Sốt viêm họng ở trẻ là một trong số rất nhiều nguyên nhân của tình trạng sốt có thể gặp phải. Tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng hiểu rõ và biết cách xử lý đúng khi trẻ không may gặp phải tình trạng này. Vậy khi trẻ sốt viêm họng, cha mẹ cần làm gì?
1.Tình trạng sốt viêm họng ở trẻ
Sốt viêm họng ở trẻ là triệu chứng thường gặp của bệnh viêm họng
Viêm họng là bệnh lý tai mũi họng không còn xa lạ ở trẻ em nhất là khi trẻ lại thuộc nhóm đối tượng có đề kháng rất yếu. Viêm họng ở trẻ do rất nhiều nguyên nhân: thay đổi thời tiết khiến cơ thể trẻ không thích nghi kịp, trẻ bị tổn thương hầu họng do uống đồ quá lạnh, quá nóng,.. tạo điều kiện cho vi sinh vật tấn công gây sưng viêm. Theo các nghiên cứu về bệnh viêm họng ở trẻ, nhóm vi sinh vật và các tác nhân tìm thấy trong các ca bệnh viêm họng là: liên cầu khuẩn, virus cúm, virus gây bệnh tay chân miệng, các tác nhân như bụi, khói ô nhiễm, phấn hoa,….
Khi bị tác động bởi các tác nhân gây hại, cơ thể sản sinh ra phản ứng bắt giữ và tiêu diệt các thành phần này, và hệ quả là xuất hiện tình trạng sốt viêm họng. Sốt viêm họng ở trẻ em có nhiều mức độ khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa của từng trẻ. Ở trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi) thường có những triệu chứng đi kèm sốt là chán ăn, quấy khóc, trẻ bị ho, nghẹt mũi và nước mắt, nước mũi chảy ra ngoài.
Ở cá trẻ lớn hơn, có thể giao tiếp với người lớn, tình trạng sốt ngoài tăng nhiệt độ còn khiến trẻ mệt mỏi, nóng cổ họng, khát nước và trẻ có thể bày tỏ với người lớn về tình trạng đau cổ họng. Một số trẻ xuất hiện các hạch vùng sau tai và vùng cổ. Về bản chất, sốt viêm họng không phải là xấu và có thể kéo dài 1 ngày, 2 ngày thậm chí tới 3 ngày,…cho đến khi các vi khuẩn được tiêu diệt, thời gian sốt tùy thuộc vào quá trình điều trị cũng như tốc độ phục hồi của trẻ. Tuy nhiên đây cũng là một triệu chứng quan trọng để quan sát những bất thường của trẻ, chính vì thế khi trẻ bị sốt viêm họng hay do bất kỳ nguyên nhân nào khác đều cần theo dõi và xử lý đúng.
2. Điều trị sốt viêm họng ở trẻ
Nội soi họng giúp bác sĩ quan sát vùng họng bị tổn thương
Khi trẻ bị sốt viêm họng, cha mẹ cần theo dõi nhiệt độ của trẻ liên tục và đưa trẻ đi thăm khám sớm để có chỉ định điều trị kịp thời. Nếu sốt nhẹ bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi tại nhà và điều trị theo đơn thuốc đã được kê sẵn. Nếu trẻ có một trong các triệu chứng sau đây, cần nhanh chóng đưa trẻ đi thăm khám và điều trị:
– Trẻ sốt cao trên 38,5 độ, cần nhập viện để tránh co giật do sốt và biến chứng.
– Trẻ sốt kéo dài, việc sử dụng thuốc hạ sốt được kê đơn không mang lại hiệu quả.
– Tình trạng ho trở nên nghiêm trọng: ho nhiều, có các tiếng rít, trẻ khó thở hoặc thở gấp, thở nhanh hơn bình thường một cách liên tục.
– Viêm họng, sốt và kèm theo tình trạng chảy mủ ở tai.
– Sốt viêm họng kèm theo tình trạng nôn trớ.
– Trẻ bị tiêu chảy và đi ngoài nhiều lần: phân lỏng có bọt, phân nước,….
– Sau 2 – 3 hôm điều trị theo phác đồ không mang lại kết quả.
Khi gặp một trong các trường hợp trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ vào viện thăm khám bởi các dấu hiệu này đều cho thấy trẻ bắt đầu có chuyển biến nặng hơn và có dấu hiệu xuất hiện biến chứng nguy hiểm.
3. Chăm sóc đúng cách giúp trẻ mau phục hồi
Vậy các trường hợp sốt viêm họng ngoài việc điều trị cho trẻ theo đơn thuốc của bác sĩ, cha mẹ cần ghi nhớ một số vấn đề sau đây để trẻ có thể hồi phục một cách nhanh chóng.
3.1. Hạ sốt cho trẻ
Việc sử dụng thuốc hạ sốt theo liều có thể kết hợp với một loạt các biện pháp thủ công cải thiện nhiệt độ của trẻ như:
– Sử dụng khăn ấm chườm, xoa tại các vị trí hạ nhiệt mạnh như trán, nách và vùng bẹn của trẻ, lau hết mồ hôi để tránh nhiễm lạnh ngược.
– Cho trẻ uống đủ nước, đây cũng là một trong những cách giúp hạ nhiệt từ bên trong cơ thể và bù nước cho trẻ trong quá trình mất nước vì sốt.
– Cho trẻ mặc đồ thoáng, thấm mồ hôi và tại các vị trí thoáng để cơ thể tỏa nhiệt nhanh hơn. Khi trẻ đang sốt, tuyệt đối không nên cho trẻ nằm điều hòa lạnh bởi nhiệt độ lạnh, khô của điều hòa sẽ khiến trẻ lạnh bên ngoài, nóng bên trong, các lỗ chân lông thoát nhiệt bề mặt bị se lại gây cản trở hạ nhiệt.
3.2. Giữ ấm vùng cổ họng và ngực cho bé
Giữ ấm vùng cổ họng và ngực cho bé là việc cần thiết để tránh viêm họng tiến triển nặng gây viêm phế quản, viêm phổi nguy hiểm cho bé.
Với các trẻ đã ăn thức ăn bình thường, cha mẹ nên chọn đồ ăn lỏng, mềm để bổ sung dinh dưỡng cho bé
3.3. Luôn đảm bảo chế độ ăn cho bé
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng luôn là cách tốt nhất giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi. Đối với trẻ còn đang ăn sữa, mẹ cần tích cực cho bé ăn để bổ sung dinh dưỡng và nhanh chóng lấy lại đề kháng. Với các trẻ đã sử dụng thức ăn cần đa dạng các nhóm chất trong thức ăn cho trẻ. Lưu ý cha mẹ nên lựa chọn các loại thức ăn mềm để bé dễ ăn và dễ nuốt hơn bởi viêm họng thường kèm theo hiện tượng đau rát cổ họng. Nên hạn chế cho bé ăn các đồ nhiều dầu mỡ như đồ chiên, tránh các gia vị cay, hoặc quá mạn để giảm kích thích vùng họng. Ngoài ra, hãy cho trẻ uống bổ sung nước trái cây như cam, chanh, dưa hấu,… Nước trái cây giúp trẻ hạ sốt hiệu quả, dễ hấp thụ và tăng đề kháng.
3.4. Vệ sinh vùng tai mũi họng
Vệ sinh răng miệng và súc miệng nước muối sinh lý là việc làm cần thiết giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trong miệng họng. Ngoài ra, trẻ nên được vệ sinh mũi bằng cách rửa mũi và vệ sinh tai để giảm các triệu chứng sổ mũi, hắt hơi và ngứa tai.
Trên đây là một số vấn đề về tình trạng sốt viêm họng ở trẻ. Hi vọng rằng những thông tin trên sẽ mang lại kiến thức bổ ích cho cha mẹ, giúp chăm sóc bé một cách tốt nhất.