Blogs Blogs

Zurück

Thông Tin Y Tế Trên Các Báo Ngày 18/5/2021

Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 18/5, mời quý đọc giả đón đọc:

Hà Nội thêm 6 ca nhiễm mới, 3 người trong gia đình cựu Giám đốc Hacinco

Sáng 18/5, CDC Hà Nội đã thông tin thêm 6 ca nhiễm mới trên địa bàn, trong đó có 3 người là F1 của BN3634 – ổ dịch Thanh Xuân (BN3634 là N.V.T. – cựu Giám đốc công ty Hacinco). 1 ca là F1 của BN3677 – chùm ca bệnh Công ty Sơn SLAND) và 2 ca thuộc chùm Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

3 ca F1 3634 tại Thanh Xuân:

BN N.H.H., nam, sinh năm 2018. Địa chỉ: Đơn nguyên 2, Center Point 27 Lê Văn Lương, Nhân Chính, Thanh Xuân. Bệnh nhân là F1 (con út) của BN3634.

BN N.T.N.H., nam, sinh năm 1949. Địa chỉ: Đơn nguyên 2, Center Point 27 Lê Văn Lương, Nhân Chính, Thanh Xuân. Bệnh nhân là F1 (bố) của BN3634 (sang chơi nhà BN3633,3634 ngày 8/5).

BN N.T.Đ., nữ, sinh năm 1961. Đơn nguyên 2, Center Point 27 Lê Văn Lương, Nhân Chính, Thanh Xuân. Bệnh nhân là F1 (người giúp việc) của gia đình BN3634.

3 trường hợp trên được lấy mẫu và chuyển cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục Quốc Phòng An ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Thạch Thất ngày 12/5, kết quả lần 1 âm tính. Ngày 17/5 các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng bệnh (ho, sốt), lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính (mẫu do CDC Hà Nội).

1 ca liên quan ổ dịch Công ty Sơn SLAND, Thường Tín:

BN N.V.H., nam, sinh năm 1987, công nhân Công ty SLAN. Địa chỉ: Xâm Dương 2, Ninh Sở, Thường Tín. Bệnh nhân là F1 của BN3677, Hưng Yên (ngoài ra còn là F1 BN3781, 3786), thuộc ổ dịch thôn Quang Hiền.

Bệnh nhân được lấy mẫu và chuyển cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục Quốc Phòng An Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Thạch Thất ngày 13/5, kết quả lần 1 âm tính. Ngày 17/5 bệnh nhân xuất hiện sốt 38,8 độ C, lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính (mẫu do CDC Hà Nội thực hiện).

2 ca thuộc chùm Bệnh viện K Tân Triều:

BN C.V.T., nam, sinh năm 1960. Địa chỉ: Thôn 5, Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Nội; bệnh nhân điều trị tại khoa Nội tạo huyết, Bệnh viện K Tân Triều từ ngày 22/4.

BN D.Q.L., nam, sinh năm 1967. Địa chỉ: Thôn Chùa, Yên Đồng, Yên Lạc, Vĩnh Phúc; bệnh nhân điều trị khoa Nội tạo huyết, Bệnh viện K Tân Triều từ ngày 5/5.

2 trường hợp trên cách ly tại bệnh viện từ ngày 6/5 và có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính. Ngày 11/5, được chuyển cách ly tập trung tại trường cao đẳng nghề Công nghệ cao, Nam Từ Liêm. Ngày 17/5, TTYT Nam Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm lần 2 và có kết quả dương tính (mẫu do CDC Hà Nội xét nghiệm).

(kinhtedothi.vn)

102 trường hợp liên quan đến học sinh lớp 11 mắc Covid-19 tại huyện Thường Tín đã có kết quả âm tính

Liên quan đến ca bệnh 4.288 ở xã Hiền Giang, huyện Thường Tín (Hà Nội) được Bộ Y tế công bố vào tối 17-5, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vào sáng nay (18-5), đã có 22 trường hợp F1 âm tính, 80 mẫu liên quan âm tính và còn 1 mẫu F1 chưa có kết quả.

Trước đó, ca bệnh 4.288 (tên là N.T.M, học sinh lớp 11A1 Trường THPT Phùng Hưng, tại xã Hiền Giang, huyện Thường Tín) được xét nghiệm ngày 17-5 và có kết quả dương tính. Bệnh nhân M là F2 của ca bệnh 3.786 (là F1 của ca bệnh 3.677 (ở tỉnh Hưng Yên) – người lây bệnh cho nhân viên của Công ty cổ phần quốc tế Sland ở xã Hiền Giang, huyện Thường Tín).

Ca bệnh N.T.M sống cùng 6 người trong gia đình (gồm: Bố, mẹ, vợ chồng chị gái và 2 cháu). Bố mẹ của M bán bia (quán đối diện nhà riêng). Từ khi nhà trường cho nghỉ học vì dịch bệnh, M được bố cho đi học điêu khắc tại xưởng nhà bác gần nhà (thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín).

Buổi chiều, M thường phụ giúp bố mẹ bán bia. Đến ngày 11-5, quán đóng cửa theo quy định phòng, chống dịch của UBND thành phố Hà Nội, thỉnh thoảng có bán cho người mua bia mang về. Bên cạnh nhà bệnh nhân có quán Quỳnh Nguyên, theo khai thác từ bố bệnh nhân, quán này thường có công nhân, nhân viên Công ty Sland đến ăn.

Ngày 7-5: Sáng, M ở xưởng nhà bác làm một mình; chiều ở xưởng, tối vào quán bia Duy Minh (thôn Nhân Hiền) cùng bạn, sau đó đi mua sữa rửa mặt.

Ngày 8-5: Sáng M ở nhà, chiều đi chơi cùng bạn tới nhà một người trong xã.

Ngày 9-5 và 10-5: M ở nhà và ra xưởng.

Ngày 11-5: Buổi sáng M ra cửa hàng trà sữa Tocotoco (đường chợ Bằng, khu Cầu Dừa, xã Văn Bình, huyện Thường Tín) cùng một bạn gái. Buổi chiều, M sang nhà một người bạn trong xã Hiền Giang.

Ngày 12-5: Buổi sáng, M ở nhà, buổi chiều ở xưởng 1 mình. Buổi tối, M đến quán Dũng Hằng – Thóc Gạo quán (đội 8, thôn Nhân Hiền) cùng các bạn và tới gặp một bạn gái ở xã Vân Tảo, huyện Thường Tín.

Ngày 13-5: Buổi sáng, M đến quán Thư Mai cùng bạn uống nước.

Ngày 14-5: M sang quán Tiến Ngân cùng bạn.

Ngày 15-5: M ở nhà, tiếp xúc với người thân trong gia đình.

Ngày 16-5: Buổi sáng, M sốt 38,9 độ và người nhà đã thông báo với Trạm Y tế xã về yếu tố tiếp xúc với ca bệnh 3.786 và có triệu chứng. Bệnh nhân được xác định là trường hợp F2 có triệu chứng, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín. Tại đây, M được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút SARS-Cov-2.

(hanoimoi.com.vn)

Hà Nội “thần tốc” lập danh sách 6.300 người làm việc ở Bắc Giang và Bắc Ninh

Theo thống kê, Hà Nội có 151 người làm ở Bắc Giang, 6.153 người làm ở Bắc Ninh, lãnh đạo TP và Sở Y tế yêu cầu các quận, huyện nhanh chóng lập danh sách, theo dõi, kiểm soát chặt số người này.

Chiều 17-5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội đã họp trực tuyến.

Trước mối lo dịch bệnh xâm nhập từ các tỉnh lân cận, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, thực hiện Công điện 07 và 08 của UBND Thành phố, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) và Chế xuất Hà Nội đã chủ động liên hệ với các tỉnh để cập nhật số lượng người làm tại các KCN của các tỉnh nhưng lưu trú trên địa bàn Hà Nội.

“Cụ thể, có 151 chuyên gia, người lao động ở Hà Nội đi làm tại Bắc Giang; 6.153 chuyên gia, người lao động ở Hà Nội đi làm tại Bắc Ninh”, ông Hạnh cho biết.

Với thống kê trên 6.300 người ở Hà Nội đi làm tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các quận, huyện, thị xã yêu cầu những người này tự theo dõi giám sát sức khỏe, hạn chế tiếp xúc, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và phải đảm bảo nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.

Ban quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết đã đánh giá nguy cơ dịch từ 2 tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang và cho rằng nguồn lây từ Bắc Ninh thấp do các doanh nghiệp có các ca F0 như Canon, Samsung đều khoanh vùng, truy vết tốt.

Hiện nay, Hà Nội có trên 150 người sinh sống tại Hà Nội nhưng làm việc tại các KCN thuộc tỉnh Bắc Giang, tuy nhiên các trường hợp này đều đã được khoanh vùng, theo dõi sức khỏe.

Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ Bắc Giang, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Ban quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất đã xây dựng phần mềm trực tuyến về COVID-19 để các doanh nghiệp khai báo, yêu cầu các doanh nghiệp trước ngày 20/5 khai báo danh sách người lao động trên phần mềm để giúp Ban quản lý thống kê được danh sách người lao động, nơi ở, điện thoại liên hệ.

Ban quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng phương án kịch bản khi dịch bệnh ở doanh nghiệp sẽ xử lý ra sao; ban hành văn bản yêu cầu chủ các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện đầy đủ quy định phòng, chống dịch; thành lập 9 tổ để rà soát, kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định phòng, chống dịch, nếu không chấp hành đúng sẽ dừng hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu rõ, từ diễn biến dịch bệnh, trong thời gian sắp tới, nguy cơ lây lan dịch bệnh ở thủ đô vẫn ở mức cao, và yêu cầu tất cả các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm phòng chống dịch…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhắc nhở cấp quận huyện phải tăng cường kiểm tra để xem các công tác đang “trống” nội dung nào; nhất là hiệu quả của tổ COVID-19 cộng đồng, số lượng và thành phần bởi đây là lực lượng hiệu quả nhất để giám sát từ cơ sở, từ những nguy cơ nhỏ nhất.

“Thực tế kiểm tra, công tác này có nơi, có chỗ ở các chung cư chưa hiệu quả. Phải kiểm tra ngay và thường xuyên các tòa nhà để xem các ban quản lý có triển khai nội dung này hay không, có nắm bắt được khai báo y tế tại chung cư không?”, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng đặc biệt nhắc các quận, huyện, thị xã, đến các xã, phường, thị trấn phải rất lưu ý công tác phòng chống dịch tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh lân cận trong đó đặc biệt là giáp ranh 2 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang…

Trước đó, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo cần chuẩn bị sẵn sàng 30.000 chỗ cho trường hợp cách ly bắt buộc trên địa bàn Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đặc biệt yêu cầu, các quận, huyện, thị xã cần nhanh chóng chuẩn bị sẵn 1.000 chỗ cho các trường hợp cách ly bắt buộc là các F1; sẵn sàng kích hoạt ngay lúc cần thiết…

“Quận huyện đến phường xã và quan trọng là các khu dân cư tổ dân phố phải có ngay kịch bản phòng chống dịch, chuẩn bị các phương án sẵn sàng cho sự kiện quan trọng vào ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vào chủ nhật tới; để đây thực sự là ngày hội của Nhân dân ”an toàn nhất, thành công nhất”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu ý kiến.

(suckhoedoisong.vn)

Bệnh viện Phổi Trung ương hạn chế nhận bệnh nhân

Ba nhân viên y tế mắc Covid-19, Bệnh viện Phổi Trung ương hạn chế tiếp nhận bệnh nhân khám, chữa bệnh, chuyển tuyến, chuyển viện.

Bệnh viện cũng dừng hoạt động khám ngoài giờ theo yêu cầu, khám vào thứ bảy, chủ nhật. Viện vẫn nhận bệnh nhân cấp cứu và khám chuyên môn; tăng cường khám trực tuyến online.

Đến nay, Bệnh viện Phổi Trung ương đã ghi nhận 3 ca Covid-19, làm việc tại Phòng Chỉ đạo chương trình. Nguồn lây được xác định là ngoài bệnh viện.

Ca đầu tiên được xác nhận vào sáng 14/5 là một bác sĩ của Phòng Chỉ đạo chương trình, tiền sử dịch tễ đi Đà Nẵng về. Bệnh viện sau đó đã cách ly y tế Phòng Chỉ đạo Chương trình và lấy mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc gần. Kết quả, một người cùng phòng với bác sĩ này cũng xét nghiệm dương tính.

Tối 16/5, bệnh viện lại phát hiện thêm một trường hợp dương tính nữa nhờ chủ động xét nghiệm sàng lọc. Anh này tiếp xúc với hai bác sĩ dương tính nCoV tại viện vào ngày 5-6/5 và các ngày 12-13/5, các lần tiếp xúc ở khoảng cách dưới 2 mét và không đeo khẩu trang 5-10 phút.

Anh được Bệnh viện Phổi Trung ương lấy mẫu xét nghiệm hai lần vào ngày 4/5 và 14/5, kết quả âm tính nCoV. Sau đó, nam kỹ thuật viên được cách ly tại địa phương. Ngày 16/5, anh đau họng, sốt. Bệnh viện Phổi Trung ương lấy mẫu, xét nghiệm bằng kỹ thuật Gene Expert, kết quả dương tính nCoV.

Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, thừa nhận trong quá trình rà soát, bệnh viện để lọt trường hợp thứ ba này là F1, chứ không phải F2 như đánh giá ban đầu. Hiện toàn bộ cán bộ trong Phòng Chỉ đạo Chương trình được coi là F1, cách ly tập trung tại địa phương.

Bệnh viện cũng lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ các khu vực nguy cơ cao. Hiện nay 176 mẫu đơn nguy cơ cao nhất kết quả âm tính bao gồm Phòng Chỉ đạo chương trình, Khoa Vi sinh và một số có tiền sử tiếp xúc. Các trường hợp F2 cũng âm tính. Dự kiến chiều 18/5, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ có kết quả giải trình tự gene virus của 3 bệnh nhân Covid-19 của viện.

Ông Nhung khẳng định hiện khối lâm sàng (tức là điều trị bệnh nhân) vẫn an toàn. Khám cấp cứu đảm bảo bình thường. Các dịch vụ khác vẫn diễn ra trong tầm kiểm soát.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, nhấn mạnh bệnh viện phải đặt cảnh báo ở mức độ cao nhất, rà soát các kịch bản tình huống số ca nhiễm trong bệnh viện nhiều hơn để kịp thời ứng phó.

“Bệnh viện tiếp tục rà soát, thực hiện xét nghiệm 3-5 ngày một lần cho cán bộ, nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và người nhà”, ông Khuê yêu cầu.

(vnexpress.net)

Sản phụ mắc Covid-19 sinh con

Sản phụ 23 tuổi, quê Hưng Yên, mắc Covid-19 điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đêm qua sinh bé gái nặng 2,8 kg.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh, khoa Ngoại Sản, trực tiếp phẫu thuật, sáng 18/5 cho biết sản phụ bị viêm đường hô hấp trên, chưa tổn thương phổi, mang thai 38 tuần. Đêm qua cô có dấu hiệu chuyển dạ song tim thai chậm, không đều. Bác sĩ chẩn đoán suy thai, hồi sức tim thai nhưng không đáp ứng. Sản phụ được chỉ định sinh mổ cấp cứu.

Khoảng 22h, bé gái chào đời, nặng 2,8 kg. Bé sinh ra bị suy hô hấp, sau khi được hồi sức sơ sinh đã ổn định sức khỏe.

Hiện người mẹ cách ly với em bé, tiếp tục điều trị tại khoa Ngoại Sản và theo dõi nguy cơ chuyển biến nặng. Bé gái được bác sĩ nhi khoa theo dõi sức khỏe chặt chẽ.

Đến nay, đây là sản phụ mắc Covid-19 thứ hai sinh con thành công tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Bệnh viện đang điều trị hơn 340 bệnh nhân Covid-19, trong đó có một người mang thai khoảng 20 tuần.

(vnexpress.net)

Việt Nam thay đổi chiến thuật xét nghiệm Covid-19

Bộ trưởng Y tế cho biết, Việt Nam đang thay đổi cơ bản chiến lược xét nghiệm, cấp phép xét nghiệm kháng nguyên nhanh để tầm soát diện rộng.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, đến thời điểm hiện tại hầu hết các địa phương đã kiểm soát được tình hình dịch. Tuy nhiên, Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn còn tương đối nóng, cần nỗ lực kiểm soát tình hình.

Ổ dịch Bắc Giang xảy ra trong khu công nghiệp, tại nhà máy có mật độ công nhân làm việc rất cao, khoảng cách giữa công nhân với công nhân hạn hẹp vì vậy khi xảy ra dịch tạo thành chùm lây nhiễm mạnh.

Hiện địa phương này đã lấy được hơn 200.000 mẫu, đây là nỗ lực rất lớn để kiểm soát dịch.

“Chúng tôi cho rằng thời gian tới đây có thể xuất hiện thêm các ca nhiễm, nhưng các ca nhiễm này nằm trong các khu vực đã thực hiện cách ly, phong toả”, Bộ trưởng nhận định.

Đối với Bắc Ninh, đây cũng là địa phương có nguy cơ rất cao do giáp Bắc Giang và có nhiều khu công nghiệp với số lượng công nhân rất lớn. Tuy nhiên hiện địa phương này đang kiểm soát tốt tình hình.

Do ổ dịch xuất hiện tại các khu công nghiệp, số ca F0 tăng nhanh, Bộ Y tế đã chỉ đạo thay đổi cơ bản chiến lược xét nghiệm.

Ngoài cho phép xét nghiệm PCR gộp mẫu như trước kia, lần này tầm soát diện rộng hơn nên Bộ Y tế đã cấp phép và cho phép sử dụng sinh phẩm kháng nguyên nhanh để xét nghiệm nhanh tại chỗ, kết quả có sau 15-20 phút.

Theo ông Long, đây là cách thức tiếp cận mới, giúp nâng cao tổng lực xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn khi về Bắc Giang cũng chỉ đạo, trong các khu vực cách ly phải xét nghiệm kháng nguyên hàng ngày, phát hiện dương tính đưa đi cách ly riêng ngay, không đợi xét nghiệm PCR.

Test nhanh kháng nguyên cũng được khuyến khích sử dụng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí hoặc các khu vực nhiều nguy cơ khác.

“Ngành y tế sẽ hài hoà giữa xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể để đánh giá tình hình dịch cũng như đưa ra các hướng dẫn về cách ly y tế, cách ly tập trung sau này với một số đối tượng là chuyên gia hay người nhập cảnh vào Việt Nam, người nước ngoài nhập cảnh đã tiêm vắc xin”, Bộ trưởng Long thông tin.

Trước câu hỏi tại sao các tỉnh không thực hiện giãn cách xã hội toàn địa bàn, Bộ trưởng Long cho biết, các địa phương sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh để ra quyết định giãn cách phạm vi hẹp theo chỉ thị 15, 16 hay 19 của Chính Phủ.

Tuy nhiên trường hợp giãn cách cả một tỉnh phải báo cáo Chính phủ.

“Quan điểm của chúng ta là giãn cách sao cho gọn để vừa phòng chống được dịch bệnh vừa không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của người dân. Do đó địa phương phải đánh giá được tình hình dịch bệnh để có quyết sách phù hợp”, ông Long nói.

(vietnamnet.vn)

Khẩn cấp xin ý kiến thành viên Chính phủ việc mua vaccine Pfizer

Công ty Pfizer không chấp nhận đàm phán về giá, các điều kiện hợp đồng và Việt Nam phải trả lời chậm nhất trong ngày 18/5.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17/5 về việc mua vaccine phòng Covid-19 của Công ty Pfizer.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã báo cáo về phương án mua vaccine phòng Covid-19 của Công ty Pfizer.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Công ty Pfizer không chấp nhận đàm phán về giá, các điều kiện hợp đồng và Việt Nam phải trả lời Công ty Pfizer chậm nhất trong ngày 18/5.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các phó thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc mua vaccine phòng Covid-19 là cần thiết, cấp bách theo đúng kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nghị quyết của Chính phủ. Ông giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm về lựa chọn loại vaccine.

Trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, khan hiếm vaccine phòng, chống Covid-19 trên toàn cầu, để sớm có vaccine và tiêm cho nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vaccine sớm nhất.

“Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp khẩn trương chuẩn bị phiếu xin ý kiến thành viên Chính phủ và dự thảo nghị quyết của Chính phủ việc mua vaccine phòng Covid-19 của Công ty Pfizer. Các phiếu này phải gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ trong ngày 17/5 và xin lại ý kiến các thành viên Chính phủ trước 9h ngày 18/5.

Căn cứ nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến thẩm định chính thức bằng văn bản về phương án mua vaccine phòng Covid-19 do Bộ Y tế đề xuất, đồng thời dự thảo quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu, báo cáo Thủ tướng.

(zingnews.vn)


Nguồn bài viết: https://menopausehealthmatters.com/thong-tin-y-te-tren-cac-bao-ngay-18-5-2021/
Kommentare
Noch keine Kommentare. Seien Sie der Erste.