Bệnh tay chân miệng ở trẻ rất dễ lây lan và bùng dịch, khiến các bậc phụ huynh cảm thấy vô cùng lo lắng. Nếu không được chăm sóc đúng cách thì bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể diễn biến phức tạp, gây ra những biến chứng đe dọa tới sức khỏe và tính mạng của bé. Do đó, bố mẹ cần phải nắm rõ bệnh tay chân miệng lây như thế nào để có cách phòng ngừa tốt nhất.
1. Bệnh tay chân miệng lây như thế nào bố mẹ đã biết chưa?
Chân tay miệng là căn bệnh truyền nhiễm do 2 loại virus gây ra là Enterovirus và Coxsackievirus. Mỗi một loại virus thường có đặc điểm sinh trưởng và gây bệnh cũng như phân bố khác nhau. Tuy nhiên, đặc điểm chung của chúng là rất dễ lây lan và khiến bệnh tay chân miệng dễ bị bùng phát thành dịch với số lượng trẻ em mắc lớn.
Trong những năm gần đây, hầu như năm nào ở Việt Nam cũng bùng dịch tay chân miệng. Trong đó, bệnh tay chân miệng do virus Enterovirus là phổ biến nhất. Đối tượng mắc phải bệnh này thường là trẻ dưới 5 tuổi, nhất là những bé dưới 3 tuổi. Tùy theo độ tuổi phát triển, trẻ nhỏ đã bắt đầu tiếp xúc với môi trường xung quanh như đi nhà trẻ, mẫu giáo, khu vui chơi giải trí đông người. Ngoài ra, trẻ trong độ tuổi này rất thích bò trường, tập ăn dặm, đi lại khám phá nên không thể tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Bệnh tay chân miệng lây lan như thế nào là thắc mắc của nhiều người
Thông thường, bệnh tay chân miệng lây nhiễm chủ yếu là qua đường hô hấp và tiêu hóa:
1.1. Lây qua đường hô hấp
Các loại virus gây ra bệnh tay chân miệng có thể tồn tại trong dịch sổ mũi, hắt hơi, nước bọt,… Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, những virus này hoành hành mạnh mẽ hơn và khiến cơ thể của trẻ tiết ra nhiều dịch hơn. Việc trẻ ngậm mút đồ chơi chung, chảy nước mũi hoặc hắt hơi sẽ khiến bệnh tay chân miệng lây nhiễm nhanh chóng.
1.2. Lây qua đường tiêu hóa
Virus gây bệnh tay chân miệng có thể xuất hiện trong dịch tiết nước bọt bám vào tay hoặc thìa khi con ăn. Việc tiếp xúc gần và dùng chung vật dụng ăn uống cho bé sẽ khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh tay chân miệng rất cao.
Hơn nữa, vì các loại virus gây bệnh tay chân miệng có thể sống và tồn tại bên ngoài môi trường khá lâu, có thể bám vào đồ chơi, quần áo và đồ dùng của trẻ làm tốc độ lây lan trở nên nhanh chóng hơn. Những trẻ lành không mắc bệnh tay chân miệng nếu sinh hoạt chung môi trường nhỏ với bé nhiễm bệnh thì khả năng lây nhiễm cũng rất cao.
Nguy cơ trẻ nhỏ ở nhóm tuổi này dễ bị lây nhiễm là do hệ miễn dịch của bé đang dần phát triển hoàn thiện. Hàng năm, có 2 đợt dịch tay chân miệng mà bất cứ bố mẹ nào cũng lo lắng là:
– Đợt 1: từ tháng 2 tới tháng 4.
– Đợt 2: từ tháng 9 cho tới tháng 12.
Trong khoảng thời gian này, tần suất mắc bệnh tay chân miệng của trẻ cao hơn và tiềm ẩn nhiều ổ dịch bùng phát. Các ca bệnh nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ diễn biến nặng. Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng ở trẻ còn có khả năng lây nhiễm cho người trưởng thành thông qua việc tiếp xúc với nguồn lây nhiễm virus khi chăm sóc bé.
Bệnh tay chân miệng có thể lây qua đường tiêu hóa
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ
Phần lớn những trường hợp bố mẹ phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ em và theo dõi thường xuyên, điều trị tích cực thì con có thể hồi phục sau khoảng 7 – 10 ngày và ít có biến chứng. Do đó, bố mẹ cần nắm rõ các dấu hiệu nhận biết trẻ bị tay chân miệng và cách xử lý hiệu quả khi chẳng may con mắc phải căn bệnh này.
Thông thường, thời gian ủ bệnh của tay chân miệng thường kéo dài từ 3 – 7 ngày. Lúc này, trẻ chưa xuất hiện dấu hiệu nào nên rất khó nhận biết. Sau đó, trẻ thường bị sốt từ 24 – 48 giờ, đi kèm với hiện tượng kém ăn, khó chịu và đau họng.
Sau đó, khoảng 1 – 2 ngày, bố mẹ sẽ thấy trẻ xuất hiện những nốt mụn lở ở trong miệng. Lúc đầu, chúng chỉ là những nốt phồng rộp màu đỏ rồi mới phát triển thành vết loét.
Những vết loét này sẽ khiến trẻ cảm thấy đau đớn, khó chịu, dễ bứt rứt, khó chịu cùng những dấu hiệu tương tự như nhiễm trùng đường hô hấp với các triệu chứng là chảy nước mũi, hắt hơi, rối loạn tiêu hóa, ho.
Ở một số trẻ nhỏ, bệnh tay chân miệng không có dấu hiệu rõ ràng mà chỉ xuất hiện những vết phát ban hoặc loét miệng. Nếu con xuất hiện những triệu chứng này, bố mẹ cần phải đưa bé tới gặp bác sĩ ngay để được hướng dẫn cách điều trị phù hợp.
Trong trường hợp trẻ xuất hiện những triệu chứng như sốt cao liên tục, sử dụng thuốc hạ sốt không có hiệu quả, ngủ nhiều, đi đứng loạng choạng, ngủ gà, vẻ lừ đừ li bì, dễ giật mình khi ngủ, bố mẹ cần cho trẻ nhập viện ngay lập tức để được bác sĩ Nhi thăm khám và theo dõi. Nếu trẻ xuất hiện triệu chứng sốc hoặc biến chứng nặng, các bé sẽ được điều trị cách ly tích cực tại phòng hồi sức cấp cứu.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng là trẻ nổi các nốt rộp đỏ và bị loét
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bố mẹ giải đáp được thắc mắc “Bệnh tay chân miệng lây như thế nào?”. Đồng thời biết được dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng để có hướng xử lý kịp thời nhất và tránh nguy cơ lây nhiễm cho những người khác.