Blogok Blogok

Vissza

Viêm amidan: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị hiệu quả nhất


Viêm amidan là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp khi thời tiết thay đổi. Bệnh để lâu không chữa có thể dẫn tới viêm amidan hốc mủ, viêm amidan tiết bã…việc thiếu kiến thức trong điều trị là nguyên nhân gây biến chứng nguy hiểm. Nhằm khắc phục tình trạng đó, bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết và chính xác nhất về bệnh viêm amidan.

viêm amidan
Viêm amidan là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến tại nước ta

Viêm amidan là gì? Các dạng bệnh thường gặp

Viêm amidan là dạng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp thường gặp ở nhiều lứa tuổi. Amidan hay còn gọi là tuyến hạnh nhân, là tổ chức bao gồm các tế bào lympho có khả năng sản sinh ra các kháng thể IgG giúp chống lại sự tấn công của vi khuẩn, bụi bẩn và các yếu tố gây bệnh khác có trong không khí. 

Cấu trúc của amidan bao gồm: Amidan khẩu cái, amidan lưỡi, amidan vòm và amidan vòi tạo thành một vòng waldeyer có nhiệm vụ lọc sạch không khí trước khi được đưa tới phổi. Tuy nhiên với cấu trúc chứa nhiều hốc đã tạo điều kiện cho xác của vi khuẩn và xác bạch cầu đọng lại, lâu ngày gây nên mủ viêm, bã trắng tại các hốc amidan. Bên cạnh đó, khi số lượng vi khuẩn tấn công mạnh mẽ có thể khiến amidan phải làm việc liên tục dẫn tới tình trạng sưng đỏ, đau rát họng.

Viêm amidan là căn bệnh dễ dàng tái phát, tiến triển phức tạp khó lường, thể hiện dưới nhiều giai đoạn khác nhau:

  • Viêm amidan cấp tính: Là giai đoạn đầu của bệnh viêm amidan. Bệnh nhân thường chỉ xuất hiện các biểu hiện dạng nhẹ. Chỉ cần sử dụng thuốc trong thời gian ngắn và duy trì chế độ ăn uống hợp lý hoàn toàn có thể đẩy lùi các tình trạng bệnh.
  • Viêm amidan mãn tính: Bệnh viêm amidan khi không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới viêm amidan mãn tính. Trong giai đoạn này các biểu hiện bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và thời gian điều trị cũng kéo dài hơn. Một số trường hợp viêm amidan mãn tính lâu năm có nguy cơ đối mặt với biến chứng nguy hiểm tới tính mạng và sức khỏe.

Dựa theo tính chất của bệnh, viêm amidan được chia thành các loại sau:

viêm amidan hốc mủ
Chủ quan trong điều trị có thể kéo theo nhiều diễn biến nguy hiểm
  • Viêm amidan hốc mủ: Các hốc mủ amidan sẽ hình thành nên các mủ trắng hoặc bã đậu đọng lại, miệng người bệnh thường xuất hiện mùi hôi khó chịu và kéo theo các bệnh viêm đường hô hấp khác.
  • Viêm amidan quá phát: Thông thường viêm amidan quá phát sẽ được phân thành các cấp độ từ A1 đến A3 tùy theo kích thước và hình dạng của amidan. Viêm amidan quá phát tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
  • Viêm amidan quá phát thể xơ chìm: Bệnh thường gặp ở đối tượng người bệnh trưởng thanh. Trên bề mặt của amidan xuất hiện nhiều các sợi xơ trắng đan xen lẫn nhau. Hai bên amidan thường sưng tấy, đỏ rát và dày lên.

Dấu hiệu bệnh viêm amidan phổ biến nhất

Dựa trên các triệu chứng bệnh amidan, người bệnh có thể đưa ra các chẩn đoán lâm sàng kịp thời và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Dưới đây là một số các dấu hiệu viêm amidan mà người bệnh nên biết:

viêm họng
Sổ mũi, ho, sốt hoàn toàn có thể dẫn tới viêm amidan
  • Amidan sưng đỏ, thành dày lên. Đối với amidan khẩu cái ở hai bên ngã ba hầu họng có thể xuất hiện tia trắng, xung huyết hoặc có các hốc mủ.
  • Hơi thở người bệnh có mùi khó chịu.
  • Sốt cao và thường khởi phát vào chiều tối hoặc đêm.
  • Nổi hạch bạch huyết.
  • Đau đầu, nhức mỏi các cơ, cơ thể mệt mỏi, chán ăn.
  • Viêm amidan ở trẻ em có thể xuất hiện biểu hiện quấy khóc, bỏ bú hoặc nôn trớ, thở khò khè…
  • Ho kéo dài, ho gió, ho khan hoặc có đờm.
  • Đau rát cổ họng khi vừa ngủ dậy hoặc đau kéo dài kèm theo khàn tiếng.
  • Khi kích thước amidan sưng to, bệnh nhân có thể bị khó thở.

Nguyên nhân viêm amidan là gì?

Viêm amidan là căn bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào kể cả khi đã được loại bỏ hoàn toàn các biểu hiện bệnh. Chính vì vậy, việc nhận diện những nguyên nhân gây bệnh có thể giúp cho bạn chủ động phòng chống và ngăn ngừa tái phát một cách hiệu quả nhất. Dưới đây là danh sách các tác nhân gây bệnh phổ biến:

  • Sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus: Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới viêm amidan. Các loại vi khuẩn, virus gây bệnh thường gặp là liên cầu khuẩn nhóm A, virus herpes simplex, virus Epstein-Barr…
  • Thời tiết thay đổi: Khi thời tiết giao mùa hoặc diễn biến thất thường có thể dẫn tới nguy cơ phát bệnh cao.
  • Các bệnh về hô hấp: Viêm amidan có thể khởi phát do các bệnh viêm họng, viêm mũi dị ứng, ho, viêm phế quản, cảm cúm…
  • Thói quen sinh hoạt không điều độ: Viêm amidan có thể khởi phát ở nhiều đối tượng. Tuy nhiên đối với những người có thói quen lạm dụng chất kích thích, đặc biệt là hút thuốc lá thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Môi trường làm việc không đảm bảo: Làm việc trong môi trường tiếp xúc với bụi bẩn, khói các nhà máy công nghiệp….sẽ khiến các vi khuẩn dễ dàng tấn công vào hệ hô hấp, amidan làm việc quá tải sẽ dẫn tới tình trạng sưng viêm.
  • Vệ sinh tai-mũi-họng thường xuyên, đúng cách.
  • Các bệnh dạ dày: đau dạ dày hoặc trào ngược là nguyên nhân tăng sinh tiết axit trong dạ dày. Khi các chất này tiếp xúc thường xuyên với họng sẽ gây nên các bệnh viêm đường hô hấp, gián tiếp làm tổn thương amidan.

Đối tượng dễ bị viêm amidan

Viêm amidan được giới chuyên môn đánh giá là căn bệnh viêm nhiễm đường hô hấp phổ biến tại nước ta. Tuy nhiên, bệnh thường bùng phát chủ yếu ở những đối tượng sau:

viêm amidan trẻ em
Trẻ nhỏ thường dễ mắc bệnh do đề kháng yếu
  • Viêm amidan trẻ em: Do sức đề kháng còn non yếu và hệ hô hấp chưa hoàn thiện nên trẻ nhỏ là đối tượng hàng đầu dễ mắc viêm amidan. Các tế bào lympho trong hệ hô hấp của bé chưa đủ khỏe để đẩy lùi các đợt tấn công mạnh mẽ của vi khuẩn bên ngoài dẫn tới bệnh viêm amidan thường xuyên tái phát và kéo theo nguy cơ biến chứng cao.
  • Viêm amidan khi mang thai và sau sinh: Đối tượng là bà bầu hoặc phụ nữ sau khi sinh thường có sự thay đổi hormone mạnh mẽ trong cơ thể, khi chưa kịp thích nghi có thể dẫn tới gia tăng mắc các bệnh về hô hấp. Mặt khác, chế độ ăn uống thay đổi, ốm nghén hoặc các bệnh hậu sản có thể làm giảm sức đề kháng của người bệnh.
  • Viêm amidan ở người có lối sống thiếu khoa học: Người có tiền sử lạm dụng thuốc lá, rượu bia thường đi kèm với các bệnh lý về hô hấp và dạ dày dẫn tới viêm amidan.

Bệnh viêm amidan có nguy hiểm không? Có lây không?

Tùy vào thể trạng và thể bệnh của mỗi người, nếu được áp dụng các phương pháp điều trị hợp lý, viêm amidan có thể bị đẩy lùi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan không điều trị hoặc áp dụng sai cách có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng như sốt co giật, áp xe amidan, viêm tai giữa, sốt thấp khớp, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và suy thận…

Căn bệnh này thường có tính lây lan cao do các nguyên nhân gây bệnh từ vi khuẩn và virus có trong không khí và bề mặt của đồ vật. Bệnh hoàn toàn có thể lây nhiễm từ người sang người nếu không có biện pháp phòng ngừa và điều trị khoa học.

Có nên cắt amidan không?

Viêm amidan có nên cắt không là câu hỏi của rất nhiều người bệnh, đặc biệt là các phụ huynh có con nhỏ. Việc cắt amidan chỉ được diễn ra theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa 

Trường hợp nào nên cắt amidan?

Không phải bất cứ trường hợp nào cũng được chỉ định cắt amidan. Tùy theo tình trạng bệnh, sau khi trải qua các xét nghiệm lâm sàng và chuyên sâu, các bác sĩ sẽ chỉ định:

  • Cắt amidan chỉ phù hợp với người bệnh viêm amidan quá phát hoặc mãn tính trong thời gian dài. Amidan đã không còn chức năng bảo vệ hệ hô hấp và sản sinh các tế bào kháng thể.
  • Đối tượng là trẻ em trên 5 tuổi.
  • Bệnh viêm amidan sưng to gây cản trở đến hô hấp và chất lượng cuộc sống.
  • Viêm amidan chứa mủ và có khả năng trở thành u ác tính.

Những biến chứng khi cắt amidan

Quá trình cắt amidan nên được diễn ra tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng với thiết bị hiện đại để đảm bảo sức khỏe trước và sau khi phẫu thuật.

  • Amidan vốn có nhiệm vụ sản sinh các kháng thể IgG chống lại các tác nhân gây bệnh, thanh lọc không khí trước khi tiếp xúc với phổi nên việc loại bỏ viêm amidan kéo theo nguy cơ mắc các bệnh hô hấp.
  • Sau khi phẫu thuật sẽ dẫn tới chảy máu trong thời gian đầu.
  • Cắt amidan cho trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của hệ miễn dịch sau này.
  • Nguy cơ mắc bệnh về huyết áp, tim mạch, tiểu đường…

Bị viêm amidan uống thuốc gì nhanh khỏi nhất?

Việc điều trị viêm amidan nên được áp dụng trong thời gian sớm nhất và ưu tiên lựa chọn các giải pháp phù hợp với đặc điểm bệnh. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các biện pháp điều trị căn bệnh này từ y học hiện đại, Đông y đến các mẹo dân gian. Mỗi phương pháp sẽ có ưu và nhược điểm riêng biệt. Độc giả có thể tham khảo một số cách chữa dưới đây:

Cách chữa viêm amidan tại nhà

Các bài chữa mẹo không chỉ đem lại hiệu quả điều trị bệnh mà còn đảm bảo tính an toàn, lành tính khi sử dụng. Tuy nhiên các bài thuốc này chỉ phù hợp với viêm amidan cấp tính hoặc chớm khởi phát. Thời gian sử dụng tương đối dài.

  • Chữa viêm amidan bằng rau diếp cá: Sử dụng 100g rau diếp cá đem ngâm nước muối, rửa sạch. Sau đó xay nhuyễn với 1 thìa cà phê muối. Thêm 100ml nước ấm để lọc lấy nước thuốc, bỏ đi phần bã. Phần nước cuối cùng chia đều uống 2 lần trong ngày. Mỗi lần trước ăn 30 phút.
  • Trị viêm amidan tại nhà bằng mật ong: Mật ong là vị thuốc quen thuộc trong các bài trị bệnh hô hấp với tính sát khuẩn cao. Bạn có thể sử dụng nước mật ong ấm uống hằng ngày hoặc kết hợp hấp cách thủy với quất.
mật ong chữa viêm họng
Mật ong có tính kháng khuẩn cao
  • Bài thuốc từ tỏi: Chuẩn bị từ 1 – 2 củ tỏi ta, bóc sạch vỏ sau đó đem ngâm với 150ml rượu trắng. Sau khoảng 10 – 14 ngày khi rượu đã chuyển sang màu vàng, dùng mỗi ngày 1 thìa cà phê để ngậm ngày từ 1 – 2 lần.
  • Cách chữa viêm amidan bằng lá hẹ: Rửa sạch lá hẹ và thái thành khúc nhỏ, dài 2cm. Sau đó tiến hành hấp cách thủy cùng với 2 thìa đường phèn cho tới khi phần lá hẹ chín mềm. Nên dùng khi nước cốt còn ấm, ngày 2 – 3 lần uống.

Thuốc trị viêm amidan từ Tây y 

Thuốc chữa viêm amidan từ Tây y thường được rất nhiều người bệnh tin chọn bởi hiệu quả nhanh chóng và tính tiện lợi cao. Mặt khác, các sản phẩm này nếu không được sử dụng đúng cách có thể trở thành con dao hai lưỡi khiến bệnh nặng thêm hoặc gây tác dụng phụ tới sức khỏe người bệnh. Đối với người bệnh là trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều trị bằng thuốc Tây.

kháng sinh
Điều trị bằng thuốc Tây đem lại hiệu quả nhanh nhưng ẩn chứa nhiều tác dụng phụ
  • Kháng sinh điều trị viêm amidan: Người bệnh thường được chỉ định dùng kháng sinh Penicillin, Amoxicillin trong trường hợp bệnh viêm amidan do vi khuẩn gây ra. Nếu có cơ địa dị ứng với hai thành phần trên, bạn có thể sử dụng Paracetamol hoặc Macrolid để thay thế. Trong quá trình điều trị bằng kháng sinh, bạn nên sử dụng đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng nhờn thuốc.
  • Thuốc kháng viêm, chống dị ứng: Để tránh tình trạng phù nề, sưng viêm amidan, bệnh nhân nên sử dụng thêm các sản phẩm có tác dụng kháng viêm Choay, nhóm NSAID, thuốc cảm Aleve…
  • Thuốc giảm ho: Các sản phẩm giảm ho có tác dụng hỗ trợ giảm ho, long đờm, làm dịu cổ họng và thường được chiết xuất từ các nguyên liệu như bạc hà, gừng, cam thảo, chanh… Tùy theo nhu cầu, người bệnh có thể lựa chọn các dạng thuốc ho khác nhau như siro, viên ngậm hoặc thuốc uống.
  • Thuốc hạ sốt: Nhằm giảm thiểu triệu chứng sốt và nguy cơ co giật, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt dạng viên sủi, thuốc uống. Bên cạnh đó kết hợp với các sản phẩm chống mất nước, bù điện giải hoặc miếng dán hạ sốt.

Chữa amidan bằng thuốc nam

Phương pháp từ y học cổ truyền chủ trị bệnh viêm amidan nhờ việc kết hợp các thảo dược quý nên ưu tiên áp dụng cho người bệnh có cơ địa nhạy cảm. Tuy nhiên hiệu quả của bài thuốc thường phụ thuộc nhiều vào cơ địa của người bệnh. Một số bài thuốc có thời gian tác dụng lâu, dễ khiến người bệnh nản chí, bỏ dở liệu trình.

  • Bài thuốc số 1: Kết hợp các dược liệu bao gồm Ngưu hoàng tử, Hoàng cầm, Kim ngân hoa, Hoàng liên, Bạch hà. Mỗi vị 12g sau đó đem đun với 6 bát nước. Lưu ý đun trên lửa nhỏ để không làm biến đổi dược tính. Khi nước thuốc cạn chỉ còn 3 bát, đổ ra dùng trong ngày, chia đều sáng tối. 
  • Bài thuốc số 2: Sử dụng các thảo dược như Cam thảo, Tang bạch bì, Kinh giới, Ngưu bàng tử, Kim ngân hoa, Huyền sâm với lượng vừa đủ. Sau đó đun với 400ml nước cho tới khi cạn chỉ còn một nửa. Sử dụng kiên trì mỗi ngày 1 thang.
  • Bài thuốc số 3: Chuẩn bị Kim ngân hoa, Liên kiều, Ngưu bàng tử, Bạc hà, Kinh giới, Cam thảo đun với 3 bát nước cho tới khi cô lại chỉ còn 2 bát. Chia đều nước thuốc uống 3 lần trong ngày.

Bị viêm amidan nên ăn gì, kiêng gì để nhanh hết bệnh

Bên cạnh việc sử dụng thuốc đều đặn theo đúng phác đồ chỉ định, bạn nên kết hợp với việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để thúc đẩy hiệu quả toàn diện của thuốc và tăng cường đề kháng cơ thể.

Không nên:

  • Sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có gas.
  • Nạp nhiều chất béo không bão hòa, đồ ăn chiên rán hoặc đồ đông lạnh có sẵn.
  • Ăn quá mặn hoặc sử dụng gia vị cay nóng.
  • Thường xuyên ăn hải sản hoặc các chất gây kích ứng cổ họng.
  • Lạm dụng đồ ăn chứa hàm lượng axit cao làm kích thích amidan và hầu họng.

Nên:

  • Ưu tiên món ăn dạng lỏng, mềm, dễ nuốt.
  • Thường xuyên bổ sung các thực phẩm có tính kháng khuẩn cao như tỏi, nghệ, mật ong trong thực đơn hằng ngày.
  • Uống nhiều nước ấm để giảm kích ứng và làm dịu cổ họng.
  • Bổ sung vitamin C và kẽm để thúc đẩy làm lành vết thương.
  • Ăn thực phẩm giàu protein để nâng cao sức đề kháng.

Cách phòng tránh viêm amidan hiệu quả nhất

Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích giúp phòng tránh bệnh mà bất cứ ai cũng nên biết:

  • Lựa chọn các bài tập luyện nhẹ nhàng, thư giãn để nâng cao sức khỏe.
  • Ngủ đủ giấc, giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.
  • Sử dụng thiết bị bảo vệ như khẩu trang, khăn… Khi đến những nơi công cộng.
  • Khi thời tiết giao mùa nên chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng tay, chân, tai, cổ.
  • Thường xuyên vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý từ 3 – 4 ngày trong tuần.
  • Giữ cho không gian sống sạch sẽ, thoáng mát, tối giản.

Địa chỉ khám chữa bệnh uy tín 

Khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn nên chủ động tới thăm khám tại các cơ sở y tế gần nhất. Để tránh tình trạng tiền mất, tật mang, người bệnh có thể tham khảo các địa chỉ uy tín dưới đây:

Địa chỉ khám bằng Đông y uy tín 

  • Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương: Số 22 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
  • Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc: Biệt thự B31 ngõ 70 Nguyễn Thị Định,Thanh Xuân,T.P Hà Nội. Số 145 Hoa Lan, phường 2, quận Phú Nhuận, TP. HCM hoặc Số 116 Văn Lang, P. Hồng Gai, TP Hạ Long.
  • Viện Y học cổ truyền Quân đội: Số 442 Kim Giang, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
  • Khoa y học cổ truyền thuộc Bệnh viện Bạch mai: Số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội.

Địa chỉ khám bằng Tây y

  • Bệnh viện Bạch mai: 78 Đường Giải phóng, Phương Đình, Đống Đa, Hà Nội.
  • Bệnh viện Việt Đức: 40 Tràng Thi, Hàng Bông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Bệnh viện Chợ Rẫy: 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP. HCM.
  • Bệnh viện Đại học Y dược: 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TPHCM

Viêm amidan nên được điều trị kịp thời, tránh để lâu hoặc tự ý dùng thuốc dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đọc đã được trang bị thêm kiến thức hữu ích giúp loại bỏ hiệu quả căn bệnh này. Chúc bạn luôn khỏe mạnh. 


Nguồn nội dung: https://centerforhealthmediapolicy.com/viem-amidan.html
Trang chủ: https://centerforhealthmediapolicy.com/
Megjegyzések
Még nincsenek hozzászólások. Légy első!