בלוגים בלוגים

חזרה

Vảy nến sinh dục (vùng kín) điều trị như thế nào?


Vảy nến sinh dục là tình trạng vùng kín xuất hiện tổn thương da do hoạt động bất thường của hệ miễn dịch. Mặc dù có mức độ nhẹ và tương đối lành tính nhưng bệnh lý này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tình dục và chất lượng cuộc sống. Hơn nữa nếu không điều trị sớm, tổn thương da có xu hướng trợt loét, chảy máu và tăng nguy cơ viêm nhiễm.

Vảy nến sinh dục
Vảy nến sinh dục là một dạng rối loạn da có liên quan đến cơ chế tự miễn

Vảy nến sinh dục là gì?

Vảy nến sinh dục (Genital psoriasis) là thuật ngữ đề cập đến tổn thương da ở vùng kín do hoạt động rối loạn của hệ miễn dịch. Bệnh lý này là một dạng da viêm da mãn tính, căn nguyên có liên quan đến bất thường về gen và rối loạn chuyển hóa.

Vảy nến vùng kín không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục và hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm. Tổn thương do bệnh chỉ khởi phát khi có các yếu tố kích thích như ma sát, chấn thương, căng thẳng, viêm nhiễm, rối loạn nội tiết,…

Tuy nhiên vảy nến xảy ra ở vùng sinh dục thường không có triệu chứng điển hình. Thống kê cho thấy, hầu hết các trường hợp khởi phát ở vùng kín, nách, nếp dưới ngực, rốn và nếp kẽ mông chủ yếu là vảy nến thể đảo ngược.

Vảy nến vùng kín hầu hết đều lành tính, chỉ gây thương tổn ngoài da, không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể hay chức năng sinh sản. Tuy nhiên do khởi phát ở vị trí kín và ẩm ướt nên tổn thương có xu hướng nhiễm nấm, trợt loét và chậm lành hơn so với các thể lâm sàng khác.

Nhận biết bệnh vảy nến sinh dục

Tổn thương ở vùng sinh dục thường là thể vảy nến đảo ngược. Thể bệnh này có biểu hiện lâm sàng khác biệt so với các thể điển hình như vảy nến thể mảng, thể giọt hay thể đồng tiền.

Vảy nến sinh dục
Vảy nến sinh dục điển hình bởi tình trạng da nổi các mảng đỏ lớn, căng bóng kèm đau rát và ngứa ngáy

Các dấu hiệu nhận biết bệnh vảy nến sinh dục, bao gồm:

  • Da xuất hiện các mảng đỏ căng bóng ở các nếp gấp và kẽ, giới hạn rõ so với vùng da xung quanh
  • Tổn thương da trợt loét, xuất hiện vết nứt và có các vảy ẩm tích tụ trên bề mặt
  • Theo thời gian, tổn thương da chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc đỏ xám
  • Ở nữ giới, vảy nến thường xuất hiện ở bên ngoài âm đạo và âm hộ
  • Ở nam giới, tổn thương da thường là các mảng nhỏ nằm ở đầu và thân dương vật

Do nằm ở vị trí nhạy cảm nên bệnh nhân thường có tâm lý e ngại và ít khi chủ động thăm khám. Tuy nhiên nếu để tổn thương tiến triển trong thời gian dài, da có thể trợt loét, ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi nấm phát triển, gây ngứa ngáy, châm chích và đau rát.

Nguyên nhân gây vảy nến sinh dục

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến nói chung và vảy nến sinh dục chưa được xác định. Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy người bị vảy nến thường có tốc độ tăng sinh tế bào sừng nhanh hơn bình thường. Hiện tượng này khiến da viêm đỏ và tích tụ các vảy bong trên bề mặt.

Một số nguyên nhân được cho là có khả năng gây ra bệnh vảy nến sinh dục:

  • Bất thường ở gen: Người bị vảy nến sinh dục đều có gen gây bệnh nằm trên nhiễm sắc thể số 6. Các gen này có khả năng hoạt hóa tế bào miễn dịch và gây ra rối loạn chu chuyển tế bào sừng của da.
  • Di truyền: Di truyền là một trong những nguyên nhân gây ra vảy nến. Hầu hết người bị vảy nến đều có tiền sử gia đình mắc bệnh lý này hoặc viêm da tiết bã nhờn.

Tuy nhiên gen gây bệnh chỉ bị kích hoạt và làm phát sinh thương tổn lâm sàng khi có các yếu tố kích thích sau:

Vảy nến sinh dục
Hút thuốc lá là yếu tố kích thích vảy nến vùng kín bùng phát
  • Nhiễm trùng
  • Hút thuốc lá
  • Thời tiết lạnh
  • Ảnh hưởng của một số loại thuốc
  • Lạm dụng rượu bia
  • Tăng cân một cách đột ngột
  • Ma sát
  • Rối loạn nội tiết
  • Căng thẳng thần kinh
  • Rối loạn nội tiết

Trên thực tế, nguyên nhân và yếu tố khởi phát bệnh vảy nến còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Vì vậy ở một số trường hợp, bệnh có thể bùng phát do các yếu tố kích thích khác.

Vảy nến vùng kín có lây không? Nguy hiểm không?

Như đã đề cập, vảy nến vùng kín không có khả năng lây nhiễm. Bệnh khởi phát chủ yếu do rối loạn chuyển hóa và bất thường về gen. Vì vậy vảy nến sinh dục chỉ xuất hiện ở các trường hợp có gen gây bệnh nằm trên nhiễm sắc số 6.

Vảy nến vùng kín là bệnh lý tương đối lành tính, chỉ gây thương tổn ngoài da và hầu như không đe dọa đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, vùng kín là vị trí ẩm ướt và có hoạt động bài tiết mồ hôi mạnh nên thường có nguy cơ nhiễm nấm và nhiễm khuẩn cao hơn các vị trí khác.

Vảy nến sinh dục
Vảy nến sinh dục gây châm chích, đau rát và ngứa ngáy hơn so với các thể thường gặp

Trong trường hợp không điều trị và chăm sóc đúng cách, vảy nến vùng kín có thể gây ra các ảnh hưởng sau:

  • Ngứa ngáy dữ dội: Thông thường, vảy nến ít khi gây ngứa hoặc chỉ gây ngứa ngáy nhẹ. Tuy nhiên nếu xảy ra ở vùng sinh dục, vi nấm, mồ hôi và bụi bẩn có thể tích tụ trên bề mặt da và kích thích triệu chứng ngứa ngáy dữ dội.
  • Châm chích và khó chịu: Cơ quan sinh dục là vị trí kín, ẩm ướt và có nhiệt độ cao hơn so với các vùng da thông thường. Vì vậy, tổn thương do vảy nến xảy ra ở vùng da này có thể gây khó chịu, bứt rứt, nóng rát và châm chích.
  • Hạn chế vận động: Vảy nến vùng kín có thể gây khó khăn khi vận động và đi lại. Các hoạt động này làm tăng ma sát lên da khiến da trợt loét, rỉ dịch, ngứa và đau rát.
  • Viêm nhiễm: Vùng kín là vị trí dễ bị viêm nhiễm do nấm và vi khuẩn. Nếu không giữ vệ sinh đúng cách, nấm Candida và liên cầu khuẩn có thể xâm nhập vào vùng da thương tổn và gây viêm nhiễm.
  • Ảnh hưởng đến đời sống tình dục: Mặc dù vảy nến vùng kín không lây nhiễm qua tiếp xúc, tuy nhiên tổn thương da do bệnh lý này có thể gây ra tâm lý e ngại và thiếu tự tin khi hoạt động tình dục. Hơn nữa, da có thể bị trợt loét, chảy máu và đau rát do ma sát khi quan hệ.

Vảy nến sinh dục Cách điều trị

Hiện nay, điều trị vảy nến nói chung và vảy nến sinh dục còn gặp nhiều bất lợi. Các biện pháp được áp dụng chỉ giúp giảm thương tổn lâm sàng, cải thiện các triệu chứng cơ năng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hầu hết các phương pháp điều trị đều không đem lại hiệu quả lâu dài và không hạn chế được nguy cơ tái phát. Vì vậy, bạn chỉ nên can thiệp y tế khi thực sự cần thiết, đồng thời cần phối hợp với lối sống và chế độ chăm sóc khoa học.

1. Sử dụng thuốc bôi và thuốc uống

Đối với các trường hợp vảy nến sinh dục nhẹ, điều trị ưu tiên là thuốc bôi và thuốc uống giảm ngứa. Tuy nhiên nếu thương tổn da có mức độ nặng và đáp ứng với kém với điều trị tại chỗ, bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc đường uống.

Vảy nến sinh dục
Sử dụng thuốc chỉ giúp làm giảm tổn thương lâm sàng và không thể điều trị bệnh hoàn toàn

Các loại thuốc bôi được sử dụng trong điều trị vảy nến sinh dục:

  • Thuốc bôi corticoid liều thấp: Làn da ở vùng kín thường mỏng nên có mức độ hấp thu corticoid cao hơn so với các vùng da khác. Do đó, bác sĩ thường chỉ định thuốc bôi corticoid liều thấp để hạn chế rủi ro và tác dụng phụ. Loại thuốc này có tác dụng chống viêm, giảm ngứa và hạn chế tình trạng tăng sinh tế bào sừng.
  • Thuốc bôi calcipotriol: Thuốc calcipotriol được sử dụng xen kẽn với corticoid để hạn chế các tác dụng không mong muốn. Loại thuốc này có tác dụng ức chế quá trình tăng sinh tế bào sừng, chống viêm và giảm tổn thương do vảy nến. Tuy nhiên thuốc có thể để lại dát thâm, gây tăng canxi huyết và giá thành đắt hơn so với các loại thuốc khác.
  • Thuốc ức chế calcineurin: Thuốc ức chế calcineurin có tác dụng tương tự corticoid nhưng không gây mỏng da, giãn mao mạch hay dày sừng nang lông. Ngoài tác dụng chữa vảy nến, loại thuốc này còn được dùng trong điều trị viêm da cơ địa và các thể khác của bệnh chàm.
  • Thuốc bôi Dapsone: Dapsone là thuốc bôi có tác dụng kháng sinh, thường được để điều trị bệnh phong và mụn trứng cá. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định loại thuốc này trong điều trị vảy nến vùng kín nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng.

Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc uống sau:

  • Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 thường được dùng để giảm ngứa ngáy ở vùng kín. Nhóm thuốc này chỉ giúp làm giảm triệu chứng cơ năng và không có tác dụng cải thiện tổn thương do vảy nến gây ra.
  • Thuốc Retinoids đường uống: Retinoids đường uống được sử dụng khá phổ biến trong điều trị vảy nến sinh dục. Thuốc có tác dụng kiểm soát quá trình tăng trưởng của tế bào thượng bì, từ đó giảm nhẹ tổn thương da và hạn chế tình trạng tái phát.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Các loại thuốc ức chế miễn dịch như Methotrexate và Cyclosporin ít khi được dùng trong điều trị vảy nến sinh dục. Mặc dù đem lại hiệu quả lâm sàng rõ rệt nhưng nhóm thuốc này có thể gây hại cho gan, thận và máu nên chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết.

Hầu hết các loại thuốc uống chỉ được dùng khi tổn thương da có mức độ nặng và đáp ứng kém với điều trị tại chỗ. Mặc dù có hoạt tính mạnh nhưng phần lớn các loại thuốc uống đều không đem lại hiệu quả lâu dài và có nguy cơ cao khi sử dụng. Vì vậy, bạn chỉ nên dùng thuốc uống khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

2. Các biện pháp hỗ trợ

Vảy nến sinh dục không thể điều trị và phòng ngừa hoàn toàn. Do đó ngoài các phương pháp y tế, bạn nên kết hợp với các biện pháp hỗ trợ như:

Vảy nến sinh dục
Thoa kem dưỡng thường xuyên giúp làm dịu, giảm viêm đỏ và ngứa ngáy
  • Dùng kem dưỡng ẩm: Kem dưỡng ẩm được chứng minh là có hiệu quả trong việc làm mềm da, giảm ngứa và viêm đỏ do vảy nến gây ra. Ngoài ra, sử dụng kem dưỡng còn giúp bảo vệ vùng da tổn thương và thúc đẩy tái tạo các tế bào hư tổn. Tuy nhiên để hạn chế tình trạng kích ứng, bạn nên lựa chọn các sản phẩm không mùi, không chất bảo quản và có thành phần lành tính.
  • Thay đổi chế độ ăn: Mặc dù chỉ gây triệu chứng ngoài da nhưng vảy nến có cơ chế phức tạp và liên quan mật thiết đến yếu tố miễn dịch. Vì vậy, cần xây dựng chế độ ăn khoa học để kiểm soát bệnh từ bên trong. Nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch và hạn chế các nhóm thực phẩm có khả năng gây viêm như thịt đỏ, dầu mỡ, gia vị và thức ăn chế biến sẵn.
  • Tắm nước mát: Tắm nước mát 1 – 2 lần/ ngày giúp làm sạch cơ thể, cải thiện tình trạng sưng nóng, viêm đỏ và ngứa ngáy ở vùng kín. Hơn nữa tắm nước mát thường xuyên còn giúp giữ vùng kín khô thoáng, hạn chế nguy cơ nhiễm nấm và nhiễm khuẩn.

Phòng ngừa tái phát và chăm sóc bệnh vảy nến sinh dục

Vảy nến sinh dục có xu hướng dai dẳng, tiến triển mãn tính và dễ tái phát. Vì vậy ngoài các biện pháp điều trị, bạn cần kết hợp với chế độ chăm sóc khoa học.

Vảy nến sinh dục
Hạn chế mặc quần lót và trang phục bó sát, có chất liệu dày cứng và thấm hút kém

Các biện pháp chăm sóc giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tái phát bệnh vảy nến sinh dục, bao gồm:

  • Hạn chế quan hệ tình dục trong thời gian bệnh khởi phát mạnh. Mặc dù không có khả năng lây nhiễm nhưng tổn thương ở vùng kín có thể bị trợt loét và chảy máu do ma sát.
  • Không chà xát và gãi cào lên da. Tránh mặc quần lót và trang phục bó sát, có chất liệu cứng và bí. Thói quen này có thể làm tăng ma sát lên da, kích thích da đổ nhiều mồ hôi và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
  • Khi bị vảy nến sinh dục, nên hạn chế các bộ môn làm tăng ma sát lên vùng kín như đạp xe, đi bộ, chạy bộ,… Thay vào đó nên tập yoga hoặc bơi lội để tránh kích thích vùng da tổn thương, kiểm soát căng thẳng và nâng cao sức khỏe tổng thể.
  • Giữ vệ sinh cơ thể và thay quần lót hằng ngày.
  • Nên thận trọng khi chọn mua các sản phẩm tiếp xúc với vùng kín như dung dịch vệ sinh, gel bôi trơn và bao cao su .
  • Cần sinh hoạt điều độ và ăn uống khoa học. Hạn chế các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia, dùng chất kích thích, cà phê, thức khuya và ngủ không đủ giấc.
  • Nên chủ động trao đổi với bạn tình về tình trạng sức khỏe để tránh tâm lý e ngại và thiếu tự tin khi “ân ái”.

Vảy nến sinh dục là bệnh da liễu lành tính nhưng có tiến triển dai dẳng, dễ tái phát và chưa thể điều trị hoàn toàn. Nếu nghi ngờ mắc bệnh lý này, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được tư vấn hướng điều trị phù hợp và kiểm soát bệnh trong thời gian sớm nhất.

Tham khảo thêm: Vảy nến thể mủ là gì, nguy hiểm không? Cách điều trị


Nguồn nội dung: https://vhea.org.vn/vay-nen-sinh-duc-1357.html
Trang chủ: https://vhea.org.vn/
הערות
אין תגובות עדיין. היה הראשון