Blogs Blogs

Voltar

Chàm Thể Tạng Là Gì? Giải Pháp Điều Trị Và Phòng Ngừa

Chàm thể tạng là loại chàm phổ biến nhất trong các loại bệnh chàm. Đây là một tình trạng da mãn tính, gây ngứa rất phổ biến ở trẻ em nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Chàm thể tạng là bệnh gì
Chàm thể tạng là dạng phổ biến nhất trong các loại bệnh chàm – Eczema

Chàm thể tạng là gì?

Chàm thể tạng hay viêm da cơ địa là một dạng rất phổ biến của bệnh chàm – Eczema. Đây là một tình trạng da mãn tính khiến da đỏ, rất ngứa ngáy và khó chịu. Bệnh thường phát triển thành mãn tính và có xu hướng tái phát định kỳ. Ngoài ra, viêm da cơ địa có xu hướng đi kèm với hen suyễn và viêm mũi dị ứng.

Chàm thể tạng thường phát sinh do sự tương tác của các yếu tố di truyền và môi trường. Các khiếm khuyết trong hàng rào bảo vệ da có thể làm da dễ bị kích ứng bởi xà phòng, thời tiết, nhiệt độ và các tác nhân khác.

Mặc dù chàm thể tạng không gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh nên có biện pháp chăm sóc và điều trị phù hợp để tránh các biến chứng mà bệnh có thể gây ra.

Dấu hiệu nhận biết chàm thể tạng

Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết chàm thể tạng thường không giống nhau giữa các cá nhân. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp người bệnh thường bị phát ban cấp tính với các mảng da viêm đỏ. Đôi khi các mảng da bệnh có thể bị phồng rộp và rò rỉ dịch. Vùng da bệnh có thể trở nên dày, khô và rất ngứa ngáy.

Mặc dù các dấu hiệu không giống nhau nhưng về cơ bản, người bệnh có thể nhận biết chàm thể tạng qua một số triệu chứng như:

1. Dấu hiệu nhận biết chàm thể tạng ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi khi bệnh chàm thể tạng có thể xuất hiện các dấu hiệu như:

  • Da thường khô, bong vảy, đỏ kèm theo xuất hiện những vết xước nhỏ ở khu vực bệnh.
  • Vùng da bệnh thường có thể lây lan sang các vùng da lân cận.
  • Má của trẻ sơ sinh thường là nơi đầu tiên xuất hiện các dấu hiệu bệnh. Sau đó bệnh có thể lan rộng ra các vùng da khác bao gồm tay, chân. Một số trẻ có thể bị chàm ở khu vực tã lót, gây ra bệnh hăm tả.
chàm thể tạng ở trẻ sơ sinh
Ở trẻ sơ sinh viêm da thể tạng thường ảnh hưởng đến má

2. Dấu hiệu chàm thể tạng ở trẻ em

Ở trẻ mới biết đi và trẻ học mẫu giáo (dưới 5 tuổi) thường xuất hiện một số dấu hiệu như:

  • Dấu hiệu bệnh thường xuất hiện cục bộ và da bé trở nên dày hơn. Trẻ mới biết đi có thể gãi mạnh làm trầy xước da và khiến các dấu hiệu bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Chàm ở nhóm tuổi này thường ảnh hưởng đến phần bên ngoài của các khớp, đặc biệt là cổ tay, khuỷu tay, mắt cá chân và đầu gối. Trong một số trường hợp, chàm có thể gây ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục của trẻ.
  • Khi trẻ lớn hơn, các mô thường thay đổi liên tục để phù hợp với xương, khớp và cơ quan trong cơ thể. Điều này khiến bề mặt da uốn cong cùng các khớp với ít mở rộng hơn. Do đó, vùng da bệnh thường có xu hướng bị lichen hóa, trở nên khô và dày.

3. Dấu hiệu chàm thể tạng ở trẻ ở độ tuổi đi học

Các trẻ lớn hơn khi bị chàm thể tạng thường có các dấu hiệu sau:

  • Bệnh thường phổ biến ở các nếp gấp cơ thể như khuỷu tay, đầu gối. Ngoài ra, các bộ phận nhạy cảm khác có nguy cơ mắc bệnh cao bao gồm mí mắt, dái tai, cổ và da đầu.
  • Trẻ có thể xuất hiện mụn nước ngứa cấp tính ở lòng bàn tay, ngón tay và bàn chân.
  • Một số trẻ có thể xuất hiện dấu hiệu viêm da hình đồng xu rải rác trên cơ thể. Các mảng da này có thể chuyển sang màu đỏ, khô, ngứa và thường bị chẩn đoán nhầm thành lác đồng tiền.

Các dấu hiệu chàm trẻ nhỏ thường được cải thiện trong những năm đi học và khỏi hoàn toàn khi đến tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát khi gặp các điều kiện thuận lợi.

4. Dấu hiệu chàm thể tạng ở người trưởng thành

Người lớn bị chàm thể tạng có thể có các dấu hiệu khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp người bệnh có các dấu hiệu bao gồm:

viêm da thể tạng là gì
Chàm thể tạng ở người trưởng thành thường có liên quan đến tính chất nghề nghiệp
  • Bệnh chàm thường xuất hiện trên diện rộng nhưng da thường dày, khô và lichen hóa nghiêm trọng hơn ở trẻ em.
  • Chàm cục bộ ở người trưởng thành thường có xu hướng mãn tính, khó điều trị nhưng thường giới hạn ở tay, mía mắt, các nếp gấp cơ thể, đầu ngực.
  • Chàm thể tạng ở bàn tay (hay viêm da cơ địa ở tay) có xu hướng khô, dày và ngứa ngáy dữ dội. Một số người bệnh có thể bị phồng rộp, bong tróc da, chảy máu và gây đớn.
  • Nếu khu vực bệnh bị tổn thương, trầy xước, có thể gây nhiễm khuẩn.

Chàm thể tạng ở người trưởng thành thường có xu hướng liên quan đến viêm da tiếp xúc do nghề nghiệp. Điều này thường ảnh hưởng đến người thường xuyên tiếp xúc với nước, chất tẩy rửa hoặc các loại dung môi.

Nguyên nhân gây chàm thể tạng

Hiện tại các chuyên gia không biết nguyên nhân chính xác gây ra bệnh chàm – eczema, cũng như bệnh chàm thể tạng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy vai trò của hệ thống miễn dịch, đột biến gen, thay đổi cấu trúc da, khiếm khuyết trong cơ thể, vi khuẩn trên da và một số yếu tố khác có thể liên quan đến chàm thể tạng.

Cụ thể các nguyên nhân và tác nhân phổ biến có thể gây ra chàm thể tạng bao gồm:

chữa viêm da thể tạng
Di truyền và một số tác động của môi trường có thể gây ra bệnh chàm thể tạng

– Khiếm khuyết hàng rào bảo vệ da:

Có một số bằng chứng cho biết viêm da cơ địa thường có liên quan đến các bất thường ở hệ thống miễn dịch và hàng rào bảo vệ da. Các khiếm khuyết này làm tăng tính thấm của da và giảm chức năng kháng khuẩn.

Ngoài ra, việc rối loạn một số tế bào, cấu trúc da cũng khiến tình trạng bệnh chàm trở nên nghiêm trọng, nặng, mãn tính và khó điều trị.

– Miễn dịch kém:

Hệ thống miễn dịch phát triển trong 6 tháng đầu đời của trẻ. Đây là giai đoạn các tế bào bạch cầu hình thành và phát triển. Do đó, việc thiếu hoặc rối loạn các tế bào này có thể làm tăng nguy cơ chàm thể tạng ở một số đối tượng, đặc biệt là ở trẻ em.

– Dị ứng thực phẩm:

Một số người bệnh chàm, đặc biệt là trẻ em thường có xu hướng bị dị ứng thực phẩm.

Các loại thực phẩm phổ biến thường bao gồm trứng, sữa, đậu nành, lúa mì, đậu phộng và cá. Tình trạng dị ứng có thể gây nổi mề đay cấp tính kèm theo các phản ứng sưng và phù mạch. Sau đó vùng da bệnh có thể trở nên khô, ngứa và hình thành các triệu chứng viêm da cơ địa.

– Dị ứng môi trường:

Các chất gây dị ứng trong môi trường có thể gây ra tình trạng chàm thể tạng. Một số người bệnh có thể nhạy cảm với các tác nhân vô hại như mạt bụi, phấn hoa, vẩy lông động vật và một số vật liệu khác.

– Khí hậu không phù hợp:

Khí hậu đóng một vai trò quan trọng trong các mức độ nguy hiểm của bệnh chàm. Khí hậu lạnh, ẩm ướt có thể khiến chàm thể tạng trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn. Hầu hết các triệu chứng bệnh đều có xu hướng được cải thiện ở những tháng hè, khi nhiệt độ và không khí trở nên ấm hơn.

Tuy nhiên, ánh nắng quá gay gắt có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng. Do đó, chú ý che chắn và bảo vệ da để tránh gây kích ứng.

– Căng thẳng:

Người lớn và cả trẻ em thường xuyên xuyên stress và căng thẳng có nguy cơ bệnh chàm thể tạng cao hơn.

Chàm thể tạng có điều trị được không?

Hiện tại không có biện pháp điều trị cũng như dự phòng để cải thiện tình trạng chàm thể tạng. Đây là một tình trạng mãn tính, suốt đời. Do đó, người bệnh nên có các biện pháp hỗ trợ chăm sóc và hạn chế tái phát hợp lý.

thuốc điều trị chàm thể tạng
Các phương pháp điều trị chàm thể tạng nhằm hạn chế tái phát và ngăn ngừa bệnh trở nên nghiêm trọng

Chàm thể tạng gây ảnh hưởng khoảng 15 – 20% trẻ em nhưng ít phổ biến ở người trưởng thành. Tuy nhiên, có 20% trẻ em bệnh chàm thể tạng có xu hướng tái phát dai dẳng trong 8 năm sau đó. Ít hơn 5% người bệnh tái phát các triệu chứng sau 20 năm. Ngoài ra, trẻ nhỏ hơn 2 tuổi mắc bệnh thường có xu hướng tái phát cao hơn ở trẻ lớn và người trưởng thành.

Bên cạnh đó, ở người trưởng thành một số nghề nghiệp như làm tóc, thẩm mỹ, làm nông nghiệp hoặc các nghề có liên quan đến tiếp xúc nước thường dễ tái phát viêm da cơ địa. Điều này cũng khiến bệnh trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn. Do đó, nếu có thể, người bệnh nên cân nhắc thay đổi nghề nghiệp hoặc có biện pháp phòng ngừa, bảo vệ da phù hợp.

Biện pháp điều trị chàm thể tạng

Việc điều trị chàm thể tạng có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Các biện pháp cụ thể thường bao gồm:

1. Điều trị tại chỗ

Hầu hết các trường hợp bệnh chàm đều sử dụng các phương pháp điều trị tại chỗ để cải thiện tình trạng. Các lựa chọn phổ biến thường bao gồm:

– Chất làm mềm da:

Các chất làm mềm da có thể cung cấp độ ẩm và giúp da hạn chế tình trạng mất nước. Điều này giúp cải thiện các triệu chứng bệnh chàm và hồi phục hàng rào bảo vệ da.

Tuy nhiên, việc sử dụng các chất làm mềm cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất. Một số sản phẩm có thể gây tắc lỗ chân lông gây viêm nang lông hoặc các bệnh viêm da khác.

– Steroid tại chỗ:

Các loại Steroid tại chỗ thường được sử dụng để điều trị bệnh chàm nhẹ đến trung bình. Thuốc mang lại hiệu quả tương đối cao và an toàn nếu sử dụng đúng cách.

Một số sản phẩm phổ biến bao gồm:

  • Clobetasol Propionate
  • Betamethasone
  • Hydrocortison
  • Mometasone Furoate
  • Clobetasone

Các tác dụng phụ phổ biến của Steroid tại chỗ thường bao gồm làm thay đổi màu da và làm mỏng da. Do đó, không được sử dụng thuốc quá liều hoặc thay đổi liều lượng mà không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn.

bệnh chàm thể tạng
Hầu hết các trường hợp chàm thể tạng được điều trị bằng các biện pháp tại chỗ

– Thuốc ức chế Calcineurin tại chỗ:

Các chất ức chế Calcineurin tại chỗ đặc biệt mang lại lợi ích cao khi điều trị viêm da cơ địa nhẹ hoặc trung bình. Đây là các chất điều hòa miễn dịch, chống viêm và có thể cải thiện chức năng bảo vệ của da. Ngoài ra, các chất ức chế Calcineurin tại chỗ không làm mỏng da như Steroid.

Các loại thuốc phổ biến bao gồm:

  • Pimecrolimus
  • Tacrolimus
  • Crisaborole

2. Kháng sinh điều trị chàm thể tạng

Thuốc kháng sinh đôi khi có thể được chỉ định để kiểm soát các dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm vi khuẩn, viêm mô tế bào hoặc hình thành mụn mủ ở khu vực chàm thể tạng. Kháng sinh thường được sử dụng bằng đường uống, tuy nhiên đôi khi thuốc có thể được tiêm qua tĩnh mạch.

Các loại thuốc phổ biến thường bao gồm:

  • Penicillin
  • Flucloxacillin
  • Dicloxacillin
  • Erythromycin (dùng cho người dị ứng với Penicillin)

3. Quang trị liệu chàm thể tạng

Quang trị liệu bằng ánh sáng hoặc tia cực tím (UV) có thể được chỉ định cho các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Các bác sĩ có thể chiếu tia UVB hoặc UVA lên vùng da bệnh trong 2 – 3 phút và 2 – 3 lần mỗi tuần. Một liệu trình điều trị có thể mất vài tháng.

Quang trị liệu là một liệu pháp tốn kém và có thể khiến các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng. Ngoài ra, liệu pháp cũng gây ra một số tác dụng phụ như khiến da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, lão hóa sớm và làm tăng nguy cơ ung thư da. Do đó, trao đổi với bác sĩ về lợi ích và rủi ro trước khi tiến hành quang trị liệu.

4. Điều trị chàm thể tạng toàn thân

Trong các trường hợp chàm thể nghiêm trọng, lan rộng trên toàn cơ thể người bệnh có thể tham khảo các phương pháp điều trị toàn thân như:

viêm da thể tạng có chữa được không
Trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê các loại thuốc đường uống để điều trị
  • Thuốc Corticosteroid đường uống như Prednison và Prednison thường được chỉ định điều trị ngắn hạn. Corticosteroid đường uống có thể kiểm soát nhanh các triệu chứng bệnh chàm những có thể dẫn đến một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, chỉ sử dụng thuốc khi nhận được sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
  • Các chất ức chế miễn dịch không steroid như Azathioprine, Methotrexate, Ciclosporin hoặc Mycophenolate có thể được chỉ định để sử dụng thay Corticosteroid đường uống. Tuy nhiên, thuốc cũng được sử dụng trong một thời gian nhất định và dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các loại thuốc đường uống thường mang lại nhiều tác dụng phụ. Do đó, việc sử dụng cần thận trọng và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

5. Biện pháp khắc phục và điều trị tại nhà

Ngoại trừ việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể tham khảo một số phương pháp cải thiện tại nhà. Các phương pháp phổ biến bao gồm:

  • Giữ ẩm cho làn da ít nhất hai lần mỗi ngày. Có thể sử dụng dầu tắm, kem, thuốc mỡ hoặc thuốc dạng xịt để cải thiện tình trạng.
  • Thoa kem chống ngứa vào vùng da bệnh không quá 2 lần mỗi ngày. Điều này có thể chống ngứa và hạn chế tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.
  • Sử dụng thuốc chống dị ứng không kê toa như thống kháng Histamine hoặc Diphenhydramine trước khi đi ngủ để tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
  • Không được gãi để tránh làm tổn thương vùng da bệnh. Đối với trẻ em hãy mang bao tay cho trẻ hoặc cắt ngắn móng tay để hạn chế tổn thương.
  • Tắm nước ấm với bột yến mạch hoặc baking soda để làm dịu da. Có thể ngâm mình trong 10 – 15 phút sau đó thoa kem dưỡng ẩm để tránh làm mất nước.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí để tránh gây kích ứng và khô da.
  • Mặc quần áo phù hợp, tránh quần áo thô, chật.
  • Hạn chế căng thẳng, lo lắng và các rối loạn cảm xúc khác để tránh khiến tình trạng chàm thể tạng trở nên nghiêm trọng.

Chàm thể tạng hay viêm da cơ địa là bệnh lý mãn tính, di truyền có dễ tái phát. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra, điều trị và phòng ngừa hợp lý. Trao đổi với bác sĩ chuyên môn nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào có liên quan.


Nguồn bài viết: https://bvdkbl.vn/cham-the-tang-630.html
Comentários
Sem comentários ainda. Seja o primeiro.