Polyp túi mật 8mm là kích thước tương đối lớn, gần với kích thước có nguy cơ dẫn đến ung thư túi mật. Người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để ngăn chặn sớm các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
1. Polyp túi mật 8mm có phải là ung thư?
Polyp túi mật hay u nhú niêm mạc tuyến túi mật, là một hình thái tổn thương dạng u thật hoặc giả u hình thành và phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Đây là bệnh lý tương đối phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng từ 5-7% dân số và thường không có sự phân biệt đáng kể về tye lệ mắc bệnh theo chủng tộc hoặc giới tính.
Nguyên nhân hình thành polyp túi mật hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định rằng, bệnh có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống, độ tuổi và sự hiện diện của sỏi mật.
Do bản chất khác nhau nên các hình thái tổ chức u nhú có thể là lành tính hoặc ác tính. Điều may mắn là có đến khoảng 92% các trường hợp polyp túi mật là lành tính, còn lại 8% các trường hợp bệnh nguy cơ ác tính gây ung thư túi mật. Kích thước polyp túi mật thường là giá trị để tiên đoán chúng có chuyển thành ác tính hay không. Kích thước polyp túi mật càng lớn (>10mm) thì càng có nguy cơ gây ung thư túi mật.
Polyp túi mật 8mm mặc dù chưa đạt tới ngưỡng dự đoán ung thư túi mật nhưng có thể đã gây các triệu chứng cho người bệnh. Bên cạnh đó, polyp túi mật có xu hướng phát triển theo thời gian. Do đó, người bệnh có kích thước polyp túi mật 8mm cần theo dõi chặt chẽ để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Polyp túi mật 8mm có thể dẫn đến nguy cơ ung thư túi mật
2. Triệu chứng polyp túi mật 8mm
Polyp túi mật kích thước 8mm thường không gây triệu chứng hoặc có những biểu hiện khá mơ hồ. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể polyp đã gây cản trở hoạt động của túi mật, làm rối loạn bài tiết và bài xuất dịch mật. Khi này, người bệnh sẽ gặp một số biểu hiện và triệu chứng tương tự như người bị sỏi mật như:
– Bụng đầy chướng, ăn chậm tiêu do thiếu dịch mật.
– Đau tức hạ sườn phải, hoặc đau âm ỉ kéo dài vùng trên rốn.
– Buồn nôn và nôn, đặc biệt khi ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ.
– Sốt không rõ nguyên nhân.
– Vàng da, vàng mắt.
3. Làm gì khi bị polyp túi mật 8mm?
Theo các chuyên gia, hiện nay vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể làm tan được polyp. Do đó, polyp túi mật 8mm cũng không thể tự biến mất bằng phương pháp điều trị nội khoa.
Hiện tại, người bệnh cần tái khám định kỳ để theo dõi sát sự phát triển của polyp để sớm điều chỉnh phương án điều trị thích hợp. Bởi khó có thể khẳng định chắc chắn polyp túi mật đã tiến triển thành ác tính hay chưa. Nếu trong khoảng thời gian 2 năm theo dõi, polyp không tăng kích thước đáng kể hay không phát triển bất thường, người bệnh có thể yên tâm là polyp lành tính và có thể chỉ cần định kỳ khám sức khỏe hàng năm kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống.
Tuy nhiên, nếu polyp gây triệu chứng thường xuyên, hoặc kết quả siêu âm thấy polyp phát triển nhanh về số lượng và kích thước, hình dáng xù xì, chân lan rộng không nhìn thấy cuống,… thì nên cân nhắc đến việc phẫu thuật cắt túi mật để dự phòng sớm nguy cơ polyp tiến triển thành ung thư.
3.1. Siêu âm theo dõi polyp túi mật 8mm
Theo hướng dẫn mới nhất của Hiệp hội Châu Âu về điều trị polyp túi mật, người bệnh nên siêu âm theo dõi polyp túi mật kích thước 8mm khi:
– Siêu âm theo dõi định kỳ 6-12 tháng/lần nếu polyp không gây triệu chứng và không xuất hiện kèm theo các yếu tố nguy cơ ác tính.
– Siêu âm theo dõi chặt chẽ từ 3-6 tháng/lần trong trường hợp polyp chưa có triệu chứng nhưng có có xuất hiện kèm theo các yếu tố ác tính.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ác tính của polyp túi mật:
– Người bệnh có 1 polyp 8mm nhưng chân rộng.
– Người bệnh có polyp mọc thành cụm lớn (đa polyp).
– Polyp phát triển nhanh bất thường về kích thước, số lượng và diện tích trong thời gian ngắn.
– Người bệnh vừa có polyp túi mật và sỏi mật.
– Polyp túi mật ở người bệnh trên 50 tuổi, người bị viêm xơ đường mật nguyên phát.
Polyp túi mật 8mm cần được theo dõi chặt chẽ để tầm soát nguy cơ ung thư
3.2. Kiểm soát sự phát triển của polyp túi mật 8mm
Để kiểm soát sự phát triển của polyp túi mật cũng như phòng ngừa polyp tiến triển thành ung thư, người bệnh cần trang bị đầy đủ những kiến thức về các thực phẩm nên ăn và nên kiêng. Một chế độ ăn khoa học sẽ giúp người bệnh hạn chế được sự phát triển của khối polyp.
– Tăng cường bổ sung các loại rau xanh, củ quả, trái cây để cung cấp chất xơ, các vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe gan – mật, cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa và hạn chế nguy cơ phát triển của polyp túi mật.
– Sử dụng các loại chất béo không no có nguồn gốc từ động và thực vật như dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu hạnh nhân, hạt óc chó, cá hồi, cá mòi, cá trích,…
– Bổ sung thực phẩm giàu protein như các loại cá biển, thịt lợn nạc, thịt gà bỏ da, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt,…
– Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa như mỡ, nội tạng động vật, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ; thực phẩm chứa chất tạo ngọt nhân tạo, đường và tinh bột tinh chế.
– Không uống rượu, bia và các đồ uống có chất kích thích khác.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, người bệnh nên duy trì tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày, đảm bảo ngủ đúng giờ và đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái và lạc quan, tránh cắng thẳng hay stress… để tăng cường sức khỏe và hạn chế polyp túi mật phát triển.
3.3. Điều trị phẫu thuật
Polyp túi mật 8mm được chỉ định phẫu thuật khi:
– Polyp gây triệu chứng đau, đầy trướng, chậm tiêu, buồn nôn, sốt không rõ nguyên nhân,…
– Người bệnh có đa polyp túi mật.
– Polyp túi mật xuất hiện cùng sỏi mật.
– Polyp túi mật xuất hiện các yếu tố nguy cơ ác tính: Polyp phát triển nhanh bất thường về kích thước và số lượng; chân lan rộng không nhìn thấy cuống; bề mặt polyp cắt xẻ, xù xì.
Phẫu thuật cắt túi mật khi polyp gây triệu chứng thường xuyên
Hiện nay, cắt túi mật nội soi là phương pháp được áp dụng phổ biến. Đây là phương pháp phẫu thuật hiện đại, ít xâm lấn. Do vết mổ rất nhỏ nên người bệnh ít bị đau, ít chảy máu, sức khỏe nhanh hồi phục và hầu như không gây biến chứng nguy hiểm. .
Thời gian đầu sau phẫu thuật, người bệnh sẽ gặp phải một số biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do dịch mật sẽ được đưa thẳng từ gan xuống ruột non. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau, khi cơ thể dần thích ứng được với sự thay đổi này, các triệu chứng sẽ được cải thiện và mất dần.
Polyp túi mật 8mm mặc dù vẫn được coi là lành tính nhưng nếu gia tăng kích thước thì có thể chạm tới nguy cơ gây ung thư túi mật. Do đó, người bệnh cần theo dõi chặt chẽ sự phát triển của polyp cũng như các triệu chứng để có biện pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh.