Blogs Blogs

Zurück

Thông Tin Y Tế Trên Các Báo Ngày 24/3/2021

Dưới đây là điểm báo thông tin y tế trên các báo ngày 23/3/2021, mời quý bạn đọc theo dõi

Đã có 39.817 người được tiêm vắc xin AstraZeneca tại 19 tỉnh, thành phố

Theo tin từ Bộ Y tế, tính từ 18h ngày 24-3 đến 6h ngày 25-3, nước ta không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Như vậy, đã bước sang ngày thứ bảy liên tiếp, nước ta không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 tại cộng đồng. Ngoài ra, có thêm 1.906 người được tiêm chủng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca trong ngày 24-3, nâng tổng số người được tiêm lên 39.817 người.

Riêng ngày 24-3, các tỉnh: Quảng Ninh, Tây Ninh, Đồng Tháp đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. Như vậy, hiện đã có 19 tỉnh, thành phố triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 thuộc giai đoạn 1, tính từ ngày 8-3: Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Hòa Bình, Khánh Hòa, Hà Giang, Điện Biên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh, Tây Ninh và Đồng Tháp.

Hiện, các cơ sở y tế gồm: Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh đã kết thúc tiêm vắc xin Covid-19 trong đợt này.

Cũng theo Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 25-3, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước ta vẫn là 2.576 ca, trong đó có 1.601 ca lây nhiễm trong nước. Tính từ ngày 27-1 đến nay, nước ta ghi nhận 908 ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng, tại 13 tỉnh, thành phố. Riêng tại Hà Nội, từ ngày 16-2 đến nay, chưa ghi nhận thêm ca mắc mới trong cộng đồng.

Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 36.480 người, trong đó có 485 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 18.343 người tại các cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nước ta đã có 2.265 ca Covid-19 được điều trị khỏi, 35 ca tử vong.

Hiện, tình hình dịch Covid-19 trong nước đã tạm thời được kiểm soát. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình dịch trên thế giới vẫn phức tạp, từ ngày 24-3 đến 28-3, Bộ Y tế tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch và triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại 5 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh. Ngày 24-3, đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh. Trong sáng nay (25-3), đoàn tiếp tục kiểm tra tại Hà Nội.

(hanoimoi.com.vn)

26 người tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax của Việt Nam

Sáng 25/3, tại Hà Nội, Học viện Quân Y tiếp tục tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax cho 26 tình nguyện viên. Đây là những người đã hoàn thành mũi tiêm thứ nhất của giai đoạn này từ ngày 26/2-10/3

Theo PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), sau khi tiêm mũi 1 giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax, các tình nguyện viên có triệu chứng như sốt nhẹ, đau chỗ tiêm tự hết, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi… nhưng hết nhanh, không cần can thiệp y tế.

Giai đoạn 2 có 560 tình nguyện viên đăng ký tiêm thử, mở rộng đối tượng từ 18 đến trên 60 tuổi, trong đó, một số người có bệnh nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch độ 1… không quá nặng.

Đợt tiêm thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax giai đoạn 2 được tổ chức tại hai điểm cầu: Học viện Quân y và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

560 tình nguyện viên chia thành 4 nhóm tiêm thử ở giai đoạn 2 của đợt thử nghiệm lâm sàng, trong đó, 80 người được tiêm “giả dược”; các tình nguyện viên còn lại được chia tiêm 3 nhóm liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg. Đợt tiêm thử nghiệm lần này có 105 tình nguyện viên trên 60 tuổi; tình nguyện viên cao tuổi nhất 76 tuổi.

Trước khi tiêm thử mũi 2 vắc xin Nano Covax, các tình nguyện viên tại điểm cầu Học viện Quân y đều được kiểm tra sức khỏe, khám sàng lọc, lấy máu và nước tiểu, xét nghiệm COVID-19, khai thác kỹ tiền sử dị ứng… đảm bảo đủ tiêu chuẩn sức khỏe trước khi tiêm thử.

“Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe sau khi tiêm của 560 tình nguyện viên đều ổn định, vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax khá an toàn với người được tiêm và các tình nguyện viên sẵn sàng tiêm thử nghiệm mũi 2 của giai đoạn này”- PGS.TS Chử Văn Mến thông tin.

Để đẩy nhanh tiến độ, việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 được tổ chức tại hai điểm cầu có thể giúp rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu còn 3 tháng thay vì 6 tháng, nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học.

Dự kiến sau khi báo cáo sơ kết kết quả thử nghiệm vào tháng 5/2021, Học viện Quân y sẽ báo cáo Bộ Y tế và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia xem xét, đánh giá các cơ sở khoa học của giai đoạn 2, cho phép xây dựng một liều tiêm; chuẩn bị song song vừa hoàn thiện giai đoạn 2, vừa tiêm giai đoạn 3.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đại diện Bộ Y tế cho biết, vắc xin Nano Covax sẽ được nghiên cứu giai đoạn 3 từ tháng 5-9/2021 và được nghiệm thu kết quả, đăng ký lưu hành vào khoảng tháng 9/2021, tiếp tục rút ngắn 3 tháng so với kế hoạch dự kiến; đồng thời hy vọng vào cuối quý III/2021, Việt Nam sẽ có vaccine đầu tiên sản xuất trong nước.

Nano Covax là vắc xin đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người, do Công ty Cổ phần Công nghệ Nanogen nghiên cứu, phát triển.

(suckhoedoisong.vn)

Tiếp tục tiêm phòng vắc-xin Covid-19 tại một số địa phương

Theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 24-3 không ghi nhận ca mắc Covid-19. Ngoài ra, có 19 người bệnh được công bố khỏi bệnh, 120 người bệnh mắc Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ một đến ba lần.

Bộ Y tế cho biết, ngày 23-3, Cục Y tế dự phòng nhận được thư của COVAX Facility thông báo về việc phân bổ vắc-xin của COVAX Facility sẽ chậm hơn so với kế hoạch do các nhà sản xuất mở rộng quy mô và tối ưu hóa quá trình sản xuất vắc-xin. Dự kiến, lô vắc- xin đầu tiên của COVAX Facility khoảng 811.200 liều sẽ được giao trong ba tuần tới. Số lượng vắc-xin này thấp hơn so với số lượng dự kiến theo thông báo trước đó. Số lượng giao hàng của lô đầu tiên dựa trên tỷ lệ phân chia công bằng nguồn cung ứng hiện có đối với các thành viên thụ hưởng của chương trình COVAX Facility.

Ngày 24-3, kiểm tra công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ tiêm cho các lực lượng tuyến đầu trực tiếp khác. Các y sĩ, bác sĩ trực tiếp khám sàng lọc, điều trị cho người bệnh được ưu tiên tiêm theo đúng quy trình. 12 nhân viên y tế của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh được tiêm những mũi vắc-xin Covid-19 đầu tiên trong sáng 24-3. Hiện, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 4.100 liều vắc-xin của Tập đoàn AstraZeneca. Tỉnh sẽ tổ chức tiêm cho các nhóm đối tượng ưu tiên.

Tại tỉnh Đồng Tháp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 tỉnh đã tổ chức đợt tiêm đầu tiên với 350 liều vắc-xin AstraZeneca cho nhân viên y tế đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hồng Ngự. Đây là số vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ cho tỉnh Đồng Tháp trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng PCD Covid-19. Đợt tiêm ở TP Hồng Ngự được thực hiện từ ngày 24 đến 26-3. Buổi tiêm đầu tiên có 50 người được tiêm, chia làm năm đợt, mỗi đợt 10 người và cách nhau 30 phút.

(nhandan.com.vn)

Vaccine ngừa COVID-19: Các phản ứng phụ có thể gặp và cách xử trí

Trước những lo ngại về các phản ứng phụ có thể xảy ra khi tiêm vacccine COVID-19, chuyên gia y tế đã có những giải đáp về vấn đề này và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn khi tiêm chủng.

Tỉ lệ phản ứng nặng rất thấp

Theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, không chỉ vaccine ngừa Covid-19, tất cả các loại vaccine đều có thể gây ra những phản ứng nhẹ sau tiêm như: sưng đau tại vị trí tiêm hoặc cảm giác chóng mặt, mệt mỏi, sốt nhẹ, buồn ngủ…Đó là những phản ứng rất thông thường của cơ thể bởi vì đấy là bản chất của quá trình kích thích miễn dịch. Quá trình này sẽ giúp sinh ra kháng thể đặc hiệu phòng chống bệnh tật. Do cơ địa nên một số người có thể gặp các triệu chứng nặng như sốt cao, phản ứng phản vệ, song tỉ lệ này rất thấp.

Với vaccine phòng COVID-19 đang được triển khai tiêm ở nước ta, TS. Phạm Quang Thái cho biết, trước khi tổ chức chiến dịch tiêm chủng này, các nhà khoa học trong nước đã khảo sát rất kỹ những thông tin về phản ứng phụ của vaccine từ phía nhà sản xuất. Đồng thời, trong thời gian qua, Chương trình tiêm chủng luôn chủ động giám sát, ghi nhận thông tin về các trường hợp gặp phản ứng bất lợi sau tiêm.“Chúng tôi thấy rằng là tỉ lệ gặp phản ứng phụ sau tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở mức tương đương, thậm chí là còn thấp hơn một chút so với các quốc gia khác và so với khuyến cáo của hãng sản xuất. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng những ghi nhận này còn phụ thuộc rất nhiều vào cái cách mà chúng ta giám sát cũng như là chất lượng giám sát nữa”. TS Phạm Quang Thái nói.

Các mức độ của phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine

Theo TS Phạm Quang Thái, phản vệ là một phản ứng dị ứng của cơ thể với các yếu tố lạ, không chỉ vaccine mà còn bao gồm cả cả thức ăn, thuốc hoặc nọc độc của côn trùng… Phản vệ có thể xuất hiện sớm trong vòng vài giây, vài phút nhưng cũng có khi sau vài giờ, thậm chí muộn hơn kể từ khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên.

Người ta chia phản vệ thành 4 mức độ:

  • Mức độ I: người tiêm xuất hiện các biểu hiện như dị ứng thông thường trên da và niêm mạc như nổi mày đay, ngứa, phù mạch.
  • Mức độ II: Ngoài các biểu hiện nổi mày đay, phù mạch thì còn xuất hiện các triệu chứng khác như: khó thở, thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, tiêu chảy; huyết áp có thể tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
  • Mức độ III: biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn gồm: khó thở, đau bụng, nôn, tiêu chảy, đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn ý thức, tụt huyết áp.
  • Mức độ IV: với biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

TS Phạm Quang Thái cho biết, khi xuất hiện phản ứng phản vệ, dù với triệu chứng nhẹ, song nếu không có biện pháp xử lý can thiệp thì sẽ diễn tiến sang mức độ nặng hơn. “Diễn tiến này được gọi là vòng xoáy bệnh lý. Tức là khi đang ở độ 1 mà chúng ta không có xử lý can thiệp gì thì nó sẽ chuyển sang độ 2, độ 3 và nếu mà vẫn tiếp tục không xử trí thì nó sẽ đến độ 4. Cuối cùng là ngừng tim ngừng tuần hoàn thì rất khó xử lý. Do đó, điều quan trọng là phát hiện và xử lý sớm những trường hợp gặp phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine”- TS Phạm Quang Thái nhấn mạnh.

Hiện nay các cơ sở y tế đều theo dõi tại chỗ 30 phút sau tiêm và yêu cầu người được tiêm theo dõi tại nhà trong 1-2 ngày sau tiêm. Trong thời gian theo dõi tại cơ sỏ y tế sau tiêm, nếu phát hiện người được tiêm có biểu hiện mệt mỏi hoặc có bất thường về tri giác thì nhân viên y tế cần nghĩ ngay đến khả năng xảy ra phản ứng phụ sau tiêm và cần xử lý sớm. “Khi xử lý các phản ứng phản vệ nguyên tắc là càng sớm càng tốt và thà xử lý thừa còn hơn là bỏ sót hoặc để muộn. Nếu chúng ta nghĩ đến phản vệ, chỉ cần y tá hay điều dưỡng thôi thì cũng có thể tiêm một ống Adrenaline cho bệnh nhân, không cần chờ kết luận lâm sàng là sốc phản vệ. Nếu chúng ta xử lý sớm sẽ cắt đứt được vòng xoáy bệnh lý và bệnh nhân sẽ ổn.” TS Phạm Quang Thái hướng dẫn.

TS Phạm Quang Thái cũng khuyến cáo, với người được tiêm vaccine COVID-19, trong quá trình theo dõi tại nhà nên có người thân ở bên cạnh, ít nhất trong vòng 48 tiếng sau tiêm. Trong quá trình sinh miễn dịch, vaccine sẽ tiêu thụ khá nhiều năng lượng của cơ thể.

Vì vậy, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ sau tiêm chủng hết sức quan trọng. Khi có biểu hiện sốt nhẹ, đau mỏi cơ, có thể dùng thuốc paracetamol để hạ sốt. Tuyệt đối không đắp lá hoặc bất cứ loại thuốc nào lên vết tiêm. Nếu thấy sốt kéo dài, có cảm giác rét run hay bất cứ vấn đề gì bất thường về sức khỏe cần thông báo ngay cho cơ sở y tế hoặc đội cấp cứu lưu động để được cấp cứu và xử trí kịp thời./.

(vov.vn)

Chuyển nơi khám chữa bệnh ban đầu: Không ảnh hưởng đến quyền lợi người dân

Hà Nội đang thực hiện chuyển thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của người tham gia BHYT theo hộ gia đình tại các bệnh viện (BV) tuyến T.Ư, tuyến tỉnh về cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tuyến huyện, xã phù hợp với nơi cư trú. Việc chuyển đổi này được thực hiện xong trước ngày 31/3/2021.

Tạo thuận lợi chuyển tuyến

Hiện nay, Hà Nội có gần 1,34 triệu người tham gia BHYT theo hộ gia đình, bằng gần 18,5% tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn. Nhiều trường hợp tham gia được Quỹ BHYT chi trả chi phí KCB lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí có trường hợp được chi trả lên tới hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác KCB BHYT ở nhiều cơ sở y tế tuyến T.Ư thường xuyên quá tải.

Thực hiện sự chỉ đạo của T.Ư, liên ngành Y tế – BHXH Hà Nội đã có Văn bản số 3982/HD-YT-BHXH hướng dẫn bổ sung đăng ký KCB BHYT ban đầu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2021. Theo đó, người tham gia BHYT theo hộ gia đình đang đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến T.Ư sẽ chuyển về các cơ sở y tế tuyến huyện, xã để thuận tiện cho người dân KCB.

Đặc biệt, trong thời gian trước ngày 31/3, những trường hợp đang đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế tuyến TP nhưng không phù hợp với nơi cư trú cũng sẽ chuyển về các cơ sở y tế tuyến huyện, xã. Riêng những trường hợp đang đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế tuyến TP nhưng phù hợp với địa bàn cư trú thì tạm thời chưa điều chỉnh cho đến khi hết thời hạn sử dụng thẻ BHYT…

Mới đây, bà Lê Thị Trinh (55 tuổi), thôn Ứng Hòa, xã Nam Điền, huyện Chương Mỹ cho biết, 15 năm tham gia BHYT hộ gia đình, bà và chồng thấy rõ được quyền lợi của người tham gia BHYT. Đơn cử, cứ mỗi lần cảm thấy sức khỏe có vấn đề, bà lại ra Trạm y tế (TYT) xã để được thăm khám và điều trị. Nếu tình trạng sức khỏe không cải thiện, TYT xã giới thiệu bà lên BV Đa khoa Chương Mỹ. “Việc chuyển nơi đăng ký KCB ban đầu về gần nơi cư trú giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong việc khám, điều trị bệnh, nhất là với người già, người sức khỏe yếu”- bà Trinh nói.

Sẵn sàng phục vụ bệnh nhân

Giám đốc BV Đa khoa huyện Chương Mỹ Đặng Trần Chiến cho biết, với dân số gần 340.000 người, hiện nay, huyện có 301.000 người tham gia BHYT (đạt 90,1%), trong đó có hơn 70.000 người tham gia BHYT hộ gia đình; 108.000 người đăng ký KCB ban đầu tại BV Đa khoa Chương Mỹ.

“BV Đa khoa huyện Chương Mỹ có 365 giường, đang quản lý 160 – 180 bệnh nhân nội trú, khoảng 700 – 1.000 lượt bệnh nhân khám bệnh/ngày. Với hệ thống cơ sở vật chất hiện có, BV có thể tiếp nhận thêm ít nhất 30.000 người đăng ký KCB BHYT ban đầu. Ngoài ra, huyện còn có 32 TYT, 2 phòng khám thuộc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện tham gia KCB BHYT, có thể bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHYT hộ gia đình” – ông Chiến cho hay.

Cũng theo ông Chiến, nhằm đáp ứng nhu cầu KCB của người dân, nhất là để thu hút người bệnh, hiện BV đang cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, đồng thời đề xuất cấp trên mở rộng thêm diện tích. Bên cạnh đó, hàng năm, BV mua sắm thêm trang thiết bị cơ bản, nâng cao trình độ cho các bác sĩ học chuyên II, I. Nhờ đó, đến nay, BV có thể phẫu thuật được tuyến giáp, tiền liệt tuyến, tán sỏi thận, sỏi niệu quản… Tuy nhiên, để tạo điều kiện, giữ chân bác sĩ ở tuyến cơ sở, Chính phủ, TP có cơ chế phù hợp hơn, nhất là y bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao. Ngoài ra, T.Ư, TP cần đầu tư đồng bộ hơn về trang thiết bị, cơ sở vật chất.

Đồng quan điểm, Giám đốc TTYT quận Đống Đa Nguyễn Đức Tuấn cho hay, quận có 3 phòng khám và 1 nhà hộ sinh đang KCB BHYT. Năm 2020, TTYT quận duy trì 79.000 lượt người KCB, với hơn 70.000 thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu. Với nguồn lực cơ sở vật chất, nhân lực như hiện nay, TTYT quận sẵn sàng tiếp nhận số lượng người đến KCB tăng lên. Tuy nhiên, lãnh đạo TTYT quận kiến nghị, các cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể để người dân thực sự tin tưởng vào chất lượng KCB tại tuyến y tế cơ sở, tránh tình trạng các cơ sở này trở thành nơi bệnh nhân “xếp hàng” xin chuyển lên tuyến trên.

Theo Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Thị Tám, việc chuyển nơi đăng ký KCB ban đầu vẫn cơ bản bảo đảm mọi quyền lợi của người tham gia. Trường hợp vượt quá khả năng điều trị của cơ sở y tế tuyến dưới, bệnh nhân sẽ được chuyển tuyến thuận lợi. Ngoài ra, tại tuyến xã, phường, thị trấn, người có thẻ BHYT sẽ được chi trả 100% chi phí KCB BHYT. Đặc biệt, hiện nay đã thực hiện thông tuyến huyện và KCB nội trú trái tuyến đã được hưởng 100%.

Để sẵn sàng phục vụ bệnh nhân BHYT theo hộ gia đình, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở y tế tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP kích hoạt toàn bộ bộ máy hoạt động.

(kinhtedothi.vn)


Nguồn bài viết: https://menopausehealthmatters.com/thong-tin-y-te-tren-cac-bao-ngay-25-3-2021/
Kommentare
Noch keine Kommentare. Seien Sie der Erste.