Viêm loét đại trực tràng chảy máu là gì? Bệnh do đâu gây ra và biểu hiện như thế nào? Viêm loét đại trực tràng có nguy hiểm không và điều trị ra sao? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu cụ thể qua bài viết dưới đây nhé!
1. Thế nào là viêm loét đại trực tràng?
Viêm loét đại trực tràng là bệnh lý tiêu hóa mạn tính. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm loét, tổn thương các lớp niêm mạc đại tràng và chảy máu ở các vị trí khác nhau của đại tràng. Viêm loét và chảy máu đa phần hay gặp ở trực tràng. Càng về gần đại tràng phải, tình trạng viêm loét càng ít gặp hơn.
Hình ảnh viêm loét đại trực tràng
2. Nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng
Các nguyên nhân cụ thể gây viêm loét đại trực tràng vẫn chưa được thống kê đầy đủ, tuy nhiên một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
2.1. Di truyền
Một số nghiên cứu chỉ ra, có tới 20% người bị viêm đại tràng có người thân trong gia đình đã từng mắc.
2.2. Nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính gây viêm loét đại trực tràng chảy máu
Sự có mặt của vi khuẩn tạo tiền đề cho viêm nhiễm xảy ra. Các vị trí viêm nhiễm gây phù nề, sưng đỏ, sau dần dẫn đến loét. Vị trí loét lâu ngày không được điều trị, ngày càng lan rộng và tổn thương lớp niêm mạc sâu hơn, dễ dẫn đến tình trạng chảy máu niêm mạc.
2.3. Lối sống thiếu lành mạnh
Một chế độ ăn thiếu khoa học và lối sống không lành mạnh làm tăng thêm nguy cơ viêm loét đại trực tràng. Những người ăn nhiều đồ cay nóng, chiên rán, sử dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá có khả năng mắc bệnh cao hơn và tỷ lệ xảy ra biến chứng tiêu hóa cũng cao hơn so với những người không sử dụng.
2.4. Tâm lý căng thẳng
Hoạt động tiêu hóa bị ảnh hưởng không nhỏ bởi yếu tố thần kinh, đặc biệt là nhu động ruột và đại tràng. Do đó, tâm lý căng thẳng, stress làm tình trạng viêm loét đại tràng trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.
3. Biểu hiện của viêm loét đại trực tràng
Viêm loét đại trực tràng trước khi chuyển sang giai đoạn xuất huyết, chảy máu niêm mạc có biểu hiện không thực sự rõ ràng. Các dấu hiệu thường nhẹ và rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác.
Chính vì vậy, nếu thấy bản thân có những biểu hiện sau đây, bạn nên tới cơ sở y tế để được khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất, tránh nguy cơ bị viêm loét đại trực tràng nặng:
– Đau bụng
– Rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng, phân nhầy và có máu đỏ.
– Cơ thể gầy sút, thiếu máu
4. Biến chứng của viêm loét đại trực tràng
Viêm loét đại trực tràng nếu không được điều trị đúng cách và dứt điểm, có nguy cơ tiến triển và dẫn đến nhiều biến chứng như:
Phình đại tràng, giãn đại tràng: Đại tràng giãn to nhất thường gặp ở vùng đại tràng ngang, nơi đường kính hơn 6cm, là vị trí dễ xảy ra thủng đại tràng nhất. Phình đại tràng đa số chỉ xuất hiện khi đại tràng bị viêm loét nặng, toàn bộ phần đại tràng đều bị viêm.
– Thủng đại tràng: Thủng đại tràng dễ gây nhiễm khuẩn cấp tính cho toàn bộ ổ bụng, cực kỳ nguy hiểm. Đây là biến chứng được xếp vào dạng cấp cứu, cần được đưa tới bệnh viện xử trí ngay.
– Chảy máu tiêu hóa: Máu do xuất huyết được phát hiện khi đại tiện. Máu thường đỏ tươi và chảy máu nhiều có nguy cơ gây thiếu máu toàn thân. Do đó, cần có biện pháp can thiệp để xử trí sớm.
– Ung thư trực tràng: Ung thư đại trực tràng là loại ung thư có tỷ lệ mắc tương đối phổ biến. Những người bị viêm loét đại trực tràng (đã có chảy máu) có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư.
Ung thư đại trực tràng – một biến chứng nguy hiểm của viêm loét đại trực tràng
Các biến chứng của viêm loét đại trực tràng đều tương đối nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Do đó, ngay khi thấy có những bất thường về tiêu hóa, hãy cố gắng sắp xếp thời gian tới khám tại cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp dự phòng tốt nhất.
5. Điều trị viêm loét đại trực tràng
Chính bởi những biến chứng nặng nề với sức khỏe, người viêm đại trực tràng cần được điều trị càng sớm càng tốt.
5.1. Nguyên tắc điều trị
Điều trị theo từng giai đoạn người bệnh khác nhau:
– Với người chưa từng điều trị viêm loét đại tràng: Khởi đầu bằng một loại thuốc và đánh giá hiệu quả sau từ 10 ngày tới nửa tháng.
– Với người đã và đang điều trị nhưng bệnh vẫn chưa thuyên giảm và có biểu hiện tiến triển: Dùng lại thuốc cũ để điều trị như từ đầu và phối hợp thêm các thuốc khác.
– Với người đã từng điều trị nhưng đã dừng đợt trị liệu một thời gian dài: Điều trị lại từ đầu nhưng với loại thuốc khác so với loại đã dùng trước đây.
5.2. Cách thức điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu
Dùng thuốc
Tùy từng giai đoạn khác nhau, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định và phối hợp các loại thuốc khác nhau. Người bệnh cần lưu ý dùng thuốc theo đúng loại, đúng thời gian như chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng khi thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm đã dừng thuốc. Điều này dễ dẫn đến bệnh không dứt điểm và tái phát chỉ sau thời gian ngắn.
Trong thời gian điều trị, để tối ưu hiệu quả khi dùng thuốc và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, bạn nên:
– Ăn uống điều độ, khoa học, tránh ăn đồ cay nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn cứng, khó tiêu.
– Hạn chế rượu bia, thuốc lá
Dùng thuốc giúp hạn chế các triệu chứng tiêu hóa, đau bụng do viêm loét đại tràng và ngăn ngừa bệnh tiến triển
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt phần đại tràng hoặc thậm chí toàn bộ đại tràng trong một số trường hợp như thủng đại tràng, chảy máu khó kiểm soát, giãn phình đại tràng hay ung thư.
Quá trình điều trị viêm loét đại tràng có thể cần nhiều thời gian và gây nhiều khó chịu cho người bệnh trong cả cuộc sống sinh hoạt và công việc. Tuy nhiên, để nhanh chóng điều trị dứt điểm, tránh tái lại trong tương lai, người bệnh nên thực hiện đúng theo các chỉ định từ y bác sĩ.
Hi vọng qua bài viết trên, bạn đọc đã có những thông tin cơ bản nhất về viêm loét đại trực tràng chảy máu, cũng như biết được những lưu ý trong quá trình điều trị. Hệ thống y tế Thu Cúc là bệnh viện đa khoa, với các y bác sĩ hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có tiêu hóa, đại tràng. Ngay khi nhận thấy bản thân có biểu hiện bất thường, hãy tới bệnh viện để được thực hiện các xét nghiệm cần thiết, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất bạn nhé!