Viêm âm đạo do nấm hay còn gọi là nấm âm đạo chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các thể bệnh viêm nhiễm phụ khoa thường gặp ở phụ nữ. Tình trạng này gây ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, cuộc sống của chị em. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận diện rõ những triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị hiệu quả nhất.
Theo số liệu thống kê có tới 75% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từng mắc viêm âm đạo do nấm. Đây là tình trạng viêm (sưng, đỏ) ở âm đạo, với tác nhân chính là nấm men Candida albicans. Hiện nay, bệnh viêm âm đạo do nấm Candida có thể điều trị dễ dàng. Tuy nhiên bệnh rất dễ tái phát trở lại, khiến chị em gặp nhiều khó chịu và bất tiện trong cuộc sống. Để điều trị triệt để căn bệnh này, bạn cần phát hiện bệnh sớm và chữa trị ngay khi bệnh mới khởi phát. Tránh để bệnh phát triển nặng rất dễ trở thành mãn tính.
Cách nhận biết bệnh viêm âm đạo do nấm
Viêm âm đạo do nấm có thể nhận biết rất dễ dàng thông qua những triệu chứng điển hình dưới đây:
- Âm đạo ngứa ngáy và nhạy cảm.
- Cảm thấy nóng rát và đau ở âm đạo, đặc biệt là sau khi quan hệ hoặc đi tiểu.
- Có thể xuất hiện ban đỏ ở quanh âm đạo.
- Dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn, màu trắng, đặc sánh và không có mùi.
Mặc dù vậy, nấm âm đạo vẫn có thể bị nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khác. Vì thế khi có các triệu chứng nghi ngờ, bạn nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác nhất.
Nguyên nhân gây bệnh nấm âm đạo
Nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh nấm âm đạo là do loại nấm men Candida albicans. Thông thường trong âm đạo luôn tồn tại song song nấm Candida và vi khuẩn. Trong đó nhiều loại vi khuẩn có lợi sẽ giúp kiểm soát và ngăn chặn nấm Candida phát triển quá nhiều.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp sự cân bằng này bị phá vỡ, khiến nấm Candida phát triển sâu và trong âm đạo sẽ gây ra bệnh. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm âm đạo do nấm Candida như:
- Sử dụng kháng sinh trong thời gian dài;
- Phụ nữ mang thai;
- Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường;
- Sử dụng thuốc tránh thai;
- Suy giảm hệ miễn dịch.
Cách chữa viêm âm đạo do nấm Candida
Hiện nay việc điều trị nấm âm đạo không quá phức tạp. Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ của bệnh và tình trạng tái phát để có phương án điều trị tốt nhất. Cụ thể:
Trường hợp nhẹ: Với những trường hợp nấm âm đạo ở mức độ nhẹ đến trung bình, mới mắc lần đầu hoặc tần suất tái phát thấp, thông thường sẽ được chỉ định điều trị ngắn hạn trong 3 – 7 ngày. Bệnh nhân được kê thuốc uống chống nấm, kết hợp với thuốc chống nấm dạng bôi hoặc thuốc đặt vào âm đạo.
Trường hợp nặng: Với trường hợp nấm âm đạo mức độ nặng, tần suất tái phát cao, bác sĩ có thể chỉ định điều trị lâu dài trong vài tháng. Các loại thuốc sử dụng thường bao gồm: Thuốc uống chống nấm liều cao, thuốc bôi chống nấm hoặc thuốc đặt âm đạo. Bệnh nhân có thể phải điều trị liên tục trong 2 tuần, sau đó sử dụng liều duy trì mỗi tuần 1 lần trong suốt 6 tháng.
Sử dụng dung dụng vệ sinh kết hợp thuốc: Bệnh nhân nhiễm nấm âm đạo cũng thường được kê đơn các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ có chứa chất chống nấm. Chị em cần nhớ là chỉ nên sử dụng hợp lý theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý thụt rửa nhiều lần sẽ gây hiệu quả ngược, làm chết các vi khuẩn có lợi khiến nấm men càng phát triển mạnh hơn.
**Lưu ý: Tất cả các loại thuốc chữa nấm âm đạo không được khuyến khích sử dụng cho phụ nữ có thai. Nếu bạn đang mang bầu mà bị nấm âm đạo, cần thăm khám với bác sĩ để được tư vấn điều trị đặc biệt.
Phòng ngừa viêm âm đạo do nấm Candida
Nấm âm đạo là căn bệnh rất khó chịu và có nguy cơ tái phát cao. Chính vì thế, cách tốt nhất là bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước khi mắc bệnh. Một số lưu ý sau đây sẽ giúp bạn giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc nấm âm đạo.
- Vệ sinh âm đạo sạch sẽ hàng ngày bằng các loại dung dịch rửa dịu nhẹ, có thành phần từ thiên nhiên.
- Sử dụng các loại đồ lót mềm mại, chất liệu thấm hút tốt và thoải mái, không mặc quần quá chật.
- Không tự ý thụt rửa âm đạo hoặc sử dụng các loại chất tẩy rửa mạnh.
- Hạn chế sử dụng kháng sinh dài ngày nếu không cần thiết.
- Luôn lau khô âm đạo sau khi tắm và đi vệ sinh, tránh mặc quần áo ướt trong thời gian dài.
- Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung các loại vitamin A, C, E, protein và khoáng chất giúp tăng sức đề kháng, ổn định nội tiết tố của cơ thể.
- Tập luyện thể thao đều đặn, đặc biệt là những môn như yoga, khí công, thiền… rất tốt cho quá trình lưu thông máu, giúp tăng cường thể trạng và hạn chế sẽ phát triển, lây lan của những loại vi khuẩn, nấm men.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh viêm âm đạo do nấm. Tốt nhất bạn nên thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa ngay khi có những triệu chứng đầu tiên của bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.