Blogs Blogs

Voltar

Mãn Kinh: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Những Việc Nên Làm 2021

Mãn kinh giai đoạn tự nhiên mà tất cả chị em phụ nữ đều phải đối mặt. Biểu hiện là chị em có những thay đổi lớn về tâm sinh lý, vóc dáng… thậm chí phải đối mặt với nhiều căn bệnh nguy hiểm. Do đó việc nhận biết dấu hiệu, các bước chăm sóc, hỗ trợ điều trị sẽ giúp giảm bớt mệt mỏi cho chị em.

Mãn kinh là gì?

Mãn kinh tên tiếng anh Menopause, đây là thời kỳ mà bất cứ chị em phụ nữ nào cũng trải qua. Nếu như thời kỳ dậy thì đánh dấu mốc diễn ra chu kỳ kinh nguyệt, khả năng sinh sản ở chị em. Mãn kinh đánh dấu giai đoạn kết thúc chu kỳ kinh nguyệt, chị em không còn khả năng sinh sản tự nhiên.

Tuổi mãn kinh ở phụ nữ Việt từ khoảng 45 – 55 tuổi. Cách xác định giai đoạn này là khi buồng trứng dừng hoạt động, sau 12 tháng hết kinh nguyệt hoàn toàn, không còn estrogen.

Sau 40 nồng độ estrogen suy giảm dần hết kinh
Sau 40 nồng độ estrogen suy giảm dần hết kinh

Thời kỳ mãn kinh được chia thành 3 giai đoạn là tiền mãn kinh, mãn kinh và hậu mãn kinh. Cụ thể:

  • Tiền mãn kinh: Bắt đầu ở độ tuổi 40, thường kéo dài trong vài năm cho đến cả chục năm. Khi đó chị em thường bị rối loạn kinh nguyệt, mất cân bằng nội tiết tố…
  • Mãn kinh: Là khi dừng hẳn chu kỳ kinh nguyệt, trứng không rụng, không còn khả năng thụ thai, hết sản sinh nội tiết tố.
  • Hậu mãn kinh: Giai đoạn sau mãn kinh, giảm dần các triệu chứng bốc hỏa, đổ mồ hôi, mất ngủ…

Tùy vào tốc độ lão hóa, thói quen sinh hoạt, môi trường sống… của mỗi người mà độ tuổi mãn kinh ở nữ giới là khác nhau. Có người bước vào thời kỳ này trong độ tuổi 30 nhưng cũng có người đến 60 tuổi mới phải đối mặt.

  • Mãn kinh sớm: Là tình trạng hết kinh trước tuổi 40.
  • Mãn kinh muộn: Trường hợp không còn kinh nguyệt sau 55 tuổi.

Khi bước vào thời kỳ này, rất nhiều vấn đề sẽ xảy ra với nữ giới không chỉ chất lượng cuộc sống, sức khỏe mà cả vóc dáng, tâm lý đều bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Bởi vậy chị em cần tìm hiểu sớm thông tin để có sự chuẩn bị, sẵn sàng đối mặt và bước qua.

Nguyên nhân mãn kinh ở phụ nữ

Các yếu tố được chuyên gia sản phụ khoa xác định là nguy cơ dẫn đến mãn kinh ở nữ giới gồm:

  • Do tuổi tác: Đây là giai đoạn sinh lý tự nhiên của phụ nữ, sau độ tuổi 30 cơ thể bắt đầu lão hóa, estrogen giảm dần rồi mất hẳn.
  • Suy buồng trứng: Là tình trạng buồng trứng bị lão hóa sớm trước tuổi, từ đó dừng mọi hoạt động rụng trứng, thụ thai.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: Trường hợp tử cung, buồng trứng bị cắt bỏ khiến chị em mãn kinh ngay thay vì phải trải qua thời kỳ tiền mãn kinh như bình thường.
  • Hóa trị, xạ trị: Chị em bị ung thư cần hóa trị, xạ trị cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, gây tiền mãn kinh sớm vài năm trước khi bước sang giai đoạn mãn kinh.

Với chị em bị mãn kinh sớm có thể do các yếu tố về lối sống thiếu khoa học, mắc các bệnh tự miễn, di truyền, bất thường về nhiễm sắc thể…

Nhận biết các dấu hiệu mãn kinh ở nữ giới

Cũng với việc nhận biết dấu hiệu mãn kinh sau 12 tháng liên tiếp không còn kinh nguyệt, chị em phụ nữ còn gặp những biểu hiện sau:

Các biểu hiện thường gặp ở chị em 
Các biểu hiện thường gặp ở chị em
  • Tâm tính thay đổi: Có tới 75% nữ giới thay đổi tính cách dễ cáu gắt, bực bội, lo âu, thất vọng, dễ bị kích động…
  • Bốc hỏa, đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm: Dấu hiệu điển hình tiếp theo ở phụ nữ mãn kinh đó là cảm giác nóng phừng phừng người đặc biệt là vùng mặt, đổ mồ hôi nhiều đặc biệt về đêm.
  • Khô âm đạo, đau khi quan hệ tình dục: Đến thời kỳ này âm đạo của chị em khô hơn, dễ bị viêm ngứa, nóng rát khó chịu. Khi quan hệ tình dục không đủ khả năng bôi trơn dẫn đến cảm giác đau, khó chịu.
  • Giảm ham muốn: Estrogen giảm, âm đạo khô, đau rát khi quan hệ khiến chị em không còn hứng thú, lảng tránh thậm chí là có cảm giác sợ hãi mỗi khi bị đòi hỏi.
  • Khó ngủ, mất ngủ: Bước vào giai đoạn mãn kinh, những thay đổi về hormon khiến chị em mệt mỏi, đổ mồ hôi, bốc hỏa khiến giấc ngủ không sâu, khó ngủ, thậm chí thức trắng đêm…
  • Dễ bị đau đầu, chóng mặt: Sự thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể gây ra những ảnh hưởng đến hệ thần kinh, não bộ, mạch máu. Chính vì vậy nhiều chị em dễ bị đau đầu, chóng mặt.
  • Giảm trí nhớ, kém tập trung: Tình trạng nhớ nhớ quên quên, không tập trung trong lúc nghe, làm việc… cũng là những dấu hiệu thường gặp ở chị em ở thời kỳ này.
  • Thay đổi ngoại hình: Phụ nữ mãn kinh da không còn căng sáng, săn chắc như trước mà xuất hiện nhiều nếp nhăn, các nốt tàn nhang, mỡ bị tích lại nhiều ở bụng, vóc dáng không còn thon gọn như trước. Ngoài ra chị em còn dễ tăng cân, bị rụng tóc, xuất hiện nhiều tóc bạc…

Tùy vào cơ địa từng người mà chị em có thể gặp những biểu hiện khác như bị rối loạn kinh nguyệt từ trước đó, ngực teo, tiểu rắt, tiểu khó…

Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào? Có mang thai được không?

Không chỉ gây khó chịu, những vấn đề tiêu cực về sức khỏe. Chị em trong thời kỳ mãn kinh có nguy cơ cao gặp phải các bệnh lý nguy hiểm như:

  • Bệnh loãng xương: Nội tiết tố estrogen có mối liên hệ mật thiết đến quá trình hình thành xương khớp. Vì vậy khi nồng độ hormone này giảm khiến xương giòn, xốp dễ bị gãy và mức các bệnh xương khớp khác.
  • Bệnh tim mạch: Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn bình thường. Do estrogen giảm, gia tăng áp lực trong máu, khả năng mắc bệnh tim mạch cao hơn hình thường.
  • Biến chứng đến hệ biến dưỡng: Do lượng cholesterol xấu và triglyceride trong máu tăng khiến chị em dễ bị tai biến, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, dễ mắc bệnh đái tháo đường, béo phì…
  • Rối loạn tiết niệu: Âm đạo có nguy cơ bị khô, teo lại, nhiều chị em gặp tình trạng tiểu khó, tiểu rắt, khi quan hệ dễ bị chảy máu, nhiễm trùng. Bên cạnh đó, các bệnh về phụ khoa cũng đễ xảy ra.
  • Ung thư đường sinh dục: Ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư vú…
Các biến chứng nguy hiểm chị em phải đối mặt
Các biến chứng nguy hiểm chị em phải đối mặt

Mãn kinh có mang thai được không? Theo các chuyên gia, trên thực tế, chị em sau mãn kinh trứng không rụng nên không có khả năng mang thai. Tuy nhiên một số trường hợp vẫn có thai do các yếu tố như:

  • Rụng trứng sau khi đã mãn kinh, rất hiếm nhưng vẫn có khả năng xảy ra, chị em không biết sử dụng phương pháp tránh thai nên dính bầu.
  • Do trong thời gian tiền mãn kinh, chị em không thấy kinh nguyệt trong vài tháng nhầm tưởng đã hết kinh, không dùng biện pháp tránh thai.

Mang thai trong độ tuổi mãn kinh vô cùng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Chính vì vậy chị em cần lưu ý để tránh xảy ra những vấn đề không mong muốn ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe.

Khi nào cần thăm khám? Phương pháp chẩn đoán

Dù là thời kỳ chuyển tiếp bình thường ở nữ giới, tuy nhiên những triệu chứng chị em gặp phải ở giai đoạn này gây ra ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tinh thần thậm chí gây ra các biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy ngay khi chị em cảm thấy khó chịu, mệt mỏi đặc biệt là các dấu hiệu như mất ngủ, đau đầu thường xuyên, bị đau đớn khi quan hệ, tăng huyết áp… chị em nên tìm đến cơ sở chuyên khoa để được hỗ trợ.

Cùng với các triệu chứng lâm sàng như bốc hỏa, đổ mồ hôi, hết kinh trong suốt 12 tháng… Để xác định các bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu, khám toàn thân với các cách cụ thể như:

  • Kiểm tra nồng độ estradiol, cho thấy tình trạng buồng trứng có bị giảm sản xuất hay không. Trường hợp estradiol < 30, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận mãn kinh.
  • Xét nghiệm FSH (hormone kích thích nang trứng): Nếu nồng độ này > 40 mIU/mL (buồng trứng giảm sản xuất estrogen, FSH sẽ tăng) tức bạn đang ở giai đoạn mãn kinh.

Đây là bước quan trọng để giúp bác sĩ có thể đưa ra kết luận, giải pháp thích hợp cho từng chị em. Qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ gìn sắc vóc, làn da, ổn định sức khỏe.

Mãn kinh nên uống thuốc gì?

Mãn kinh là quá trình tự nhiên do đó không có thuốc điều trị cho tình trạng này, mà biện pháp điều trị được áp dụng để kiểm soát các triệu chứng, giúp chị em có thể trải qua thời kỳ này một cách nhẹ nhàng. Hiện chị em có thể sử dụng thuốc tây y hoặc đông y để chữa trị.

Dùng thuốc cải thiện các triệu chứng mãn kinh
Dùng thuốc cải thiện các triệu chứng mãn kinh

Thuốc tây y

Các loại thuốc tân dược phụ nữ mãn kinh thường dùng gồm có:

  • Liệu pháp hormon thay thế hay hormone mãn kinh dùng estrogen tự nhiên nhằm loại bỏ các triệu chứng khô teo âm đạo, bốc hỏa, đổ mồ hôi… trong thời kỳ mãn kinh. Chú ý, không sử dụng cho trường hợp chị em bị suy gan, bệnh nhân đái tháo đường hay người đang mắc bệnh ung thư.
  • Dùng thuốc chống trầm cảm liều thấp: Giúp ổn định tâm trạng được chỉ định cho chị em có nguy cơ hay đang bị trầm cảm. Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin thường được bác sĩ chỉ định.
  • Thuốc ngăn ngừa loãng xương: Bisphosphonates là nhóm thuốc được dùng để phòng ngừa loãng xương, giảm nguy cơ gãy xương hông, đốt sống… dùng cho trường hợp phụ nữ mãn kinh gặp vấn đề về xương khớp.
  • Thuốc an thần: Tác dụng giúp ngủ ngon hơn, giảm căng thẳng, mệt mỏi. Eduxen, Rotunda, Rotundin… là những thuốc được kê đơn.
  • Thuốc giảm huyết áp: Nhằm ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, đột quỵ, các loại thuốc ức chế men chuyển Angiotensin, thuốc lợi tiểu Thiazid

Ngoài ra các loại thuốc như Gabapentin (Neurontin), Clonidin (Catapres), Selective estrogen receptor điều biến… cũng được chỉ định trong các trường hợp cụ thể.

Việc dùng thuốc cho phụ nữ mãn kinh cần có sự chỉ dẫn, theo dõi sát sao từ chuyên gia sản phụ khoa nhằm đảm bảo quá trình điều trị được kiểm soát, dùng đúng cách, đúng liều lượng tránh rủi ro.

Bài thuốc đông y

Theo y học cổ truyền, giai đoạn mãn kinh được xếp vào chứng âm hư, để cải thiện cần tác động vào sâu bên trong, bồi bổ cơ thể, cân bằng âm dương. Một số phương thuốc được chỉ định gồm:

  • Lục vị địa hoàng thang gia giảm với các thành phần tri mẫu, thục địa, hoài sơn, đan bì, bạch linh, kỷ tử… cùng một số thành phần khác được gia giảm thêm.
  • Sơ can an thần thang: Gồm có vị thuốc như phục thần, xuyên khung, sài hồ, bạch thược, mẫu lệ, chỉ xác, viễn chí…
  • Tư âm trấn kinh thang sử dụng các nguyên liệu như trạch tả, sinh địa, câu đẳng, hoàng bá, tang ký sinh, thạch quyết minh, đỗ trọng…

Các bài thuốc cho khoảng 1,2 lít nước đem sắc còn khoảng 1/4 chia nước thuốc ra uống 3 lần/ngày, uống sau bữa ăn. Với thuốc đông y quan trọng nhất là tìm đúng thuốc, kiên trì dùng đúng và đủ liều lượng. Tuy thuốc cho tác dụng chậm nhưng đảm bảo an toàn, giúp bồi bổ cơ thể toàn diện.

Giải pháp giúp ổn định sức khỏe, nhẹ nhàng bước qua thời kỳ mãn kinh

Thuốc tây y chỉ giúp cải thiện một phần, để tâm trạng tốt hơn, giúp ngủ ngon, không bị các triệu chứng đau, rát làm phiền. Chị em cần thực hiện đồng thời các phương pháp sau:

Thay đổi thói quen hàng ngày

Các hành vi, thói quen sinh hoạt thường ngày có thể hỗ trợ nhưng đồng thời cũng khiến chị em thêm mệt mỏi hơn nếu thực hiện không đúng cách:

  • Tiến hành massage, thư giãn, không hoạt động lao lực.
  • Tránh căng thẳng, stress kết hợp làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc.
  • Làm mát cơ thể bằng cách tắm, sử dụng máy phun sương ngay khi xuất hiện cơn bốc hỏa.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể, thực hiện các bước giảm cân an toàn trong trường hợp thừa cân béo phì.
  • Bỏ thói quen hút thuốc lá, thức khuya…
Thay đổi lối sống hàng ngày giúp tinh thần thoải mái, giảm mệt mỏi, khó chịu
Thay đổi lối sống hàng ngày giúp tinh thần thoải mái, giảm mệt mỏi, khó chịu

Mãn kinh nên ăn gì, kiêng ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tinh thần của chị em trong thời kỳ này. Nếu có thực đơn hợp lý, ăn uống khoa học sẽ giúp cải thiện triệu chứng hiệu quả.

  • Nên ăn các loại đồ ăn giàu canxi trong cá béo, đậu nành, sữa, trứng…
  • Tăng cường bổ sung chất xơ trong ngũ cốc, rau củ quả
  • Uống nhiều nước lọc, nước ép, sinh tố…
  • Bổ sung thực phẩm giàu omega-3 từ cá hồi, cá ngừ, dầu thực vật
  • Tránh xa rượu bia, các loại đồ uống chứa cồn, cafein, nước chè đặc…
  • Không ăn các loại đồ ăn cay nóng như ớt, sa tế, mù tạt…
  • Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn, đồ nướng…

Luyện tập thể dục thể thao

Theo các chuyên gia, việc tập luyện thể dục thể thao hàng ngày cũng mang lại nhiều lợi ích cho chị em độ tuổi mãn kinh. Ngoài tác dụng giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, ngừa béo phì, cải thiện sắc vóc đồng thời giúp tinh thần thoải mái. Một số bài tập yoga hỗ trợ, tốt cho chị em gồm:

Tư thế cây cầu

Tác dụng: Cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm căng thẳng, lo lắng, lưu thông khí huyết.

Cách thực hiện:

  • Đầu tiên bạn nằm ngửa trên thảm hoặc sàn nhà, 2 tay duỗi thẳng úp xuống thảm, người thả lỏng.
  • Từ từ kéo chân về mông sao cho 2 bàn chân chạm sàn.
  • Úp tay xuống thảm sau đó nâng phần mông lên hít thở đều.
  • Cố gắng giữ tư thế này càng lâu càng tốt.
  • Sau đó hạ phần mông xuống, chân duỗi dần rồi trở về vị trí ban đầu.

Tư thế cái cây

Giúp não bộ hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường sự hưng phấn cho chị em.

Cách thực hiện:

  • Ở tư thế đứng thẳng, người thả lỏng, mắt nhìn về phía trước.
  • 2 tay từ từ vươn lên qua đầu, chắp 2 tay lại kéo đến trước ngực.
  • Lấy chân phải làm trụ, chân trái co lên sao cho đặt lòng bàn chân và sát đùi, đầu gối.
  • Hít thở đều, giữ tư thế này khoảng 30 giây rồi hạ chân xuống trở về vị trí ban đầu.
  • Đổi bên, thực hiện với các bước tương tự.

Ngoài yoga, chị em có thể thực hiện các bài tập dưỡng sinh, đi bộ hay đạp xe, khiêu vũ… để cải thiện sức khỏe, tinh thần.

Mãn kinh là thời điểm chị em gặp nhiều vấn đề về sức khỏe trong đó tiềm ẩn nhiều căn bệnh nguy hiểm có thể đeo dọa tính mạng. Chính vì vậy chị em cần chủ động tìm hiểu, có sự chuẩn bị trước để giúp bản thân có thể trải qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng, ít ảnh hưởng nhất đến sức khỏe.


Nguồn bài viết: https://menopausehealthmatters.com/man-kinh/
Comentários
Sem comentários ainda. Seja o primeiro.