Blogit Blogit

Takaisin

Thông Tin Y Tế Trên Các Báo Ngày 27/5/2021

Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 27/5, mời quý đọc giả đón đọc:

Sáng 27/5: Thêm 24 ca mắc COVID-19 trong nước, Việt Nam đã có 6.111 bệnh nhân

Bản tin sáng 27/5 của Bộ Y tế cho biết có thêm 24 ca mắc COVID-19 ghi nhận trong nước, riêng Bắc Giang có 23 ca, Lạng Sơn 1 ca. Việt Nam hiện đã có 6.111 bệnh nhân COVID-19.

Thông tin diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam:

Tính từ 18h ngày 26/5 đến 6h ngày 27/5 có 25 ca mắc mới (BN6087-6111):

01 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội.

24 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (23), Lạng Sơn (1).

Tính đến 6h ngày 27/5:

Việt Nam có tổng cộng 4.621 ca ghi nhận trong nước và 1.490 ca nhập cảnh.

Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 3.051 ca.

Thông tin chi tiết các ca mắc mới:

24 ca ghi nhận trong nước

CA BỆNH BN6088 ghi nhận tại tỉnh Lạng Sơn: nam, 49 tuổi, địa chỉ tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đã được cách ly từ trước; liên quan dịch tễ với BN3482. Kết quả xét nghiệm ngày 26/5/2021 dương tính với SARS-CoV-2.

CA BỆNH BN6089-BN6111 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu phong tỏa liên quan đến các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

01 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh

CA BỆNH BN6087 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hà Nội: nữ, 35 tuổi, quốc tịch Ấn Độ. Ngày 07/5/2021, từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hà Nội. Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 25/5/2021 dương tính với SARS-CoV-2.

Tình hình điều trị:

Số ca âm tính với SARS-CoV-2:

  • Lần 1: 111
  • Lần 2: 40
  • Lần 3: 67

Số ca tử vong: 45 ca.

Số ca điều trị khỏi: 2.853 ca.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 163.196, trong đó:

Cách ly tập trung tại Bệnh viện: 5.292

Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 34.106

Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 123.798

Hơn 1 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm cho các đối tượng gheo Nghi quyết 21
Tính đến 16 giờ ngày 26/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.034.867 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 28.522 người.
Chi tiết 795 người được tiêm tại 07 tỉnh/TP trong ngày 26/5/2021 như sau:
1- Hà Nội: 72

2- Hải Phòng: 72

3- TP. Hồ Chí Minh: 17

4- Tiền Giang: 60

5- Tây Ninh: 383

6- An Giang: 120

7- Bình Dương: 71

(suckhoedoisong.vn)

Hà Nội: Tiếp nhận thêm 12,545 tỷ đồng ủng hộ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, tính từ ngày 1/1/2021 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã tiếp nhận được tổng số tiền và hàng là 43,1 tỷ đồng, trong đó tiền mặt 39,5 tỷ đồng và hàng hóa trị giá 3,6 tỷ đồng.

Sáng nay (27/5), Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức lễ tiếp nhận ủng hộ và trao hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương chủ trì.

Tại chương trình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tiếp nhận ủng hộ của 19 đơn vị, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP với tổng số tiền và hàng là 12,545 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt 11,728 tỷ đồng và hàng hóa trị giá 817,5 triệu đồng. Trong đó, một số đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ giá trị lớn có thể thấy là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam ủng hộ 5 tỷ đồng; Tập đoàn Ngọc Diệp 10.000 liều vaccine phòng dịch Covid-19, Giáo hội các Thánh Hữ Ngày sau của Chúa Gieessu Kito Việt Nam 3.000 bộ kít xét nghiệm và 735.000.000 đồng, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội 500.000.000 đồng; Nhóm Xuân Bắc, Tự Long, Thành Trung và những người bạn 365.450.000 đồng…

Như vậy, tính từ ngày 1/1/2021 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã tiếp nhận được tổng số tiền và hàng là 43,1 tỷ đồng, trong đó tiền mặt 39,5 tỷ đồng và hàng hóa trị giá 3,6 tỷ đồng.

Cũng tại chương trình, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã chuyển giao hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP 2.000 bộ kít xét nghiệm và Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội 1.000 kít xét nghiệm nhanh với tổng trị giá trên 735 triệu đồng, nhằm góp phần thực hiện khám chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn TP.

Như vậy, tính từ ngày 1/1-27/5, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP đã tham mưu và tổ chức hỗ trợ với tổng số tiền và hàng 7,547 tỷ đồng, trong đó tiền mặt 5,66 tỷ đồng và hàng hoá trị giá 1,88 tỷ đồng.

Phát biểu tại chương trình, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương ghi nhận và đánh giá cao những nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng cùng Đảng, chính quyền TP tham gia phòng chống dịch Covid -19. Điều này là sự động viên và tiếp sức cho TP để phấn đấu chiến thắng đẩy lùi sự lan tràn của dịch bệnh Covid-19.

“Trong thời gian tới, tình hình diễn biến dịch bệnh còn nhiều phức tạp, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP rất mong các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục phát huy trách nhiệm bản thân, tập thể cùng đồng hành với TP tùy theo khả năng của mình để góp phần cùng Đảng, Nhà nước và Thủ đô ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19” – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP nhấn mạnh.

(kinhtedothi.vn)

Hà Nội hỗ trợ huyện Lạng Giang, Bắc Giang 506 test nhanh Covid-19

Đoàn hỗ trợ y tế Hà Nội phối hợp với Trung tâm y tế huyện Lạng Giang thực hiện 506 test nhanh Covid -19, qua đó, phát hiện có 11 trường hợp cho kết quả test dương tính.

Ngày 26/5, Đoàn hỗ trợ y tế Hà Nội phối hợp với Trung tâm y tế huyện Lạng Giang thực hiện 506 test nhanh Covid -19 cho các đối tượng là người ở tại các cơ sở dịch vụ dọc tuyến quốc lộ 1A cũ đi qua địa bàn huyện và người tại các khu cách ly tập trung theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Bắc Giang.

Qua đó, phát hiện có 11 trường hợp cho kết quả test dương tính (đều là các trường hợp đang cách ly trong khu cách ly tập trung). Các trường hợp này đã được lấy lại mẫu xét nghiệm PCR và chuyển cách ly riêng.

Ngoài ra, đoàn thực hiện lấy 114 mẫu xét nghiệm cho các đối tượng liên quan tới các trường hợp mắc và các đối tượng nghi mắc hoặc có kết quả test nhanh dương tính, tất cả số mẫu này được gửi về CDC Bắc Giang làm xét nghiệm. Cộng dồn từ ngày 17/5, đã chuyển về Hà Nội 16.421 mẫu, trong đó CDC Hà Nội đã thực hiện và trả kết quả 9.833 mẫu, có 29 mẫu dương tính.

Trong ngày, trên địa bàn huyện Lạng Giang, ghi nhận 2 trường hợp mắc mới thuộc các xã Hương Sơn (1); An Hà (1). Cả 2 trường hợp đều đã được cách ly tập trung từ trước đó. Từ ngày 9/5 đến nay, huyện đã ghi nhận 104 ca F0 tại 11 xã, thị trấn.

Đoàn hỗ trợ y tế Hà Nội kiến nghị Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện Lạng Giang tăng cường kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu khu cách ly tập trung cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện tuyên truyền khuyến cáo người dân dù kết quả test nhanh âm tính nhưng không được chủ quan, cần thực hiện nghiêm giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng…

(kinhtedothi.vn)

Hơn 20.000 người chuẩn bị luân phiên chống dịch Bắc Giang

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 26/5 yêu cầu các trường y khoa trên cả nước chuẩn bị hơn 20.000 người nhằm thay thế luân phiên đội ngũ chống dịch tại Bắc Giang.

Cục Khoa học Đào tạo và Công nghệ, Bộ Y tế, sẽ điều phối, tập huấn lực lượng này để đến Bắc Giang thay thế cho lực lượng hiện tại. Theo Bộ trưởng Long, sự luân phiên giúp đủ lực lượng duy trì chiến đấu, các cán bộ và nhân viên y tế đã tham gia từ đầu đợt dịch tới giờ có cơ hội nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

Đến tối nay, Bắc Giang ghi nhận 1.520 ca nhiễm, tổng số Fl là 13.173, F2 61.341. Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, cho biết các đơn vị hỗ trợ xét nghiệm 14.052 mẫu đơn một ngày (tương đương 70.000-98.000 mẫu gộp một ngày). Toàn tỉnh đã lấy 636.764 mẫu; xét nghiệm được 591.604 mẫu, hiện nay còn 9.032 mẫu gộp (45.160 mẫu đơn) chưa có kết quả. Hàng nghìn mẫu đã được chuyển tới Bệnh viện Quân y 103, Viện Pasteur Nha Trang và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh hỗ trợ xét nghiệm.

Do biến chủng Ấn Độ lây nhanh, ngành y tế đã thay đổi phương thức “chạy theo” xét nghiệm sang “tấn công” bằng cách chủ động xét nghiệm sàng lọc. Hôm nay, Bắc Giang bắt đầu sử dụng test kháng nguyên tại 3 điểm nguy cơ cao, nhằm phát hiện những trường hợp dương tính nCoV nhanh nhất để tách ra khỏi cộng đồng. Lực lượng triển khai test nhanh được Bộ Y tế điều động gồm 400 người thuộc đoàn chi viện tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, hỗ trợ Bắc Giang.

Khoảng 10 đơn vị đang hỗ trợ công tác xét nghiệm cho Bắc Giang như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Trường ĐH Y tế Công cộng, Trường ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Học viện Quân y 103, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga… Ngoài ra các CDC Quảng Ninh, CDC Hải Phòng cũng hỗ trợ Bắc Giang từ giai đoạn đầu đợt dịch.

Bộ Y tế cũng điều động nhiều bệnh viện hỗ trợ Bắc Giang trong điều trị như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung ương… Hôm nay 13 y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng mang vật tư phòng hộ đến Bắc Giang, hỗ trợ tỉnh lập bệnh viện dã chiến, điều trị bệnh nhân nặng.

Bộ trưởng Long khẳng định quan điểm của Bộ Y tế là hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang. “Ngành y tế từng hỗ trợ rất lớn để dập dịch tại Đà Nẵng năm ngoái, nhưng lần này phải hỗ trợ ở mức cao hơn”, ông nói.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt, được trao toàn quyền “điều quân” từ mọi nơi tới Bắc Giang. Bên cạnh đó cũng cần “đảo quân”, bố trí để các cán bộ, nhân viên y tế đã tham gia từ đầu đợt dịch tới giờ có cơ hội nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

(vnexpress.net)

Chùm ca bệnh liên quan giáo phái có F1 trải 16 quận, huyện ở TP.HCM

Đã có 25 ca nhiễm Covid-19 liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Ngành y tế truy vết, có 67 trường hợp F1 ở trải khắp 16 quận, huyện, TP Thủ Đức.

Sáng nay (27/5), Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, thành phố ghi nhận thêm 12 trường hợp dương tính liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, nâng tổng số ca mắc lên tới 25 người.

Chủ trì buổi họp khẩn về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, hôm nay họp đột xuất do tình hình xuất hiện chuỗi ca lây nhiễm Covid-19 ở quận Gò Vấp.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, các thành viên của Hội thánh này trải trên các quận, huyện: Gò Vấp, Tân Phú, Hóc Môn, TP Thủ Đức, Tân Bình, Bình Thạnh, quận 12, huyện Nhà Bè. Ngoài ra, còn có người từ hai địa phương là Biên Hòa (Đồng Nai) và Bình Thuận

Qua đó, ông Phong chỉ đạo ngành y tế và HCDC nhanh chóng tầm soát, truy vết để khoanh vùng, nhằm kiểm soát tốc độ lây lan của chuỗi lây nhiễm tại hội truyền giáo.

Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, tối 26/5 phát hiện 3 ca tại bệnh viện Nhân dân Gia Định và tầm soát tại chỗ cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Trong đêm, các lực lượng chia nhau truy vết. Liên hệ tới mục sư của giáo phái này thì  được biết có 27 người liên quan đến sinh hoạt truyền giáo trong phòng kín, người tham gia ở rải rác trên địa bàn TP, ngoài ra có cả ở Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Thuận…

Cập nhật tình hình dịch tại cuộc họp, ông Bỉnh cho biết, tính đến sáng nay, ổ dịch liên quan giáo phái có địa điểm sinh hoạt tại phường 3, quận Gò Vấp có tổng cộng 25 ca dương tính với nCoV. Truy vết có 70 trường hợp F1 và 336 trường hợp F2.

Theo ông Bỉnh, hội truyền giáo này đã tổ chức họp trong phòng kín đông người, nên lây nhiễm rất nhanh.

Hiện, F1 của các ca bệnh đã trải khắp 16 quận, huyện của thành phố và có thể nhiều hơn nữa. Ngành y tế đang tăng cường điều tra truy vết, cố gắng lấy hết mẫu tầm soát hôm nay.

Tổng số địa điểm đang được phong tỏa để xử lý gồm: quận 1 (1 điểm, tại Khách sạn Seraton), Hóc Môn (6 điểm), Tân Phú (1 điểm), Gò Vấp (9 điểm), quận 12 (1 điểm), Phú Nhuận (1 điểm).

Tổng số mẫu xét nghiệm được lấy trong đêm là 127 mẫu (70 F1 và 57 F2), 279 mẫu xét nghiệm mở rộng.

Cũng tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguyễn Trí Dũng cho biết, danh sách đăng ký của hội giáo này chỉ có 20 hội viên, ngụ ở 8 quận, huyện của thành phố. Tuy nhiên, HCDC cho rằng nhiều người trong một gia đình có thể cùng sinh hoạt tại hội giáo, HCDC tiếp tục truy vết và phát hiện 27 người cùng sinh hoạt trong hội giáo này.

Ông Dũng cho biết, thành viên hội giáo ngụ ở 8 quận, huyện và đến nay, số ca dương tính đã xuất hiện ở 6 quận, huyện. Điều này cho thấy tốc độ lây nhiễm rất cao.

Giám đốc HCDC nhận định, khả năng bệnh đã xuất hiện trước đây, nhờ ca chỉ điểm ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định mà phát hiện. Mầm bệnh khả năng ở cộng đồng.

Qua đây, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đại diện tại cuộc họp, thảo luận để đi đến thống nhất cho phép hay cấm hoạt động tại các tổ chức tôn giáo, hội truyền giáo từ 10 người trở lên hay không?

Ông cũng yêu cầu ngành y tế, HCDC và các lực lượng chức năng khác tập trung truy vết chuỗi lây nhiễm, không để dịch lan rộng trên địa bàn TP.

(vietnamnet.vn)

Cách chức Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1

Liên quan đến vụ án ma túy tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bộ Y tế đã có quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 do đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị.

Bộ Y tế cho biết, liên quan đến vụ việc “Mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” xảy ra tại Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã được các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin từ ngày 31-3-2021, Bộ Y tế đã thực hiện thủ tục xem xét, xử lý đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.

Bộ Y tế xác định đây là vụ việc rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Bộ Y tế cũng như của toàn ngành y tế. Quan điểm nhất quán của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Y tế là phải xem xét, xử lý vụ việc khẩn trương, nghiêm minh, khách quan, không có vùng cấm, đúng đối tượng, đúng hành vi vi phạm, đúng pháp luật và thông tin công khai, minh bạch kết quả xử lý đến công luận.

Ngày 4-5-2021, Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng kỷ luật. Qua hai lần họp kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, hình thức xử lý kỷ luật đối với Lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (ngày 16-4-2021 và ngày 5-5-2021), trên cơ sở kết quả kiểm tra, xác minh, làm việc trực tiếp tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 từ ngày 10 đến 12-5-2021 của Đoàn kiểm tra do Bộ Y tế thành lập tại Quyết định số 2324/QĐ-BYT ngày 10-05-2021, sau khi xem xét bản kiểm điểm của Lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, ngày 13-5-2021, Hội đồng kỷ luật Bộ Y tế đã họp và thống nhất hình thức kỷ luật, xử lý đối với các cá nhân.

Trên cơ sở đó, chiều ngày 26-5-2021, Bộ Y tế đã ban hành các Quyết định số 2570-QĐ-BYT về việc thi hành kỷ luật đối với ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương, áp dụng hình thức kỷ luật “Cách chức” đối với ông Vương Văn Tịnh do đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị, để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội trong phạm vi bệnh viện, hậu quả rất nghiêm trọng.

Bộ cũng có Quyết định số 2571-QĐ-BYT về việc thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Tuấn Đại, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, áp dụng hình thức kỷ luật “Khiển trách” đối với ông Nguyễn Tuấn Đại do đã vi phạm quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, chưa sâu sát trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội quy, quy chế chuyên môn của Bệnh viện.

Đối với các ông Lê Ngọc Tú, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Bệnh viện; ông Nguyễn Mạnh Phát, Phó giám đốc Bệnh viện, Hội đồng kiến nghị Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Y tế phê bình nghiêm khắc trước toàn thể bệnh viện do chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, phối hợp xử lý vụ việc.

Hội đồng kỷ luật cũng yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 thực hiện ngay việc xử lý nghiêm khắc đối với cá nhân, tập thể vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý theo đúng quy định và nghiêm túc khắc phục ngay những tồn tại, yếu kém, vi phạm để ổn định hoạt động của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Hiện nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật đang tiến hành xem xét, điều tra, xử lý vụ việc. Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo sát vụ việc và có các biện pháp xử lý tiếp theo đúng quy định của pháp luật khi có kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.

Trong điều kiện chuyên ngành tâm thần, điều trị bắt buộc còn khó thu hút nhân lực; công việc có tính chất phức tạp, nguy hiểm, vất vả; còn khó khăn trong công tác phối hợp; nguồn lực đầu tư còn hạn chế, việc xem xét, xử lý đối với các cá nhân nêu trên vừa phải bảo đảm đúng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm; nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan; tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ; tương xứng với phạm vi trách nhiệm, quyền hạn được giao, bảo đảm tính răn đe để không có trường hợp tương tự trong ngành y tế, đồng thời có tính đến sự ổn định, duy trì hoạt động bình thường của bệnh viện và tạo điều kiện tốt nhất cho công tác điều trị, chăm sóc người bệnh.

Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ khẩn trương triển khai các giải pháp để tăng cường quản lý, hỗ trợ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 khắc phục khó khăn, tồn tại, bảo đảm quyền, lợi ích của người bệnh, đồng thời tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền về các giải pháp quan tâm đầu tư toàn diện cho chuyên ngành tâm thần và điều trị bắt buộc.

(nhandan.vn)


Nguồn bài viết: https://menopausehealthmatters.com/thong-tin-y-te-tren-cac-bao-ngay-27-5-2021/
Kommentit
Ei kommenteja vielä. Ole ensimmäinen.