùng một số loại thuốc không kê toa để giảm đau dạ dày. Hầu hết các loại thuốc này đều có bán tại nhà thuốc tây và có thể sử dụng mà không cần toa của bác sĩ.
Một số loại thuốc trị đau dạ dày không kê toa được sử dụng phổ biến:
- Thuốc kháng axit (Almagate, Aluminum phosphate, Magie và nhôm hydroxyd)
- Thuốc tạo màng bảo vệ niêm mạc dạ dày (Natri alginate, Calci carbonate, Natri bicarbonate, Bismuth)
- Thuốc ức chế bài tiết axit (Omeprazole, Cimetidin,…)
- Các sản phẩm hỗ trợ (TPCN chiết xuất từ thảo dược tự nhiên như nghệ, chè dây, bạch truật, cam thảo,…)
Chỉ sử dụng thuốc không kê toa trong thời gian được dược sĩ chỉ định. Bên cạnh đó, cần chú ý điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt để ngăn ngừa tình trạng tái phát. Nếu đau dạ dày có mức độ nặng và đi kèm với các triệu chứng bất thường, nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp.
Lưu ý khi chữa đau dạ dày tại nhà
Đau dạ dày là triệu chứng khá phổ biến, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Triệu chứng này có thể bùng phát thường xuyên gây ảnh hưởng đến sức khỏe, dẫn đến suy nhược cơ thể và gián tiếp tác động đến hiệu suất học tập, lao động.
Áp dụng các biện pháp chữa đau dạ dày tại nhà có thể giảm nhẹ triệu chứng và đẩy lùi một số triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên khi áp dụng các biện pháp này, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Các cách chữa đau dạ dày tại nhà chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, hoàn toàn không thể điều trị bệnh dứt điểm. Vì vậy, nên sắp xếp đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị trong trường hợp cần thiết.
- Ngoài các mẹo chữa tại nhà, nên chủ động thay đổi các thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học như nhịn ăn, ăn uống quá mức, ăn không đúng giờ, căng thẳng quá mức, thường xuyên thức khuya,…
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống có khả năng kích thích niêm mạc dạ dày như đồ uống chứa cồn (rượu bia), caffeine (cà phê, trà đặc), nước ngọt có gas, soda, thực phẩm lên men, chứa nhiều axit, món ăn chứa nhiều gia vị, chất béo bão hòa,…
- Nên kết hợp với tập thể dục thường xuyên để điều hòa hoạt động tiêu hóa của dạ dày, đồng thời ngăn ngừa cơn đau và các triệu chứng khác bùng phát.
- Để đảm bảo hiệu quả của các mẹo chữa tại nhà, cần tránh hút thuốc lá, ngủ nghỉ đúng giờ và hạn chế làm việc quá sức.
- Các biện pháp chữa đau dạ dày tại nhà có độ an toàn cao và dễ thực hiện. Vì vậy, bạn có thể kết hợp các mẹo chữa này cùng với phương pháp y tế để mang lại hiệu quả tối ưu, giúp kiểm soát và đẩy lùi bệnh trong thời gian ngắn.
Bài viết đã tổng hợp 10 cách chữa đau dạ dày tại nhà đơn giản, hiệu quả và dễ thực hiện. Tuy nhiên, các mẹo chữa này chỉ có tác dụng hỗ trợ và mang lại hiệu quả tạm thời. Vì vậy, nên sắp xếp thời gian đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp.