בלוגים בלוגים

חזרה

Bệnh vảy nến có lây không, làm sao phòng ngừa?


Bệnh vảy nến có lây không và làm thế nào để phòng ngừa là vấn đề mà hầu hết người bệnh đều quan tâm. Tham khảo thông tin cơ bản trong bài viết để có biện pháp xử lý và phòng ngừa phù hợp.

vảy nến có nguy hiểm không
Tìm hiểu thông tin về bệnh vảy nến có lây không và các biện pháp phòng ngừa phù hợp

Bệnh vảy nến có lây không?

Bệnh vảy nến là một dạng rối loạn tự miễn đặc trưng bởi các vùng da bị viêm, đỏ và có vảy. Các dấu hiệu bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng thường phổ biến ở khuỷu tay, đầu gối và da đầu.

Trong một số trường hợp các dấu hiệu vảy nến có thể trông giống như bệnh chàm, viêm da cơ địa. Do đó, nhiều người bệnh thường lo lắng bệnh vảy nến có lây không và có thể truyền nhiễm bệnh cho người khác hay không.

Tuy nhiên, tương tự như mề đay mẩn ngứa, bệnh ghẻ hoặc chốc lở, bệnh vảy nến không truyền nhiễm. Điều này được giải thích là do bệnh vảy nến không phải do virus truyền nhiễm hoặc các dạng nhiễm trùng khác gây ra.

Vảy nến là một dạng rối loạn tự miễn có liên quan đến di truyền và một số gen cụ thể. Mang gen vảy nến không nhất định sẽ phát triển các dấu hiệu bệnh. Tuy nhiên, nếu mang các gen gây bệnh  và gặp các yếu tố kích hoạt từ môi trường sẽ khiến bệnh vảy nến bùng  phát.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến không truyền nhiễm dưới mọi hình thức. Đây là một bệnh lý tự miễn dịch có liên quan đến di truyền và một số yếu tố tác động của môi trường.

Hiện tại nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vảy nến vẫn chứa được xác định. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết tình trạng này có thể liên quan đến các tế bào T, là tế bào chống lại virus và vi khuẩn trong cơ thể.

Ở người bệnh vảy nến, các tế bào T tấn công vào tế bào da khỏe mạnh và kích hoạt các phản ứng miễn dịch. Điều này làm tăng sản xuất các tế bào da khỏe mạnh, tế bào T và tế bào bạch cầu khác. Điều này dẫn đến việc tích tụ quá nhiều tế bào da trên bề mặt da và gây ra bệnh vảy nến.

Ngoài ra, bệnh vảy nến cũng liên quan đến các gen di truyền. Do đó, nếu trong gia đình mắc bệnh vảy nến, người bệnh có nhiều nguy cơ mang gen gây bệnh vảy nến tương đối cao.

Bệnh vảy nến có truyền nhiễm hay không
Bệnh vẩy nến là bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch và không truyền nhiễm

Một số yếu tố môi trường và lối sống có thể góp phần gây bệnh vảy nến. Mặc dù các tác nhân thường không giống nhau giữa các đối tượng bệnh, nhưng hầu hết các trường hợp tác nhân có thể bao gồm:

  • Phơi nắng thường xuyên
  • Nhiễm trùng như bệnh viêm họng liên cầu khuẩn
  • Chấn thương da, chẳng hạn như xuất hiện các vết cắt, vết cắn hoặc bỏng
  • Tiếp xúc với không khí lạnh khiến da khô, nứt nẻ hoặc bong tróc vảy
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc hạ huyết áp, chất bổ sung I-ốt hoặc Lithium
  • Hút thuốc có thể góp phần dẫn đến bệnh vảy nến và khiến các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn
  • Nghiện rượu hoặc thường xuyên sử dụng một số chất kích thích

Một khi đã được kích hoạt, bệnh vảy nến phát triển thành một trạng thái lâu dài, mãn tính và có xu hướng tái phát thường xuyên. Điều này có nghĩa là bệnh vảy nến có thể tái phát lại nhiều lần trong suốt quãng đời còn lại và không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, một số loại thuốc và phương pháp có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh biến chứng.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh vảy nến

Các triệu chứng bệnh vảy nến có thể xuất hiện và tự cải thiện sau một thời gian, tuy nhiên hiện tại không có biện pháp điều trị tình trạng này. Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh là tránh các tác nhân có thể kích hoạt các triệu chứng vảy nến. Do đó, điều quan trọng là người bệnh cần xác định các yếu tố kích ứng vảy nến.

Các yếu tố kích hoạt vảy nến khác nhau giữa các đối tượng bệnh. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp người bệnh có thể tham khảo một số lời khuyên phòng ngừa bệnh vẩy nến như sau:

1. Hạn chế căng thẳng

Căng thẳng, stress, áp lực trong công việc và cuộc sống có thể tác động tiêu cực đến bệnh nhân vảy nến. Cơ thể thường có xu hướng phản ứng viêm với căng thẳng và khiến các triệu chứng vảy nến bùng phát.

phòng ngừa bệnh vảy nến
Thực hiện các kỹ thuật thư giãn để ngăn ngừa căng thẳng và tránh bệnh vảy nến tái phát

Do đó, điều quan trọng là người bệnh cần hạn chế căng thẳng trong cuộc sống càng nhiều càng tốt. Một số phương pháp thư giãn, hạn chế căng thẳng phổ biến bao gồm:

  • Tâm lý trị liệu: Người bệnh có thể cân nhắc việc trò chuyện với một bác sĩ tâm lý về tình trạng bệnh lý cũng như bất cứ yếu tố nào có thể dẫn đến căng thẳng trong cuộc sống.
  • Luyện tập yoga: Các động tác yoga có thể thúc đẩy thư giãn đầu óc, có thể và hạn chế căng thẳng tối đa.
  • Thực hành các kỹ thuật thiền và thư giãn: Thiền định, hít thở sâu hoặc tập trung vào một kỹ thuật thư giãn cụ thể có thể hỗ trợ giảm căng thẳng.

2. Tránh sử dụng một số loại thuốc

Một số loại thuốc có thể góp phần gây ra những phản ứng tự miễn và gây viêm trong cơ thể. Điều này có thể kích hoạt một số bệnh ngoài da như mề đay mẩn ngứa, bệnh chàm, viêm da cơ địa hoặc bệnh vẩy nến. Các loại thuốc phổ biến có thể gây viêm da cơ địa thường bao gồm:

vảy nến có lây không
Thường xuyên sử dụng một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến
  • Thuốc chống sốt rét, chẳng hạn như Hydroxychloroquine hoặc Chloroquine.
  • Inderal được sử dụng để điều trị huyết áp cao.
  • Indomethacin là một loại thuốc chống viêm không Steroid và được sử dụng để điều trị viêm khớp.
  • Lithium được sử dụng để điều trị rối loạn tâm thần, chống trầm cảm.

Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng bao gồm thuốc kê toa, không kê đơn hoặc bất cứ sản phẩm bổ sung nào khác. Bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc phù hợp hơn hoặc thay đổi liều lượng sử dụng nếu nghi ngờ thuốc này có thể gây ra bệnh vảy nến.

Bên cạnh đó, không nên ngưng sử dụng các loại thuốc điều trị mà không thông báo với bác sĩ điều trị.

3. Hạn chế các vết thương ngoài da

Các chấn thương da có thể kích hoạt bệnh vẩy nến ở một số người. Các chấn thương phổ biến bao gồm trầy xước và cháy nắng.

Để hạn chế các chấn thương có thể gây ảnh hưởng đến làn da, người bệnh có thể lưu ý một số vấn đề như:

  • Sử dụng kem chống nắng và đội mũ khi cần làm việc ngoài trời.
  • Mặc quần áo dài và mang găng tay khi làm việc để tránh trầy xước da.
  • Thận trọng khi tham gia các hoạt động dã ngoại, vận động hoặc chơi thể thao.
  • Nếu nhận thấy các triệu chứng bệnh vảy nến tái phát, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

4. Tránh nhiễm trùng

Nhiễm trùng có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, gây viêm và góp phần dẫn đến bệnh vẩy nến. Viêm họng liên cầu khuẩn có tình trạng nhiễm trùng phổ biến có thể gây vảy nến thể nhỏ giọt, đặc biệt là ở trẻ em. Ngoài ra, viêm tai giữa, viêm amidan hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác cũng có thể góp phần kích hoạt bệnh vảy nến.

Do đó, điều quan trọng là người bệnh cần có biện pháp khắc phục và điều trị các trường hợp nhiễm trùng. Nếu có một vết thương ngoài da, chẳng hạn như vết cắt da, hãy vệ sinh vùng da bệnh thường xuyên để tránh nhiễm trùng.

Bệnh vảy nến có lây không
Rửa tay thường xuyên để phòng ngừa nhiễm trùng và bệnh vảy nến

Một số biện pháp tránh nhiễm trùng khác bao gồm:

  • Rửa tay thường xuyên có thể ngăn ngừa nhiễm trùng và hạn chế tái phát vảy nến hoặc các bệnh lý ngoài da khác như chàm hoặc viêm da cơ địa ở tay
  • Tránh chia sẻ thức ăn, đồ uống hoặc dụng cụ ăn uống với người khác
  • Hạn chế tiếp xúc với những người bệnh, đặc biệt là trẻ em

5. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh

Thừa cân, béo phì có thể khiến các triệu chứng vảy nến trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, điều quan trọng là kiểm soát cân nặng và duy trì cân nặng khoa học.

Người bệnh vảy nến có thể thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và thường xuyên luyện tập thể dục để cải thiện cân nặng. Nếu gặp khó khăn trong việc ăn kiêng, hãy trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.

Một số loại thực phẩm có thể gây viêm trong cơ thể mà người bệnh vảy nến cần tráng bao gồm:

  • Các loại thịt đỏ
  • Các sản phẩm bơ sữa
  • Thực phẩm chế biến sẵn
  • Đường tinh chế
  • Cà chua, khoai tây và ớt
  • Các loại trái cây có múi

Bên cạnh đó người bệnh cũng cần thường xuyên bổ sung các loại thực phẩm giảm viêm bao gồm:

  • Cá béo chẳng hạn như cà hồi, cá ngừ
  • Các loại hạt, chẳng hạn như hạt lanh, hạt bí ngô, óc chó và hạnh nhân
  • Các loại rau lá xanh như rau bina và cải xoăn

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bổ sung vitamin hoặc các chất bổ sung khác vào chế độ ăn uống. Điều này có thể hỗ trợ tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, hãy trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể.

Xác định các yếu tố kích hoạt là điều quan trọng có thể giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh vảy nến. Mặc dù không phải tất cả các biện pháp đều có tác dụng, tuy nhiên thực hiện các biện pháp ngăn ngừa có thể hạn chế các biến chứng và rủi ro không mong muốn. Trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cách phòng tránh vảy nến hiệu quả nhất.


Nguồn nội dung: https://vhea.org.vn/benh-vay-nen-co-lay-khong-1151.html
Trang chủ: https://vhea.org.vn/
הערות
אין תגובות עדיין. היה הראשון