Polyp túi mật 10mm, nhất là loại không có cuống sẽ có nguy cơ tiến triển thành ác tính. Vì vậy, nếu người bệnh có polyp túi mật kích thước từ 10mm trở lên, mặc dù chưa đau có thể được tư vấn phẫu thuật cắt túi mật để ngăn chặn nguy cơ ung thư có thể xảy ra.
1. Polyp túi mật 10mm là gì?
Polyp túi mật là hình thái tổn thương dạng u thật hoặc giả u hình thành và phát triển trên niêm mạc thành túi mật. Polyp túi mật có thể phát triển dưới dạng đơn độc (đơn polyp) hoặc thành chùm (đa polyp). Đây là căn bệnh khá phổ biến (chiếm khoảng 5-9% dân số), có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở người trưởng thành. Nguyên nhân hình thành polyp túi mật chưa được xác định rõ ràng, nhưng có sự liên quan mật thiết đến độ tuổi, sự hiện diện của sỏi mật và chế độ ăn uống.
Có khoảng 95% các trường hợp polyp túi mật là lành tính và không gây triệu chứng, trừ khi polyp có biến chứng cấp tính như viêm túi mật hay ứ trệ dịch mật….Tuy nhiên, kích thước polyp phát triển nhanh, đa polyp hay kích thước polyp túi mật 10mm trở lên, nhất là loại không có cuống thì có nguy cơ cao chuyển thành ác tính. Do đó, nếu người bệnh có polyp túi mật 10mm, dù chưa đau nhưng cần phải sắp xếp phẫu thuật cắt túi mật để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Polyp túi mật 10mm có nguy cơ tiến triển thành ác tính
2. Polyp túi mật 10mm nguy hiểm như thế nào?
Polyp túi mật 10mm nếu không được điều trị có thể gây các biến chứng nguy hiểm:
Chèn ép túi mật:
Polyp túi mật kích thước 10mm là khá lớn. Do đó, chúng có thể gây chèn ép túi mật gây tắc ống dẫn mật và làm ứ trệ dịch mật. Lâu ngày có thể dẫn đến viêm túi mật cấp và mãn tính. Nguy hiểm hơn là tình trạng dịch mật nhiễm trùng có thể thấm vào ổ phúc mạc gây hoại tử đường mật, viêm phúc mạc mật.
Rối loạn tiêu hóa:
Dịch mật có nhiệm vụ tạo môi trường kiềm ở ruột nhằm kích thích nhu động ruột, đồng thời ức chế các hoạt động của vi khuẩn lên phần trên của ruột non. Khi tắc mật, dịch mật không xuống được ruột đồng nghĩa với việc chất béo không được tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa và không thể hấp thu được chất béo cũng như các vitamin tan trong dầu (A,D,E, và K).
Viêm loét dạ dày:
Dịch mật tiết thất thường khiến hoạt động của cơ vòng bị rối loạn dẫn đến co thắt. Cơ vòng co thắt làm lượng thức ăn và dịch dạ dày còn sót lại trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản. Từ đó gây hiện tượng trào ngược và lâu ngày là viêm loét dạ dày.
Gây ra các bệnh về gan:
Túi mật là nơi dự trữ dịch mật do gan tổng hợp và bài tiết ra. Khi túi mật có vấn đề, các độc tố có thể bị tích tụ lại trong gan mà không được đào thải ra ngoài. Từ đó gây ra các bệnh như vàng da, gan nhiễm mỡ, xơ gan… nặng nhất là ung thư gan rất nguy hiểm.
Ung thư túi mật:
Khoảng 95% các trường hợp polyp túi mật là lành tính. Những với những người bệnh có polyp túi mật 10mm hoặc kích thước phát triển nhanh có nhiều khả năng tiến triển thành ung thư.
Vì vậy, để ngăn ngừa nguy cơ polyp túi mật phát triển ác tính gây ung thư, người bệnh cần theo dõi sát sự phát triển của polyp sắp xếp làm phẫu thuật cắt túi mật.
Ung thư túi mật là biến chứng nguy hiểm nhất của polyp túi mật 10mm
3. Phẫu thuật cắt túi mật có polyp 10mm
3.1. Chuẩn bị trước phẫu thuật cắt polyp túi mật 10mm
Sau khi được chẩn đoán có polyp túi mật kích 10mm và chỉ định phẫu thuật, người bệnh cần khám tiền gây mê một vài ngày trước mổ như: xét nghiệm máu, khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm sàng lọc các bệnh kèm theo… để đảm bảo người bệnh đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật. Trước ngày mổ, người bệnh tắm bằng dung dịch sát trùng Betadine. Người bệnh không ăn trong vòng 8 giờ trước phẫu thuật. Đồng thời ngưng sử dụng các loại thuốc hoặc chất bổ sung có nguy cơ chảy nhiều máu.
3.2. Phẫu thuật cắt polyp túi mật 10mm
Có hai phương pháp phẫu thuật cắt túi mật là mổ mở truyền thống và mổ nội soi.
Cắt túi mật nội soi:
Phẫu thuật cắt túi mật nội soi là phương pháp thường dùng nhất hiện nay. Thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ rạch 3 vết rạch rất nhỏ trên bụng khoảng 0,8-1cm để đưa dụng cụ phẫu thuật vào ổ bụng. Thông qua camera giám sát trên màn hình nội soi, túi mật sẽ được bóc tách và cắt bỏ ra ngoài bằng dụng cụ phẫu thuật này.
Cắt túi mật nội soi không cần cắt cơ, xâm lấn tối thiểu. Do đó người bệnh ít chảy máu, ít đau sau mổ, thời gian hồi phục nhanh, vết sẹo mổ rất nhỏ nên không mất thẩm mỹ và ít gây biến chứng sau mổ như nhiễm trùng, dính ruột…
Cắt túi mật mổ mở:
Bác sĩ sẽ thực hiện một vết rạch lớn khoảng 15cm ở phần bụng phải dưới xương sườn. Sau đó tiến hành phẫu tích bộc lộ cơ, mô, gan và túi mật. Cuối cùng là cắt túi mật đưa ra ngoài và khâu lại vết mổ.
So với mổ nội soi, phương pháp mổ mở mang tính xâm lấn hơn. Người bệnh cần nằm viện lâu hơn (khoảng từ 7-10 ngày), nguy có biến chứng sau mổ lớn hơn, sẹo mổ dài hơn và mất khoảng 4-6 tuần để sức khỏe trở lại bình thường.
Có khoảng 1% trường hợp polyp túi mật phải chuyển từ mổ nội soi sang mổ hở. Các yếu tố làm tăng khả năng phải chọn mổ mở hay chuyển từ nội soi sang mổ hở bao gồm người bệnh béo phì, người bệnh có tiền sử phẫu thuật trước đây gây sẹo dính nhiều, người cao tuổi, người mắc các bệnh gan mật phức tạp, người bị chảy máu trong mổ hay mổ cấp cứu.
Phẫu thuật cắt polyp túi mật 10mm bằng mổ mở hoặc mổ nội soi,
3.3. Những rủi ro sau phẫu thuật cắt polyp túi mật 10mm
Phẫu thuật cắt túi mật là phương pháp điều trị can thiệp ngoại khoa an toàn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nguy có gây biến chứng:
– Hội chứng sau cắt túi mật: Do dịch mật được gan tiết ra sẽ không được dự trữ trong túi mật mà đổ thẳng xuống ruột non khiến người bệnh gặp các triệu chứng đau bụng, khó tiêu, đi ngoài… trong thời gian đầu sau phẫu thuật. Sau khoảng thời gian ngắn, các triệu chứng này có thể cải thiện và tự mất đi khi cơ thể thích ứng dần với sự thay đổi này. Tuy nhiên, có đến khoảng 30% người bệnh mắc các triệu chứng dai dẳng kéo dài nhiều tuần đến vài tháng. Lúc này, bác sỹ có thể chỉ định cho người bệnh một số loại thuốc cầm tiêu như loperamide,…
– Biến chứng chảy máu, nhiễm trùng, hình thành cục máu đông, rò mật, tổn thương đường dẫn mật, gan hoặc niêm mạc ruột non, viêm phổi, viêm tụy…
Nguy cơ biến chứng nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào thể trạng và sức khỏe của từng người bệnh.
4. Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật cắt polyp túi mật
Sau phẫu thuật cắt polyp túi mật 10mm, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống để nhanh hồi phục sức khỏe.
– Bổ sung các thực phẩm giàu chất béo chưa bão hòa như dầu ô liu, dầu cá, quả bơ…để kích thích gan tiết ra mật, tăng lưu thông dịch mật và bổ sung năng lượng cho cơ thể.
– Tăng hàm lượng chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày hợp lý như rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên cám, trái cây… để ngăn ngừa tiêu chảy, đầy bụng và giảm kích thích nhu động ruột.
– Bổ sung các loại thực phẩm như các loại thịt nạc (như cá hồi, ức gà…), các loại vitamin thực vật (các loại đậu, bông cải, việt quất, mâm xôi, trái cây họ cam…) để hạn chế rối loạn tiêu hóa và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
– Hạn chế ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và cholesterol, thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột tinh chế, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm gia vị gây khó tiêu và dễ kích thích…để không gây áp lực cho hệ tiêu hóa.
Polyp túi mật 10mm, nhất là loại polyp không cuống có nguy có cao chuyển thành ác tính. Do đó người bệnh có thể được tư vấn phẫu thuật cắt bỏ túi mật để ngăn chặn các biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.