Điều trị vảy nến bằng UVB là một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay. Phương pháp này sử dụng tia UVB nhân tạo để điều biến miễn dịch da, ức chế số lượng và hoạt động của đại thực bào. Qua đó giảm tình trạng đỏ, ngứa, bong vảy trắng ở bệnh nhân bị vảy nến.
Vảy nến là bệnh da liễu mãn tính tương đối phổ biến. Theo ước tính, bệnh ảnh hưởng đến khoảng 2% dân số thế giới và 2 triệu người Việt Nam. Vảy nến liên quan đến rối loạn tăng sinh tế bào thượng bì với cơ chế bệnh sinh có sự tham gia của gen nằm ở nhiễm sắc thể số 6 và các yếu tố khởi động (căng thẳng, stress, thuốc, rối loạn nội tiết,…).
Đa phần các trường hợp bị vảy nến đều lành tính và hiếm khi đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh lý này ảnh hưởng nhiều thẩm mỹ và ngoại hình. Bệnh thường gây tổn thương da ở dạng mảng hoặc đốm, bề mặt phủ nhiều vảy bong, vảy có màu như vỏ xà cừ hoặc sáp nếp, dễ cạo và nhanh tái tạo. Đôi khi có kèm ngứa nhẹ đến dữ dội, đau rát và khó chịu.
Mặc dù là bệnh da liễu phổ biến nhưng căn nguyên chính xác của bệnh vẫn chưa được xác định. Do đó, điều trị vảy nến hiện nay còn gặp nhiều nan giải. Các phương pháp được áp dụng chỉ có thể kiểm soát triệu chứng lâm sàng trong một thời gian nhất định. Sau đó, gen gây bệnh tiếp tục bị khởi động và kết quả là làm tái phát bệnh.
Điều trị vảy nến bằng UVB là phương pháp gì?
Hiện nay điều trị bệnh vảy nến chủ yếu là sử dụng thuốc bôi và thuốc uống. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể can thiệp quang hóa trị liệu (liệu pháp ánh sáng) trong một số trường hợp. Phương pháp này sử dụng tia UVA và UVB nhân tạo để làm sạch tổn thương và điều biến miễn dịch tại chỗ. Thực tế, quang hóa trị liệu được áp dụng trong điều trị nhiều bệnh da liễu như vảy nến, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc mãn tính, bạch biến, lichen phẳng, rụng tóc,…
Đối với bệnh vảy nến, lựa chọn ưu tiên khi can thiệp liệu pháp ánh sáng là sử dụng tia UVB. Các nghiên cứu cho thấy, tia UVB mang lại hiệu quả cao và ít gặp tác dụng phụ hơn so với tia UVA. Tia UVB là ánh sáng có bước sóng ngắn nên chủ yếu tác động đến lớp thượng bì. Trong khi đó, vảy nến chỉ ảnh hưởng đến vùng thượng bì da, hoàn toàn không tác động đến hạ bì và trung bì.
Sử dụng UVB điều trị vảy nến là phương pháp phổ biến hiện nay. Phương pháp này sử dụng tia UVB nhân tạo tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị tổn thương. UVB có khả năng giảm số lượng và hoạt động của lympho T (đại thực bào). Trong cơ chế bệnh sinh của vảy nến, lympho T có vai trò kích hoạt sản xuất các thành phần trung gian dẫn đến rối loạn quá trình tăng sinh tế bào sừng.
Với khả năng điều biến miễn dịch và giảm hoạt động của tế bào lympho T, tia UVB có cải thiện các triệu chứng của vảy nến như da viêm đỏ, bong vảy, ngứa ngáy và đau rát. Tuy nhiên tương tự như sử dụng thuốc, liệu pháp ánh sáng nói chung và tia UVB nói riêng đều chỉ có thể kiểm soát triệu chứng lâm sàng, hoàn toàn không thể điều trị dứt điểm hay phòng ngừa bệnh tái phát.
Chỉ định – Chống chỉ định
Điều trị vảy nến bằng tia UVB được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Vảy nến mãn tính, cố thủ và tái phát thường xuyên
- Trường hợp vảy nến không có hiệu quả khi dùng thuốc
Tất cả các phương pháp điều trị vảy nến đều đi kèm với rủi ro và tác dụng ngoại ý. Vì vậy, các phương pháp thường được áp dụng luân phiên để kiểm soát triệu chứng bệnh, đồng thời hạn chế tối đa các tác dụng phụ phát sinh.
Tuy nhiên, điều trị vảy nến bằng tia UVB chống chỉ định với những đối tượng sau:
- Ung thư tế bào đáy
- Tiền sử u da
- Hội chứng nevi loạn sản di truyền
- Hội chứng Bloom
- Hội chứng Cockayne
- Xeroderma pigmentosum (bệnh khô da sắc tố)
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Tiền sử điều trị bằng arsenic và tia xạ
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ cân nhắc trước khi chỉ định điều trị bằng tia UVB cho những đối tượng sau:
- Porphyrin da
- Dày sừng ánh sáng
- Đục thủy tinh thể
- Có bệnh về gan, thận nặng
- Đang điều trị bằng thuốc Cyclosporine
- Đục nhân mắt
Tác động từ tia UVB có thể làm nghiêm trọng triệu chứng của một số bệnh lý. Do đó, bác sĩ sẽ đánh giá lợi ích và nguy cơ trước khi chỉ định phương pháp này cho bệnh nhân bị vảy nến.
Các hình thức điều trị bệnh vảy nến bằng tia UVB
Tia UVB là ánh sáng có bước sóng ngắn và phạm vi nhỏ hơn so với UVA. Do đó, tia UVB thường được lựa chọn để điều trị vảy nến và các bệnh chỉ gây tổn thương lớp sừng của da. Tùy theo mức độ và phạm vi ảnh hưởng của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định một số hình thức điều trị sau:
1. Điều trị vảy nến bằng UVB dải rộng
Điều trị vảy nến bằng UVB dải rộng là một trong những hình thức điều trị được áp dụng hiện nay. UVB dải rộng là ánh sáng có bước sóng từ 290 – 320mm. Tuy nhiên, UVB dải rộng ít được áp dụng hơn so với UVB dải hẹp do nguy cơ bỏng rát da cao và mức độ cải thiện không có sự chênh lệch nhiều.
Chữa vảy nến bằng UVB dải rộng có thể kìm hãm hoạt động tăng sinh tế bào thượng bì bằng cách giảm số lượng và ức chế đại thực bào. Vì có nguy cơ gây bỏng cao nên UVB dải rộng chỉ được thực hiện trong một số ít trường hợp.
2. Chữa vảy nến bằng tia UVB dải hẹp
Điều trị bằng tia UVB dải hẹp là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Phương pháp này sử dụng tia cực tím UVB dải hẹp (hay còn gọi là NBUVB) chiếu toàn thân hoặc chiếu vào một số vùng da cụ thể để làm sạch tổn thương do vảy nến gây ra.
Tia UVB dải hẹp chỉ tác động đến lớp thượng bì nên ít gây bỏng rát. Tác dụng phụ thường gặp nhất khi áp dụng phương pháp này là gây đỏ và khô da nhưng thường có mức độ nhẹ. Tương tự như tia UVB dải rộng, điều trị vảy nến bằng tia UVB dải dẹp giúp cải thiện tổn thương da đáng kể. Phương pháp này mang lại hiệu quả hơn 80% nếu thực hiện theo đúng liệu trình được bác sĩ chỉ định.
3. Tự điều trị vảy nến bằng UVB bằng thiết bị tại nhà
Hiện nay ngoài điều trị vảy nến bằng tia UVB ở các cơ sở y tế, nhiều bệnh nhân sử dụng các thiết bị phát tia UVB để điều trị tại nhà. Các thiết bị này có khả năng phát tia UVB dải hẹp với bước sóng 311nm.
Khi mua thiết bị, nhà sản xuất sẽ hướng dẫn về cách sử dụng, tần suất và thời gian dùng cụ thể. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên thăm khám ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Thực tế cho thấy, đã có không ít trường hợp gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng do tự ý sử dụng thiết bị phát tia UVB tại nhà.
4. Tận dụng UVB từ ánh nắng mặt trời
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể tận dụng UVB trong ánh nắng mặt trời để cải thiện triệu chứng do vảy nến gây ra. Trong ánh nắng có 3 tia tử ngoại (tia cực tím) bao gồm UVA, UVB và UVC. Trong đó, UVC bị hấp thu hoàn toàn ở tầng ozone, chỉ có tia UVA và UVB tiếp xúc được đến mặt đất.
Vì vậy, bệnh nhân có thể tắm nắng từ 5 – 10 phút mỗi ngày để giảm nhẹ tổn thương và phục hồi hàng rào bảo vệ da. Nghiên cứu cho thấy, tia UV từ ánh nắng có khả năng điều biến miễn dịch và giảm sự bất thường trong quá trình sản sinh tế bào thượng bì. Bên cạnh đó, ánh nắng còn cung cấp vitamin D – loại vitamin có vai trò biệt hóa tế bào và cải thiện triệu chứng của bệnh vảy nến.
Chuẩn bị trước khi điều trị vảy nến bằng UVB
Để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, bệnh nhân và bác sĩ cần có những bước chuẩn bị trước khi thực hiện.
1. Đối với nhân viên bác sĩ
Để thực hiện điều trị vảy nến bằng tia UVB, cần có 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng/ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản về quy trình. Trước khi thực hiện, nhân viên y tế cần thực hiện các bước chuẩn bị như:
- Thăm khám và đánh giá tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Bên cạnh đó, cần khai thác tiền sử bệnh lý để loại trừ một số bệnh nhân có nguy cơ cao khi điều trị bằng tia UVB.
- Giải thích về cơ chế, chi phí, tần suất thực hiện và một số tác dụng phụ gặp phải khi điều trị vảy nến bằng quang hóa trị liệu.
- Lập bệnh án cho bệnh nhân, ghi lại chi tiết mã bệnh nhân, mô tả cụ thể tổn thương và chẩn đoán xác định.
- Yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cần thiết trước khi thực hiện.
- Soạn bản cam kết, đề nghị bệnh nhân và người thân ký tên trước khi chiếu tia UV.
- Ghi chép lại đầy đủ số lần chiếu, mức độ cải thiện và tác dụng ngoại ý gặp phải sau mỗi lần chiếu
2. Đối với bệnh nhân
Bệnh nhân cần có những bước chuẩn bị trước khi chiếu tia UVB, bao gồm:
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo rộng rãi và thoáng
- Thoa dầu paraffin trước khi chiếu để tránh tình trạng da đỏ rát, kích ứng và nổi bọng nước
- Chuẩn bị các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ để sử dụng sau khi chiếu tia UVB
- Thực hiện theo các yêu cầu của bác sĩ
Cách chăm sóc sau khi điều trị bằng vảy nến bằng tia UVB
Mặc dù có hiệu quả giảm tổn thương da do vảy nến nhưng tia UVB có thể khiến da khô, ngứa và nổi ban đỏ. Do đó sau khi thực hiện, bệnh nhân cần thực hiện một số biện pháp chăm sóc sau:
- Nghỉ ngơi tại nhà và hạn chế tiếp xúc với ánh nắng cường độ cao trong thời gian điều trị.
- Theo dõi các biểu hiện của cơ thể và chủ động thông báo với nhân viên y tế nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường.
- Thoa kem dưỡng cho vùng da mặt và da toàn thân (kể cả những vùng da không chiếu tia UVB). Biện pháp này giúp giảm tình trạng khô da, cải thiện ngứa ngáy và hiện tượng nổi ban đỏ đáng kể.
- Tắm rửa đều đặn 1 – 2 lần/ ngày. Hạn chế mặc trang phục có chất liệu dày cứng và bó sát.
- Uống nhiều nước, tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất.
- Giữ tâm lý lạc quan, tránh lo lắng và căng thẳng quá mức.
Chữa vảy nến bằng UVB có tác dụng phụ không?
Mỗi phương pháp điều trị đều tiềm ẩn không ít rủi ro và tác dụng ngoại ý. Vì vậy khi điều trị vảy nến bằng tia UVB, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Nổi ban đỏ, da ngứa và khô
- Viêm giác mạc, viêm kết mạc cấp tính
- Da bị phỏng, nổi bọng nước
- Tái phát các bệnh nhiễm trùng da do virus
- Tăng sinh melanin khiến da thâm sạm và đậm màu hơn so với vùng da lành
- Cơ thể mệt mỏi, choáng váng, đau đầu
- Đẩy nhanh tốc độ lão hóa và tăng nguy cơ ung thư da nếu lạm dụng quá mức
Khi điều trị bằng tia UVB, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách nhận biết và xử lý các tác dụng phụ thường gặp. Với những biểu hiện bất thường, bệnh nhân nên chủ động thông báo với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Điều trị vảy nến bằng UVB có hiệu quả không?
Chữa vảy nến bằng UVB là một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay. Phương pháp này được đánh giá mang lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh như da viêm đỏ, bong nhiều vảy trắng và ngứa ngáy. Thực tế cho thấy, can thiệp liệu pháp ánh sáng có thể giảm đến 80% tổn thương da và kéo dài thời gian bệnh tái phát đáng kể.
Theo thống kê tại các bệnh viện ở nước ta, đa phần các bệnh nhân vảy nến điều trị bằng tia UVB đều có kết quả tốt. Trong đó có 50% bệnh nhân có thể duy trì kết quả trong vòng 6 tháng kể từ khi kết thúc quá trình điều trị. Như vậy có thể thấy, chữa vảy nến bằng tia UVB mang đến hiệu quả cao bên cạnh sử dụng thuốc bôi và thuốc uống.
Phương pháp này được xem là giải pháp phù hợp dành cho những trường hợp bị vảy nến dai dẳng và không có đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Ngoài ra, áp dụng luân phiên giữa liệu pháp ánh sáng và thuốc bôi, thuốc uống còn có thể giảm thiểu rủi ro và nguy cơ khi thực hiện 1 phương pháp trong thời gian dài.
Tuy nhiên, điều trị bằng tia UVB chỉ có thể kiểm soát triệu chứng của bệnh, hoàn toàn không thể điều trị bệnh vảy nến dứt điểm. Do đó để tránh lạm dụng phương pháp này, bệnh nhân cần kết hợp với một số mẹo chữa tại nhà và xây dựng kế hoạch chăm sóc, phòng ngừa phù hợp.
Chữa vảy nến bằng UVB ở đâu? Chi phí bao nhiêu?
Điều trị vảy nến bằng tia UVB là phương pháp phổ biến có thực hiện tại nhiều bệnh viện ở nước ta. Nếu có nhu cầu, bệnh nhân có thể đến Bệnh viện 103, Bệnh viện Da Liễu Trung Ương, Bệnh viện Da Liễu Hà Nội, Bệnh viện Da Liễu TPHCM,… Ngoài ra, một số phòng khám tư cũng có thực hiện phương pháp này nhưng chi phí thường cao hơn.
Chi phí điều trị vảy nến bằng UVB phụ thuộc phần lớn vào cơ sở thực hiện, số lần chiếu, mức độ triệu chứng và một số yếu tố khác. Để được tư vấn cụ thể về vấn đề này, bệnh nhân nên trao đổi với nhân viên y tế trước khi quyết định thực hiện.
Bài viết đã tổng hợp thông tin về phương pháp điều trị vảy nến bằng tia UVB. Nếu có ý định thực hiện, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ để được tư vấn và giải đáp toàn bộ thắc mắc. Mặt khác, nên áp dụng đồng thời với các phương pháp cải thiện không dùng thuốc và điều chỉnh lối sống để kiểm soát tiến triển của bệnh.