Thoát vị bẹn là một bệnh lý khá phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như tâm lý của người bệnh. Vậy bệnh lý này xuất phát từ nguyên nhân nào, cách điều trị dứt điểm ra sao, bài viết dưới đây sẽ làm rõ giúp bạn qua 7 thông tin chính sau.
Thoát vị bẹn gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như tâm lý của người bệnh.
1. Bệnh thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị là tình trạng các tạng bên trong qua các điểm yếu tự nhiên của thành bụng đi ra ngoài ổ phúc mạc trong một túi thừa phúc mạc gọi là “túi thoát vị”.
Thoát vị nói chung gặp trong khoảng 5% dân số thế giới. Trong đó thoát vị bẹn chiếm khoảng 80% trong tổng số các loại thoát vị. Trong bệnh thoát vị bẹn, nam giới bị gấp 7-8 lần nữ giới.
2. Phân loại thoát vị bẹn
– Thoát vị bẩm sinh: là thoát vị chéo ngoài và thường gặp ở trẻ em do tồn tại ống phúc tinh mạc.
– Thoát vị mắc phải: thường gặp ở người già, tạng chui ra ở hố bẹn giữa do yếu cân cơ thành bụng .
3. Nguyên nhân dẫn tới bệnh thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn có rất nhiều nguyên nhân, dưới đây là một số trường hợp hay gặp:
– Trực tiếp hình thành theo thời gian do thành bụng yếu, có thể xảy ra do tuổi tác gây ra lão hóa hoặc vấn đề căng quá mức cơ bụng do tập luyện, nâng vật nặng…
– Béo phì và thừa cân cũng là một nguyên nhân gây thoát vị bẹn, trọng lượng cơ thể lớn khiến gây áp lực lớn lên vùng bụng, lâu dần có thể dẫn đến thoát vị bẹn.
– Ho mạn tính, táo bón mạn tính: Cũng gây áp lực lên vùng bụng, nếu gặp những trường hợp thành bụng yếu thì rất dễ gây nên thoát vị bẹn.
– Một số trường hợp các mẹ bầu cũng gặp thoát vị bẹn do trọng lượng của em bé đè lên phần cơ bụng của mẹ.
4. Triệu chứng của bệnh
– Người bệnh cảm giác nặng nề phần khung xương chậu.
– Do tạng đã sa ra ngoài nên sẽ thấy phình nhỏ dưới da, triệu chứng này có thể biến mất khi người bệnh nằm xuống.
– Ở nam giới, bìu có thể giãn lớn.
– Tạng bị sa ra ngoài gây gây đau, vướng víu khó chịu
5. Cần biết thoát vị bẹn không được xử lý sẽ nguy hiểm như thế nào?
Thoát vị bẹn nếu trì hoãn điều trị thì khối tạng bị thoát vị sẽ ngày một to do thành bụng càng ngày càng yếu khiến tạng rơi ra ngoài nghiêm trọng và người bệnh có thể đối mặt với một số biến chứng nguy hiểm như:
– Nghẹt: lúc này các cơ quan ở trong túi thoát vị bị đè ép, thắt nghẹn lại, có thể dẫn tới rối loạn chức năng, rối loạn tuần hoàn và cuối cùng là rối loạn tổ chức vô cùng nguy hiểm
– Gây ra viêm dính tạng thoát vị với bao thoát vị.
– Đối mặt với nhiều nguy cơ chấn thương khối thoát vị làm thương tổn tạng bên trong.
6. Điều trị thoát vị bẹn như thế nào?
6.1. Các phương pháp điều trị thoát vị bẹn phổ biến hiện nay
– Thoát vị bẹn không thể tự khỏi, phẫu thuật là phương pháp điều trị tối ưu và triệt để của tình trạng này, thông qua phẫu thuật, bác sĩ sẽ giúp đẩy tình trạng ruột đang thoát vị ở người bệnh trở lại đúng vị trí.
Phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn giúp đưa phần tạng sa ra ngoài về vị trí cũ.
– Một số trường hợp thoát vị được chỉ định đeo băng treo bìu để đỡ khối thoát vị. Tuy nhiên, đeo bằng bìu chỉ mang tính chất tạm thời để tình trạng sa của tạng không nghiêm trọng hơn trong thời gian chờ phẫu thuật. Đeo băng bìu cũng là phương pháp chỉ định cho những trường hợp không thể tiến hành phẫu thuật (quá già yếu, suy tim mạch…)
6.2. Phẫu thuật điều trị bệnh thoát vị bẹn
– Phẫu thuật với các kỹ thuật chuyên môn có tác dụng giúp bịt kín chỗ thoát vị và củng cố lại vững chắc thành bụng để các tạng trong ổ bụng không còn có thể chui qua. Ngoài phẫu thuật, các phương pháp điều trị khác không thể đáp ứng được điều này.
– Hiện nay có 2 hình thức phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn là mổ mở và mổ nội soi:
+ Mổ mở: Phẫu thuật sẽ tạo ra một vết mổ lớn ở bụng, đẩy ruột vào đúng vị trí và sử dụng các mũi khâu để đóng thành bụng.
+ Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ tạo 3 vết rạch nhỏ từ 3mm – 5mm trên thành bụng người bệnh. Sau đó, sử dụng dụng cụ mổ nội soi để tiến hành phẫu thuật với một đầu gắn camera chuyên dụng và một đầu gắn các dụng cụ mổ để kiểm tra khu vực thoát vị và sắp xếp ruột về lại đúng vị trí.
Cả hai phương pháp phẫu thuật đều gây mê toàn thân và bệnh nhân cần có thời gian phục hồi sau đó. Tuy nhiên với phương pháp phẫu thuật truyền thống – mổ mở thì thời gian hồi phục của người bệnh sẽ lâu hơn do vết rạch lớn, cộng thêm mổ mở không thể quan sát được bên bẹn đối diện (trong trường hợp có thoát vị chưa biểu hiện) nên rất có thể sẽ bỏ sót thoát vị ở bên bẹn còn lại.
Trong khi đó, thoát vị bẹn điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi được đánh giá là tối ưu hơn khi sử dụng camera chuyên dụng, hiển thị rõ ràng các hình ảnh nội tạng bên trong cơ thể, giúp bác sĩ có thể quan sát được rõ tình trạng bẹn đối diện có thoát vị hay không để không bỏ sót thoát vị bẹn đối diện nếu có xảy ra. Phẫu thuật nội soi cũng hạn chế đau đớn cho người bệnh bởi vết rạch nhỏ, xâm lấn tối thiểu, không gây biến chứng, thời gian phẫu thuật chỉ kéo dài 30 đến 60 phút, nên người bệnh mất ít thời gian hồi phục, có thể xuất viện chỉ sau 2-3 ngày kể từ khi hoàn thành ca mổ và có thể trở lại hoạt động nhẹ nhàng sau 1 – 2 tuần.
Tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc cung cấp đầy đủ các phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn, đã giúp rất nhiều bệnh nhân thoát khỏi những biến chứng nguy hiểm từ căn bệnh này.
7. Hướng dẫn hồi phục sau phẫu thuật thoát vị bẹn
Sau phẫu thuật người bệnh cần lưu ý tuân thủ những điểm sau để rút ngắn hơn thời gian hồi phục:
– Sử dụng thuốc theo đơn và chỉ dẫn của bác sĩ
– Vận động vừa phải, không quá sức, không tập các bài tập nặng
– Cẩn thận để không bị táo bón, khi đi ngoài tránh việc rặn mạnh gây áp lực có thể bục vết mổ mới lành, gây tái thoát vị
– Ăn thức ăn đủ chất xơ và khoáng chất, uống đủ nước mỗi ngày để hỗ trợ hệ tiêu hóa, tránh táo bón
Ăn thức ăn đủ chất xơ và khoáng chất giúp phục hồi nhanh chóng sau phẫu thuật thoát vị bẹn.
– Giảm cân nếu bị thừa cân, duy trì cân nặng hợp lý
– Tránh nâng vật nặng, tránh leo cầu thang liên tục trong 1 ngày
Sau phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn bệnh nhân cần chú ý chế độ sinh hoạt hậu phẫu cùng tình trạng tiến triển bệnh lý của mình kỹ càng hơn để tránh tái phát. Nếu sau mổ, bệnh nhân gặp các trường hợp như: chỗ mổ gây đau nhói nhiều ngày, vết sưng phình tăng kích thước, cảm thấy mệt và kiệt sức thì cần đến bệnh viện ngay để được thăm khám, đánh giá tình trạng và xử lý kịp thời.
Tác giả: Tiến sĩ, Bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Lê Minh Sơn