Viêm họng có thể xảy ra ở mọi đối tượng, song dễ mắc phải nhất là ở trẻ nhỏ. Nhiều ba mẹ thường chủ quan khi trẻ có những biểu hiện viêm họng ban đầu và chỉ đưa đi khám khi bệnh nặng. Nhưng trên thực tế, ba mẹ hoàn toàn có thể trị viêm họng cho bé bằng những mẹo rất đơn giản dưới đây ngay từ những dấu hiệu ban đầu.
1.Viêm họng ở trẻ em và những dấu hiệu ban đầu
Đau rát cổ họng, vướng đờm ở cổ,… là dấu hiệu đầu tiên cho thấy niêm mạc họng bị tổn thương
Viêm họng là tình trạng niêm mạc họng bị tổn thương do tấn công của vi khuẩn. Ở trẻ em, sức đề kháng còn yếu. Mặc dù có hệ thống bạch huyết, các lympho bảo vệ, chống lại virus, vi khuẩn nhưng khi gặp các điều kiện thuận lợi, các tác nhân gây bệnh vẫn có thể dễ dàng tấn công trẻ. Một số yếu tố xúc tác thường gặp nhất làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm họng ở trẻ là:
– Thời tiết lạnh và vùng tai mũi họng không được giữ ấm.
– Di chuyển trong vùng nhiều khói bụi không có vật dụng bảo vệ
– Vệ sinh miệng họng hằng ngày kém, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
– Thói quen ăn đồ lạnh vô tình khiến vùng họng bị bỏng lạnh, tổn thương.
– Trẻ gặp phải tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
Khi trẻ bị viêm họng, không khó để nhận ra các dấu hiệu ban đặc trưng như:
– Đau rát cổ họng: Đây là dấu hiệu đầu tiên mà trẻ gặp phải. Đối với trẻ lớn, các bé có thể tự mình biểu đạt vấn đề với bố mẹ. Tuy nhiên với trẻ nhỏ, bạn có thể theo dõi thông qua cử chỉ của bé khi ăn. Chính sự đau rát này sẽ khiến bé khó khăn khi bú mẹ hoặc khi ăn thức ăn.
– Ngứa cổ họng: Tình trạng ngứa cho thấy vi khuẩn đang tích cực hoạt động và làm tổn thương họng. Tình trạng ngứa thường kích thích một loạt các phản ứng ho, khạc ở trẻ.
– Nhầy trắng, đờm ở cổ họng: Khi trẻ bị viêm họng, họng sẽ tiết ra chất nhầy bao bọc để tiêu diệt vi khuẩn. Tình trạng viêm càng nhiều, lớp nhầy càng gia tăng. Vì thế mà trẻ luôn có xu hướng khạc nhổ ra ngoài những chất nhầy màu trắng. Chất nhầy này khác hoàn toàn với tình trạng đờm, đờm đặc, màu vàng và có mùi tanh. Khi trẻ khạc ra đờm cũng đồng nghĩa với việc tình trạng viêm họng đang trở nên trầm trọng hơn.
– Niêm mạc họng sưng tấy kèm theo những nốt đỏ.
– Amidan có thể sưng to và gây đau, nuốt vướng.
– Có thể đi kèm tình trạng sổ mũi
– Trẻ khản giọng, ho kéo dài.
– Tình trạng sốt nhẹ kéo dài hoặc sốt cao có thể xuất hiện, phụ thuộc vào tình trạng bệnh của bé.
2. Mẹo hay trị viêm họng cho bé
Khi trẻ có những dấu hiệu viêm họng đầu tiên (đau rát họng, ngứa cổ họng, ho,…) cha mẹ cần chủ động có những biện pháp xử trí đúng để làm giảm những triệu chứng này sớm nhất. Dưới đây là một số mẹo mà cha mẹ cần áp dụng ngay khi trẻ chớm viêm họng:
2.1. Súc họng bằng nước muối loãng
Súc miệng bằng nước muối loãng là cách trị viêm họng cho bé hiệu quả được nhiều cha mẹ áp dụng
Biện pháp này tuy rất đơn giản song hiệu quả mang lại rất bất ngờ. Nước muối sinh lý 0.9% là tốt nhất, tuy nhiên nếu không thể mua nước muối này có thể chủ động pha loãng muối hạt và cho trẻ súc miệng trong ngày, nhất là sau khi ngủ dậy và trước đi ngủ. Cách làm này sẽ giúp rửa trôi đáng kể các vi khuẩn đang ẩn mình trong vùng miệng họng của trẻ, giúp làm dịu các cơn đau rát.
Bên cạnh việc súc miệng nước muối loãng thì một số bài thuốc dân gian sau đây đã được chứng minh có hiệu quả đối với việc điều trị viêm họng tại nhà. Cha mẹ có thể tham khảo và lựa chọn một số cách được nêu dưới đây.
2.2. Trị viêm họng cho trẻ bằng quả cam
Rửa sạch quả cam, thấm khô nước và cắt thành lát. Sau đó đem các lát cam này nướng trên lò vi sóng đến khi vỏ ngả màu xám nâu, sau đó để nguội và sử dụng, có thể dùng thêm muối để dễ dùng.
Nếu không có lò vi sóng, cha mẹ có thể dùng vỉ hấp: cắt đầu quả cam tạo thành nắp đậy, bỏ muối vào bên trong và dằm nát, sau đó đậy quả cảm lại và đưa lên cách thủy, cho trẻ uống nước và tép cam lúc còn ấm.
2.3. Trị viêm họng cho trẻ bằng chanh
Quả chanh thái lát để cả vỏ và hạt, thêm vào đó 5 thìa canh mật ong hoặc đường và hấp cách thủy đến khi vỏ chanh ngả màu héo. Cho bé sử dụng khi còn ấm. Nếu không có chanh, cha mẹ có thể thay thế bằng quất (quả tắc) cũng rất hiệu quả.
Quả chanh hay quả quất hấp cách thủy cùng đường phèn/ mật ong có tác dụng trị viêm họng cho trẻ
2.4. Trị viêm họng cho trẻ bằng lá hẹ
Lấy khoảng 200g lá hẹ, rửa sạch, cắt khúc, thêm vào 50g đường phèn hoặc đường thô đã được giá nhuyễn và đem hấp cách thủy đến khi đường tan hoàn toàn và lá hẹ đổi màu.
Sau khi hỗn hợp chín lấy cho bé sử dụng khi còn ấm.
2.5. Trị viêm họng cho bé bằng trà gừng
Gừng từ lâu được biết là loại thực phẩm có công dụng giảm viêm hiệu quả. Cha mẹ có thể làm trà gừng cho trẻ bằng cách băm nhỏ củ gừng đã cạo vỏ, làm sạch, sau đó cho gừng vào đun sôi và chắt lấy nước dùng dần. Khi cho trẻ uống cha mẹ có thể thêm một chút đường và nên dùng vào buổi sáng, trước khi di ngủ.
2.6. Trị viêm họng bằng diếp cá
Cha mẹ chuẩn bị 1 bát nước cháo, 1 chút đường và lá diếp cá. Lá diếp cá sau khi làm sạch sẽ được xay nhuyễn và chắt lấy nước. Sau đó cho nước diếp cá vào cháo và đun, bổ sung một chút đường vừa ăn. Cho trẻ sử dụng sẽ làm giảm được các triệu chứng của viêm họng.
3. Khi nào nên đưa trẻ đi bệnh viện?
Mặc dù việc trị viêm họng cho bé có rất nhiều kinh nghiệm dân gian được chia sẻ như đã nêu trên. Tuy nhiên khi bệnh viêm họng đã tiến triển với những dấu hiệu rõ ràng như đau cổ họng, khó nuốt, trẻ ho thành cơn hay có đờm vàng, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và điều trị. Đồng thời các mẹo nêu trên chỉ nên coi như các biện pháp hỗ trợ. Lưu ý đối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, cha mẹ không nên tự ý sử dụng các bài thuốc dân gian cho trẻ mà cần điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Hi vọng với những thông tin trên thì cha mẹ có thể áp dụng để trị viêm họng cho bé một cách kịp thời cũng như giúp bé phòng ngừa viêm họng một cách thật hiệu quả nhé.