Blogs Blogs

Zurück

Thông Tin Y Tế Trên Các Báo Ngày 20/5/2021

Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 20/5, mời quý đọc giả đón đọc:

Hà Nội thêm 2 ca Covid-19, trong đó có 1 F1 của cựu Giám đốc Hacinco

Sáng 20/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội đã báo cáo nhanh về 2 trường hợp dương tính mới trong khu cách ly tập trung. Trong đó, 1 ca liên quan chùm Đà Nẵng, là F1 của cựu Giám đốc Hacinco; 1 ca liên quan chùm Bắc Ninh.

Cụ thể:

Trường hợp 1: Bệnh nhân N.H.H., nam, sinh năm 1976, địa chỉ: 20 Núi Trúc, phường Giảng Võ, quận Ba Đình. Bệnh nhân là F1 của BN3634 (bệnh nhân N.V.T.), có ăn tối cùng bệnh nhân 3634 ngày 11/5.

Ngày 12/5, bệnh nhân về thực hiện tự cách ly tại tại địa chỉ: Tòa S2 Sunshine, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm sau khi có thông tin về BN 3634.

Bệnh nhân được Trung tâm y tế (TTYT) quận Bắc Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm lần 1 (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh, huyện Thạch Thất cùng ngày.

Ngày 19/5, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, tức ngực, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính (do CDC Hà Nội thực hiện).

Trường hợp 2: Bệnh nhân M.T.N., nữ, 48 tuổi, địa chỉ xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai. Bệnh nhân là F1 của BN 3173 (về từ Mão Điền, tỉnh Bắc Ninh).

Bệnh nhân làm cùng với BN 3173, được lấy xét nghiệm lần 1 ngày 8/5 có kết quả âm tính và chuyển cách ly tập trung tại trường Quân sự Sơn Tây.

Đến ngày 19/5, bệnh nhân có sốt 38,5 độ C, mệt mỏi, được TTYT thị xã Sơn Tây lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính (do CDC Hà Nội thực hiện).

Như vậy, với việc có thêm 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 sáng 20/5, từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 96 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 với 8 chùm ca bệnh. Cụ thể, chùm Đà Nẵng (38 ca), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (17 ca), Bắc Ninh (16 ca), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (9 ca), Hưng Yên (6 ca), chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng ra Hà Nội ngày 29/4 (5 ca), Hà Nam (3 ca) và Vĩnh Phúc (2 ca).

(kinhtedothi.vn)

Vợ chồng giám đốc Hacinco “không lây nhiễm Covid-19 từ Đà Nẵng”

(NLĐO) – Đó là khẳng định của bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng. Theo ông Thạnh, kết quả giải trình tự gen từ mẫu bệnh phẩm của giám đốc Hacinco cho thấy mang chủng virus Ấn Độ, trong khi 11 mẫu từ 2 ổ dịch của Đà Nẵng đều mang chủng virus Anh.

Chiều 19-5, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 TP Đà Nẵng, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP, đã thông tin về các kết quả giám sát của địa phương liên quan 2 bệnh nhân 3634 và 3633 (vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội – Hacinco).

Bác sĩ Thạnh cho hay CDC Đà Nẵng đã gửi 11 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các ổ dịch trên địa bàn TP ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để giải trình tự gen. Kết quả giải trình tự gen cho thấy 11 mẫu bệnh phẩm này đều có nguồn gốc chủng virus Anh.

Trong khi đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng lấy mẫu bệnh phẩm đối với vợ chồng Giám đốc Hacinco để giải trình tự gen. Mẫu bệnh phẩm của người vợ không ra kết quả còn của người chồng mang chủng virus Ấn Độ.

Theo bác sĩ Thạnh, liên quan những người tiếp xúc vợ chồng Giám đốc Hacinco, CDC Đà Nẵng đã phối hợp CDC Quảng Nam tổ chức lấy 801 mẫu xét nghiệm của những trường hợp có nguy cơ tại các địa điểm mà du khách này lưu trú, tiếp xúc trong thời gian đi du lịch. Kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả 801 trường hợp này âm tính với SARS-CoV-2.

“Dựa trên những cơ sở, căn cứ khoa học này, có thể khẳng định vợ chồng du khách người Hà Nội không lây nhiễm Covid-19 từ Đà Nẵng” – bác sĩ Thạnh khẳng định.

Nói thêm về trường hợp này, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng kết quả trên đã “cởi bỏ những hoài nghi, trách nhiệm của Đà Nẵng liên quan đến 2 bệnh nhân 3633 và 3634”.

“Quan trọng hơn là các đơn vị, địa phương trong cả nước liên quan 2 ca bệnh này có cái nhìn chính xác hơn về bản chất, nguyên nhân của dịch bệnh, từ đó có những quyết định đúng đắn hơn để kiểm soát, phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả” – ông Chinh nhấn mạnh.

Theo lịch sử dịch tễ, đầu giờ chiều 30-4, vợ chồng Giám đốc Hacinco bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng trên chuyến bay VN6087 (ngồi hàng 7) để du lịch.

Trưa 2-5, 2 người cùng ra sân bay về Hà Nội trên chuyến bay VN160, ngồi hàng ghế số 15.

Ngày 12-5, cả 2 đi khám tại Bệnh viện Hữu Nghị – Hà Nội và cùng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

(nld.com.vn)

Việt Nam ghi nhận bệnh nhân Covid-19 tử vong thứ 38

Việt Nam ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong là bệnh nhân 3197, 64 tuổi, có tiền sử mắc ung thư gan.

Bộ Y tế cho biết, ca bệnh 3197 là nữ, có tiền sử mắc viêm gan B mạn cách đây 10 năm, ung thư gan phát hiện cách đây 4 tháng.

Bệnh nhân được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 4/5 với chẩn đoán: Nhiễm trùng huyết/ung thư gan, viêm gan B mạn, hội chứng thực bào máu. Ngày 7/5, bệnh nhân được Bộ Y tế công bố mắc Covid-19 trong chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, kháng sinh phổ rộng kết hợp thuốc kháng nấm, thuốc chống viêm, truyền máu, thuốc vận mạch trong suốt những ngày qua.

Bệnh nhân cũng đã được các giáo sư đầu ngành hội chẩn quốc gia ngày 18/5.

Tuy nhiên, do bệnh lý nền quá nặng không đáp ứng điều trị, bệnh nhân đã tử vong ngày 19/5 do sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân ung thư gan, viêm gan B mạn, hội chứng thực bào máu, kiệt bạch cầu, nhiễm SARS-CoV-2.

Trong vòng 2 tuần, ca bệnh này từng được truyền tới 46 chế phẩm máu.

(vietnamnet.vn)

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Bộ Y tế không khuyến khích người dân xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2

Suckhoedoisong.vn – GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Chủ trương của Bộ Y tế không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, bởi lẽ nếu xét nghiệm có kết quả âm tính sẽ gây ra tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra chiều qua- 19/5, một số thành viên Ban Chỉ đạo, các chuyên gia cho biết gần đây có một số người cho rằng việc xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 nhiều đang được khuyến khích, thậm chí có người còn đề nghị thực hiện “5K vắc xin xét nghiệm” thay vì “5K vắc xin” như hiện nay.

Về việc này GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Hiện tại chúng ta chỉ có chủ trương tăng cường năng lực xét nghiệm tại các tỉnh, thành phố và tại các cơ sở y tế để chủ động tấn công bằng xét nghiệm trong trường hợp cần thiết nhằm tăng cường truy vết.

“Chủ trương của Bộ Y tế không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, bởi lẽ nếu xét nghiệm có kết quả âm tính sẽ gây ra tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch”- GS.TS Trần Văn Thuấn nói.

Thứ trưởng Bộ tế cũng đồng thời khẳng định: Bộ Y tế không có quan điểm “5K vắc xin xét nghiệm” mà tuyệt đối tuân thủ theo phương châm, nguyên tắc mà Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã đề ra là “5K vắc xin”.

Liên quan đến công tác xét nghiệm, Bộ Y tế cho biết, tại 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, các lực lượng chức năng đang nỗ lực tăng tốc xét nghiệm. Bộ Y tế đã cử các chuyên gia của các Viện/bệnh viện: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, BV Nhi TW, BV Bạch Mai và Trường Đại học Y Hà Nội về 2 tỉnh này, cùng đó, Bộ đã cấp xuất hoá chất xét nghiệm để cùng 2 tỉnh tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ công nhân ở khu công nghiệp có nguy cơ cao, xét nghiệp sàng lọc các khu vực tập trung nhiều nhà trọ của công nhân.

Tính đến ngày 18/5/2021, cả nước đã thực hiện 3.324.043 xét nghiệm Realtime RT-PCR, tương đương 4.398.533 lượt người được xét nghiệm, trong đó từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện được 548.538 xét nghiệm, tương đương 871.594 lượt người.

(Suckhoedoisong.vn)

Bộ Tài chính đề xuất lập Quỹ để mua 150 triệu liều vắc xin Covid-19

Việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc xin để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân…

Theo thông tin từ Bộ Tài chính tối 19-5, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký Tờ trình đề xuất Chính phủ xem xét, phê duyệt việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19.

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới; thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về chủ trương mua vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và các nguồn tài chính hợp pháp khác, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, trong đó quy định nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: Nguồn NSNN đảm bảo theo phân cấp NSNN; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả.

Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến mua 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, kinh phí mua vắc xin khoảng 21 nghìn tỷ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.

Về nguồn kinh phí để mua vắc xin, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, bảo đảm cho các đối tượng do trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, khi dịch kéo dài thì nhu cầu vắc xin hằng năm tăng cao, kinh phí sẽ mua vắc xin lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn NSNN thì sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.

Trong bối cảnh cân đối NSNN khó khăn, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác mua vắc xin phòng Covid-19, việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc xin để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.

Quỹ vắc xin phòng Covid-19 có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính của Quỹ cho hoạt động tài trợ, hỗ trợ mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19. Quỹ này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Quỹ sẽ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước.

Quỹ được vận động quyên góp, tài trợ cho Quỹ; tiếp nhận, quản lý sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, tài trợ cho các hoạt động mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 theo quy định.

Quỹ vắc xin phòng Covid-19 sẽ thực hiện chế độ báo cáo kế toán, quyết toán, công khai tài chính theo quy định của Luật Kế toán và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Quỹ có trách nhiệm thực hiện báo cáo tình hình thu, chi, quyết toán tài chính quỹ để tổng hợp chung nguồn lực báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong các báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội và NSNN; thực hiện công khai số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại (nếu có).

(hanoimoi.com.vn)

Thủ tướng chỉ ra 7 nguyên nhân dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, từ bên ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến những sơ hở trong việc quản lý cách ly, địa phương phản ứng chậm trễ, lúng túng, bị động khi dịch xuất hiện…

Thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 nêu, tính từ 27/4, ngày phát sinh đợt dịch mới, đến 19/5, cả nước đã ghi nhận 1.539 ca mắc mới trong cộng đồng tại 28 tỉnh, thành. Đây là đợt dịch có diễn biến phức tạp, khó lường, do chủng mới của vi rút có độ nguy hiểm cao, lây lan nhanh và khó chữa trị.

Đặc biệt, đợt dịch này đã lây lan tại một số khu công nghiệp tập trung đông công nhân, nơi Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó. Dịch bệnh xảy ra trong thời điểm chuẩn bị và tiến hành bầu cử, trong bối cảnh dịch bệnh tại các nước trong khu vực vẫn tăng cao, nhất là tại Campuchia, Lào và đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam ở nước ngoài, Việt kiều tăng cao, gây áp lực lớn.

Thủ tướng điểm lại những nguyên nhân dẫn đến đợt bùng phát dịch thứ 4 này, như nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài qua đường nhập cảnh; quản lý nhập cảnh, đấu tranh ngăn chặn nhập cảnh trái phép, quản lý cư trú, kiểm soát và xử lý cư trú trái phép chưa chặt chẽ, còn có sơ hở.

Bên cạnh đó, vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh của một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (kể cả cơ quan, đơn vị của Nhà nước) và một bộ phận nhân dân.

Việc quản lý cách ly người nhập cảnh, theo dõi y tế sau cách ly thiếu chặt chẽ, sơ hở, chủ quan. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm đầy đủ yêu cầu 4 tại chỗ.

Nguyên nhân khác, một số địa phương, đơn vị chưa có dịch bệnh nên chưa có kinh nghiệm, còn chậm trễ, lúng túng, bị động ứng phó khi có dịch.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhận định, một số quy định, quy chế quản lý nhà nước về phòng, chống dịch còn bất cập, hạn chế, chưa đồng bộ, chưa sát thực tế.

Nhìn lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương, tại các cấp, các ngành, của các cấp ủy, chính quyền, Thủ tướng đánh giá  vẫn còn có hiện tượng lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm, cần kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm, xử lý và nhanh chóng khắc phục.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục hiện tượng này. Quan điểm chống dịch tránh cả hai khuynh hướng là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi không có dịch và hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh khi ứng phó dịch.

Thủ tướng lưu ý, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh, lấy tấn công là chính, phòng là thường xuyên, cơ bản, quyết định.

Lãnh đạo Chính phủ phân tích, tấn công là “5K vắc xin”; xét nghiệm sàng lọc diện rộng. Các đơn vị tích cực huy động các nguồn lực để tăng năng lực xét nghiệm, bảo đảm nhanh, chính xác, hiệu quả; tiếp cận đa dạng nguồn vắc xin, nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu, sản xuất trong nước.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ Y tế, các địa phương rà soát các biện pháp chống dịch tại các khu công nghiệp. Bộ Công Thương chuẩn bị phương án, kể cả cho tình huống xấu nhất, về cung ứng hàng hóa, vật tư y tế, nhất là hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt tại vùng có dịch bệnh.

(dantri.com.vn)


Nguồn bài viết: https://menopausehealthmatters.com/thong-tin-y-te-tren-cac-bao-ngay-20-5-2021/
Kommentare
Noch keine Kommentare. Seien Sie der Erste.